Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Thursday, August 4, 2016

Kể công, kể khổ

Kể công, kể khổ là một dạng văn hóa. Kể công và kể khổ thường đi với nhau thành cặp. Gặp những người này thì thường khá mệt và oải, nhất là nếu bạn còn trẻ, có lòng nhiệt huyết sôi sục và muốn làm gì đó lớn lao, muốn thành công.

Người kể công, kể khổ thì hiếm khi thành công. Bạn chơi với họ chỉ mệt thêm vì họ kể nhiều quá. Thậm chí, họ còn làm ảnh hưởng tới bạn. Tiếc thay, dạng người này nhan nhản trong xã hội thành một thứ văn hóa kể công, kể khổ.

"Người ta kể công chỉ vì không hạnh phúc với việc mình làm."

Vì sao người ta kể công, kể khổ?

Kể công vì cảm thấy không được lợi ích tương xứng với công sức bỏ ra, họ muốn nhiều hơn. Kể khổ vì họ thực sự cảm thấy khổ sở khi làm việc đó và muốn được người khác ưu tiên vì việc họ đã khổ. Nếu họ khổ và bạn không, bạn nên chia lợi ích cho họ.
Vấn đề cốt lõi là họ không có niềm vui trong công việc. Họ không vui trong việc họ làm. Họ không tự nguyện làm việc đó. Họ phải làm là vì mưu sinh, tiền bạc hay phải tuân lệnh lãnh đạo của họ.

Đó là cuộc sống buồn vì họ bị dính chặt với công việc mà họ không muốn làm, không vui khi làm và chẳng cảm thấy ý nghĩa. Họ luôn nghĩ mình là nạn nhân trong cuộc đời vì không may mắn có công việc tốt. Đây là dạng tâm lý "tôi là nạn nhân". Họ có thể là nạn nhân thật hay không. Ví dụ có những người làm công việc lương rất thấp nhưng không có điều kiện học tập hay chuyển việc, và phần lớn là không đủ dũng khí để thay đổi. Họ sinh ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo và dính chặt với công việc cực nhọc mưu sinh không thoát ra được. Suy nghĩ "tôi là nạn nhân" thường là đúng. Và vì suy nghĩ thế nên họ sẽ tiếp tục là nạn nhân. Để thoát khỏi nghịch cảnh cần ý chí kiên định và cả sự khôn ngoan. Không phải ai cũng có điều này.

Nhưng bạn có thể thoát nghịch cảnh. Hãy là người công chính và làm việc tốt thực sự (không phải tốt cơ hội kiểu bố thí cho đi để hi vọng nhận lại). Làm người công chính và chăm chỉ làm việc một cách nhiệt huyết thì có thể sẽ được giúp đỡ vì ai chẳng cần người nhiệt huyết làm việc.

Những người kể khổ là những người chỉ kể vậy thôi chứ họ không có lòng nhiệt huyết. Họ không trung thực với bản thân và người khác. Nên có lẽ họ sẽ kể khổ mãi mà không thoát ra được.

Vì sao không được kể công?

Nếu bạn làm một công việc vì đam mê, vì lòng nhiệt huyết hay vì chính nghĩa thì làm việc đó đã là niềm vui rồi. Bạn đâu cần kể công? Kể công là một dạng tội ác. Có câu ngạn ngữ:

"Tay trái làm việc tốt tay phải không cần biết"
- Ngạn ngữ nhân loại -

Bạn làm việc tốt vì đó là niềm vui như thế thì không cần ai báo đáp nữa. Thời trẻ tôi đã giúp nhiều người, tôi chấp nhận bị lợi dụng để giúp họ hạnh phúc và sống dễ dàng hơn. Mọi người có thể lợi dụng kiến thức của tôi và tôi không phiền. Nhưng nếu lợi dụng chỉ vì lười nhác và không hạnh phúc với việc đó thì việc nhỏ mấy tôi cũng không làm. Vì họ đâu có hạnh phúc hơn.

Nếu các bạn ham hiểu biết mà hỏi về kiến thức thì tôi có thể trả lời không tiếc thời gian. Chỉ cần các bạn trung thực với bản thân là được. Như thế thì sau khi thu được  kiến thức các bạn sẽ hạnh phúc hơn.

Có những người khó khăn cần giúp đỡ thì tôi sẵn sàng giúp họ dù tôi bị thiệt. Tôi vui vì giúp họ. Như thế là công bằng (FAIR). Họ không cần phải biết ơn nữa. Tôi cũng không muốn họ nhớ việc được giúp đỡ, quan trọng là sống vui vẻ thôi. Chính tôi mới phải cảm ơn họ mới đúng vì tôi đã có thể làm việc tốt và giúp họ sống tốt hơn.

Làm việc tốt không phải là ghi nợ nên không cần kể công, kể khổ

Những người kể công, kể khổ thì họ bị buộc làm thế (vì cơm áo gạo tiền, vì tem phiếu ăn, vì bằng khen, vì mệnh lệnh cấp trên, v.v...) và vì họ không hạnh phúc nên họ sẽ kể dài dài bắt mọi người biết ơn họ. Bạn nên nhớ là họ sẽ kể công tới khi họ chết. Họ chỉ đang ghi nợ mọi người. Thay vì chất vấn cấp trên ra lệnh cho họ thì họ lại bắt mọi người biết ơn họ.

Họ sẽ không sống hạnh phúc với phong cách đó được. Vì họ không làm việc tốt mà chỉ ghi nợ và cố gắng tính sổ với mọi người. (Tốn cả đời đấu tranh vì danh hiệu và tiền thưởng.)

Điều quan trọng là thế này: Hãy tìm được niềm vui trong công việc trong mỗi việc bạn làm. Hãy tìm ý nghĩa của công việc đó. Nếu không tìm được, vì lợi ích của xã hội, đừng làm việc đó. Nếu đã làm thì phải có nhiệt huyết và trách nhiệm. Công việc là danh dự của bạn. Do đó, hãy làm tốt. Bạn sẽ được tôn trọng vì điều đó.

Lòng nhiệt huyết và đam mê sẽ đi đôi với nhau. Lòng nhiệt huyết sẽ dẫn tới đam mê và ngược lại. Vấn đề của những người không tìm được đam mê là vì họ không nhiệt huyết đủ để tìm thấy đam mê. Họ làm việc không vì ai ngoài bản thân. Sống như thế thì sẽ trăm năm cô đơn. Lại còn tốn khá nước bọt để kể công kể khổ nữa.

"Không tìm thấy đam mê là vì không có lòng nhiệt huyết"
Lòng nhiệt huyết phải có trước, đam mê mới tới sau.
- Mark -

Nếu bạn còn trẻ, hãy theo đuổi con đường học vấn và trở thành người có năng lực. Từ đó bạn sẽ có nhiệt huyết và đam mê - tiền đề để thành công trong bất kỳ lĩnh vực gì bạn chọn. Hãy tránh xa dạng người thích kể công, thích kể khổ ra nhé.
Mark @ Saromalang

No comments:

Post a Comment