Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, April 2, 2019

Vì sao Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản siết visa du học của học sinh VN

Kỳ tháng 4 năm 2019 các cục xuất nhập cảnh Nhật Bản đã siết chặt hơn nữa visa của các bạn đăng ký du học từ VN. Theo như tôi được biết thì các trường bị tỉ lệ trượt tư cách lưu trú (COE) tăng lên (tức là không thể xin visa sang Nhật). Con số cụ thể thì tôi không nắm rõ nhưng một số cục thì tỉ lệ cấp chỉ trên dưới 50%. Đồng thời, tỉ lệ đậu nhưng hủy visa du học cũng tăng lên vì lý do kinh tế.

Ngoài ra, nhiều trường tuyển sinh cũng khó hơn hẳn, một phần do lượng học sinh đăng ký giảm đi vì gần đây bị siết chặt du học nên học sinh nản, phần khác là các em đợi để đi ... xuất lao. Tức là nhiều em thay vì đăng ký du học để đi làm thêm kiếm tiền gửi về (một việc gần như ... bất khả thi với đa số) thì chuyển sang học tiếng chờ xuất lao. Công ty xuất lao sẽ làm lý lịch giả để các em đi được, với chi phí (danh nghĩa tiền ăn học vv) khoảng 7000 ~ 9000 USD.

Một vài năm gần đây, học sinh xin visa ở đại sự quán Nhật Bản tại Hà Nội còn phải phỏng vấn kiểm tra tiếng Nhật. Và từ kỳ tháng 4/2019 này, các em tốt nghiệp cấp ba phải nộp xác thực bằng cấp ba xin từ Bộ giáo dục.

Nhưng ở miền nam lại khá yên ả. Dù không có xác thực bằng cấp ba thì vẫn nộp hồ sơ xin visa được (cần nộp bổ sung giấy tờ bằng cấp). Ngoài ra, các bạn làm hồ sơ tại miền nam cũng không bị kiểm tra gắt gao, tỉ lệ đậu tư cách lưu trú vẫn 100% (nơi khác thì tôi không biết).

Ở miền nam cũng không phải kiểm tra phỏng vấn tiếng Nhật ở lãnh sự quán.

Vì sao Nhật Bản siết visa du học của VN?

Trước hết, ở miền nam vẫn không bị siết mấy và không thấy ai báo là bị Cục kiểm tra. Hồ sơ vẫn đậu bình thường như trước đây. Còn ở miền bắc thì bị siết ngày càng chặt, chủ yếu nhắm vào các công ty du học tuyển học sinh ồ ạt từ nông thôn và đóng gói gửi qua Nhật.

Thủ pháp của họ là quảng cáo sang Nhật kiếm được 40 ~ 60 triệu mỗi tháng, thu tiền học sinh rất cao (có em đóng tới 350 triệu, trong khi học phí và ký túc xá chỉ khoảng 170 ~ 180  triệu), về nông thôn thông qua "người gác cổng" (chi hoa hồng) để tuyển ồ ạt các em mới tốt nghiệp cấp ba đưa sang Nhật.

Năm vừa rồi còn có 12 công ty du học bị cấm xin visa, tức là bị liệt vào danh sách đen. Tuy nhiên, họ lại sẽ nhờ người nhà đứng ra lập công ty khác và lại dùng thủ pháp cũ.

Các du học sinh này bị gửi sang Nhật thì nhanh chóng vỡ mộng, áp lực về tiền bạc khiến một số em đi vào con đường tội phạm, làm xấu trị an ở Nhật. Ngoài ra, dù không phạm tội nhưng xung đột về văn hóa công cộng, vv cũng xảy ra khiến mức độ kỳ thị người VN tăng cao, cũng như ác cảm với người Nhật, nước Nhật.

Trước đây, Nhật Bản có kế hoạch 300 ngàn du học sinh. Mục đích là kêu gọi du học sinh sang Nhật với nhiều lợi ích:
- Bán được giáo dục Nhật cho du học sinh, giúp quảng bá văn hóa Nhật và tạo nhiều người có kết nối với Nhật
- Giải quyết vấn đề thiếu lao động trầm trọng ở Nhật

Kế hoạch này cũng là một phần của Abenomics - kế hoạch phục hưng kinh tế Nhật Bản của chính quyền Abe.

Tuy nhiên, theo tôi, kế hoạch này đã phá sản. Bởi lẽ, du học sinh sang Nhật toàn tới từ nước nghèo, đặc biệt từ vùng nông thôn, khả năng thích ứng không cao, năng lực học tập không đảm bảo nhất là học tiếng Nhật, và vì họ trả số tiền lớn sang Nhật nên đã mang nợ sẵn, áp lực tài chính cao khiến cho họ dễ gây ra các vấn đề xã hội.

Những du học sinh sang Nhật đa phần làm quá giờ, quá sức và hết sức trì trệ, chểnh mảng trong việc học tập. Vì thế, họ sinh ra tâm lý chán nản, và dễ tụ tập gây ra nhiều vấn đề.

Cơ bản, họ cũng mới là học sinh cấp ba, nếu ở trong nước thì đều "ngoan hiền" nhưng khi phải trả số tiền lớn, mang khoản nợ tới Nhật thì hoàn cảnh xô đẩy, chứ không phải bản chất của họ là như thế.

Vấn đề không nằm ở du học sinh, mà nằm ở "kế hoạch 300 ngàn du học sinh" vốn tính toán quá khôn cho nước Nhật. Rốt cuộc, du học kiểu "bơm thổi" trở nên gậy ông đập lưng ông.

Do đó, hiện nay, Nhật Bản lại phải dùng các biện pháp mạnh để ngăn chặn làn sóng du học sinh từ nông thôn được các công ty du học đóng gói gửi sang Nhật bằng cách siết chặt hồ sơ mỗi năm.

Một kế hoạch khác thay cho kế hoạch 300 ngàn du học sinh

Đó là kế hoạch "thực tập sinh" trong một số ngành nghề nhất định (gọi là 特定技能実習生 "đặc định kỹ năng thực tập sinh"). Tức là vẫn để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động tại Nhật, thì chính phủ Nhật mở ra một con đường mới, đó là cho các em sang "học việc" có trả lương, tức là làm thực tập sinh (mà trước đấy gọi là tu nghiệp sinh). Điểm khác biệt là mở rộng ra các ngành nghề so với trước đây.

Vậy thì khác gì trước đây? ^^

Điểm khác lớn nhất là vấn đề THỂ DIỆN!!

Tức là, trước đây thì chỉ một số ngành nghề mà thực tập sinh sang học kỹ năng rồi về giúp đất nước phát triển mới được tuyển thực tập sinh. Giờ thì chẳng cần! Ngành nào nước Nhật thiếu lao động thì đều tuyển hết, không giới hạn nữa.

Đây là kế hoạch:

万 là vạn (10 ngàn), 人 là người
Photo Credit: Mainichi Shimbun (xem cuối bài)

Ví dụ ngành điều dưỡng, sẽ tuyển 60 ngàn người làm thực tập sinh, bắt đầu từ ngay tháng 4 năm 2019 này. Vì đây là ngành thiếu người nhất. Tiếp theo là ngành nhà hàng quán ăn, sẽ tuyển 53 ngàn thực tập sinh nước ngoài, ngay từ tháng 4 năm 2019 này.

Tức là, Nhật Bản giờ chẳng cần thể diện gì nữa, không cần cái lý do bề mặt (tatemae) là đưa các em qua Nhật học kỹ nghệ của Nhật về giúp đất nước nữa. Họ sẽ đưa qua Nhật để làm công việc 3K (kitsui = cực nhọc, kitanai = dơ bẩn, kiken = nguy hiểm), nói thẳng ra là làm lao động giá rẻ cho họ.

Vốn thì từ trước tới nay người VN cũng có quan tâm thể diện gì đâu. Đầy các bạn sang visa diện "kỹ sư", "tri thức" để làm việc chân tay kiếm tiền mang về đúng không nhỉ? Thể diện này là dành riêng cho người Nhật, những người vẫn rất "thanh cao, đạo mạo" trong việc kiếm tiền từ lao động giá rẻ từ các nước nghèo.

Nhưng đó là chính phủ Nhật Bản hiện nay. Bạn nên nhớ, quốc dân Nhật rất nhiều người chỉ ra nạn buôn người và lạm dụng trong chính sách thực tập sinh.

Vì Nhật Bản là nước dân chủ, họ vẫn làm chương trình ti vi vạch trần tính chất buôn người, lạm dụng này.

Tuy nhiên, có một điều cơ bản không thể thay đổi. Đó là bản thân người lao động ở nước nghèo muốn sang Nhật bằng mọi giá. Họ biết mọi rủi ro chờ đón họ, nhưng thà ra đi còn hơn sống mòn ở trong nước.

Ai được, ai mất với chế độ thực tập sinh mới?

Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu CƠ CHẾ XÃ HỘI, tức là tiền chảy như thế nào, ai được, ai mất trong "toàn cầu hóa lao động giá rẻ" này.

Người được lợi trước hết là tư bản, tài phiệt Nhật.

Lý do? Vì họ tạo ra chế độ này.

Họ làm mọi thứ để họ có lợi, không phải vì bạn, vì sự phát triển của nước bạn, hay thậm chí vì quốc dân Nhật.

Nhìn kỹ trong bảng trên thì bạn sẽ thấy hai ngành phải tuyển bằng mọi giá là điều dưỡng và ăn uống. Vì sao phải tuyển thực tập sinh người nước ngoài gấp cho hai ngành này?

Vì đây là hai ngành mà tư bản kiếm nhiều tiền nhất. Điều dưỡng kiếm tiền từ người già, ăn uống kiếm tiền từ người đi làm và người trẻ.

Hai ngành này thiếu lao động trầm trọng nhất, do người Nhật đang bị bần cùng hóa (trớ trêu thay, là do toàn cầu hóa). Như vậy, cơ sở điều dưỡng hay nhà hàng phải giảm giá để sinh tồn, vì khách hàng của họ nghèo đi. Để giảm giá, họ buộc phải giảm tiền lương, thuê lao động giá rẻ và bắt làm thêm giờ không trả công.

(Bạn đọc lưu ý rằng, đây là hai ngành BLACK nhất ở Nhật với tiền sử bắt nhân viên làm thêm giờ nhưng không trả tiền làm thêm giờ, mà dưới danh nghĩa "học tập" vv đã bị báo chí phanh phui nhiều bên đấy.)

Các ngành khác cũng đều là máy in tiền của tư bản, tài phiệt cả.

Như vậy, phải siết visa du học để các em học sinh "đóng gói" kia chuyển bớt sang làm thực tập sinh, một mũi tên trúng hai đích:

1. Giảm bớt việc trị an xấu đi do du học sinh "đóng gói".
2. Tăng lực lượng lao động cho các ngành thiếu người ở Nhật.

Như vậy, chính phủ Nhật chấp nhận "hi sinh" các trường Nhật ngữ. Đây là cách để cứu các doanh nghiệp trong ngành điều dưỡng và ẩm thực, máy in tiền chính của tư bản, tài phiệt. Trường Nhật ngữ chân chính và du học sinh chân chính cũng có thể bị hi sinh trong chính sách mới này.

Được và mất của thực tập sinh "mới"

Thực chất thì gọi là thực tập sinh "mới" (đi theo chế độ thực tập sinh mới thiết lập) chứ thực ra thì bình mới rượu cũ. Ngày nay, các bạn được đường đường chính chính hơn, nhưng tôi e là các công ty xuất lao vẫn chặt chém các bạn như cũ, vì không chặt các bạn thì sao làm giàu được nhỉ?

Bản chất của xuất lao cũng là buôn người. Vì công ty xuất lao chân chính sẽ không thu tiền của các bạn, làm như thế là trái luật.

Vì thế, phải nuôi nhốt ăn học để có "hạng mục" thu tiền. Người lao động biết rõ điều này nhưng vì phải cạnh tranh với nhau để được đi Nhật xuất lao, nên chấp nhận trả tiền.

Cuối cùng, con người thành hàng hóa trên thị trường lao động, được định giá theo cung cầu.

Vì sao phải trả 7000 ~ 9000 USD chỉ để được sang Nhật làm công việc 3K (cực nhọc, dơ bẩn, nguy hiểm)? Vì việc thì ít mà người muốn đi thì nhiều.

Các công ty xuất lao không đặt ra giá này, mà người lao động tự đặt ra với nhau. Ai cũng muốn đi nhanh, để sớm thoát khỏi đất nước "tươi đẹp, con người thân thiện" này.

Thực tập sinh "mới" tưởng được lợi hơn, nhưng tôi cho rằng chưa chắc. Vì công ty xuất lao vẫn sẽ chặt chém như cũ.

Hơn nữa, các bạn sẽ phải làm trong ngành "dịch vụ". Nếu bạn nào chưa ở Nhật có lẽ chưa hiểu "dịch vụ" ở xứ tư bản này là như thế nào.

ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN.

Rất khủng khiếp. Ngay cả người Nhật cũng chịu cảnh ức hiếp, làm quá sức trong những ngành dịch vụ (điều dưỡng, ăn uống vv) này. Số người tự sát trong ngành này rất nhiều, trầm cảm còn nhiều hơn nữa.

Nhiều người đơn giản là set ngay trong công viên với đồng nghiệp chỉ để giải tỏa stress, để hôm sau có thể tiếp tục làm việc. Nếu không làm thế, họ không cảm giác mình đang sống.

Với người nước ngoài, bạn trước hết là không quen mức độ như thế, vì nói thật là ở trong nước các bạn kêu ca vậy thôi, chứ tôi thấy chẳng có việc gì stress bằng 1/10 như thế cả đâu.

Nhật Bản là một thế giới khác, hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Ngay cả tôi (và một số bạn du học sinh) còn chẳng hiểu nổi, sao một số nơi họ ức hiếp nhau tới mức như thế.

Như vậy, xác suất bạn bị ức hiếp rất cao. Đặc biệt, bạn là người nước ngoài sang Nhật kiếm tiền, là người có điểm yếu sợ mất việc (nghĩa là không trả được nợ) thì bạn sẽ đơn giản là đối tượng ức hiếp.

Bạn đâu dám phản kháng? Vì bạn mang nợ để sang Nhật mà.

Mọi kẻ xấu ở Nhật đều biết điều này về bạn. Họ vẫn nói với nhau về bạn. Khi một người ức hiếp bạn thành công, bạn sẽ thấy có 100 người xếp hàng lần lượt để làm tương tự với bạn.

Bạn bị kỳ thị, bị chà đạp nhân phẩm.

Đây là điều mà du học sinh ít bị hơn nhiều. Vì du học sinh cũng gặp một số người Nhật xấu xa ti tiện, nhưng cơ bản thì du học sinh không sang Nhật kiếm tiền, và du học sinh có thể chọn chỗ làm tương đối dễ. Có một số nơi, du học sinh được đối xử tốt, vì thực ra thì người Nhật tốt rất nhiều.

Tôi cho rằng, thực tập sinh "mới" sẽ là nạn nhân mới cay đắng nhất, vừa kiếm tiền cho tư bản Nhật, vừa kiếm tiền cho tư bản quốc nội (công ty xuất lao và Big Brother), vừa kiếm tiền cho bản thân và gia đình.

Hơn nữa, người Nhật càng làm cực nhọc lại càng nghèo đi, tức là họ bị bần cùng hóa. Họ cũng đang rất muốn có ai đó để trút giận. Những người thích hợp nhất là thực tập sinh "mới".

Chẳng phải trong viện dưỡng lão toàn ông bà già dữ như quỷ sao? Chẳng ai tưởng tượng nổi đâu, ha ha. Bạn cử thử tưởng tượng mình lấy hết tiền dưỡng già nộp cho viện dưỡng lão, ngày nào cũng đau đớn chán nản triền miên mà xem? Bạn sẽ la mắng bất kỳ thứ gì nghe được trước mặt.

Các bạn du học sinh chân chính không cần lo lắng

Thực ra thì miền nam vẫn được xét visa dễ, vì phần lớn các bạn đi học thật. Các bạn chỉ cần chú ý không làm hồ sơ ở các công ty du học "đóng gói" học sinh (tức là tuyển hàng loạt học sinh nông thôn) gửi sang Nhật.

Vì dù bạn có học lực tốt (trên 8.0 vv), hồ sơ đẹp đi nữa, nếu đi qua những công ty đó bạn sẽ bị kiểm tra kỹ giống như các bạn bị "đóng gói". Vì thế, có thể bị trượt vì các lý do lãng xẹt.

Tức là, bạn không nên đăng ký du học ở các công ty "nuôi nhốt" học sinh (để đóng gói gửi đi) hay các công ty kiêm luôn cả xuất lao. Vì đây là những công ty tuyển hàng loạt và sẽ bị Cục Nhật Bản xét rất kỹ vào một ngày đẹp trời. Có rất nhiều trường hợp các công ty này bị đánh rớt 100%, kể cả các bạn ở Đà Nẵng có hồ sơ đẹp, tiếng Nhật tốt.

Tóm lại, tránh xa các công ty du học "nuôi nhốt" hay xuất lao.

Ngoài ra, các bạn đã đọc kỹ bài này thì nên hiểu được tình hình xã hội, được mất của mỗi bên, tránh bị ảnh hưởng tâm lý, hay cảm thương không cần thiết.

Sẽ có những người sang đó lao động làm việc quá sức mà chết vì kiệt sức, trầm cảm, tự sát. Tất cả bắt nguồn từ quyết định ban đầu của họ, cũng như từ chế độ thực tập sinh mà ra. Tôi cho rằng, bạn cần hiểu rõ bản chất, không được nghiêng về bên nào, tránh ảnh hưởng đến việc DU HỌC và TRẢI NGHIỆM của bạn.

Vì tôi sợ bạn nghe thực tập sinh than khổ xong lại tức giận với công ty xuất lao, hay với nghiệp đoàn Nhật Bản, hoặc nghe tin tức nhiều người trộm cắp vv lại tức giận với thực tập sinh.

Nếu bạn hiểu rõ bản chất thì bạn vẫn vui vẻ thôi. Như trong bài ký sự này thì bạn sẽ thấy, ai cũng đơn giản là vì lợi lộc của bản thân thôi. Việc đóng tiền cho công ty xuất lao để đi cũng là một dạng HỐI LỘ để được đi trước người khác, chứ không phải là xét bằng năng lực của bản thân. Như thế là GIAN LẬN, nên nếu gặp rắc rối (bị ức hiếp) thì cũng là tự làm tự chịu.

Điều đó không có nghĩa ức hiếp là đúng, họ cũng là nạn nhân nhưng chúng ta phải nhìn được căn nguyên, chứ không nên đơn giản là NẠN NHÂN HÓA họ lên. Như thế lại là cảm tính.

Du học thì đơn giản là quan sát và vui vẻ thôi. Không nên để phức cảm tự ti dân tộc đè nén tâm hồn, vì như thế thì sao học tập được nhỉ? Khi chúng ta nhìn được toàn cảnh, thì mọi chuyện xảy ra là tất yếu, không phải ngẫu nhiên, từ đó mà chúng ta hiểu bản chất sự việc và sống thật sự vui vẻ.
Mark

Hình ảnh: https://mainichi.jp/articles/20181226/ddm/001/010/142000c

No comments:

Post a Comment