Đây là cách để người khác kiếm tiền làm giàu, nghĩa là cách để bạn làm giàu cho người khác và bạn nghèo đi. Tóm lại thì nếu yên tâm rằng mình đã được bảo hiểm (bệnh tật, tử vong) thì chắc cuộc sống của bạn sẽ thoải mái và yên tâm mà kiếm tiền làm giàu?
Đợi chút! Nghe có vẻ quá tốt để có thể là sự thật. Nghĩa là nó không phải là sự thật.
Bởi vì, PHÍ BẢO HIỂM luôn rất cao và là gánh nặng lớn. Bảo hiểm nhân thọ bèo lắm cũng 10 ~ 20 triệu/năm, số tiền càng ít thì mức bảo hiểm càng nhỏ, tới mức bạn còn chẳng muốn nghe đến nó.
Và tiền phí đóng năm đầu, nếu bạn hủy ngay thì chẳng còn lại xu nào cả. Vì nó đã đi vào phí quản lý và hàng đống chi phí khác rồi. Đặc biệt, có lẽ bạn không biết rằng người bán cho bạn ăn HOA HỒNG rất dày, và vì thế, họ đã học được kỹ năng bán hàng. Họ sẽ trở thành kiểu như "vạn hộ hầu" ăn lộc vạn hộ. Các công ty bảo hiểm kiếm được rất nhiều lợi nhuận nên thường trả hoa hồng rất hậu hĩnh và có cả một đội ngũ bán hàng giúp họ kiếm tiền. Cơ bản, họ không khác gì công ty đa cấp.
Nhưng rủi ro thật sự là gì? Chẳng phải nếu được bảo hiểm rủi ro thì cuộc sống sẽ rất tuyệt hay sao, giống như trên thiên đường, nơi mọi người đều mặc trang phục trắng, nhảy múa như điên dại như thể mình đã mất trí, trong một bầu không khí sôi động cuồng nhiệt?
Không, không tuyệt tí nào cả. Rủi ro lớn nhất chính là BẢN THÂN BẢO HIỂM với hàng đống chi phí cao ngất. Bởi vì, có một hệ thống khổng lồ ăn uống vô độ ngay trên đầu bạn.
Bảo hiểm là để bạn tránh rủi ro nhưng chính nó lại là một rủi ro lớn về tài chính. Vì bạn phải đóng phí bảo hiểm mỗi năm, và sau khi trừ đi các chi phí quản lý, hoa hồng, vv thì hầu như chẳng còn lại gì mấy. Chỉ còn một ít cơm thừa canh cặn.
Người bán bảo hiểm hay lấy ví dụ anh A, chị B, bà C, ông D, nhờ mua bảo hiểm mà lỡ qua đời nên gia đình được nhận khoản tiền kếch xù, do đó mà không phá sản và ra đường. Có lẽ những người đấy đang nhảy múa trên thiên đường vì kiếm được rất nhiều tiền từ bảo hiểm!?
Nhưng những người bán này không hề nói với bạn rằng, có hàng ngàn, hàng vạn người ngoài kia, đơn giản là phá sản và không thể đóng bảo hiểm nữa, vì thế bỏ ngang giữa chừng. Số tiền mà họ đóng, ví dụ 100 triệu, trong suốt mấy năm, giờ rút ra chỉ còn được 20-30 triệu.
Số lượng người phải bỏ bảo hiểm đông áp đảo số người được chi trả bảo hiểm, vì cuối cùng, đa số nhận ra: Họ không cần bảo hiểm. Họ cần TIỀN để mua đồ ăn và trả hóa đơn. Cuối cùng, họ đã mất một số tiền lớn vì bảo hiểm.
Tôi ví dụ, một người còn trẻ, độ tuổi lập thân là 30, nợ thẻ tín dụng đầm đìa bên cạnh một đống các khoản nợ cá nhân khác, vì nghe lời ngon ngọt về tương lai an toàn tài chính mà mua bảo hiểm nhân thọ và góp vốn đều vào đấy. Rồi khủng hoảng kinh tế hay thất nghiệp, tiền ăn còn khó nhưng không sao, vì sống cùng cha mẹ, nhưng không có đủ tiền để nộp cho bảo hiểm. Không lẽ lại vay nợ để đóng bảo hiểm, trong khi bụng đang đói vì thiếu ăn hay sao?
Đây là trường hợp bi kịch về tài chính điển hình do không quản lý được chi tiêu cá nhân. Nhưng rất nhiều người mua bảo hiểm đang như thế. Họ mua một chút yên tâm nho nhỏ mà bỏ đi đại cục, đấy là nền tảng tài chính cá nhân đã hỏng bét.
Không tiền thì hết bạn! Công ty bảo hiểm luôn áp dụng triệt để triết lý này. Bảo hiểm đâu phải thiên sứ dang rộng cánh tay ra và bảo bạn: Bạn đang khó khăn về tài chính thì cũng không sao đâu, tôi cho bạn nợ khi nào có thì đóng. Nếu bạn đóng muộn, bạn bị xóa bảo hiểm và mất một đống tiền!
À, tới đây thì gay cả go rồi đấy! Bởi vì tình hình tài chính đã bi đát đến thế mà còn áp lực đóng tiền cho bảo hiểm, hoặc mất một số tiền lớn trong số tiền bảo hiểm đã đóng, huyết áp lên cao và các mạch máu căng hết cả ra. Nếu có một ngày bạn thấy mọi thứ bỗng quay tròn như chong chóng, rồi bạn thấy mình có đôi cánh bay lên tới nơi có thật nhiều ánh nắng, mọi người nhảy múa như điên dại thì lúc đấy, bạn còn tốn một đống tiền cho bệnh viện nữa.
Từ bảo hiểm chống lại rủi ro, bảo hiểm trở thành cơn đau đầu triền miên và sau khi tỉnh dậy, bạn thấy mọi người xung quanh đều mặc áo trắng, nhưng không phải là thiên đường, mà là bệnh viện cấp cứu.
Nhưng sự căng thẳng này không phải là mới xảy ra ngày hôm qua, mà ngay từ lúc bạn bắt đầu ký vào hợp đồng bảo hiểm. Ngay từ lúc đấy, bạn đã ký vào một giao kèo cam kết rằng, bạn sẽ làm giàu hết mình cho rất nhiều người khác, công ty bảo hiểm, người môi giới báo hiểm vv. Chỉ có bạn là nghèo đi theo năm tháng.
Tất nhiên, nếu sau này bạn là trụ cột tài chính và có rất nhiều người phụ thuộc như con cái, bạn nên mua bảo hiểm phù hợp nhưng đấy là khi bạn đã có NỀN TẢNG TÀI CHÍNH VỮNG CHẮC. Đa số người mua là do bị dụ dỗ, không có người phụ thuộc, cũng không có nền tảng tài chính gì. Tệ hơn nữa, những người mua đó là người không biết tiết kiệm và bị người bán bảo hiểm dụ dỗ rằng, mua bảo hiểm chính là tiết kiệm cho tương lai.
Mua bảo hiểm không phải là tiết kiệm cho tương lai của bạn, mà là cho tương lai của người môi giới và công ty bảo hiểm. Ngày mà họ bật sâm banh ăn mừng là ngày mà bạn không "đóng hụi" được cho họ và bị cắt hợp đồng. Bạn sẽ biến mất vĩnh viễn khỏi ký ức của họ, hình ảnh thay thế là một con bò sữa thật tuyệt vời và năng suất.
Phong cách không bảo hiểm
Tôi không mua bất kỳ bảo hiểm gì nhưng tôi không khuyên bạn như thế. Tôi không mua bảo hiểm nhân thọ vì tôi không có người phụ thuộc, thậm chí tôi còn đang bòn rút tiền của cha mẹ (^^).
Tôi cũng không mua bảo hiểm y tế vì rẻ nhất là 2 triệu, nhưng mấy năm qua tôi chưa bao giờ đi khám. Nếu tôi mua ví dụ trung bình 2.5 triệu một năm thì 5 năm qua tôi đã mất 12.5 triệu rồi!
Còn nếu mua bảo hiểm nhân thọ 20 triệu/năm thì tôi đã mất 100 triệu vào đó rồi.
Nhưng chẳng phải cuộc sống này quá rủi ro và không biết ngày mai sẽ ra sao hay sao? Cuộc sống không rủi ro đến mức như thế. Bởi vì quan trọng là TIỀN TIẾT KIỆM. Nếu thực sự sợ rủi ro thì hãy tiết kiệm thật nhiều tiền, càng nhiều càng tốt.
À, nhưng mà nếu bạn không mất tiền làm giàu cho người khác, thì cuộc sống đâu có nhiều áp lực mà rủi ro nhỉ? Áp lực lớn nhất mà nhân loại từng biết chính là CHÁY TÚI.
Nếu bạn có tiền tiết kiệm và đang tiết kiệm nhiều hơn, chẳng có áp lực gì mấy. Mọi biến cố ngẫu nhiên có thể xảy ra, tôi đều giải quyết bằng tiền của mình.
Nhưng nếu tiền trong túi không đủ thì sao? Bạn có thể vay bạn bè kia mà. Rồi sau đó trả lại sau. Nếu bạn có thể đi làm trở lại thì sẽ sớm trả lại được thôi. Nếu không thì sao? Có lẽ cũng chẳng ai nỡ đòi một người đã chết hay tàn phế hoàn toàn.
Nhưng thường thì chẳng có vấn đề gì to tát xảy ra cả. Chính việc mua bảo hiểm mới hay mồi cho những tai họa xảy đến. Ví dụ vì mua bảo hiểm rồi nên hành vi bất cẩn, lơ đãng, hay tha hồ hút sách nhậu nhẹt với suy nghĩ đã có bảo hiểm lo.
Ngoài ra, một khi mua bảo hiểm thì lại vi phạm với nguyên tắc tài chính "phải sinh lời", nên chẳng biết nghĩ thế nào. Nếu muốn lời thì phải thương tật hay tử vong cơ. Không, chắc chắn đây không phải là thứ tôi muốn dù chỉ để phòng ngừa rủi ro, tiết kiệm hay thậm chí "đầu tư" (ngôn ngữ mồi chài mới của bảo hiểm) gì cả.
Nếu bạn không mua bảo hiểm, bạn tiết kiệm và đem tiền đấy đi đầu tư. Tiền sẽ sinh sôi theo năm tháng và đấy mới là việc bạn bảo hiểm tốt nhất. Ngoài ra, để đầu tư bạn sẽ phải học về tài chính, thị trường. Mà kiến thức và trí tuệ là sự bảo hiểm tốt nhất rồi còn gì. Ngay cả khi bạn đã mất sức lao động, hay chán ghét các công ty bóc lột và không muốn đi làm nữa, bạn vẫn có thể làm cho tài sản sinh sôi và sống sung túc.
Bởi vì bạn chỉ làm giàu cho bản thân chứ không chỉ sống để làm giàu cho công ty bảo hiểm hay bất kỳ ai khác. Không ai có thể sống trong sợ hãi.
No comments:
Post a Comment