Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Friday, August 12, 2016

Vì sao người Nhật cầm chai nước uống dở về?

Đơn giản là vì họ văn minh, lịch sự thôi. Hoàn toàn không liên quan tới tiết kiệm. Thật ra tiết kiệm thì sẽ không trở nên giàu có. Các dân tộc giàu có thì đều xa xỉ và bạn nào ở Nhật thì sẽ thấy người Nhật xa xỉ thế nào. Có những món ăn thượng hạng của Nhật rất mắc ví dụ bò Kobe, sashimi cực phẩm, v.v... Ở Nhật có hầu hết những món thượng hạng của thế giới.

Mang chai nước uống dở về là vì lịch sự, không phải vì tiết kiệm.

Cầm chai nước về là văn minh

Việc này tôi làm từ xưa rồi hoàn toàn không vì lý do kinh tế mà vì lịch sự thôi. Khi bạn tới thăm công ty đối tác thì nhân viên sẽ phải dọn rác và các chai nước trên bàn. Do đó, nếu bạn bỏ lại thì nhân viên sẽ phải đổ nước đi và vứt rác. Để giảm thiểu gánh nặng cho nhân viên của công ty đối tác thì bạn cầm chai nước về. Ngoài ra, phần ni lông bọc miệng chai bạn cũng nên tự vứt rác. Chai nước chỉ là món quà của đối tác nên bạn cũng nên cư xử lịch sự. Nhiều người thấy không có thùng rác còn gom rác bỏ vào túi để mang về. Đây gọi là phép lịch sự của người văn minh. Nếu bạn uống hết nước thì bạn nên vứt rác luôn.

Ngoài ra, vì bạn vẫn còn đi ngoài đường khi di chuyển nên cầm theo chai nước cũng giúp bạn đỡ khát. Như vậy không chỉ tốt cho người dọn vệ sinh mà còn tốt cho bản thân bạn nữa.

Rửa rác trước khi vứt

Tôi cũng có thói quen rửa rác. Ví dụ uống cô ca xong hay đồ uống xong thì trước khi bỏ vào túi rác thì rửa sơ cho sạch. Như vậy thì người công nhân dọn vệ sinh sẽ không chịu cảnh bốc mùi mất vệ sinh. Ngoài ra, làm thế thì trong nhà cũng không lo bị kiến hay ruồi muỗi nữa. Việc này là giúp mình giúp người. Tiếng Nhật có câu ngạn ngữ "Lòng tốt không phải cho người khác (mà là cho bản thân)" 情けは人のためならず Nasake wa hito no tame narazu.

Ở Việt Nam, khi vứt nước mía chẳng hạn thì chúng ta hãy đổ hết nước và đá đi rồi hãy vứt vào thùng rác. Như vậy sẽ giữ thùng rác không bốc mùi và người thu gom sẽ đỡ cực hơn, lại giúp phân loại rác dễ hơn.

Không vứt rác ra đường và mang rác về nhà

Người Nhật không vứt rác ra đường vì đó là không gian chung. Nhà tôi cũng không vứt rác ra đường. Nếu không có thùng rác thì cầm về nhà vứt chứ tuyệt đối không xả rác nơi công cộng. Đây là phép lịch sự của người văn minh.

Ở Nhật còn có cả phong trào "mang rác về nhà vứt" (ごみの持ち帰り gomi no mochikaeri). Phong trào này là thế này: Khi bạn đi lễ hội ví dụ lễ hội pháo hoa thì ăn uống rất nhiều, mặc dù có thùng rác công cộng nhưng ai cũng bỏ vào thì lượng rác tăng đột biến và người công nhân vệ sinh sẽ rất vất vả. Do đó, họ phát động phong trào rác của ai thì mang về nhà mình vứt. Như thế thì người này không gây thêm gánh nặng cho người khác.

Các bạn nào đã, đang và sẽ du học ở Nhật thì nên học tập việc này.

Tiết kiệm thì không giàu

Một số người hiểu nhầm là người Nhật tiết kiệm mà giàu. Thật ra, tiết kiệm quá mức là kiểu "tư duy nghèo". Xã hội càng xa xỉ, hào phòng thì càng giàu. Các nước nghèo thì người dân cực kỳ cần kiệm nhưng chắc chắn đây không phải là con đường để giàu có.

"Phải biết xa hoa mới giàu có"
- Mark -

Xã hội mà ai cũng tiết kiệm thì thương mại, sản phẩm, dịch vụ không phát triển. Xã hội tiêu dùng mới tạo ra dòng tiền chảy trong xã hội mới có thể giàu có được. Ở đâu con người hào phóng thì ở đó thương mại, kinh tế phát triển. Và để hào phóng thì cần phải học tập để có năng lực cao.

Nếu bạn tiết kiệm mỗi ngày 1 chai nước thì bạn tiết kiệm 4 ngàn đồng. Một tháng được 120 ngàn, một năm được khoảng 1,440,000 đồng. Số tiền này không đáng mấy. Nếu ở Nhật bạn tiết kiệm 1 chai nước mỗi ngày thì bạn kiếm 50 yen/ngày. 1 năm bạn kiếm được khoảng 18,000 yen.

Thay vì tiết kiệm bạn nên đi làm thêm 1000 yen/giờ có thể uống 10 lít sữa hoặc 10 lít nước trái cây nguyên chất.

Để giàu có thì lao động và sáng tạo quan trọng hơn là tiết kiệm. Bạn cần ăn uống đủ chất và làm việc hiệu quả. Thật ra chỉ có một vài cách để giàu có:
Cách 1: Thừa kế
Cách này nhanh nhất và tốn ít nỗ lực. Yêu cầu: Cha mẹ giàu hoặc cô chú giàu nhưng không có người thừa kế. Chúng ta hay nghe nói câu "đã giàu lại còn IQ cao" là vì vậy.
Cách 2: Ăn cướp, ăn trộm có hệ thống
Cách này cũng giúp rất nhiều người giàu. Buôn bán mối quan hệ hay buôn bán tài nguyên cũng là dạng này (vì tài nguyên đúng ra phải thuộc về toàn dân).
Cách 3: Khởi nghiệp và kinh doanh
Cách này khó nhất và lâu nhất nhưng cũng là bền vững nhất. Để khởi nghiệp thành công bạn cần nỗ lực liên tục trong 10 năm.

Định luật kinh tế nói rằng: Người nghèo sẽ tiếp tục nghèo và người giàu sẽ tiếp tục giàu.
Nhưng nếu bạn nghèo mà đổi sang tư duy giàu thì bạn có thể giàu lên từ từ và lâu dài. Đầu tư cho học vấn cũng là cách chắc chắn nhất để đổi đời từ nghèo sang giàu, sẽ tốn nhiều thời gian nhưng cũng nhiều trải nghiệm thú vị.

Để giàu thì bạn phải tư duy giàu và trở thành người văn minh. Như thế thì sẽ dễ giàu hơn nhiều, hơn nữa, lại tốn ít công sức hơn nên vẫn có thể sống cuộc sống hạnh phúc (vì nếu hi sinh hạnh phúc để kiếm tiền thì khi mua lại sẽ tốn kém lắm).
>>Hướng dẫn du học Nhật Bản và đăng ký tư vấn
>>Tham khảo trang tư vấn học bổng du học Nhật Bản

1 comment:

  1. cám ơn takahashi và saromalang, bài viết của bạn rất hay

    ReplyDelete