Người Nhật hay người Âu Mỹ thường đề cao sự thông minh (smart), khôn ngoan (wise) và tránh xa sự khôn lỏi, khôn vặt (crafty, dodgy), thường là dạng tư lợi.
THÔNG MINH # KHÔN LỎI
Lợi ích lâu dài # Lợi ích trước mắt
Vấn đề là một số nơi lại coi sự khôn lỏi là thông minh, phải khôn lỏi mới được coi là thông minh. Nhưng theo tôi đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Người thông minh thì không khôn lỏi, mà thường họ là những người "khờ", đôi khi bị coi là "ngu ngốc". Người Mỹ có câu "Stay hungry. Stay foolish." (Luôn đói khát. Luôn dại khờ.) là vì thế.
Người khờ mới thay đổi thế giới vì họ có thể kiên trì theo đuổi mục đích nào đó đến cùng. Lịch sử nhân loại là do người ngu ngốc tạo ra. Ví dụ, những người tạo ra máy bay, chẳng có mục đích thương mại gì, họ chỉ khờ và muốn bay. Hay các nhà khoa học cố tìm ra chân lý, chẳng ai trả tiền để họ làm thế. Nhà khoa học Galileo được gì nếu phát minh ra kính thiên văn quan sát hành tinh? Ông ấy còn bị trừng phạt vì việc đó.
Ngay cả việc học giỏi tiếng Nhật hay ngoại ngữ cùng cần bạn phải khá khờ. Nếu bạn tính toán lợi ích từ đầu thì bạn sẽ thấy chẳng ý nghĩa gì, vì thế bạn bỏ hoặc học cầm chừng thôi. Nghĩa là bạn không thể giỏi được. Việc "khôn quá" thường dẫn tới việc không học hành cho tới ngày có thành quả.
Cũng có người rất "khôn" bằng cách làm gì học gì cũng dở thôi, như thế lợi dụng được người khác. Làm giỏi quá sẽ bị nhờ vả, sẽ "thua thiệt" chứ sao. Vì thế, họ thường hiếm khi làm gì nên hồn. Vì họ không khờ mà lại "khôn", thậm chí quá khôn.
Vấn đề nông nghiệp ở Việt Nam: Thông minh hay khôn lỏi?
Nông nghiệp ở VN có vấn đề là mất mùa nhưng giá cao, hay được mùa nhưng giá thấp thì đều kêu ca, và đều đổ cho thương lái ép giá cả. Có thật vậy không hay do họ quá khôn?Ở VN thì làm nông nghiệp không hề trung thành với loài cây nào hay đối tượng khách hàng nào mà mỗi năm thì lại bàn nuôi con gì trồng cây gì để thu lời nhiều nhất. Như vậy là khôn rồi, vì cùng một công kiếm nhiều tiền nhất. Họ không cần ý thức chuyên nghiệp hay tạo ra nông sản chất lượng cao làm gì.
Vì nếu làm chuyên nghiệp thì rất mệt. Phải trồng một cây cả mười năm, rồi phải cải tạo và bảo vệ đất, rồi lại phải phát triển kênh bán hàng để bán được đúng giá, làm thế thì mệt. Thay vào đó, trồng theo trào lưu và bán cho thương lái sẽ nhanh hơn.
Như thế, ví dụ trồng cam có lời thì ai cũng đổ đi trồng cam, sau 3 năm thì giá cam rớt, và lúc đấy đất cũng bạc màu do khai thác quá mức mà không chăm sóc đất đai phù hợp nên ai cũng thua lỗ và đổ cho thương lái ép giá. Rồi lại kêu xã hội cứu.
Như vậy, khôn quá cũng thường không làm gì nên hồn và thường thua thiệt về lâu dài.
Nông dân Nhật thì trái ngược: Họ coi mảnh đất quan trọng hơn tính mạng của họ, nên năm nào cũng ra sức làm đất và chăm sóc đất, đất của họ rất sạch và kỹ thuật trồng trọt được ghi chép tỉ mỉ, rút kinh nghiệm mỗi năm nên năm nào họ cũng làm tốt hơn. Họ cũng tham gia hiệp hội, nghiệp đoàn, ký hợp đồng và tôn trọng hợp đồng. Vì họ khờ quá. Nhưng thật ra, làm vậy là thông minh vì bạn có thể làm lâu dài và tạo sản phẩm tốt.
Lại nói ở Việt Nam hay thích đổ cho thương lái vì có lẽ tư tưởng nho giáo cực ghét thương mại và người buôn bán. Nhưng thật ra có nhiều thương lái, đại lý vẫn làm ăn uy tín, nhưng người nông dân thì không.
Khi bạn ký hợp đồng với giá cố định với nông dân, nếu khi bán ra mà giá thị trường cao hơn thì họ sẽ lấy cớ mất mùa không bán cho bạn, còn nếu giá thi trường thấp hơn thì họ mua thêm hàng ngoài và và bán để bạn chịu lỗ còn họ kiếm được lời.
Họ không giữ lời hứa. Vì làm thế sẽ thu lời cao hơn. Đây gọi là khôn, tức là khôn lỏi. Nhưng chẳng thông minh gì vì họ mất uy tín sau này không ai dám ký hợp đồng với họ nữa, nên mỗi dịp bán nông sản, bán hoa màu, người nông dân lại bị ép giá nhiều nhất.
Cha mẹ dạy con thông minh hay dạy con khôn lỏi?
Thông minh hay khôn lỏi là do giáo dục trong gia đình. Tôi ví dụ thế này: Người thông minh thì không vứt rác, không vượt đèn đỏ mà tuân thủ luật chung để mọi người đều an toàn vui vẻ.Ngược lại, người khôn lỏi thì sẽ vứt rác, vượt đèn đỏ, hút thuốc nơi công cộng, vì làm thế họ có lợi (còn người khác bị xâm hại quyền lợi thì kệ).
Vậy giáo dục trong gia đình là thế nào? Cha mẹ dạy con không vượt đèn đỏ, không vứt rác, hay làm gương cho con làm thế.
Nếu con không vứt rác mà mang rác về nhà thì có mắng con là "ngu ngốc" hay không? Hay nếu con giúp bạn bè một cách vô tư thì có la mắng "Mình giúp họ tới lúc cần giúp họ đâu có giúp" hay không?
Như thế là khôn lỏi. Giúp đỡ không phải là ghi nợ. Giúp đỡ là mong muốn người khác sống tốt hơn. Giúp theo kiểu "anh giúp tôi, tôi giúp anh" hay "có đi có lại" là kiểu ghi nợ và tư lợi. Đó không phải là giúp đỡ. Nếu có cha mẹ như thế thì họ cũng sẽ ghi nợ bạn và cả đời bạn sẽ sống vì cha mẹ, lấy cha mẹ làm niềm vui, phải báo hiếu, phụng dưỡng cả đời.
Cha mẹ thông minh sẽ dạy con cái thông minh và ngược lại, cha mẹ khôn lỏi sẽ dạy con cái khôn lỏi.
Chủ nghĩa gia đình là trên hết: Thông minh hay khôn lỏi?
Các nước nho giáo thì cha mẹ đều dạy con là gia đình là trên hết là số một. Chỉ nên đối tốt người trong gia đình, ra xã hội thì chỉ nên chơi với người nào có lợi cho mình. Dẫn tới hình thành hai nhân cách: Trong nhà thì tốt, ra ngoài đường thì xấu.Trong nhà thì giữ sạch như li, ra ngoài đường thì xả rác. Trong nhà thì giữ lời hứa, ra đường thì thế nào có lợi thì làm, giữ lời hứa mà không có lợi thì khỏi cần.
Như thế là rất khôn. Phải tốt với ít người mà vẫn đảm bảo tương lai (vì đã có gia đình giúp đỡ).
So với người công chính đối xử như nhau với mọi người thì tốt hơn nhiều.
Nhưng tiếc thay, đó chỉ là khôn lỏi. Vì sớm muộn thì mọi người cũng xa lánh và không lợi dụng họ được nữa. Vì không lợi dụng và chơi với ai được, nên niềm vui chỉ nằm ở trong gia đình. Và mọi người bắt đầu lợi dụng nhau cả về tinh thần lẫn vật chất, rồi lại so bì nhau là sao mình giúp nhiều mà người khác không đáp lại. Sự tính toán, tư lợi sẽ bắt đầu nhen nhóm, tuy vẫn ca bài ca "gia đình là trên hết" nhưng mất niềm tin và càng ngày càng mất niềm tin hơn.
Vì chỉ khôn lỏi chứ không thông minh. Ngược lại, người thông minh thì chơi với nhiều người cũng thông minh như họ hoặc ít ra, người thông minh thì tự lập nên về lâu dài sống tốt hơn là chủ nghĩa gia đình.
Lời kết
Người khôn lỏi thường chỉ tư lợi, làm sao có lợi cho bản thân nhất. Người thông minh thì giữ lời hứa và làm điều đúng đắn. Và thông minh hay khôn lỏi là do giáo dục gia đình mà ra.Bạn cần phân biệt rõ hai khái niệm này khi bước vào đời. Đôi khi, giải pháp cho lương tâm thanh thản vẫn là làm điều đúng đắn một cách "thông minh".
-mark-
No comments:
Post a Comment