Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, February 2, 2021

Nền kinh tế bất động sản hóa

Nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế bị "bất động sản hóa" tức là lấy bất động sản làm trung tâm. So với cách đây chục năm thì có khác, vì thời đó chưa kết hối và kết kim, nên nền kinh tế bị vàng hóa, ngoại tệ hóa (đô la hóa), khiến cho công cụ tiền giấy (in tiền) bị hạn chế tác dụng.

Vì sao nền kinh tế bị bất động sản hóa? Vì vàng bị kết kim (nhà nước độc quyền vàng), và ngoại tế bị kết hối (nhà nước độc quyền ngoại tệ).

Các chuyên gia hay "ca ngợi" là việc này giúp ổn định tiền tệ, vĩ mô, ổn định nền kinh tế nhưng việc của họ là ca ngợi mà. Chứ hậu quả là nền kinh tế bị bất động sản hóa và làm rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân phá sản thì họ im như thóc.

Tức là, người dân vốn không tin tiền giấy do bị in quá nhiều, trượt giá, lạm phát cao cảm nhận được theo từng năm, nên họ thích giữ ngoại tệ và vàng. Nhưng từ khi ngoại tệ và vàng bị độc quyền, họ mất đi kênh lưu trữ tài sản, chỉ còn bất động sản để đầu tư.

Từ đó, tất cả đều phải nháo nhào lên con tàu bất động sản, đẩy giá bất động sản lên cao.

Ngoài ra, việc kết hối, kết kim là để cứu nhà giàu và tư bản thân hữu, vv khỏi cảnh phá sản. Họ không những không phải chịu trách nhiệm cho sự kinh doanh yếu kém của mình, mà vẫn giữ được bất động sản và ngày càng giàu lên.

Cuối cùng, tất cả đều phải đẩy hết tiền vào nhà đất, đẩy giá lên cao vút theo từng năm và quả bóng bất động sản ngày càng khổng lồ.

Vì sao bong bóng bất động sản nở lên mãi?

Vì đây là kênh duy nhất chống trượt giá, in tiền, và ai cũng đổ tiền vào. Người chưa lên tàu (chưa mua được bất động sản) thì nóng lòng tìm mọi cách lên tàu. Người lên tàu rồi, tức là có bất động sản rồi, thì không ai muốn "tài sản" của mình mất giá, ngày đêm cầu nguyện cho nó tăng giá.

Người giàu hay người nghèo đã lên tàu đều muốn bất động sản tăng mãi, trừ người chưa lên được tàu! Người chưa lên tàu thì đương nhiên là mong bong bóng nổ để họ còn lên được tàu, hay xì đi cũng được, để họ mang hết tiền tiết kiệm, vay cha mẹ và người quen, vay ngân hàng để lên tàu. Sau khi lên được tàu, họ cũng lại trở nên giống người đang ngồi trên tàu, là cầu nguyện cho bất động sản họ mua cứ tăng giá mãi theo từng năm.

Nhưng, cái gì cũng có cái giá của nó.

Bong bóng bất động sản = Kinh tế tiêu điều xơ xác

Doanh nghiệp và người làm ăn phải trả tiền mặt bằng ngày càng cao, bào mòn lợi nhuận của họ. Vì thế, họ phải tăng giá bán, dẫn tới khách giảm đi, hay chi tiêu ít hơn. Họ lại càng phải tăng giá lên cao hơn nữa. Cho tới một ngày, khách trở nên "nghèo" quá không chi tiêu nữa, họ phá sản.

Những người vay ngân hàng để lên con tàu bất động sản tưởng từ đấy sẽ đi lên tương lai no ấm nhờ bất động sản tăng giá, thì thực tế sinh hoạt phí tăng cao do giá bất động sản tăng cao, nên đời sống họ kém đi, mà còn phải trả nợ. Nên đương nhiên là nhìn ai cũng tiêu điều, xơ xác, khắc khổ, chứ cũng không sung sướng gì vì lên được con tàu bất động sản cả.

Vì doanh nghiệp và người kinh doanh phá sản, nên họ không dám kinh doanh nữa, mà để tiền thì sợ ... trượt giá, thế là họ lại đổ tiền mua nhà đất, lại đẩy bất động sản lên mãi.

Như thế có thể nói, nền kinh tế không còn tập trung vào sản xuất hay kinh doanh gì nữa, mà chỉ tập trung đi buôn và gom bất động sản.

Ngay cả người đi làm công ăn lương, họ cũng không chú tâm công việc của họ mà nửa thời gian họ tìm bất động sản. Rồi công ty họ làm do tiền mặt bằng quá cao, và mọi người nghèo đi, nên không bán được nhiều hàng, thu nhập giảm, nên cũng không thể tăng lương cho họ. Vì lương thấp nên họ lại càng phải lên con tàu bất động sản để hi vọng sẽ có ngày đổi đời.

Đây là cơn ác mộng với tất cả mọi người! Đừng nghĩ người giàu sẽ hạnh phúc vì họ có nhiều bất động sản và nhà đất của họ tăng giá từng ngày.

Bởi vì, nhà đất đồng nghĩa có thể cho thuê có tiền, và có tiền thì cứ phải đau đầu tìm đất khác để mua. Nhiều người có tiền tiết kiệm nhiều khi về hưu, thay vì nghỉ ngơi thư giãn sống điền viên hay du lịch thăm bạn bè, thì họ suốt ngày đi kiếm đất để mua.

Nhưng vì ai cũng đổ tiền vào quả bong bóng này, nên để mua được mảnh đất với giá hời cực kỳ khó. Thực tế, bất kỳ đất nào cũng lên rất cao rồi, bất kể khả năng sinh lời (cho thuê) là bao nhiêu.

Có nên tham gia "thổi bong bóng" không?

Có nên gom hết tiền và mua bất động sản không? Tùy bạn thôi, nếu bạn chịu được rủi ro mua giá cao và sẽ phải đợi rất lâu, trong lúc đó vật giá leo thang không có tiền để sống sung túc, mất cơ hội đổi việc lương cao vv thì bạn cũng có thể tham gia "thổi bong bóng". Hi vọng sau 10 năm nó tăng 2, 3, 4 lần, để bõ công "thổi" của bạn. Với lại bạn sống nghèo trong 10 năm, nhịn ăn nhịn mặc, rồi có một cục tiền lớn, thì cũng có thể đáng lắm.

À, đấy là nếu bạn còn có sức mà hưởng thụ. Chỉ sợ bạn quen sống khổ rồi. Mà bạn có dám chốt lời không? Ví dụ bạn mua bất động sản 3 tỉ, nó tăng lên 6 tỉ, bạn có dám bán không? Vì nếu bạn không bán, bạn vẫn nghèo. Bạn bán rồi, thì lại bị xuống tàu, và để lên tàu thì 6 tỉ lại không mua được nữa.

Nếu bạn do dự, bạn vẫn cứ ngồi yên trên tàu. Trong lúc đó, có thể người khác chỉ tập trung làm ăn, có thể kiếm được 9 tỉ rồi không chừng đấy. Lúc đấy cũng hơi hơi đau khổ một tí.

Chúng ta phải nhìn toàn cảnh để thấy là dù nhảy lên con tàu bất động sản giống như số đông, hay cố gắng kinh doanh trong bong bóng bất động sản thì cũng đều khá dở hơi. Rất nhiều người phải đóng công ty, làm ăn không được, vì bong bóng bất động sản.

Tiền thuê mặt bằng là một chuyện, mà vấn đề là khi bong bóng bất động sản nở ra thì giá cả dịch vụ hàng hóa tăng cao, các khách hàng đều nghèo đi nên họ mua hàng ít hơn, chứ không phải phá sản chỉ do tiền thuê bất động sản cao. Túi tiền của mọi người giảm đi, tầng lớp trung lưu chưa xuất hiện thì đã bị đánh cho tan tành, thì bán hàng cho ai?

Bài toán ở đây chính là phải nghĩ ra BUSINESS MODEL không phụ thuộc mặt bằng, và không thuê mặt bằng giá cao. Như thế thì phải vận dụng khả năng đầu óc tốt và hướng tới đối tượng là những người đang bị bần cùng hóa muốn tiết kiệm tiền hơn nữa.

Tất nhiên là để kiếm tiền thì vẫn phải kinh doanh thôi. Nhưng để có thể kinh doanh mà không sợ bị chủ nhà ăn hết tiền lời, thì phải suy nghĩ và phải có ý tưởng mới.

Kinh doanh không cần mặt bằng ví dụ làm hàng hóa ở nhà và bán online thực tế là rất an toàn. Thậm chí còn không sợ có ai đó quấy rầy, vòi vĩnh hối lộ nữa. Nhưng làm sao để tạo thương hiệu và tiếp cận khách hàng, thì lại là vấn đề khác.

Ngoài ra, nếu bạn sợ cầm tiền mặt thì có thể đầu tư các kênh không độc quyền. Tất nhiên là không phải là vàng hay ngoại tệ rồi!

Mark

No comments:

Post a Comment