Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Monday, January 23, 2017

Du học Nhật Bản ngành nông nghiệp và con đường lập nghiệp

Làm thế nào lập nghiệp trong ngành nông nghiệp khi bạn yêu thích ngành này?

Lập nghiệp trong ngành nông nghiệp không dễ dàng, đòi hỏi bạn phải có vốn lớn và lập nông trại theo kiểu công nghiệp, vì nếu làm nông nghiệp nhỏ lẻ thì hầu như sẽ phá sản (xem ở cuối bài). Bạn không chỉ cần vốn lớn mà cần kiến thức về kinh doanh nông nghiệp. Ngày nay, nếu làm nông nghiệp ở Việt Nam bạn cũng phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ, trồng chuối hay dứa thì bạn vẫn phải cạnh tranh với chuối Dole hay dứa Dole là doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam.


Tư vấn du học Nhật Bản ngành học nông nghiệp và học bổng ngành nông nghiệp tại Nhật. Hãy xem Hướng dẫn du học, Nội dung tư vấn. Để đăng ký tư vấn hãy đăng ký tại đây.


Nông trại xà lách tại làng thần kỳ Kawakami, Nhật Bản.
Ảnh: http://toyokeizai.net/articles/-/48290

Phải có kiến thức nông nghiệp và học cách kinh doanh nông nghiệp

Chú ý là học kiến thức nông nghiệp và học cách kinh doanh là khác nhau. Ở các trường nghề senmon có khoa "Kinh doanh nông nghiệp" học trong 2 năm và lấy bằng "chuyên viên" hoặc là học 4 năm và lấy bằng chuyên viên cao cấp, tương đương tốt nghiệp đại học (và có thể học lên cao học). Ví dụ trường nông nghiệp Abio tại Niigata.

Tại khoa Kinh doanh nông nghiệp có các khóa trồng trọt, khóa học quản lý hay khóa học chung đại học 4 năm (tốt nghiệp tương đương đại học). Bên cạnh đó là khoa kỹ thuật vi sinh với các ngành như trồng nấm, lên men vv.

Đừng quá kén chọn ngành nghề học tập.

Vì thật ra học ngành nào cũng cho bạn cái nhìn toàn cảnh về ngành nông nghiệp và bạn vẫn nên lựa chọn con đường kinh doanh nông nghiệp. Để làm điều này, bạn cần có trình độ đại học. Bạn có thể đã có bằng đại học ở lĩnh vực IT chẳng hạn, nhưng học thêm kiến thức nông nghiệp ở trường senmon.

Hoặc nếu bạn chưa tốt nghiệp đại học thì bạn nên học đại học ngành nông nghiệp ở Nhật. Ví dụ như đại học quốc lập Shimane ở tỉnh Shimane. Tại đây bạn có thể học nhiều ngành liên quan tới nông, lâm nghiệp và phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Nếu bạn chỉ có bằng senmon về nông nghiệp thì bạn sẽ thường chỉ làm việc trong nông trại như là nông dân hoặc là kỹ sư nông nghiệp làm trực tiếp trên đồng ruộng. Lương sẽ không cao (vì là lao động đơn giản) nhưng bạn cũng có thể học về nông nghiệp.

Nhưng nếu bạn có trình độ đại học và kiến thức về nông nghiệp, bạn nên xin vào công ty lớn ví dụ các công ty kinh doanh nông sản, công ty thương mại về nông nghiệp. Tức là bạn xin việc không phải làm lao động chân tay mà theo dạng kỹ sư, cử nhân. Tất nhiên là bạn vẫn phải thực tập thực tế, tuy nhiên, công việc chính của bạn là về đầu óc nhiều hơn là làm việc trên đồng ruộng.

Làm việc trong công ty nông nghiệp một vài năm (lý tưởng là 3 năm) sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về đảm bảo chất lượng (QA), các tiêu chuẩn, kỹ thuật cũng như phương thức kinh doanh nông sản. Từ đó, bạn có thể xây dựng sự nghiệp trong tương lai.

Để xây dựng sự nghiệp trong ngành nông nghiệp

Như nói ở trên, bạn nên đi theo con đường đại học hơn là làm công nhân nông nghiệp. Khi về nước, bạn có hai cách:

Cách 1: Lập nghiệp với nông trại của riêng mình.
Bạn cần huy động vốn, định hình sản phẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm (tiêu thụ trong nước hoặc xuất ra nước ngoài). Chắc chắn bạn sẽ cần xây dựng mô hình nông trại công nghiệp và thuê công nhân nông nghiệp chứ không thể làm theo mô hình kinh doanh nhỏ lẻ được (xem lý do ở bên dưới).

Vì cần vốn lớn nên không phải ai cũng khởi nghiệp được. Hoặc là bạn có ý tưởng về sản phẩm và huy động vốn đầu tư. Nếu không, bạn chỉ sản xuất nông sản đặc thù với kiến thức đặc biệt và cách làm chuyên nghiệp mà bạn học được, tức là đi vào thị trường ngách.

Cách 2: Đánh vào thị trường ngách
Nhu cầu nông sản sạch luôn tồn tại và bạn tránh cạnh tranh với doanh nghiệp lớn bằng thị trường ngách, chỉ sản xuất sản phẩm đặc thù, chất lượng cao hẳn, không cần vốn đầu tư lớn. Bạn sẽ phải xây dựng thương hiệu của bạn thì mới có thể kinh doanh lâu dài và bán giá cao, từ đó thu được lợi nhuận để tái đầu tư vào sản phẩm tốt hơn.

Cách 3: Làm chuyên gia cho công ty nông sản Nhật tại Việt Nam
Ngày nay công ty nông nghiệp đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Họ có lợi thế vốn, kỹ thuật, đầu ra (có sẵn thị trường tiêu thụ ở Nhật), và có thương hiệu.

Nếu bạn có kiến thức nông nghiệp đã học tại Nhật, công với trình độ đại học và kinh nghiệm làm trong ngành kinh doanh nông sản đã tích lũy ở Nhật thì bạn hoàn toàn có thể làm chuyên gia cho họ, ví dụ kiểm soát chất lượng (QC), đảm bảo chất lượng (QA), kinh doanh bán hàng (sales), quảng bá (marketing) vv tại công ty Nhật. Đây là cách dễ nhất để xây dựng sự nghiệp mà không cần vốn hay xây dựng thương hiệu mà tận dụng tài nguyên có sẵn của công ty.

Trên đây là một số cách để phát triển sự nghiệp trong ngành nông nghiệp và các bạn cần phải đi đúng hướng cũng như cần dành thời gian cho việc đó. Thời gian từ lúc du học tới lúc thành chuyên gia sẽ là 5 - 10 năm tùy theo bạn có nền tảng về nông nghiệp hay chưa. Vì thế, xây dựng sự nghiệp trong ngành nông nghiệp chỉ dành cho người có thời gian và có tính kiên trì, tính kỷ luật cao, đồng thời phải có đam mê với sản phẩm nông nghiệp.

Bonus: Vì sao nông nghiệp nhỏ lẻ phá sản?

Quan trọng là bạn cần hiểu vì sao làm nông nghiệp nhỏ lẻ kiểu Việt Nam đã, đang và sẽ phá sản?

Trồng chuối cũng không thể nhỏ lẻ mà phải:
- Làm nông trại công nghiệp, xây nhà máy chế biến, bảo quản
- Thuê công nhân nông nghiệp với kỷ luật công nghiệp
- Xây dựng thương hiệu và có thị trường xuất khẩu

Chúng ta nghe mãi điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa", "bị thương lái ép giá" hay bán cũng không ai mua. Liệu điều đó chỉ là do kém may mắn, hay là tất yếu phải thế?

Thật ra thì việc nông nghiệp nhỏ lẻ phá sản là tất yếu. Hãy tưởng tượng bạn là nông dân xem. Bạn sẽ trồng cây gì có lợi nhất, sau 3 năm do không có kiến thức hay vốn để duy trì chất lượng đất, năng suất giảm, hoặc là ai cũng ồ ạt trồng nên mất giá. Vì bạn làm nhỏ lẻ nên không có thương hiệu, tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc thị trường khi thu hoạch và thương lái, đại lý nông nghiệp, theo giá thị trường. Như vậy bạn hoàn toàn không kiểm soát được giá, cứ khi được mùa thì bạn sẽ phải bán thậm chí dưới giá sản xuất.

Dù bạn có thông minh, cũng không thể nào tiên đoán nổi thị trường. Vì bạn không có thương hiệu và cũng chẳng ký hợp đồng nào với khách hàng.

Do đó, kinh doanh nông nghiệp kiểu hộ cá thể sẽ chỉ dựa vào may mắn, mà may mắn không kéo dài mãi. Sẽ tới lúc phải phá sản do không thuận lợi. Ngoài ra, đất nông nghiệp ngày càng manh mún do đẻ nhiều lại chia nhỏ ra hơn nữa cho các con.

Tóm lại nông nghiệp nhỏ lẻ sẽ dẫn tới:
- Không có thương hiệu, chất lượng sa sút dần do đất đai thoái hóa
- Không thể định hướng hay trung thành với một loại sản phẩm mà phải chạy theo lợi nhuận
- Không thể đảm bảo chất lượng chung do mỗi người canh tác một kiểu và việc thỏa hiệp tiêu chuẩn là bất khả thi
- Vì lợi nhuận thì làm sản phẩm càng kém chất lượng càng có lợi (vì không có thương hiệu nên gắn mác chung ví dụ khoai tây Đà Lạt)
- Không ngại dùng hóa chất độc hại để tăng năng suất bất chấp sức khỏe người dùng

Dù bạn có thông minh và chăm chỉ cỡ nào thì kinh doanh kiểu nông nghiệp nhỏ lẻ, không phải nông trại công nghiệp, sẽ vẫn phá sản.

Đó là lý do ngày xưa vì sao khi thực dân sang thuộc địa đều lập đồn điền kiểu công nghiệp: Như thế mới quản lý chất lượng và tạo thương hiệu được. Ví dụ chuối hay dứa Dole mà bạn thấy ở siêu thị đó là thương hiệu và trồng, chế biến công nghiệp trong các trang trại công nghiệp. Nếu chỉ làm kiểu nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún thì chỉ vài vụ là chất lượng sẽ sa sút ngay, vì mỗi nông dân sẽ làm một kiểu.

Hay ví dụ khác: Ngày xưa các công ty Mỹ lập đồn điền mía ở Cuba và xuất khẩu đường sang Mỹ. Sau khi Che quốc hữu hóa các công ty mía đường của Mỹ, dẫn tới Mỹ cấm vận Cuba, thì Cuba cũng không xuất khẩu được đường là mặt hàng chủ lực nữa. Vì mất thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thật ra là do phương thức sản xuất kiểu hộ cá thể hay nông trại tập thể đều không dẫn tới kết quả tốt và chất lượng tốt. Vì châu Âu không cấm vận Cuba mà do Cuba không còn phương thức sản xuất kiểu đồn điền tập trung nên không cạnh tranh được để xuất khẩu mà thôi.

Tức là không phải bạn được thiên nhiên ưu đãi thì cứ trồng lúa, làm nông bán ra ào ào được. Vì chẳng ai mua và chẳng ai tin bạn.

Đây cũng là lý do mà nếu bạn tự làm nông nghiệp thì rất khó vì không có thị trường. Còn khi công ty nông nghiệp Nhật sản xuất ở Việt Nam là họ có sẵn vốn, kỹ thuật, thương hiệu và thị trường tại Nhật sẵn rồi. Họ chỉ cần cải tạo đất, chỉ đạo kỹ thuật và sản xuất mà thôi. Do đó, họ cần tuyển người Việt có trình độ làm chuyên gia nông nghiệp cho họ vì bạn có khả năng hiểu kinh doanh tại Nhật cũng như hiểu biết về địa phương. Bạn hãy ứng tuyển như là người Nhật và nhận lương chuyên gia (tất nhiên là cần trình độ và kinh nghiệm tương ứng).

Về xu thế chung thì người nông dân sẽ phá sản và phải bán đất đai cho các công ty nông nghiệp lớn để lập đồn điền. Họ sẽ làm việc cho các đồn điền này như công nhân nông nghiệp, hoặc đổ lên thành phố làm việc trong các khu công nghiệp. Vì thế, bạn đừng học cách làm nông của họ mà hãy học phương thức sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản.

Nông trại công nghiệp dứa của hãng Dole. Ảnh: gettyimages.

Hi vọng bài viết hữu ích cho các bạn đam mê sản phẩm nông nghiệp. Nếu muốn du học Nhật Bản ngành nông nghiệp hãy đăng ký tư vấn.
- Mark -

No comments:

Post a Comment