Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Sunday, January 15, 2017

Tìm hiểu về chương trình du học Nhật bằng "học bổng" điều dưỡng (vừa học vừa làm)

Các bạn thường nghe tới chương trình du học Nhật Bản học bổng điều dưỡng, trong bài này Saromalang Overseas sẽ giới thiệu nội dung cũng như bản chất kinh tế để các bạn dự định du học dễ lựa chọn và quyết định hơn. Chú ý: Saromalang không làm hồ sơ học bổng này cũng như không đảm bảo tính chính xác của thông tin. Các bạn hãy hỏi trực tiếp những trung tâm làm hồ sơ học bổng điều dưỡng nhé.

Giới thiệu chương trình du học Nhật Bản bằng học bổng điều dưỡng

Cũng giống như học bổng phát báo (xem danh sách học bổng), du học Nhật bằng học bổng điều dưỡng là việc vừa du học vừa làm công việc điều dưỡng. Tức là, bạn vừa học ở trường Nhật ngữ, đồng thời thời gian còn lại thì đi làm ở một cơ sở điều dưỡng. Đây là công việc 介護 kaigo tức là chăm sóc người già, người bệnh, vv ở viện dưỡng lão, cơ sở y tế điều dưỡng chăm sóc sức khỏe. Về mô hình và tiền lương bạn cũng có thể tham khảo vì tương tự như học bổng phát báo.

Nguồn: Youtube "Công việc điều dưỡng"

Công việc điều dưỡng tại Nhật

Nhật Bản đang thiếu trầm trọng nhân lực trong ngành điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người già, người bệnh, người tàn tật vv. Lý do là vì tiền lương ngành này rất rẻ. Ví dụ, người Nhật đi làm trong ngành này có thể kỳ vọng lương như sau:
Lương cơ bản: 140,000 yen (1,400 USD)
Trợ cấp "trách nhiệm": 30,000 ~ 40,000 yen (300 - 400 USD)

Tổng một tháng là khoảng 1600 - 1800 USD. Đây là mức lương chỉ sống ở mức nghèo tại Nhật và thường làm nghề điều dưỡng ở các cơ sở không tốt, mang tính bóc lột (gọi là black facility) thì còn bị làm thêm giờ, cá biệt có thể 100 giờ/tuần trong khi theo luật chỉ làm 40 giờ/tuần (tức 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần).

Du học Nhật Bản bằng "học bổng điều dưỡng"

Điều kiện là thế này: Trong thời gian học trường Nhật ngữ (1 năm, 2 năm) bạn làm công việc điều dưỡng, ví dụ 28 giờ/tuần (4 giờ/ngày, 7 ngày/tuần) vì theo luật Nhật Bản lưu học sinh chỉ được làm tối đa 28 giờ/tuần. Đổi lại, bạn nhận được tiền công như sau:
"Học bổng" chu cấp 100,000 yen/tháng (1000 USD/tháng)
Hỗ trợ học phí, nhà ở, ví dụ 40,000 yen/tháng (tương đương khoảng 60% học phí trường Nhật ngữ)
Trước đây hỗ trợ học phí 100% nhưng nay thường chỉ 60%, 50%, 30% mà thôi. Như vậy bạn làm giả sử 28 giờ/tuần và nhận 140,000 yen/tháng.

Cũng như học bổng phát báo, gọi là "học bổng" nhưng thực chất là bạn đi làm và lãnh lương.

Cần chú ý tính toán cẩn thận

Học bổng điều dưỡng là một dạng hợp đồng lao động, nếu bạn hủy giữa chừng sẽ phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận, do đó, không dễ để hủy giữa chừng. Giả sử bạn làm đúng 28 giờ/tuần thì tiền lương theo giờ (tham khảo Lương giờ tối thiểu tại Nhật Bản, Yurika) của bạn là:

140,000 yen/ (28 giờ/tuần x 4 tuần) = 1,250 yen/giờ

Tiền lương này có vẻ cao so với mặt bằng chung (ở Tokyo là 1000 yen/giờ) tuy nhiên hãy cẩn thận. Vì hiếm khi bạn làm đúng 28 giờ/tuần mà cũng như học bổng phát báo, về hình thức thì 28 giờ/tuần nhưng về thực tế thì thường gấp đôi. Giả sử bạn làm 6 giờ/ngày (tức là 42 giờ/tuần) thì lương giờ là:

140,000 / 42 / 4 = 830 yen/giờ

Mức lương này còn dưới mức tối thiểu theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bạn nhận lương cứng theo tháng nên số giờ không liên quan nữa. Ví dụ giống như học bổng phát báo, về danh nghĩa bạn chỉ phát báo trong 3-4 giờ/ngày nhưng thực tế là 7-8 giờ/ngày.
Lương cứng cố định khác làm thêm parttime (arubaito) thế nào?
Khác nhau lớn nhất là khi làm thêm theo giờ thì bạn nhận lương theo giờ, làm bao nhiêu nhận bấy nhiều. Còn lãnh lương cứng thì bạn bạn nhận một cục mỗi tháng bất kể số giờ bạn làm. Vì thế, tại nhiều cơ sở thường xảy ra việc làm thêm quá giờ, thậm chí là quá nhiều giờ. Tương tự, khi bạn sang Nhật dạng kỹ sư nhưng làm công việc chân tay thì bạn phải làm quá giờ (gọi là 残業 zangyou) mà thường không được trả tiền làm thêm giờ. Khi sang Nhật với mức lương 2500 USD/tháng thì đa phần mọi người phải làm quá giờ chứ ít khi làm 8 tiếng/ngày mà nhận được như thế.

Chất lượng cuộc sống du học

Điều quan trọng khi du học tất nhiên là việc học tập nhưng theo Saromalang thì việc TRẢI NGHIỆM cũng vô cùng quan trọng. Vấn đề lớn nhất của vừa học vừa làm theo chương trình điều dưỡng có thể liệt kê như dưới đây.

1. Điều kiện làm việc khó khăn, thiếu kinh nghiệm
Ví dụ bạn sẽ được điều động những giờ không có người làm, giờ khuya, vv. Đa phần đều được đào tạo nhưng thời gian rất ngắn và đi làm ngay, dẫn tới thiếu kinh nghiệm làm việc, hay mắc lỗi. Hơn nữa, việc giao tiếp khó khăn, hiểu nhầm với bệnh nhân thường dẫn tới phải chịu la mắng, thái độ cáu gắt. Đến người Nhật còn không hiểu "tiếng Nhật trong cơ sở điều dưỡng" và hay hiểu nhầm nữa là người nước ngoài. Đây là môi trường làm việc áp lực cao, vì thế ít người Nhật muốn làm dẫn tới thiếu nhân lực.

Với các bạn Việt Nam (nhiều bạn đã tốt nghiệp đại học hẳn hoi) thường khó mà hiểu văn hóa và giao tiếp tiếng Nhật và cũng chẳng quen công việc hộ lý, điều dưỡng do không được đào tạo bài bản nên cảm thấy áp lực hơn nữa.

2. Tiền lương thực chất theo giờ không cao do làm thêm quá giờ
Xem phần tính toán ở trên. Đây là vấn đề về kinh tế học và thị trường, người ta không thể trả lương cao cho bạn quá giá thị trường được. Người Nhật làm với lương thực chất thấp nên bạn không thể có mức lương cao mà phải làm theo giờ. Đây không phải là bóc lột mà là cạnh tranh kiểu tư bản chủ nghĩa. Nếu thuê bạn mà không có lợi thì họ đã thuê người Nhật sẽ ít hiểu nhầm hơn nhiều.

3. Không thể thay đổi công việc
Vì bạn đã ký hợp đồng, nếu hủy có thể phải bồi thường toàn bộ số tiền đã nhận nên không dễ để hủy. Việc kiện cáo cũng bất khả thi vì điều khoản thường do luật sư soạn thảo và bất lợi thuộc về bạn thôi. Bạn cũng khó mà chứng nhận làm quá giờ vì về danh nghĩa chỉ làm 4 giờ/ngày, thời gian còn lại là "tự nguyện" mà thôi.

4. Ảnh hưởng tới việc học tập
Việc làm quá giờ thường ảnh hưởng tới chất lượng học tập tiếng Nhật và việc ôn thi lên cao. Trừ khi bạn có ý chí cao nếu không bạn sẽ cảm thấy mệt, kiệt sức và việc học bị hạn chế, sau đó lại phải vào những trường không tốt lắm (do không có thời gian tìm hiểu và ôn thi) và con đường học vấn kéo dài hơn và không chắc chắn.

Nên hay không nên du học bằng học bổng điều dưỡng Nhật Bản

Trường hợp không có tiền du học: Nên
Trên đây là các phân tích về khía cạnh kinh tế, xã hội và tiền lương ngành điều dưỡng ở Nhật. Với các bạn có thể lực, ý chí cao mà không có tài chính nhưng muốn du học Nhật Bản thì nên đăng ký vì bạn sẽ có việc làm và thu nhập ngay sau khi sang Nhật.

Trường hợp yêu thích nghề điều dưỡng: Có thể
Vì bạn sẽ vừa kiếm tiền vừa tích lũy được kinh nghiệm tốt cho sự nghiệp làm điều dưỡng của bạn trong tương lai. Tuy nhiên, nếu bạn có tiếng Nhật khá thì lại không nên vì bạn có thể làm ví dụ ở cừa hàng, siêu thị kiếm được nhiều tiền hơn. Hoặc đơn giản là sang rồi tự xin công việc điều dưỡng thì lương cao hơn vì không phải trả chi phí "phái cử" (haken) cho công ty môi giới.

Trường hợp có tiền du học: Không nên (vì làm thêm thường kiếm được nhiều hơn)
Với các bạn có tài chính (gia đình có thể đầu tư khoảng 200 triệu đồng cho việc du học) thì sang Nhật học tiếng Nhật cho tốt và đi xin việc làm thêm (ví dụ nhà máy sản xuất thực phẩm, cửa hàng tiện lợi vv) thường tiền lương sẽ cao hơn, chủ động thời gian hơn và thay đổi công việc được.

Trường hợp có tiếng Nhật tốt: Không nên
Với các bạn tiếng Nhật tốt thì nên chọn làm ở quán ăn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng vv tiền lương sẽ cao hơn khá nhiều và lại nhàn hơn, lại đỡ phải học về điều dưỡng.

Do đó, trừ khi bạn rất khó khăn về tài chính, hoặc cảm thấy khó mà học tiếng Nhật tốt hay không tự tin muốn chắc ăn thì nên xin học bổng điều dưỡng, nếu không thì đăng ký du học như bình thường nhé.

Cơ hội học đại học ngành điều dưỡng tại Nhật Bản

>>Con đường học y tá, điều dưỡng tại Nhật Bản (bằng nghề chuyên môn)
>>Học dự bị đại học và lấy bằng đại học ngành điều dưỡng tại Nhật Bản (bằng đại học)

Vì sao học đại học ngành điều dưỡng? Vì bạn có nhiều thời gian và học rộng hơn và có "trình độ đại học" có thể tư duy về ngành, nghề điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Trong tương lai, nếu tư duy tốt bạn có thể mở cơ sở kinh doanh nghề điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam hoặc xin vào làm việc tại các phòng khám, bệnh viện quốc tế tại Việt Nam.

Khi có bằng đại học ngành điều dưỡng thì cơ hội của bạn sẽ nhiều hơn vì bạn là người có khả năng tư duy ở trình độ đại học. Đây là khác biệt giữa người tốt nghiệp đại học và tốt nghiệp trường nghề senmon.

Với bằng đại học, bạn có thể làm chức vụ quản lý trong các cơ sở y tế quốc tế ở Việt Nam. Hoặc bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực này (sau khi đã tích lũy kinh nghiệm làm việc tại Nhật) cũng là lựa chọn tốt về lâu dài vì thu nhập của người Việt đang tăng cao, dân số đang già hóa. Cùng với sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài thì tầng lớp trung lưu đi làm cho nước ngoài tăng cao, nhu cầu chăm sóc y tế cho cha mẹ của họ cũng sẽ tăng trong những năm tới (do bản thân đi làm trong xã hội công nghiệp sẽ không có thời gian và kỹ năng chăm sóc cho người già).

Bạn có thể đăng ký tư vấn tại đây.

No comments:

Post a Comment