Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Saturday, January 28, 2017

Nền kinh tế định hướng tết và vì sao nên bỏ

Nền kinh tế thể hiện rất rõ vào sức mua hoa dịp tết âm lịch. Ở một số nước nho giáo, tết âm lịch là dịp quan trọng để đoàn tụ gia đình, tìm lại niềm vui và động lực sau một năm lao động "vất vả" (Xem thêm Bệnh nghỉ tết). Vì thế, dịp tết thì dù giàu hay dù nghèo cũng phải làm cơm cúng gia tiên, mua đồ tết, đồ trang trí, ... dẫn tới sức mua tăng vọt. Bài này bàn về kinh tế định hướng tết (âm lịch).

Thứ không thể thiếu là hoa tết gồm nhiều loại hoa mà quan trọng nhất là hoa đào (miền bắc) và hoa mai (miền nam). Buôn hoa dịp tết trở thành ngành hốt bạc. Nhưng kể từ tết 2012 thì ngành này đi xuống và mỗi năm sức mua lại yếu hơn năm trước 30%. Tôi có đi chợ tết 2012 vẫn còn rất đông vui do kinh tế chưa bị ảnh hưởng, nhưng các năm sau đó đều xuống rất nhanh.

Sức mua hoa ngày tết thể hiện kinh tế của người dân

Kinh tế định hướng tết là bất hợp lý

Vì mọi người chỉ chăm chăm kiếm tiền vào dịp tết bằng cách thổi giá. Sở dĩ hoa năm nào cũng ế vì thổi giá tới 5, 10 lần do người bán muốn kiếm lời vào dịp tết để tiêu cả năm. Người dân có muốn mua thì cũng không mua được vì vượt quá khả năng tài chính của họ, dù vẫn biết tết âm lịch là quan trọng nhất trong năm.

Nếu mua hoa giá cao họ sẽ phải cắt giảm đi nhiều thứ khác trong cuộc sống. Vì thế, họ mua ít lại, và hoa sẽ ế. Người bán muốn kiếm tiền tiêu cả năm thì không bán được, nên thua lỗ.

Không chỉ hoa mà các mặt hàng khác, nhất là mặt hàng tết, đều chỉ hướng tới túi tiền của người dân vào dịp tết, trong khi người dân lại không giàu đến thế. Nếu họ giàu, họ cũng sẽ không bỏ tiền mua đồ giá cao đâu.

Tôi ví dụ: Bưởi hồ lô, dưa hấu khắc chữ thì giá trị vẫn chỉ là bưởi và dưa hấu thôi, chẳng khác gì. Nhưng họ bán giá rất cao! Nếu chỉ để thờ cúng thì bưởi nào chẳng được có ai cần khắc chữ đâu. Đây là những mặt hàng vô bổ chỉ để lấy tiền khách hàng.

Hoặc ngành bán hoa, vì sao không bán đúng giá trong cả năm và tới tết vẫn bán đúng giá để tạo thương hiệu? Vì sao cứ nhất định chặt chém để rồi lại thua lỗ? Theo tôi đây chỉ là dạng trục lợi muốn làm ít (làm chỉ dịp tết) mà kiếm được nhiều. Nếu làm ăn đúng thì phải làm ăn có lương tâm, bán giá không đổi quanh năm vì suy cho cùng, chi phí sản xuất vẫn như nhau chứ đâu có phải là dịp tết thì chi phí tăng lên đâu (việc canh tác hoa là cả năm).

Trước đây sở dĩ người ta sẵn sàng ném tiền cho hoa là do kinh tế bong bóng

Bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán, dòng vốn ngoại FDI đổ vào, dòng tiền Việt kiều đổ về đầu tư ... khiến nhiều người có cảm giác không cần lao động mà vẫn giàu. Đó chỉ là bong bóng kinh tế. Ngay khi phải lao động để sống (và trả nợ vay nước ngoài), người ta lập tức cắt giảm chi tiêu về tối thiểu. Và thứ cắt giảm trước tiên có lẽ là tiền tiêu tết vì trước nay chỉ chi tiêu vô bổ để mua hoa và đồ tết. Có những trái bưởi, quả dưa hấu tạo hình cũng tiền triệu, mua biếu sếp lấy lòng.

Giờ thì hết rồi, mọi thứ đều về giá trị thực theo quy luật kinh tế.

Vấn đề khó kiếm lao động dịp tết

Bạn nào ở Nhật cũng thấy nhiều người làm dịp tết vì nhàn hơn mà lương cao hơn. Họ cũng thích đi làm dịp tết để giúp đỡ khách hàng hơn là ở nhà rất chán. Sau tết sẽ nghỉ bù sau càng vui hơn, đỡ chen lấn. Tôi cũng thích học tập và đi làm vào dịp tết, nên có ai cần giúp thì tôi thường không ngại.

Vì người Nhật không nhất thiết phải ăn tết, họ cũng ăn tết nhưng bình thường thôi. Niềm vui là trong cả năm khi con người học tập, lao động, sáng tạo, không nằm ở tết. Sở dĩ mọi người (ở Nhật) thích tết là vì mọi công việc đều nghỉ nên có thể yên tâm làm việc mình thích mà không sợ bị làm phiền. Nếu là thường ngày nhiều khi có việc đột xuất. Còn mặc nhiên tết thì các công ty, doanh nghiệp, cơ quan, ... sẽ không giao việc, mọi người sẽ không làm phiền nhau. Do đó, bạn có thể yên tâm đi dạo, mua sắm, ăn uống mà không sợ bị gọi đi làm việc đột ngột.

Vì thế ở Nhật lao động dịp tết không khó kiếm lắm. Ngược lại, ở các nước nho giáo như VN hay China thì tết nhất định phải về nhà - do phong tục văn hóa. Vì thế, giá lao động đẩy lên cao gấp 10 lần mà không kiếm được người, do không ai muốn làm vào tết mà phải về ăn tết bằng mọi giá.

Việc dọn nhà tết có thể kiếm rất nhiều, hay chạy Uber, Grab cũng thế. Nhưng không ai muốn làm. Dù bạn sản xuất hay chỉ thuê maid dọn nhà cũng vậy thôi, bạn phải tự làm vì họ nhất định phải về ăn tết.

Vì sao ở nước nho giáo người ta phải về ăn tết bằng mọi giá vậy? Theo tôi là do văn hóa, do đi làm cả năm là vì "miễn cưỡng" vậy thôi, chứ không phải là tìm thấy ý nghĩa trong công việc (hatarakigai) hay là niềm vui sống (yarigai) mà làm thế, nên cảm thấy khổ sở và chỉ có mục đích là đoàn tụ gia đình.

Ở China việc về nhà ăn tết được gọi là "xuân vận" hay cuộc di cư khổng lồ nhất hành tinh. Vì 99% số họ sẽ phải về nhà ăn tết. Mặc dù mục đích sống là đoàn tụ gia đình, nhưng vì lý do kinh tế lại phải lên thành phố làm việc, nên tới dịp tết là phải chen lấn trong hệ thống giao thông quá tải, dù khổ nhưng về tới nhà là cảm thấy được bù đắp.

Lối sống mới và tích cực

Theo tôi, hãy tìm niềm vui trong công việc và cuộc sống. Để làm việc này cần có khả năng học tập và trở thành người công chính, có trách nhiệm với công việc. Cuộc đời, thời gian của bạn bạn nên làm chủ. Thời gian tết là dành cho bản thân, không phải dành cho người khác. Tôi không dùng thời gian nghỉ để đi an ủi, vỗ về hay giúp người khác tiêu thời gian của họ.

Tôi không bao giờ dành thời gian cho người nào cảm thấy cô đơn, buồn bã, cần tụ tập trong dịp tết. Vì đó là vấn đề của cuộc đời họ, tết không giúp họ thay đổi được sự cô đơn trong cả cuộc đời.

Con người đều cần học tập, lao động để hoàn thiện nhân cách nhằm trả lời cho câu hỏi "Tôi là ai", "Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì". Nếu thất bại, tôi không nghĩ tết đoàn viên sẽ giúp họ tìm được sự thanh thản đích thực.

Thế nên, tôi chỉ có thể nói với họ: Chúc ăn tết vui vẻ. Tết này, tôi bận lắm!
^^
Mark

No comments:

Post a Comment