Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Friday, August 5, 2016

Mặc cảm tự ti

Mặc cảm tự ti hay lòng tự ti là một khái niệm quan trọng trong môn tâm lý học đặc biệt là môn phân tâm học (môn học về phân tích tâm lý). Đó là cảm giác thiếu hụt giá trị bản thân, nghi ngờ, không chắc chắn hoặc cảm giác không đạt được một tiêu chuẩn nào đó.

Hầu hết mọi người đều có mặc cảm tự ti ít nhiều. Ví dụ ở phụ nữ thường là về nhan sắc, ở đàn ông thường là về thu nhập. Hầu hết mọi người mặc cảm về chiều cao trừ những người thật sự cao. Những người quá cao thì lại mặc cảm vì họ quá cao, không hấp dẫn được những người thấp mà họ cảm thấy hấp dẫn (người ta thường thấy người có nhiều điểm khác hấp dẫn).

Tiếng Nhật gọi là 劣等感 [liệt đẳng cảm] hay コンプレックス [complex] (gọi tắt của inferiority complex = phức cảm tự ti).

"Thường xuyên ăn xin, nhận bố thí, nhận lòng tốt, ... sẽ dẫn tới phức cảm tự ti."

Mặc cảm tự ti và sự cảm tính

Người bị mặc cảm tự ti thường bị lòng tự ti chi phối hành động, dễ đánh mất lý trí và thường hay bị cảm tính. Chúng ta thường gặp những người dễ trở nên cảm tính (easy to get sentimental). Họ sẽ hành động phi lý trí, lý sự cùn, cãi cùn.

Mặc cảm tự ti ⇒ Cảm tính, mất lý trí

Ví dụ người (tư duy) nghèo thường trở nên phi lý trí khi nói tới giàu nghèo. Bản thân khi sinh ra ai chẳng tay trắng, khi trẻ ai chẳng nghèo (trừ các bạn được thừa kế). Chúng ta bàn về giàu nghèo và đặt câu hỏi như "tại sao chúng ta nghèo" là để NGHỊ LUẬN, từ đó tìm ra lối sống (lifestyle), cách làm việc (workstyle) để thoát nghèo. Ngay cả Henry Ford cũng viết sách "Tại sao chúng ta nghèo". Người giàu thường luôn bàn bạc về giàu nghèo để tìm nguyên nhân tại sao mình nghèo. Nó cũng như là "luận anh hùng" vậy. Bạn luận anh hùng từ khi bạn còn trẻ và chưa có thế lực. Như thế thì tương lai mới xây dựng lực lượng được. Thời trẻ bạn chẳng bao giờ "luận" chỉ theo chúng bạn nhậu nhẹt trêu hoa ghẹo bướm thì sao khá được?

Nhưng người nghèo thường không nghị luận vì họ bị mặc cảm tự ti mình nghèo và họ thường trở nên cảm tính, mất lý trí. Khi nói về nghèo, họ có cảm giác mọi người thương hại, coi thường họ. Họ xù lông nhím tự vệ và đổ lỗi cho cuộc đời. Khi nói về người nghèo tôi nói về người tư duy nghèo. Vì nhiều người nghèo mà năng lực học tập cao thì cũng khó bị mặc cảm tự ti.

"Công tắc" lòng tự ti

Lòng tự ti nó thường được bật lên bằng "công tắc" (switch = スイッチ). Chỉ cần nói đúng điểm tự ti là người có mặc cảm tự ti bỗng nhiên trở thành con người khác hẳn. Một người thường ngày hòa nhã, vui vẻ, lễ phép bỗng xù lông nhím tự vệ và sẵn sàng làm điều điên rồ.

Đây là điểm yếu của họ. Họ sẽ bị tấn công vào điểm này với mục đích để họ bị mất lý trí. Ví dụ bạn nói chuyện với người rất nghèo (và tư duy nghèo) về tiền bạc thì họ thường kết luận là người khác gian lận mà giàu. Cũng có người gian lận nhưng về cơ bản trong nền kinh tế tự do thì bạn vẫn phải bán sản phẩm. Làm ăn gian dối thì không làm lâu dài được (vì thế nhiều người giàu đã và đang phá sản). Hoặc bạn nói chuyện với một cô gái tự ti về nhan sắc rằng bạn thích các cô gái nóng bỏng, thì thường cô gái đó sẽ lên án bạn là đạo đức giả, thích bề mặt, v.v... Trong khi bạn đâu làm gì sai, mỗi người có sở thích khác nhau và mọi người nên tôn trọng điều đó.

Chẳng qua, bạn đã bật "công tắc" tự ti trong họ lên thôi. Bạn sẽ bị lên án.

Lòng tự ti dân tộc

Các bạn thuộc dân tộc nghèo và bất công (đã nghèo thì bao giờ cũng đi đôi với bất công) khi ra nước ngoài du học thì thường lòng tự ti dân tộc trỗi dậy. Nước bạn có thể lớn cả tỷ người nhưng nếu vẫn nghèo và bất công thì vẫn tự ti dân tộc như thường.

Vì sao thấy các nước Nhật, Hàn diện tích, dân số bằng hoặc kém mà hào nhoáng quá. Vì sao dân tộc họ văn minh, lịch sự còn dân tộc mình thì ...

Dân tộc càng đông thì lại càng tự ti. Chẳng lẽ nước mình lại kém Nhật? Không thể thế được.

Lòng tự ti dân tộc thường được che đậy bằng lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Vì để lòng tự ti dân tộc dẫn dắt nên thanh niên có xu hướng tụ tập bàn bạc yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đóng góp xây dựng đất nước, v.v... năm này qua năm khác. Chính xác thì lòng tự ti này bắt đầu từ thời thực dân rồi, tức là đã mấy trăm năm rồi. Tới nay vẫn không khá. Dân tộc đông nhất thế giới cũng vậy, lòng "tự hào dân tộc" của họ thì rất khủng khiếp, nhưng họ vẫn vậy. Vì đây chỉ là lòng tự ti dân tộc núp bóng.

Tôi ví dụ thế này. Một người vì lòng tự ti dân tộc nên cố hành động như người Nhật. Việc này tốt thôi. Nhưng sau khi xem ti vi thấy người cùng dân tộc ăn cắp và bị bắt. Lúc này cảm giác xấu hổ bao trùm họ nên họ cố gắng bào chữa như thể họ là bị cáo (defendant) vậy.

XẤU HỔ THAY, BÀO CHỮA THAY
Đóng vai bị cáo = defendant

Họ có thể bào chữa đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng càng ngày càng nhiều sâu hơn. Thật ra nồi toàn sâu ^^

Vì thế, tâm lý luôn ức chế và bị phân tâm, ảnh hưởng tới khả năng học tập. Vốn ban đầu khả năng học tập không cao bằng dân bản địa, lại còn thêm ức chế và phân tâm nên lại càng kém hơn. Lâu dần, mặc cảm tự ti lại tăng lên và bắt đầu ý nghĩ "hay là mình kém thật". Điều này làm gia tăng cảm giác là nạn nhân cũng như mặc cảm tự ti.

Làm thế nào chữa bệnh tự ti?

Đi du học là một cách chữa nhưng chú ý là nếu đi du học với lòng tự ti dân tộc thì có thể vẫn không chữa khỏi. Cách tốt nhất chữa khỏi bệnh tự ti là có năng lực cao. Bạn học trường hàng đầu ở Nhật, có khả năng tư duy hàng đầu thì việc gì phải tự ti?

Hoặc là bạn phải có lòng tự tôn và phẩm cách cao, trọng danh dự (và phải xây dựng trên nền tảng học tập để có năng lực cao).

Những người có năng lực cao, phẩm cách cao thì ít khi bị tự ti. Vì thế, quan trọng là bạn phải đi du học để học tập thực sự. Hãy học từ chính người Nhật xung quanh bạn, học ý thức trách nhiệm và sự coi trọng danh dự của họ.

Bệnh tự ti thường bắt nguồn từ văn hóa sống bầy đàn: Thần tượng sùng bái cá nhân (cha mẹ, lãnh đạo, người ban phát lợi lộc, người bố thí cho mình, ...) dẫn tới giá trị quan bị méo mó. Ví dụ người khác ăn cắp là xấu nhưng cha mẹ mình thì là "vì con, do thương con". Ăn cắp là ăn cắp, cho dù người thực hiện là ai với mục đích gì. Không thể dùng mục đích biện minh cho phương tiện được.

Dùng mục đích biện minh cho phương tiện = Bóp méo giá trị quan, bóp méo sự thật.
Ví dụ cha mẹ đi ăn cắp vặt là vì thương con.
⇒Nếu thương con thì chăm chỉ làm việc chứ không đi ăn cắp.

Hoặc vượt đèn đỏ là ăn cắp thời gian và sự an toàn của người khác. Xả rác là sự ăn cắp không gian công cộng của người khác và công sức của người lao công. Đây là các hành vi ăn cắp vặt.

Không lên án ăn cắp vặt thì sẽ sớm hay muộn bi lòng tự ti thôi. Và sẽ rất khó chữa vì nó ăn vào thành một dạng văn hóa (dạng "văn hóa tư lợi").

Nhận bố thí hay ăn xin cũng dẫn tới mặc cảm tự ti. Vì trong não sẽ hình thành tư duy "mình dở, kém nên phải nhận lòng tốt". Có ai cho tôi thì tôi cũng không lấy. Tôi cần gì thì tự mình kiếm được, vì sao phải đi xin? Đã ăn xin rồi thì khó mà ngẩng cao đầu mà sống như một người có phẩm cách và lòng tự trọng.

Khi bạn cho tiền người khác mà không có lý do xác đáng, bạn cũng cho họ lòng tự ti.
Bố thí cho ăn mày không phải bao giờ cũng tốt. Hoặc đơn giản bạn chỉ đang bị lừa đảo.

Đi du học với lòng tự ti dân tộc thì khả năng học tập, nhận thức sẽ bị hạn chế theo và nếu mãi sống ở nước ngoài thì cạnh tranh không được lại càng tự ti thêm. Do đó, ngay từ đầu hãy giữ thái độ khiêm tốn, quan sát, học hỏi. Tránh thái độ phán xét kiểu người Nhật thế này, thế nọ, họ cũng xả rác, cũng vượt đèn đỏ (chăm chăm tìm cái xấu và người Nhật xấu để giải tỏa lòng tự ti dân tộc của bản thân).

Không sùng bái, thần tượng người Nhật.
Trước đây tôi có nói là tránh sùng bái, thần tượng người Nhật để du học thành công. Vì thật ra sùng bái, thần tượng ai đó cũng là biểu hiện song hành của lòng tự ti. Bạn không làm được và cam chịu mới phải làm thế. Tôi làm việc cũng như người Nhật, về chém gió, nghị luận cũng không thua kém nhiều người, vì sao phải sùng bái, thần tượng họ?

Quan trọng là không ngừng học tập để nâng cao năng lực thôi. Kiên tâm như thế thì ai cũng có thể đạt tới cuộc sống mà họ muốn có. Thay vì tốn thời gian sùng bái, thần tượng thì hãy để thời gian để học tập và làm công việc của bạn.
Mark @ Saromalang

4 comments:

  1. Cứ như Takahashi viết cho em vậy ^^

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ha ha, viết chung thôi, nhiều người bị, đặc biệt người giàu VN cũng bị hết!

      Delete
  2. yêu Takahashi quá! Không thần tượng nhưng mong có một ngày được như anh ^_^

    ReplyDelete
  3. Tác giả ơi, cho mình xin tài liệu về mặc cảm tự ti với được không?

    ReplyDelete