Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Friday, February 15, 2019

Không phải là tiền, kỷ luật mới mang lại hạnh phúc

Tôi đã hoàn thành mục tiêu 3 ngày đầu năm không tiêu tiền. Vẫn hạnh phúc như bình thường, không có gì thay đổi. Vì không tiêu tiền nên cơ bản là nấu ăn ở nhà, mà nấu một bữa ăn hai bữa, nên cũng không mất công gì mấy. Vậy thì rút ra kết luận gì?

Vì không tiêu tiền nên tôi đi ... ngắm người là chính. Chủ yếu là đi xe đạp hoặc đi bộ, không tốn kém gì mà lại tốt cho sức khỏe. Tôi nhận ra một điều là tiền không mang lại hạnh phúc như mọi người tưởng, mà kỷ luật mới mang lại hạnh phúc. Nói cách khác, lối sống có kỷ luật, có dự liệu mới đem lại hạnh phúc.

Nhìn cách mọi người mua sắm, tôi hiểu là họ không hạnh phúc mấy về tiền bạc. Họ phải mua sắm để xóa đi phức cảm tự ti, sau đó lại nai lưng ra làm việc để phục vụ cho việc mua sắm. Trong đa số trường hợp, là thể hiện đẳng cấp, thứ mà những người khác còn ... quá bận thể hiện đẳng cấp của bản thân chứ cũng không để ý mấy.

Mọi người dễ dàng xây dựng lên một ảo mộng về cái gọi là "cuộc sống sang chảnh" (chủ yếu là trên mạng xã hội Skynet) rồi cứ lao theo như con thiêu thân. Nhìn ai cũng lung linh và não bộ tự động tổng hợp tất cả những thứ (có vẻ) tốt đẹp ấy lại, lấy đấy làm lý tưởng phấn đấu.

Chúng ta dễ dàng bắt gặp người "nhiều năng lượng" nay chỗ này mai chỗ kia, du lịch quốc tế như đi chợ. Nhưng sự thật là thế nào? Giá mà họ cũng dành năng lượng đó cho công việc của họ thì thật là hay nhỉ. Không, họ chỉ thể hiện là chính. Người hạnh phúc thì chẳng cần phải thể hiện, vì chẳng biết thể hiện thế nào.

mọi người dựa dẫm vào tiền nên họ không có kỷ luật. Nghĩa là lúc nào cũng phải tiêu tiền, lúc đói lên mới tìm chỗ đi ăn, thường là những chỗ "có vẻ rẻ" nhưng tính kỹ ra thì rất mắc. Bằng cách này, mọi người mất nhiều tiền và phải vất vả kiếm tiền hơn.

Đừng quên là mọi người đã tiêu sạch tiền rồi, ở đây là nợ công, tức là "nợ nhân dân". Nếu lỡ chiến tranh xảy ra, rất nhiều người sẽ gặp họa ngay lập tức (sụp đổ ngân hàng và siêu lạm phát).

Muốn hạnh phúc lâu dài không thể dựa vào tiền mà dựa vào kỷ luật (không tiêu tiền). Vì nếu hạnh phúc dựa vào tiền, sẽ mãi mãi phải đi kiếm tiền, nên không thể duy trì lâu dài. Theo năm tháng, thể lực sẽ suy yếu, đầu óc sẽ chậm chạp đi.

Vì thế, người khôn ngoan về hạnh phúc từ từ sẽ không tiêu nhiều tiền nữa, mà chỉ tiêu vào những thứ xứng đáng. Xứng đáng tức là có lợi về hạnh phúc.

Nếu hành động nào của bạn cũng làm bạn hạnh phúc hơn, thì bạn tích lũy dần vào "tài khoản hạnh phúc" của mình, sẽ một ngày bạn rất hạnh phúc. Cuộc đời chỉ như là một dạng tài khoản, tùy thứ mà bạn tích lũy vào mà sẽ hình thành cuộc đời tương xứng.

Vấn đề ăn trưa

Ăn uống, đặc biệt là ăn trưa, là một vấn đề khó, không chỉ với người đi làm mà cả với du học sinh. Thường thì chúng ta mất quá nhiều thời gian quyết định sẽ ăn gì, vì chẳng ai đủ thể lực nấu buổi trưa mà thường sẽ ăn ngoài. Sau đó, thường là không ngon miệng và sẽ hối hận.

Vấn đề là khi phải quyết định nhanh trong lúc đói, thì tất yếu sẽ sai lầm do bị cơn đói và thời gian thúc giục. Đây không phải là điều khôn ngoan. Vậy có cách nào không phải quyết định sẽ ăn gì vào lúc đói?

Có, nếu bạn có kỷ luật. Để không quyết định sẽ ăn trưa gì thì bạn không quyết định nữa: Bạn quyết định luôn vào tối hôm trước. Như vậy, hôm sau thì bạn cứ thế mà ăn thôi.

Tốt nhất là bạn nấu bữa tối và nấu luôn bữa trưa hôm sau. Hoặc bạn mua sẵn đồ ăn cho trưa hôm sau.

Ví dụ bạn đi làm, bạn mang cơm hộp (lunch box) theo, như thế mới là có kỷ luật. Trừ khi phải có gì thật đặc biệt, cơ bản là bạn ăn cơm hộp chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước.

Như vậy, buổi trưa bạn không phải nháo nhào đi ăn, chen lấn với ngàn người khác cũng như thế, trả một giá cắt cổ cho một bữa ăn thật tồi tàn.

Thay vào đó, bạn ngồi ăn thật thư thái ở văn phòng, có thể tranh thủ nghỉ ngơi thư giãn. Cuộc sống sẽ thư thái hơn nhiều.

Chỉ cần bạn có kỷ luật và kế hoạch hành động mà thôi. Nếu bạn làm được thế, tự nhiên bạn sẽ khác đa số đang phải bon chen khác. Hơn nữa, sự nghiệp của bạn sẽ thăng tiến nhanh hơn, vì bạn đủ năng lượng và tập trung tốt hơn.

Nguyên tắc: Nấu một bữa cho hai bữa và nấu sẵn bữa trưa từ tối hôm trước.

Viết trí tuệ nhân tạo ăn trưa

Làm sao để ăn uống không phải là nỗi khổ mà thành một thú vui? Bạn phải quy trình hóa việc ăn uống, lên được thực đơn đầy đủ. Như vậy, bạn biết chắc bữa sau mình ăn gì từ rất sớm, một cách có kế hoạch.

Từ từ, bạn sẽ lên được thực đơn các món có thể ăn. Khi đã có danh sách đầy đủ rồi, bạn sẽ có thể viết chương trình quyết định việc ăn trưa thay bạn, từ đó, bạn không còn phải nghĩ về việc sẽ ăn gì nữa. Đây là chương trình thông minh, có khả năng "học máy" (machine learning), chỉ cần bạn đánh giá là "đáng ăn" (giá trị 1) hay "không đáng ăn" (giá trị 0), từ đó điều chỉnh trọng số để tính ra xác suất vv.

Thay vì tốn thời gian quyết định (nhất là trong lúc đói) sẽ ăn gì, bạn chỉ cần tập trung tìm kiếm món mới, quán mới, rồi lại nạp vào dữ liệu, từ đó thực đơn ngày càng phong phú hơn.

Nếu bạn khéo, có thể viết thành app và bán ra toàn cầu, có khi còn kiếm bộn tiền.

Vì nhu cầu của bạn cũng là nhu cầu của nhân loại.

Dần dần, bạn phát triển thành hẳn một dạng trí tuệ nhân tạo quyết định sẽ ăn gì một cách thông minh như thể là chính bạn làm điều đó vậy. Chẳng phải là đến nước này, bạn sẽ kiếm bộn tiền và hoàn thành được trung nghiệp hay sao?

Đây là một lý tưởng, mà nếu thành hiện thực, sẽ rất tuyệt vời. Vậy ngày hôm nay chúng ta vẫn vất vả là vì sao? Bởi vì chúng ta phải hiểu bản thân mình muốn ăn gì, và ăn gì thì tốt, phù hợp THỂ CHẤT và lý tưởng của bản thân.

Bắt tay vào làm

Chương trình tự học (machine learning) hay trí tuệ nhân tạo chỉ là ảo mộng. Chúng ta phải bắt đầu một cách thật cụ thể và quan trọng nhất là ứng dụng được ngay.

Trong năm nay, tôi chỉ lên thực đơn các món sẽ ăn được, bằng cách chụp ảnh món ăn và chỉ đánh giá là có ăn lại hay không.

Tức là, cơ bản một món ăn hay quán ăn chỉ có hai giá trị:
1: Sẽ ăn lại
0: Sẽ không ăn lại

Trước hết là như thế đã, còn chấm điểm món ăn thì sẽ để sau, phải lên được lý tưởng. Chấm điểm theo tiêu chí độ ngon, vệ sinh, lượng, giá cả vv thực ra là để tạo ra một hàm số đưa ra giá trị 1 (sẽ ăn lại) hay 0 (sẽ không ăn lại) ở trên mà thôi. Việc chấm điểm này là cảm tính, dựa trên TRỰC GIÁC.

Trực giác chính là con người, là thể chất của chúng ta. Còn chương trình tính toán là phần kỹ thuật mà máy móc xử lý sẽ tốt hơn nhiều.

Máy móc không thể có trực giác thay chúng ta được. Vì máy móc hay chương trình không có THỂ CHẤT của chúng ta.

Năm nay cũng là một năm vất vả vì việc này và tôi thường tranh thủ tải hình lên album vào buổi tối.

Nhưng sau một năm vất vả, tôi tin là sẽ học được TRI THỨC tốt, để có thể sử dụng từ nay đến cuối đời mang lại một cuộc sống thư thái.
Mark

No comments:

Post a Comment