Thời thế đã thay đổi: Đầu tư công (chi tiêu công) đã trở thành một xu hướng kinh tế mới toàn cầu. Tức là khi nào nền kinh tế có dấu hiệu khủng hoảng (cảm cúm) thì chính phủ sẽ tăng đầu tư công và tạo dòng tiền giá rẻ (thuốc kháng sinh) để cứu những doanh nghiệp cốt yếu (của tư bản thân hữu vv).
Bởi vì nền kinh tế ngày nay đã toàn cầu hóa, sức sản xuất cao, nên chỉ cần không đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thì nền kinh tế có thể phục hồi ngoạn mục (phục hồi theo mô hình chữ V).
Trước đây, sự phát triển kinh tế thần kỳ ở Mỹ hay Nhật thập niên 60, 70 thường dựa vào kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có lẽ, sự thần kỳ này đã không còn nữa. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mọi quốc gia đang teo tóp và tiêu biến dần, trở thành các doanh nghiệp một người hay siêu nhỏ. Khát vọng về một nền kinh tế giàu mạnh với rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn khấm khá, có lẽ chỉ còn là một ảo mộng.
Khoan đã! Tại sao lại cần doanh nghiệp vừa và nhỏ nhỉ? Cứ mua sản phẩm nông nghiệp từ các trang trại công nghiệp và mua hàng hóa bigtech sản xuất ở công xưởng không phải rẻ hơn sao?
Doanh nghiệp vừa và nhỏ để gia công cho doanh nghiệp lớn có thể không còn cần thiết nữa. Với nguồn lực vốn tư bản khổng lồ có được từ toàn cầu hóa, tư bản đang xây dựng cả một cỗ máy khổng lồ mà không cần doanh nghiệp vừa và nhỏ nữa, theo kiểu là cần thứ gì thì tự xây lấy thứ đấy, bằng nguồn vốn gần như vô hạn là tiền tiết kiệm của toàn dân (tất nhiên thông qua vay ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay phát hành cổ phiếu vv). Nếu có nguy cơ sập tiệm thì chính phủ sẽ bơm tiền ra cứu, vì nó quá lớn để có thể phá sản.
Trước đây không thể bơm tiền đầu tư công vì nỗi sợ hãi về mùa đông LẠM PHÁT. Vì nếu in tiền ra mà kinh tế không phát triển và tạo sản phẩm tương xứng thì quốc gia sẽ nhanh chóng phá sản. Nhưng nhờ có thời đại toàn cầu hóa, miễn là đang tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì sức sản xuất vẫn duy trì cao (dựa trên kỹ nghệ của tư bản và sức lao động giá rẻ của dân nước nghèo).
Nếu là khủng hoảng toàn cầu, nước giàu in tiền thì nước nghèo cũng in tiền, như thế sẽ không bị gán mác thao túng tiền tệ dẫn tới chiến tranh tiền tệ. Họa bóng trắng chính là một ví dụ điển hình như thế. Khi các nước đều cùng nhau in tiền, thì chuỗi cung ứng và tiêu thụ toàn cầu sẽ không bị ảnh hưởng gì, sức sản xuất vẫn được duy trì, do đó, không sợ lạm phát. Tất nhiên là chỉ có người dân là nghèo đi, nhưng nước phải lấy quan làm gốc, lấy tư bản làm nền, dân nghèo chỉ như có dại, quan tâm làm gì. Họ nghèo thì họ sẽ tự khắc bán hàng đa cấp hay học khóa làm giàu để nghèo hơn nữa và sẽ trở thành lao động giá rẻ tiềm năng.
Nếu là khủng hoảng riêng rẽ thì sao? Ví dụ lãi suất lên cao ngất và bong bóng bất động sản nổ tung hoặc xì hơi mạnh chẳng hạn. Cũng không sao cả, tư bản quốc tế sẽ tung ra gói cứu trợ để cứu, nhằm tránh đổ vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau này cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh bán cổ phần cho tư bản toàn cầu là được. Đây cũng là con ngựa thành Troy mở cửa cho tư bản nước ngoài vào thâu tóm.
Cho dù là khủng hoảng kiểu nào thì tư bản toàn cầu hóa vẫn ăn trên ngồi chốc.
Người thua thiệt chỉ là doanh nghiệp vừa và nhỏ và người dân.
Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu hóa, có lẽ họ không còn quan trọng nữa, vì đã có cây đũa thần gọi là ĐẦU TƯ CÔNG.
Tức là đầu tư công sẽ thành xu thế chủ đạo trong tương lai và khủng hoảng kinh tế mini sẽ có thể xảy ra liên tục.
Tôi nói đơn giản thế này:
Doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dân = THÂN THỂ
Khủng hoảng kinh tế (dấu hiệu) = CẢM CÚM
Đầu tư công = KHÁNG SINH
Tới đây thì có lẽ các bạn cũng hiểu rồi. Chỉ cần có dấu hiệu cảm cúm là lập tức bơm kháng sinh vào thân thể, và thế là ta lại có một thân thể "khỏe mạnh" ??!
Và ta sẽ lại làm việc trong chuỗi cung ứng toàn cầu hóa. Nhưng rõ ràng là không ổn. Bơm kháng sinh quá nhiều thì thân thể sẽ trở thành đống thịt nhão như bọn "bệnh phu" nghiện hút. Thân thể yếu đi vì thiếu dưỡng chất và càng dễ cảm cúm hơn, các bệnh khác như ung thư cũng bắt đầu phát triển.
Tôi dám khẳng định rằng bơm tiền quá nhiều sẽ có ngày doanh nghiệp thân hữu trở thành một khối u khổng lồ về kinh tế, di căn ra khắp thân thể. Nhưng "bệnh phu" thì hút được ngày nào vui ngày đấy, bận tâm tới tương lai xa xăm làm gì. Sốc thuốc cũng có thể chết thì lo gì đến ung thư.
Theo cách này, người dân sẽ bị bần cùng hóa đi và mất sức phản kháng, đúng theo kế sách "bần dân dễ trị".
Nhưng chúng ta sẽ tát nước theo mưa mà đúng không? Chúng ta đang sống trong một thời đại của tư bản, do tư bản và vì tư bản. Không thể sống một mình một kiểu, mà phải thích ứng và hành xử giống như tư bản để SINH TỒN.
Nếu xu thế đầu tư công là chủ đạo, thì chúng ta ĐẦU TƯ gì? Tất nhiên là cổ phiếu các doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công. Với tốc độ xây cao tốc và sân bay, cảng biển như vũ bão thì có lẽ là doanh nghiệp sắt thép, xây dựng cơ bản, vv.
Thứ nhất, đầu tư vào tài sản để tránh rủi ro lạm phát và in tiền giá rẻ.
Thứ nhì, đầu tư vào tải sản hưởng lợi từ đầu tư công để ăn cơm thừa canh cặn của tư bản, để SINH TỒN.
Thứ ba, bạn đầu tư thì giàu lên mà lại bớt chi tiêu, nên tư bản ít bán được hàng hơn, phần họ nghèo đi là phần bạn giàu lên.
Thứ tư, nếu bạn có thể trở nên giàu có, sẽ có một ngày cùng với các nghĩa sỹ đứng lên diệt gian trừ bạo, đánh đổ bọn cường hào ác bá, xây dựng một xã hội công chính.
Từ đó, chúng ta đi lên chủ nghĩa toàn cầu hóa toàn dân, sống hạnh phúc như trên thiên đường, nơi mọi người mặc áo trắng và nhảy múa như điên như dại trong niềm hân hoan cực độ.
No comments:
Post a Comment