Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, December 14, 2016

Tư duy giàu vs. tư duy nghèo

"Không ai thật sự giàu. Ai cũng nghèo. Chỉ có nhân loại là giàu. 
Và ai cũng ít nhất một lần phá sản: Cái chết."
- Mark -

Khi bước chân vào đời, ai cũng chỉ hai bàn tay trắng. Khi bạn chết, bạn phá sản. Vậy luận giàu nghèo để làm gì? Không có người thật sự giàu hay thật sự nghèo. Khi nói tới người nghèo thì tôi cũng nằm trong số đó. Nhưng dường như, luận về giàu nghèo lại chỉ dành cho người giàu: Người nghèo lại thường tránh nói về cái nghèo nhất, hoặc dùng cái nghèo để đánh vào lòng thương hại, kêu gọi sự bố thí của người khác.

Vậy điểm khác nhau lớn nhất của con người là gì? Theo tôi đó là việc phân hóa ra thành hai dạng người:
(1) Tư duy giàu
(2) Tư duy nghèo

Một trong các cuốn sách nổi tiếng gần đây là "Cha giàu, cha nghèo" (Rich dad, poor dad):


Khi tác giả muốn quyết định cuộc đời mình thì ông ấy tham khảo hai người cha (cha ruột là trí thức, cha nuôi là nhà kinh doanh). Cái hay là thế này:

Lúc đó thì cha giàu lại chưa giàu và cha nghèo thì không nghèo, lại được xã hội trọng vọng.

Cha nghèo xem ra sống sung túc hơn, phụ thuộc vào hệ thống. Còn cha nghèo thì làm việc miệt mài kiếm từng xu lẻ. Cha nghèo nói những điều có vẻ cao đẹp và xa lánh chuyện tiền bạc. Còn cha giàu thì nói về giá trị, mối quan hệ của lao động và tiền bạc.

Thậm chí, khi đi làm cho cha giàu, tác giả chỉ được trả có nửa lương so với người khác chỉ vì "muốn học về tiền bạc". Thế thì khác gì bóc lột sức lao động?

Khi nói về tư duy giàu và tư duy nghèo thì bạn phải nhớ là:
Điều 1: Chưa chắc người tư duy giàu đã giàu.
Điều 2: Chưa chắc người tư duy nghèo đã nghèo.

Thật ra, khi còn trẻ, người tư duy nghèo lại thường tích lũy được nhiều hơn người tư duy giàu, vì thế, tính vì giá trị tuyệt đối, người tư duy nghèo giàu hơn.

Ở Việt Nam thì đa số là tư duy nghèo: Cực kỳ tiết kiệm, tới mức tơi tả. Trên báo chí có rất nhiều tấm gương ca ngợi nhờ tiết kiệm ăn mặc mà mua được nhà lầu xe hơi. Càng tiết kiệm, ăn càng ít thì càng thành gương sáng. Họ có thể đi làm công ty nước ngoài, lương cao, nhưng vẫn cố gắng ăn mặc thật tàn tạ để tích lũy. Chuyện mua máy lạnh nhưng tiếc tiền điện thì khỏi cần nói.

Hãy ví dụ về bạn đồng môn, một anh A và một anh B. Anh A thì cực kỳ tiết kiệm, không bao giờ mua đồ gì mới, cố gắng thuê nhà càng nhỏ càng tốt. Ngược lại, anh B thì lại chăm chỉ đi du lịch và cố gắng ăn càng ngon càng tốt. Hai anh đều tốt nghiệp cùng trường, đều làm công ty nước ngoài (thì lương mới cao, chứ làm cho công ty VN thì đời nào khá).

Sau 5, 10 năm đi làm, anh A tích lũy rất nhiều, anh B hầu như không tích lũy gì mấy. Anh A có thể mua nhà chung cư sau 10 năm đi làm, sau đó làm lại từ đầu.

Tóm lại, anh A giàu hơn anh B. Không có nghĩa là anh A tư duy tiền bạc tốt hơn anh B. Anh A đầu tư vào nhà cửa, vào chính tiền bạc, làm mọi thứ để tích lũy nhiều hơn. Anh B đầu tư vào bản thân và các cơ hội kiếm tiền.

Không thể nói ai sẽ giàu hơn. Đơn giản là cách tư duy khác hẳn nhau. Một người cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt, khi có tiền rồi thì nhất quyết không tiêu xài mà gửi chặt trong ngân hàng để nó tiếp tục sinh sôi thêm. Một người thì đầu tư cho chất lượng cuộc sống và sự sáng tạo, vì thế tích lũy chỉ vừa đủ, không thể mua nhà.

Khác biệt lớn nhất giữa tư duy giàu và tư duy nghèo

Đó là tư duy về tiền bạc:
Người tư duy nghèo làm mọi thứ vì tiền (làm việc cho ông chủ là tiền).
Người tư duy giàu sử dụng tiền để làm cuộc sống của mình tốt hơn (làm chủ đồng tiền).

Người tư duy nghèo không thể chịu được việc mất tiền. Còn người tư duy giàu thì luôn nghĩ "Tiền là thứ chỉ cần lao động là kiếm được".

Người tư duy nghèo cố gắng giàu hơn bằng cách sáng tạo cách tiết kiệm và hạn chế chi tiêu.
Người tư duy giàu thì cố gắng giàu hơn bằng cách sáng tạo và nâng cao hiệu quả công việc.

Tức là, mối quan hệ giữa "tôi" và "tiền" sẽ quyết định "tôi" tư duy giàu hay tư duy nghèo.

Theo đó, chất lượng sống sẽ khác hẳn nhau. Người tư duy nghèo có thể giàu, nhưng chất lượng sống rất thấp (theo kiểu mua điều hòa xịn lắp đủ các phòng nhưng lại tiết kiệm tiền điện nên không cho ai bật). Ngược lại, người tư duy giàu có thể không giàu, nhưng cố gắng để chất lượng sống được cải thiện.

Vì tư duy khác nhau nên người tư duy nghèo đầu tư vào một đống tiền chôn ở sân sau nhà, còn người tư duy giàu đầu tư vào dòng tiền (tức là business) để sáng tạo nhiều sản phẩm hơn.

Vì sao phân biệt tư duy giàu và tư duy nghèo?

Vì luôn có hai thế giới khác nhau, như nước và lửa, không bao giờ có thể giao thoa. Những người không phân biệt được hai thế giới này sẽ mãi mãi khổ tâm của kẻ đứng giữa hai dòng nước (giữa hai làn đạn):

Vừa muốn có tiền, lại vừa lên án tiền. Vừa ham tiền, lại vừa coi tiền là nguồn gốc tội lỗi.

Vì thế gây nên xung đột trong não, luôn sống trong dằn vặt, khổ tâm, vừa thù ghét tiền bạc, lại vừa yêu thích tiền bạc. Các trí thức giáo điều, khoa bảng hay bị rơi vào trạng thái này.

Nhiều người trẻ ngày nay trở nên sùng bái tiền bạc: Cứ ai có nhiều tiền trên sàn bất động sản, sàn chứng khoán là hâm mộ, coi là người tốt, coi là thánh thiện, mà không thèm quan tâm tới quá trình hình thành nguồn tiền như thế nào. Thậm chí buôn ma túy mà xây chùa làm từ thiện (để rửa tiền vv) vẫn là thánh nhân như bình thường.

Người tư duy nghèo thường làm nô lệ cho đồng tiền nên tư duy như thế là hợp lý. Nhưng nếu bạn tư duy giàu thì bạn đặt câu hỏi là: Liệu quá trình làm giàu đó có giúp cho cuộc sống người dân tốt lên, hay xấu đi?

Nếu một công ty cứ 10 năm lại thay đổi ngành nghề, làm bất động sản mà không sinh lời thì bỏ đi làm ... lâm nghiệp, khai thác gỗ xong rồi bỏ chuyển sang làm ... chăn nuôi, rồi các thành phố đều ngập lụt vì phá rừng, thì quá trình đó - mặc dù tạo ra một số người cực giàu - có giúp cho cuộc sống người dân giàu có lên không?

Xã hội tư duy giàu và xã hội tư duy nghèo

Xã hội tư duy giàu là xã hội xa hoa và giàu có, ví dụ xã hội Mỹ hay Nhật. Xã hội mà con người tư duy nghèo thì sinh ra một tầng lớp người cực giàu nhưng phông nền chung của xã hội là nghèo xơ xác.

Trong xã hội tư duy nghèo, người ăn xin được coi là đáng thương, người bố thí được coi là đạo đức. Nhưng xã hội sẽ tiếp tục nghèo lâu dài.

Trong xã hội tư duy giàu, người ta coi lao động và sáng tạo là đạo đức, vì thế xã hội giàu lâu dài.

Đây là điển hình cuốn sách về tư duy giàu, với tiêu để là "Tại sao chúng ta nghèo?":


Đây là cuốn sách được viết bởi nhà tư bản Henry Ford, chủ yếu về lao động và sáng tạo và đả phá tư tưởng đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp để được giàu có (nhờ tước đoạt của người giàu hơn).

Ngoài ra, bạn cũng có thể học về tư duy giàu qua cuốn "Tại sao chúng tôi muốn bạn giàu" mà Trump và Kyosaki đồng tác giả:


Để tư duy giàu

Bạn cần luôn tự hỏi "Tại sao chúng ta nghèo" để tìm ra chân lý và sự thật. Sẽ chỉ có một chân lý cho mỗi hiện tượng. Hãy học cách tư duy giàu và đúng đắn, đồng thời lật tẩy sự ngụy biện trong tư duy nghèo. Nếu bạn nào chịu khó theo dõi Saromalang thì sẽ tìm được sự thật cho mỗi hiện tượng, từ đó mà tư duy tốt hơn.

"Nếu tôi nghèo thì có nghĩa là tôi lao động, sáng tạo không đủ hay không đúng cách. Hoàn toàn không phải do thời cuộc. Vì thế, tôi học cách làm việc mỗi ngày."
- Mark -

No comments:

Post a Comment