Tôi quý người Neanderthal! Vì họ đã diệt vong và có đôi mắt to. Ngày nay, chúng ta biết tới một chủng người duy nhất gọi là Homo Sapieans, tức là "người thông minh" hay "người hiện đại". Dù vậy, theo nghiên cứu khoa học thì người Neanderthal cũng không hề kém thông minh hơn "người thông minh". Ngoài ra, nhìn kỹ thì giống người thông minh có nhiều người cũng không được thông minh cho lắm. Hơn nữa, người Neanderthal cũng không diệt vong hoàn toàn mà trong người hiện đại vẫn có khoảng 2% gien của người Neanderthal. Vì người Neandearthal và Homo Sapiens đã từng giao phối với nhau ở khu vực Á - Âu.
Chỉ trừ người châu Phi là không có gien của Neanderthal vì người Neanderthal chưa từng đặt chân tới châu Phi.
Mô phỏng người Neanderthal (BBC)
Vì sao người Neanderthal tuyệt chủng vẫn đang là câu hỏi mà khoa học hiện đại cố trả lời. Nhưng vì sao con người phải bận tâm thế?
Vì con người biết suy nghĩ. Chúng ta học lịch sử là để tránh "lịch sử lặp lại". Những chiêu trò mị dân, tuyên truyền (propaganda) kiểu như chúng ta ưu việt, thông minh, ... thường không đúng và chỉ là mục đích trục lợi, thao túng. Con người học lịch sử và tìm kiếm nguồn gốc để có thể tiến hóa tới mức độ cao hơn và rút được bài học từ lịch sử.
Những nơi thiên về tuyên truyền, mị dân thì thường ít học lịch sử nên lịch sử thường lặp lại. Ví dụ, nước nghèo bị thực dân xâm lược thì thời hiện đại vẫn có xu hướng đi làm lao động cho các nước giàu, vì họ không làm được như người Nhật: Không đánh đuổi thực dân mà học từ chính những nước văn minh hơn, do đó mà họ thành nước văn minh. Thậm chí, ngày nay nước Nhật đã đứng vào hàng cường quốc kinh tế.
Vì không học lịch sử nên người ta thường ảo giác thái quá về bản thân, rằng mình rất thông minh, anh dũng. Tôi ví dụ thế này: Các nước nghèo đều bị thực dân đô hộ (trừ Nhật Bản với phong trào Âu hóa và thoát Á luận). Các nước nghèo đều giành độc lập khi thế chiến kết thúc. Vì sao?
Trong suốt hơn trăm năm thực dân, không ai tự giành độc lập vì không có vũ khí hạng nặng, điều mà cường quốc phương Tây độc quyền. Ngay cả nhà Đại Thanh quân đông tướng mạnh và binh pháp Tôn Tử ưu việt (?!) cũng thất bại liểng xiểng, trước cường quốc Tây phương lẫn Nhật Bản. Sau đó, các cường quốc mới nổi như Nhật, Đức và các cự đế quốc như Anh, Pháp, Nga xung đột về quyền lợi và thuộc địa, dẫn tới chiến tranh thế giới nổ ra và các nước thuộc địa được trang bị vũ khí và huấn luyện quân sự. Nhiều nước giành độc lập từ Nhật sau khi phe đồng minh giúp đỡ vũ khí và phe đồng minh đánh bại đế quốc Nhật Bản.
Như vậy thì trong chiến tranh, anh dũng chỉ là một phần, quan trọng là vũ khí (anh dũng chỉ quan trọng khi bạn ngang bằng về vũ khí). Thời đại ngày nay, điều quan trọng lại là kỹ nghệ sản xuất vì các nước không đem tàu chiến đi khai thác thuộc địa nữa mà dùng đống vốn cho vay, vốn viện trợ sẽ dễ khai thác nhân công giá rẻ và tài nguyên hơn. Người dân nước nghèo được xuất đi khắp thế giới làm công việc chân tay như đào dầu mỏ cho các nước giàu (hoặc làm công việc mà người dân nước giàu không muốn làm.)
Nhưng nếu bạn học lịch sử thì bạn sẽ thấy: Cần phải học từ các nước văn minh mới không thành nạn nhân của họ. Ngày nay, nếu có chiến tranh, bạn bắt buộc phải có vũ khí hiện đại mới thắng được. Tức là, vẫn phải dựa vào cường quốc nào đó, nếu không đất nước bạn dễ dàng bị xóa sổ bởi nhiều vũ khí hiện đại.
Vì sao con người phải bận tâm nghiên cứu toàn bộ nguồn gốc nhân loại và người Neanderthal?
Từ bài học lịch sử, chúng ta sẽ tìm ra được lời giải cho tương lai. Ngoài đam mê nghiên cứu, khám phá thì lịch sử là một môn học quan trọng bậc nhất của nhân loại. Đây là lý do mà các gia đình quý tộc thường bắt con cái học lịch sử, chính trị, địa lý, thiên văn. Nếu bạn muốn thống trị, bạn bắt buộc phải học kỹ bài học lịch sử. Chú ý là lịch sử không phải là tuyên truyền (propaganda), những nạn nhân của thời cuộc thường chỉ học tuyên truyền, rằng chúng ta ưu việt, tốt đẹp bậc nhất (còn bọn thực dân, đế quốc là xấu xa, đồi bại.)
Về xung đột và giao phối với "người hiện đại"
Không có bằng chứng xác thực về xung đột với người hiện đại mà khoa học thường cho rằng người Neandearthal tự tuyệt chủng do không thích ứng được với thay đổi. Vì người Neanderthal sống ở khu vực châu Âu, còn người hiện đại lại có nguồn gốc ở châu Phi, nên xung đột là khó xảy ra. Vì sống ở châu Âu nên có lẽ người Neanderthal (còn gọi là 旧人 "cựu nhân" tức là ancient human "loài người cũ") có nước da trắng, tóc vàng và mắt xanh như hình tượng người Bắc Âu ngày nay.
Người Neanderthal cũng được cho là có tương tác với người Homo Sapiens nên hiện nay người hiện đại có khoảng 2% gien của người Neanderthal (trừ người châu Phi).
Dưới đây là tổng hợp một số kiến giải về sự tuyệt chủng của người Neanderthal.
Ông Kadowaki (門脇誠二) thuộc đại học Nagoya:
1. Dân số không tăng lên được do sự lạnh đi của trái đất, dẫn tới tuyệt chủng.
2. Thân thể của người Neanderthal to, một ngày cần tới 3000 ~ 6000 calory năng lượng. Vì thế, cần nhiều thức ăn hơn. Người hiện đại, ví dụ người Nhật cần khoảng 2000 ~ 2500 calory một ngày để duy trì thân thể. Vì thế, người Homo Sapiens thích ứng tốt hơn với khan hiếm thức ăn. Ngoài ra, ngược lại nếu thân thể quá nhỏ thì cũng không đảm bảo kích thước não, nên không phát triển trí tuệ. Do đó, có thể người hiện đại có kích thước thân thể và kích thước não tối ưu để sinh tồn.
Nguồn: http://blog.tinect.jp/?p=17909
Người Neanderthal tuyệt chủng vì có đôi mắt quá to?
Mắt to, não to, xử lý đồ họa tốn nhiều năng lượng. Người Neanderthal tuyệt chủng cách đây 3 vạn năm, trùng với kỷ băng hà nên có thể thay đổi khí hậu (lạnh đi toàn cầu) khiến họ sống trong "tăm tối" hơn và khan hiếm thức ăn hơn, có thể là nguyên nhân tuyệt chủng. Nhưng tôi không tin vào việc có mắt to khiến họ tuyệt chủng. Ngày nay, mắt to là một lợi thế và được coi là đẹp trong xã hội hiện đại. Người có đôi mắt to cũng xử lý đồ họa tốt hơn và có trực giác tốt hơn. Ai chẳng mê phụ nữ tóc vàng, mắt to?
Thông tin khoa học để bạn tham khảo.
Người Neanderthal tuyệt chủng vì có đôi mắt to?
Người Neanderthal có đôi mắt rất to và các nhà khoa học đang tranh cãi với nhau liệu điều này có phải nguyên nhân dẫn tới sự diệt vong của họ hay không?
+Xem nội dung
Chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội để đối mặt với người Neanderthal vì họ đã tuyệt chủng từ hàng ngàn năm về trước. Tất cả những gì chúng ta có thể làm hiện nay là tái tạo lại hình dáng của họ thông qua các mẫu xương mà các nhà khảo cổ tìm được. Về cơ bản, loài người hiện đại có nhiều đặc điểm giống với người Neanderthal ngoại trừ một chi tiết là họ có đôi mắt và bộ não lớn hơn chúng ta rất nhiều.
Có lẽ đôi mắt lớn của người Neanderthal giúp họ nhìn rõ hơn chúng ta. Tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng chính đôi mắt ấy là nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của người Neanderthal.
Người Neanderthal xuất hiện cách đây khoảng 250.000 năm tại nhiều vùng thuộc Châu Âu và Châu Á. Trong khi đó, các quan điểm khoa học hiện nay cho rằng tổ tiên của loài người hiện đại là người Homo sapiens xuất hiện ở Châu Phi cách đây 200.000 năm. Họ đã đến Châu Âu cách đây 45.000 năm và gặp gỡ với người Neanderthal.
Theo ước tính mới nhất của các nhà khoa học thì hai chủng người này cùng chung sống với nhau trong một giai đoạn kéo dài khoảng 5000 năm. Nhưng cuối cùng người Neanderthal biến mất vào khoảng 40.000 năm trước đây.
Năm 2013, một nhóm nghiên cứu do Eiluned Pearce, thuộc ĐH Oxford (Anh), đứng đầu đưa ra một giả thuyết để giải thích về sự tuyệt chủng của người Neanderthal - chính do đôi mắt quá to của họ. Từ các phân tích chi tiết giữa người hiện đại và người Neanderthal, nhóm của Pearce thấy rằng hai mắt và hệ thống thị giác trên bộ não người Neanderthal lớn hơn so với chúng ta.
Đôi mắt to đồng nghĩa với phần não bộ dành cho chức năng nhìn thấy sẽ chiếm thể tích lớn. Pearce cho rằng điều này ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của người Neanderthal khi các thành phần khác của bộ não sẽ phải nhỏ đi.
Pearce cho biết: "Do người Neanderthal tiến hoá ở các vĩ độ cao hơn và cơ thể của họ cũng lớn hơn so với người hiện đại, phần lớn bộ não của họ được dành riêng cho việc nhìn và điều khiển các bộ phận của cơ thể. Kết quả là có ít bộ phận của não được phát triển cho các chức năng khác như giao tiếp xã hội". Lý thuyết này cho rằng không giống như người hiện đại, người Neanderthal không dành nhiều não bộ cho việc xây dựng các quan hệ xã hội phức tạp. Vì vậy, khi phải đối mặt với những mối đe dọa lớn, chẳng hạn như khí hậu thay đổi hay cạnh tranh với tổ tiên của người hiện đại, họ sẽ rơi vào vị trí bất lợi.
Làm việc theo nhóm là một yếu tố rất quan trọng để giải quyết những tình huống như vậy nhưng người Neanderthal thiếu khả năng hình thành những nhóm hay cộng đồng lớn và do đó họ mất đi sự hỗ trợ khi cần thiết. Trong khi đó, tổ tiên người hiện đại ngày càng phát triển xã hội theo các mô hình tổ chức phức tạp hơn. Vì vậy họ có được sự hỗ trợ cần thiết từ cộng đồng khi đối mặt với những khó khăn, thử thách để sinh tồn.
Robin Dunbar, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Vấn đề thực chất không nằm ở đôi mắt mở to của họ mà là từ diện tích vùng võng mạc ở phía sau".
Mặt khác, loài người hiện đại đã tiến hoá ở Châu Phi, nơi có nhiều ánh sáng. Do vậy tổ tiên chúng ta không cần có hệ thống thị giác phức tạp như người Neanderthal. Bù lại, chúng ta có thể phát triển phần thuỳ trước lớn hơn, cho phép chúng ta phát triển nhiều loại quan hệ xã hội phức tạp hơn.
Nhưng người Neanderthal sống ở khu vực phía Bắc, nơi có ít ánh sáng hơn nên đôi mắt to (có vùng võng mạc lớn) có thể giúp họ nhìn rõ hơn.
"Để thấy rõ hơn, bạn cần thu thập thêm ánh sáng vào mắt, đồng nghĩa phải có võng mạc lớn hơn. Kích thước của võng mạc được xác định bởi kích thước của nhãn cầu", Dunbar nói.
Dựa trên điều này, Dunbar và Pearce cùng lập luận. Với lượng thông tin hình ảnh đến từ nhãn cầu nhiều hơn, người Neanderthal cần một "máy tính" lớn hơn để xử lý chúng. "So sánh tương quan, không có lý do gì để gắn một chiếc kính viễn vọng cực lớn vào một chiếc máy tính bé xíu vốn sẽ bị quá tải bởi lượng thông tin ghi nhận được", Dunbar phân tích. Những thông tin không được xử lý sẽ bị "lãng phí" nếu phần xử lý tín hiệu hình ảnh của bộ não không "quản" nổi lượng dữ liệu mà nó nhận được.
Nghiên cứu này của Dunbar và Pearce được công bố trên tạp chí American Journal of Physical Anthropology.
Nhà nghiên cứu John Hawks từ ĐH Wisconsin-Madison và nhóm của mình đã nghiên cứu 18 loài linh trưởng khác nhau để tìm hiểu xem liệu kích thước hốc mắt có liên quan đến việc phát triển các nhóm xã hội của chúng hay không.
Ngược lại với kết luận của Pearce, nghiên cứu của Hawks tiết lộ một chi tiết thú vị: "Đôi mắt to hơn thường giúp xây dựng được các nhóm xã hội có quy mô lớn hơn ở các loài linh trưởng khác". Dựa trên phát hiện trên, Hawks đưa ra kết luận ngược lại: "Nếu chúng ta tin theo logic này, chúng ta sẽ thấy người Neanderthal sẽ có những mối quan hệ xã hội tốt hơn cả chúng ta ngày nay. Nhưng chúng tôi không tin theo bất kỳ lập luận nào cả - chúng tôi cho rằng đôi mắt to không có liên hệ tới vấn đề quan hệ xã hội".
Người Neanderthal xuất hiện sớm hơn một chút so với người hiện đại. Đôi mắt của họ có thể chỉ đơn giản là có tỷ lệ lớn hơn chúng ta như cách mà các bộ phận khác trên khuôn mặt của họ thể hiện.
Năm 2012, các nghiên cứu của Pearce và Dunbar cũng chỉ ra rằng những người hiện đại sống ở vĩ độ cao cũng có đôi mắt lớn hơn mức trung bình. Tuy nhiên, các bộ phận khác trên bộ não của họ không phải có kích thước nhỏ như trường hợp của người Neanderthal. "Về cơ bản, đôi mắt không nói lên bất cứ điều gì liên quan đến nhận thức của những người còn sống", Hawks nói.
Nhưng chúng ta cũng cần biết rằng tầm nhìn và nhận thức không phải là riêng biệt. Vấn đề này rất phức tạp bởi thực tế các bộ phận của bộ não có liên kết với nhau. Vùng vỏ não về thị giác phụ trách việc xử lý thông tin thị giác nhưng nó không vẽ lên tất cả hình ảnh về thế giới xung quanh chúng ta mà cần có sự kết hợp với các vùng khác thì bộ não mới nhận thức mọi thứ một cách đầy đủ nhất.
Việc giải thích những gì chúng ta nhìn thấy còn phụ thuộc một phần vào những kiến thức có trước đó của chúng ta về thế giới. Ví dụ, những kỷ niệm của chúng ta luôn liên kết chặt chẽ với cảm xúc của chúng ta. Tất cả quá trình nhận thức xảy ra tại nhiều vùng trên vỏ não và thị lực đóng vai trò trong tất cả quá trình này. Nói cách khác, tầm nhìn và nhận thức không thể tách rời nhau được.
Năm 1998, Robert Barton từ Đại học Durham, Anh đã phát hiện ra rằng việc khu vực thị giác lớn trên vỏ não không ảnh hưởng đến việc mở rộng các khu vực khác. Barton cho rằng: "Rất khó phân biệt cụ thể khu vực nào của vỏ não không tham gia vào quá trình nhìn của thị giác".
Và vấn đề cuối cùng là một đôi mắt lớn cũng giúp cho người sở hữu thị giác nhạy cảm hơn trong những vùng có ánh sáng yếu. Nhiều loài vật sống về đêm có đôi mắt lớn hơn cho mục đích nêu trên. Đôi mắt lớn của người Neanderthal có thể hữu ích trong việc giúp họ quan sát tốt hơn nhưng để đánh giá nó có liên quan đến các vùng khác của vỏ não hay không cần có thêm thời gian để chứng minh.
Barton cho rằng nghiên cứu của Pearce không phân biệt được hai khái niệm thị lực và độ nhạy sáng đơn thuần. Ông cho biết, "độ nhạy sáng" là một vấn đề vật lý cơ bản của bắt sáng, độ nhạy sáng cao không liên quan đến trí tuệ cao và ngược lại. Các loài linh trưởng sống về đêm như bushbabies có đôi mắt rất lơn nhưng không có vùng thị giác trên vỏ não lớn tương xứng.
Nếu lập luận của Barton là chính xác thì kết quả nghiên cứu của Pearce và Dunbar sẽ đúng nhưng... theo chiều ngược lại. Nghĩa là, đôi mắt to của người Neanderthal có thể rất quan trọng với những thành tựu mà họ đạt được, cho phép họ phát triển tại những vùng có ánh sáng mờ. Và điều quan trọng là đôi mắt to không phải là nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của người Neanderthal.
Minh Trung
Theo BBC
Nguồn: http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/1658453/nguoi-neanderthal-tuyet-chung-vi-co-doi-mat-to
Người Neanderthal tuyệt chủng vì không săn được thỏ?
Khi các loài linh trưởng cỡ lớn biến mất vào kỷ băng hà, thức ăn trở nên khan hiếm, người ta phải săn thỏ (loài nhỏ hơn) để sống. Hãy tưởng tượng ngày nay chúng ta đi săn chuột đồng để sống chẳng hạn, sẽ rất khó khăn. Vì không đủ khả năng giao tiếp và phối hợp để săn thỏ, nên người Neanderthal tuyệt chủng (xem bài báo dưới)? Theo tôi không phải như vậy. Chỉ vì họ đã tuyệt chủng nên họ thành nạn nhân: Bị khoác lên đủ thứ tội lỗi.
Người Neanderthal cũng thông minh không kém người hiện đại nếu không nói là thông minh hơn. Họ còn có thể xử lý thị giác tốt hơn, giao tiếp xã hội (khả năng ngôn ngữ) tốt hơn do bộ não tốt hơn. Họ tuyệt chủng có lẽ do kỷ băng hà và khan hiếm thức ăn. Họ cũng dùng công cụ như người hiện đại và cũng đi săn bắt.
Cũng có giả thuyết là người hiện đại "ăn sạch" người Neanderthal nhưng theo tôi điều này không đúng lắm. Vì người Neanderthal khỏe hơn và thông minh không có vẻ gì là thua kém, thì bạn sẽ thắng họ kiểu gì? Bạn chỉ thích ứng tốt hơn với thời tiết mà thôi.
Thỏ khiến người Neanderthal tuyệt chủng?
Các nhà khoa học Tây Ban Nha và Anh đã đưa ra giả thuyết cho rằng nguyên nhân tuyệt chủng của người Neanderthal - tổ tiên của loài người - có thể chỉ vì họ không có khả năng để săn thỏ. Công trình nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Human Evolution và tóm tắt trong New Scientist.
+Xem nội dung
Kết luận của các nhà nhân chủng học này dựa trên phân tích xương các loài động vật hoang dã được tìm thấy trong các hang động nằm ở Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp. Niên đại của đá trầm tích mà các tác giả nghiên cứu được xác định là trên 50 ngàn năm.
Kết quả phân tích chỉ ra rằng trong khoảng thời gian các nhà khoa học nghiên cứu, đã đủ để xảy ra những thay đối đáng kể của hệ động vật địa phương. Trong đó thay đổi rõ rệt nhất là hiện tượng giảm số lượng, thậm chí biến mất của một số loài có vú, diễn ra khoảng 30 nghìn năm về trước. Kể từ đó, thức ăn chính của những người sống trong hang động chủ yếu là thỏ.
Sự thay đổi của hệ động vật trùng hợp với sự biến mất của người Neanderthal trong vùng bán đảo Iberia. Các tác giả cho rằng người Neanderthal, khác với người hiện đại không có khả năng thay đổi thói quen săn bắt để chuyển đổi đối tượng dùng làm thực phẩm sang những con mồi nhỏ hơn và phong phú hơn. Đó chính là một trong những nguyên nhân tuyệt chủng của họ.
Theo các nhà nhân chủng học, bắt thỏ cần những kiểu thông tin trong nhóm kịp thời hơn mà người Neanderthal lại không thể làm được điều này.
Cạnh tranh không lại được với con người hiện đại là một trong những giả thuyết về sự tuyệt chủng của người Neanderthal được thừa nhận rộng rãi nhất giữa các nhà khoa học. Trước đây, người ta nghi ngờ khả năng săn bắt của người cổ đại nhưng sau này, đã chứng minh được người Neanderthal cũng đã biết cách săn bắt chim, cá và thậm chí cả các loài động vật có vú biển như hải cẩu và cá heo.
Bảo Châu (Theo lenta.ru)
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/tho-khien-nguoi-neanderthal-tuyet-chung-112787.html
Người Neanderthal tuyệt chủng vì không biết dùng lửa?
Người Neanderthal có thể đã chết hết vì không biết khai thác sức mạnh của lửa ở mức độ như họ hàng con người.
+Xem nội dung
Việc dùng lửa nấu ăn cho phép họ hàng người cổ đại nhận được nhiều calo hơn từ cùng một lượng thực phẩm, nhờ đó có dân số vượt người Neanderthal. Theo thời gian, dân số người có phương diện giải phẫu hiện đại sẽ tăng lên, trong khi dân số người Neanderthal giảm mạnh.
"Việc sử dụng lửa tạo ra một lợi thế đáng kể cho con người. Đây là một yếu tố quan trọng khiến số lượng người Neanderthal suy giảm", Live Science dẫn lời Anna Goldfield, tiến sĩ khảo cổ học thuộc Đại học Boston, cho hay.
Các nhà khoa học sử dụng mô hình toán học để mô phỏng dân số của người giải phẫu hiện đại và người Neanderthal, sự thay đổi khi con người sử dụng lửa. Kết quả cho thấy, họ hàng người hiện đại sử dụng lửa nhiều hơn so với Neanderthal và nhiều khả năng dân số con người đã tăng nhẹ. Cùng với đó, số lượng tuần lộc làm thức ăn cho người Neanderthal giảm xuống.
Tuy nhiên theo chuyên gia khảo cổ Dennis Sandgathe, vẫn còn nhiều điều giới khoa học chưa biết hết về người Neanderthal, nên rất khó rút ra kết luận chắc chắn.
Người Neanderthal tuyệt chủng ở châu Âu cách đây khoảng 40.000 năm. Con người hiện đại đầu tiên xuất hiện khoảng 45.000 năm trước đây.
Lê Hùng
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/nguyen-nhan-khien-nguoi-neanderthal-tuyet-chung-3204549.html
Do biến đổi khí hậu và khó săn bắt hơn: Lý do hợp lý nhất
Giống người Neanderthal và con người hiện đại đầu tiên tới châu Âu đã phải vật lộn với những điều kiện luôn thay đổi do nhiệt độ ngày càng lạnh gây ra. Cả hai cùng tồn tại ở châu Âu cách đây khoảng 45.000-28.000 năm cho tới khi người Neanderthal tuyệt chủng. Giới khoa học vẫn chưa rõ tại sao con người lại sống sót trong khi giống người Neanderthal thì không?
+Xem nội dung
Có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho sự tuyệt chủng của người Neanderthal, chẳng hạn như người hiện đại tàn sát họ, kỹ năng giao tiếp, công nghệ săn bắn và tổ chức xã hội kém hơn so với người hiện đại. Tuy nhiên, nghiên cứu mới kéo dài 7 năm của 30 nhà khoa học từ 11 quốc gia trên thế giới cho thấy người Neanderthal tuyệt chủng là do không có khả năng thích ứng với sự thay đổi khí hậu. Ngoài ra, theo Jerry van Andel, nhà địa chất thuộc ĐH Cambridge ở Anh, trưởng nhóm nghiên cứu, người Neanderthal cũng không thay đổi các phương thức đi săn khi các loài thú lớn giống như mammoth, bò rừng, hươu đỏ chạy về phía nam và khi lục địa châu (từng có nhiều rừng bao phủ) trở thành lục địa có ít cây cỏ, nửa sa mạc trong giai đoạn cuối cùng của Kỷ Băng hà. Jerry van Andel cho biết: ""Lợi thế lớn của con người là họ đã cải tiến công nghệ đi săn, tổ chức xã hội phức tạp hơn, mở rộng việc sử dụng tài nguyên để chuyển khỏi lối sống tĩnh tại, thích ứng với các điều kiện do nhiệt độ lạnh hơn gây ra. Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã kết hợp dữ liệu về nhiệt độ, phong cảnh và hệ thực vật của cổ môi trường với bản đồ các địa điểm khảo cổ. Điều đó đã giúp họ theo dõi sự di chuyển của cả người Neanderthal và người nguyên thuỷ". Nghiên cứu trên lật nhào quan điểm lâu nay rằng người Neanderthal là giống người thích nghi với khí hậu lạnh do chân tay ngắn và thân hình đồ sộ. Theo Andel, người Neanderthal có sức chịu lạnh và thích sự ấm áp giống như người nguyên thuỷ - người xuất hiện cách đây chừng 45.000 năm. Thực ra, không có sự khác biệt nhiều giữa hai giống người. Cách đây 60.000 năm, nhiệt độ ở thấp hơn hiện nay khoảng 5oC. Khi con người đầu tiên tới châu Âu cách đây 45.000 năm, họ có nhiều nét văn hoá chung với người Neanderthal. Cả hai đều biết sử dụng lửa, dùng đá để làm công cụ, bữa ăn gần như toàn là thịt, biết chăm sóc người bị thương và thỉnh thoảng chôn người chết, sử dụng lông và da động vật giữ ấm. Vào thời điểm đó, nhiệt độ ở châu Âu tương đối ôn hoà. Rừng và đồng cỏ ở khắp nơi và động vật lớn phát triển mạnh. Người Neanderthal và người Aurignacian (giống người nguyên thuỷ nhất ở châu Âu) đều thích ứng tốt với môi trường này và không phải di chuyển nhiều để tồn tại. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi cách đây chừng 40.000 năm. Khi nhiệt độ giảm, các mũ băng trôi dạt xa hơn về phía Nam, lượng tuyết tăng lên và hệ thực vật từng nuôi dưỡng các loài động vật lớn biến mất. Bò rừng, mammoth, hươu đỏ và các loài động vật khác di chuyển về phương Nam. Người Neanderthal và người nguyên thuỷ cũng đi theo chúng. Tuy nhiên, không chỉ có nhiệt độ thay đổi. Môi trường mới là nửa sa mạc hoặc đồng cỏ bằng phẳng ít có cây to. Việc bắt động vật trong môi trường đó khó khăn hơn rất nhiều bởi không thể lén tới gần chúng và chúng cũng không tập hợp thành những đàn lớn. Đối với người Neanderthal, hiếm khi thọ quá 30 tuổi, môi trường đi săn mới quá nguy hiểm và ít thành công hơn. Điều đó làm họ không thể sống sót. Người Neanderthal, thường dựa vào sự che phủ của rừng để đâm các động vật sống theo bầy đàn, tỏ ra là những tay thợ săn kém hiệu quả hơn khi lén đuổi theo các động vật hiện phân bố thưa hơn. Do kiếm được ít thức ăn hơn, người Neanderthal suy yếu, dễ mắc bệnh và đối mặt với những mối đe doạ khác. Trong khi đó, người nguyên thuỷ cũng vật lộn và cuối cùng họ cũng thích ứng được với môi trường đang thay đổi. Sự suy tàn của người Aurignacian bắt đầu muộn hơn người Neanderthal. Họ đã rời bỏ các địa điểm phía Bắc cách đây khoảng 37.000 năm, di chuyển về phía Nam và phía Tây tới bán đảo Iberia (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay). Cách đây chừng 33.000 năm, nhóm người thứ hai tên là Gravettians đã thay thế người Aurignacian ở nhiều vùng châu Âu. Công nghệ tiên tiến hơn cộng với tổ chức xã hội phức tạo hơn đã giúp người Gravettian sống sót trong điều kiện thời tiết lạnh hơn. Những vũ khí chẳng hạn như giáo mác đã giúp thợ săn giết hoặc làm bị thương con mồi từ xa. Họ cũng sử dụng sợi cây để làm lưới đánh cá cũng như bẫy các động vật nhỏ. Cách đây khoảng 25.000 năm, văn hoá Aurignacian gần như biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại vài nhóm nhỏ phân tán ở Nam Âu.
Minh Sơn (Theo National Geographic)
(Theo_VietNamNet )
Nguồn: http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Nguoi-Neanderthal-vi-sao-tuyet-chung/20048028/188/
Tuyệt chủng do suy nghĩ đơn giản?
Một nghiên cứu được công bố trong tạp chí “Giả thuyết y tế” nhận định: Người Neanderthal không có nhận thức phức tạp và điều đó làm họ không bị rối loạn tâm thần giống như con người. Tuy nhiên, nhận thức phức tạp chính là “yếu tố chọn lọc tự nhiên” khiến người Homo Sapien giành chiến thắng.
+Xem nội dung
Người Neanderthal xuất hiện trên trái đất sớm hơn cả tổ tiên của người hiện đại (Homo sapien). Cho đến khoảng 30.000 năm trước đây, tổ tiên của chúng ta vẫn chia sẻ hành tinh với người Neanderthal, và thậm chí có giả thuyết còn cho rằng tổ tiên của chúng ta đã từng giao phối với người Neanderthal. Thực tế, ngày nay, một số người vẫn còn mang một vài ADN của người Neanderthal.
Tuy nhiên, sau khoảng 20.000 – 40.000 năm, người Homo Sapien đã nhanh chóng “hất cẳng” người Neanderthal để chiếm ngôi vị thống lĩnh trên trái đất.
Câu hỏi: “Làm thế nào mà người Homo Sapien đã “vượt mặt” được người Neanderthal?” cho đến nay vẫn còn là một ẩn số. Nhưng các bằng chứng hóa thạch đã đưa ra một số nguyên nhân rất có thể đã dẫn đến sự sụp đổ của người Neanderthal.
Theo đó, thuốc súng không phải là lý do duy nhất dẫn đến sự diệt vong của người Neanderthal, giờ chúng ta cùng tìm hiểu xem còn những nguyên nhân nào nữa nhé!
Thua cuộc trong một trò chơi
Người Neanderthal có thể bị xóa sổ vì lý do đơn giản là thua cuộc trong trò chơi “số lượng”.
Người Homo Sapien chuyển từ châu Phi đến các khu vực miền Nam Châu Âu – những nơi thuộc địa bàn của người Neanderthal khi đó. Họ đã cạnh tranh trực tiếp với nhau để giành địa bàn sinh sống.
Cuối cùng, người Homo Sapien đông hơn người Neanderthal 10 thành viên và kết quả là người Neanderthal bị đẩy đến các khu vực khó tìm kiếm thức ăn hơn và kém thuận lợi hơn.
Người Neanderthal là những “kẻ ăn thịt người”
Người Homo Sapien đã đẩy người Neanderthal ra khỏi địa bàn quen thuộc của họ khiến họ phải đấu tranh với nhau để sinh tồn bởi thế vô tình họ đã trở thành những “kẻ ăn thịt người”.
Một số hóa thạch của người Neanderthal được tìm thấy đã chỉ ra điều này. Bởi lẽ, xương hóa thạch được phát hiện trong một hang động ở Pháp đã đưa ra bằng chứng cho thấy người Neanderthal đã ăn thịt đồng loại của mình, thậm chí họ còn ăn thịt người Homo Sapien.
Cứ như vậy, thói quen ăn thịt người đã khiến người Neanderthal trở thành những kẻ săn bắt và ăn thịt chính đồng loại của mình. Đây là một bệnh dịch giết người tương tự như bệnh “bò điên” gây suy yếu nghiêm trọng về tinh thần và hàng ngàn người Neanderthal vì thế mà bị “xóa sổ”.
Sức bền của người Homo Sapien
Nếu như trong một trận chiến sử dụng cơ bắp, người Neanderthal chắc chắn sẽ giành chiến thắng thì trong cuộc đua về sự dẻo dai, tổ tiên của loài người chúng ta nhất định sẽ giành thắng lợi.
Người Homo Sapien có sức chịu đựng cao, bởi thế mà họ có thể săn bắn ở những vùng có khí hậu nóng hơn. Mặt khác, người Neanderthal mạnh mẽ và chắc khỏe, do đó họ có thể chạy nhanh hơn người Homo Sapien. Tuy nhiên, người Neanderthal có sức bền ngắn và thể trạng của họ lại thích hợp với khí hậu lạnh.
Nhờ sức bền và sự dẻo dai, người Homo Sapien đã dần chiếm lĩnh “pháo đài” của người Neanderthal ở cả Châu Âu và Châu Á.
Giả thuyết về những vụ nổ
Theo một nghiên cứu về Nhân chủng học hiện đại được công bố vào tháng 9 năm 2010, người Neanderthal sẽ không thể biến mất nhiều như vậy nếu như không có những vụ nổ xảy ra.
Khoảng 40.000 năm trước đây, ba vụ phun trào núi lửa lớn đã đồng loạt diễn ra và tàn phá quê hương của người Neanderthal ở châu Âu và châu Á, đẩy nhanh sự sụp đổ của người Neanderthal.
May mắn thay, người Homo Sapien lại sống ngoài phạm vi của các vụ nổ núi lửa.
Sức mạnh của bộ não
Người Neanderthal có lợi thế về cơ bắp nhưng người Homo Sapien lại có lợi thế về bộ não.
Từ buổi sơ khai, não của người Homo Sapien và người Neanderthal tương tự nhau. Nhưng chỉ một năm kể từ khi bắt đầu xuất hiện trên trái đất, bộ não người Homo Sapien bắt đầu xuất hiện nhiều hệ thần kinh hơn.
Mặc dù điều này không có nghĩa rằng người Neanderthal kém thông minh hơn người Homo Sapien nhưng bộ não của người Homo Sapien phát triển hơn có nghĩa là họ có thể thực hiện những chức năng cao hơn như sáng tạo và truyền đạt thông tin.
Người ta cũng tìm thấy dấu vết về sự sáng tạo của người Neanderthal, tuy nhiên vẫn chưa tìm thấy bằng chứng nào chứng tỏ họ có một hệ thống ngôn ngữ của riêng mình như người Homo Sapien.
Một nghiên cứu được công bố trong tạp chí “Giả thuyết y tế” nhận định: Người Neanderthal không có nhận thức phức tạp và điều đó làm họ không bị rối loạn tâm thần giống như con người. Tuy nhiên, nhận thức phức tạp chính là “yếu tố chọn lọc tự nhiên” khiến người Homo Sapien giành chiến thắng.
Con người không có lỗi
Người Neanderthal và tổ tiên của loài người không cạnh tranh trực tiếp với nhau quá lâu, bởi theo một nghiên cứu mới công bố vào tháng 5 năm 2011 trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia thì người Neanderthal đã biến mất khỏi thế giới này sớm hơn chúng ta nghĩ.
Theo đó, người Neanderthal đã biến mất cách đây khoảng 39.700 năm – (tức sớm hơn gần 10.000 năm) so với thời gian mà chúng ta nghĩ trước đây. Người Homo Sapien đến khu vực phía Bắc Caucasus một vài trăm năm trước đó và đó không phải là quãng thời gian dài đủ để hai loài tranh đấu với nhau.
Giả thuyết này khép lại sự can thiệp của con người trong việc người Neanderthal biến mất nhưng lại mở ra nhiều khả năng khác. Nhưng như trong một câu nói “Khi một cánh cửa khép lại sẽ có một cánh cửa mới mở ra và những con người đích thực sẽ luôn tiến lên phía trước”, loài người chúng ta vẫn đang tiếp tục mở ra những cánh cửa mới để khám phá chính bản thân mình.
Nguồn: http://kenh14.vn/kham-pha/loai-nguoi-da-chien-thang-nguoi-neanderthal-nhu-the-nao-20110811103821408.chn
[Truyện dài]
No comments:
Post a Comment