Ví dụ thế này: Bạn đang chơi game mà bạn yêu thích thì thời gian trôi rất nhanh, còn bạn đang ở trên giảng đường đại học thì bạn có thể đếm được từng giây. Khi làm việc yêu thích và khi bạn cảm thấy vui thì thời gian trôi tương đối nhanh, ngược lại, thì lại trôi tương đối chậm.
Thời gian vật lý vẫn trôi như cũ thôi. Nhưng cảm giác khác nhau. Một người bận rộn cảm giác cuộc đời ngắn hơn là một người nhàn rỗi. Người vô công rồi nghề là cảm nhận cuộc đời dài lê thê nhất. Sở dĩ tôi chọn cuộc sống bận rộn là để cho cuộc đời ngắn lại (make life shorter). Chúng ta có thể điều chỉnh thời gian cuộc đời thông qua mức độ bận rộn.
Bạn chỉ làm thế nếu học tập để có năng lực tốt để điều chỉnh được mức bận rộn. Vì nếu không, cuộc đời của bạn lại do người khác định đoạt, bạn cảm thấy chán, nên cảm thấy đời dài lê thê. Đó là trường hợp làm công ăn lương chỉ để lo cơm áo gạo tiền, vì công việc chán, nên thời gian làm việc cảm thấy rất dài, tới hết giờ làm là dọn đồ trong ... 30 giây, vừa thấy mặt trong phòng phút sau đã thấy ở bãi gửi xe lấy xe về.
Thời gian tâm lý thường bị méo mó
Thời gian tâm lý và sự nôn nóng
Con người thường bị thời gian tâm lý, nhất là ở xã hội nho giáo coi trọng lòng hiếu thảo bằng cách lập gia đình có con sớm. Cuộc sống chất lượng càng thấp thì càng nôn nóng. Ở trong hoàn cảnh càng thiếu thoải mái thì cũng càng nôn nóng. Ví dụ, nôn nóng lập gia đình sớm để thoát khỏi cha mẹ. Hay nôn nóng lập gia đình sớm để cảm giác đang sở hữu gì trong cuộc đời, hay tạo niềm vui trong cuộc đời. Hay mong muốn có con sớm để không thua kém bạn bè và để có thể để lại "di sản" trong đời.Người vượt đèn đỏ cũng là người bị áp lực thời gian tâm lý và nôn nóng: Nôn nóng thoát cảnh chờ đợi. Một giây chờ đợi không khác gì địa ngục với họ.
Người xả rác cũng là người nôn nóng: Thêm một giây cầm rác trên tay là thêm một giây khổ sở.
Đây chỉ là thời gian tâm lý. Ở các nước văn minh, con người ý thức cao thì người ta ít bị nôn nóng bởi thời gian tâm lý mà vẫn tuân thủ luật lệ chung.
Những người bị ảnh hưởng bời thời gian tâm lý thường là người có tâm lý yếu, ý thức thấp, sức chịu đựng kém nên thường không hoàn thiện được nhân cách và thành công lâu dài.
Hãy nghĩ thế này: Nếu bạn làm bánh thì bạn cũng mất 2 năm học việc, 5 năm để thành thợ và 10 năm để thành thầy. Bạn cần học liên tục suốt 10 năm, số giờ có thể lên tới 10 ngàn giờ, mới thành thợ chuyên nghiệp và truyền dạy cho người khác được. Lúc này, bạn trở thành nghệ nhân, mà tiếng Nhật thường gọi là 職人 shokunin [chức nhân].
Để làm được như thế thì bạn phải làm chủ thời gian tâm lý và không được nôn nóng. Bạn phải chuyên tâm trong suốt 10 năm, chỉ vào một mục đích, thì mới thành chuyên gia được.
Ngược lại, người hay nôn nóng thì thường không tập trung, sức chịu đựng kém, thường làm tối đa 5 năm là chán và bỏ. Bỏ cuộc là vì không còn duy trì được sự tập trung, sự kiên định nữa. Hoặc đơn giản là ban đầu chỉ muốn kiếm lợi nhuận mà làm, khi không có lợi nhuận nữa thì bỏ cuộc.
Những người vượt đèn đỏ, xả rác ngoài đường, khạc nhổ ngoài đường, hay phì phèo thuốc lá nơi công cộng vv khó mà thành công được. Kỷ luật và sức bền đều không có, tinh thần yếu kém. Những nước mà có nhiều người như thế thường nghèo và lạc hậu. Đây là luật nhân quả biện chứng. Không phải vượt đèn đỏ thì kém phát triển mà vượt đèn đỏ là "quả" của "nhân" giáo dục nhân cách kém, và từ cái "nhân" giáo dục kém này mà làm gì cũng thất bại, cuối cùng chỉ làm công việc chân tay theo mệnh lệnh được thôi.
Những người lập gia đình sớm cũng thường là dạng nôn nóng, muốn nhanh chóng tới đích. Cũng có thể họ đạt mục đích này, nhưng hiếm khi gia đình vui vẻ hạnh phúc, và thậm chí còn không duy trì lâu dài. Cuối cùng, họ mất cả cuộc đời vào cuộc hôn nhân sai lầm, và chẳng bao giờ quay lại để làm lại từ đầu được nữa vì con người không có khả năng quay về quá khứ. Và lại, lúc đấy thì sức lực, tinh thần đã tiêu tan, ý chí đã rệu rã rồi.
Làm sao để có thể làm chủ thời gian?
Đây mới là chủ đề quan trọng quyết định bạn có hạnh phúc hay không. Một người luôn nôn nóng là người luôn không hạnh phúc. Việc nôn nóng như xả rác, vượt đèn đỏ vv chỉ chứng tỏ là người đó có chất lượng sống thấp và không hạnh phúc và cũng thường là kiểu người tư lợi. Về lâu dài thì chẳng bao giờ thanh thản mà sống được, mà thanh thản lại là nền tảng của cuộc sống hạnh phúc.Điều hay là thế này: nếu bạn sống thanh thản thì hạnh phúc là sự lựa chọn. Bạn có thể dễ dàng hạnh phúc vì bạn đang thanh thản. Nhưng có thể bạn chỉ chọn sống hài hòa mà không chọn sống hạnh phúc. Vì sao? Vì hạnh phúc cần năng lượng, tiêu tốn nhiều năng lượng.
Rốt cuộc, hạnh phúc chỉ là mục đích của người không hạnh phúc mà thôi. Tôi chỉ sống thanh thản, muốn hạnh phúc thì dễ, nhưng tôi lười, với lại tốn năng lượng. Chú ý là tôi không đau khổ, vì đau khổ cũng tốn năng lượng.
Để thanh thản thì bạn không được nôn nóng và phải làm chủ thời gian. Đây là một chủ đề lâu dài, không phải một sớm một chiều và hô khẩu hiệu "Tôi sẽ làm chủ thời gian của mình" mà được.
Tôi ví dụ thế này: Tới ngày tết bạn có làm chủ thời gian của bạn không? Hay bạn bắt buộc phải dành thời gian cho người khác?
Nếu bạn muốn học nấu ăn, liệu bạn có ở riêng một phòng và thực hành, không ai quấy rầy không? Hay bạn phải lặn lội đi thăm rất nhiều người?
Nếu bạn không về nhà ăn tết mà dành thời gian cho bạn, liệu bạn có nôn nóng mà cảm thấy không hạnh phúc không? Liệu bạn có cô đơn tới mức ... đau khổ và hối tiếc vì đã không ăn tết cùng gia đình không?
Phần lớn mọi người đều không làm chủ thời gian nên cuộc đời họ luôn vội vàng, nôn nóng. Không vì thế mà vào cuối đời họ đạt tới sự hoàn thiện nhân cách, hay để lại di sản. Ngược lại, cuối đời của họ chất lượng sống thường thấp, phụ thuộc vào sự phụng dưỡng, chu cấp của con cái, tinh thần yếu đuối, cũng không bao giờ đưa ra lời khuyên hay nhận định khôn ngoan.
Người già khôn ngoan tôi nghĩ là ở các nước phương tây hoặc Nhật Bản thì mới gặp được, vì họ dành cả đời để làm việc và hoàn thiện nhân cách. Đó là lý do vì sao khi bạn còn trẻ nói chuyện với người già Nhật thường hữu ích và thú vị, qua đó bạn cũng hoàn thiện nhân cách. Đó là những người già đáng kính.
Tóm lại thì, tuyệt đối không được nôn nóng khi bạn đang thực hiện lý tưởng gì đó.
Lý tưởng sẽ tồn tại kể cả bạn còn hay mất, nên cứ thực hiện trong phạm vi có thể thôi. Việc du học Nhật Bản cũng vậy: Bạn không được nôn nóng việc kiếm tiền. Hãy tập trung vào con đường học vấn và học hỏi để hoàn thiện nhân cách. Việc học tập đúng đắn - dù không hữu ích lập tức - sẽ giúp bạn hạnh phúc về lâu dài.
Nếu bạn quá nôn nóng việc kiếm tiền thì bạn sẽ không tập trung học tập được. Ngày nay, tôi thấy khá nhiều du học sinh nôn nóng, sốt ruột nên tập trung kiếm tiền sớm. Nhưng lại không thể có sự nghiệp tốt về lâu dài. Trong phần lớn thời gian, khi thấy người khác kiếm tiền thì bạn cũng có thể nôn nóng, nhưng theo tôi thì bạn vẫn nên tập trung vào con đường học vấn.
Nếu bạn từng làm thêm ở Nhật thì nên hiểu thế này: Tiền khi nào kiếm cũng được. Miễn là bạn bỏ thời gian công sức ra thôi.
Con người khó có thể thành công trước năm 40 tuổi (trừ khi bạn thông minh xuất chúng) vì tới khoảng năm 30 tuổi bạn mới tích lũy đủ trải nghiệm để tìm ra lý tưởng, ước mơ của mình. Từ đó, bạn mất 10 năm chuyên tâm, kiên trì để đạt tới trình độ chuyên gia. Nên tới năm 40, bạn mới có thể thực hiện được lý tưởng mà có thể bạn đã đặt ra từ những năm 20.
Vấn đề chính là thời gian và sự rèn luyện, tu dưỡng hàng ngày, từ khi bạn còn là một đứa trẻ.
- Mark -
Ảnh: http://tingilinde.typepad.com/omenti/2012/08/psychological-time-elasticity.html
No comments:
Post a Comment