Tôi không bao giờ đi mấy dịch vụ như mát xa. Vì chẳng hiểu system của họ là gì, cơ bản là họ chỉ thích tiền TIP, rất đau đầu. Không thể giao tiếp được trong vấn đề này.
Vì sao kỹ năng giao tiếp của nhân viên không tốt?
Thông thường, khi bạn mua một dịch vụ, nếu nhân viên hướng dẫn đầy đủ và chỉ dẫn nhiệt tình, đúng đắn thì thường sẽ không gây rắc rối. Nhưng vì mọi người đều lược mất khâu này đi, nên khi vấn đề xảy ra, bản thân nhân viên cũng không biết cách giải quyết. Các công ty cũng không có chính sách hay quy trình gì cho các vấn đề mà khách hàng chịu thiệt.Ví dụ hãng xe F
Tôi ví dụ, tôi mua vé của hãng xe F (được mệnh danh "hung thần xa lộ" nên bạn biết là ai), khi tôi hỏi hóa đơn đỏ thì họ trả lời cuống vé là hóa đơn. Họ không đưa ra câu trả lời có thể chấp nhận được, hay thuyết phục khách hàng. Vì tôi chưa bao giờ gặp việc này. Họ không BẬN TÂM GIAO TIẾP để khách hàng có được câu trả lời thỏa đáng.
Sau khi về nhà, tôi lại đến phòng vé của họ hỏi, vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng dù đã có 3 người ở đó trả lời. Vấn đề không phải là ĐÚNG hay SAI, mà tôi chỉ hỏi làm thế nào xuất hóa đơn đỏ, nhưng không ai giải thích hợp lý.
Tôi lại phải chạy lên văn phòng chính. Ở đó có một em dễ thương và cuối cùng đã giải đáp vấn đề của tôi.
Như vậy, trong số 5 nhân viên mà tôi gặp, chỉ có một người giải thích đúng đắn và hợp lý, đứng trên quan điểm khách hàng chưa biết về điều này. Có nghĩa là, có duy nhất một người có KỸ NĂNG GIAO TIẾP.
Cách giải thích khác nhau và sự NHIỆT TÂM trong đó khác nhau.
Ví dụ hãng xe H
Tôi luôn ủng hộ doanh nghiệp nhỏ để họ dễ làm ăn với lại họ cũng thường quan tâm khách hàng tốt hơn (do họ ít khách hơn). Trường hợp này tôi mua vé 140k nhưng xe đó bị hỏng, chuyển sang xe 120k. Như vậy, tôi thiệt 20k. Tài xế thì nói không liên quan nên tôi lại phải lặn lội tới tận phòng vé lấy lại.
Rất nhiêu khê. Có tới 4 người mà không ai biết cách xử lý, hỏi tới hỏi lui cùng một thông tin. Vấn đề cũng lại là KỸ NĂNG GIAO TIẾP, lẽ ra họ nên lắng nghe cho cẩn thận, và sau đó tra cứu lại trả lại tiền. Không ai làm thế!
Họ CHẤT VẤN ngược lại tôi là mua vé từ ai, ngày nào, giờ nào vv. Làm sao khách hàng phải nhớ nhỉ? Chỉ nhớ là mua vé từ nhân viên thôi, phải trả lại mọi sổ sách ngày ấy, chứ sao bắt khách hàng phải nhớ nhân viên, sau một lần gặp mặt?
Vấn đề chính là kỹ năng giao tiếp, cũng là kỹ năng xử lý vấn đề mà thôi.
Thực ra, khi khách hàng đòi tiền (đòi sự công bằng) nghĩa là họ còn chưa tẩy chay, còn khi khách hàng không buồn đòi tiền, nghĩa là họ sẽ tẩy chay dịch vụ.
Nhưng cũng ở phòng vé này cũng lại có một em dễ thương vẫn còn giao tiếp được. Tức là trong 5, 6 người cũng có 1 người hiểu vấn đề, nhưng lại không phải người phụ trách trực tiếp.
Như vậy, trải nghiệm khách hàng không tốt lắm. Nhưng tôi không kêu ca hay cãi vã gì mấy, vì đây là ĐNA. Bạn có thể hi vọng gì ở ĐNA?
Ở đây chỉ có gia đình và bản thân là trên hết. Chính vì thế, mà kỹ năng giao tiếp rất tệ.
Chủ nghĩa gia đình (gia đình là trên hết) và kỹ năng giao tiếp
Đây mới là điều tôi muốn nói trong bài này. Chủ nghĩa gia đình thực sự rất tệ hại trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp cũng như phát triển sự nghiệp. Vì muốn phát triển sự nghiệp vẫn phải có kỹ năng giao tiếp tốt.Vì sao lại thế?
Vì nếu chỉ coi gia đình, bản thân là trên hết thì người ta chỉ chú ý sao cho người trong gia đình hài lòng. Vì là "người trong nhà" nên giao tiếp sao cũng được, không rèn luyện ngôn từ, cách nói, thái độ, tâm lý để không thất lễ với người khác. Theo thời gian, kỹ năng giao tiếp xã hội kém dần đi.
Người càng sa đà chủ nghĩa gia đình càng kém về giao tiếp.
Cũng như người giữ nhà mình sạch mà xả rác ra đường, thường sẽ gặp rắc rối về thái độ và gây ấn tượng xấu, rất khó để được người khác tôn trọng.
Tất cả các vấn đề rắc rối liên quan tới khách hàng và trải nghiệm của họ thường xuất phát từ vấn đề giao tiếp, mà cốt lõi lại ở trong chủ nghĩa gia đình (tức là thói tư lợi). Nói cách khác, người càng tự lợi giao tiếp càng tệ.
Vì thế, khả năng giải quyết công việc của họ tệ và khó thăng tiến. Cuối cùng, họ bị mắc kẹt ở các công việc cấp thấp.
Thực ra, khi gặp rắc rối với bên dịch vụ thì tôi hiểu là họ không có ý định chơi tôi gì đâu. Chỉ là họ cũng gặp rắc rối với công việc của họ, và chẳng ai muốn vẽ thêm việc mà không được gì. Nhưng nếu bạn không làm tốt công việc hiện tại, làm sao bạn có thể làm việc khác lớn hơn nhỉ?
Tôi thấy, nhân viên chỉ ở trong một mớ bòng bong công việc của họ và không thoát ra được. Ngày càng bị cuốn vào đó, và mất đi rất nhiều thứ, rất nhiều trải nghiệm. Nhưng đây là ĐNA, nơi gia đình là trên hết, hãy luôn nhớ như vậy.
Công việc chỉ là công cụ kiếm sống, thời gian vui vẻ là bên gia đình. Nếu gia đình sụp đổ thì thế giới sụp đổ theo, sẽ oán hận cuộc đời. Dù gia đình không sụp đổ mà cứ bình bình thì cũng chẳng bao giờ dám phiêu lưu mạo hiểm gì, sợ một ngày sẽ tan vỡ gia đình, mất đi chỗ dựa tinh thần.
Vì đây là ĐNA. Có rất nhiều "ĐNA bệnh phu", những người cần những liều thuốc mạnh như giải hạn, thờ cúng, tâm linh vv để cứu khổ cứu nạn khi chỗ dựa gia đình tan vỡ.
Muốn thoát "ĐNA bệnh phu" phải thoát chủ nghĩa gia đình
Bỏ chủ nghĩa gia đình, tức là bỏ thói tư lợi, và sống một cuộc đời bạn mong muốn. Chỉ có phương châm thôi, không có cách làm. Cách làm thì mỗi người tự suy nghĩ lấy, và tìm ra cách phù hợp với hoàn cảnh, thể chất của bản thân.Những người giao tiếp tốt thường cũng có gia đình tốt. Nhưng cơ bản, chắc gì đã hạnh phúc? Vì vấn đề sống dưới khả năng.
Sống dưới khả năng cũng là nỗi đau khổ của "ĐNA bệnh phu", những người theo chủ nghĩa gia đình và không bao giờ dám bước chân ra khỏi vòng an toàn. Vì quá sợ hãi.
Chứ đâu phải đi học lớp kỹ năng giao tiếp!
Các lớp kỹ năng giao tiếp đều là bịp. Giao tiếp là do mindset thôi, nếu bạn chẳng tư lợi gì thì giao tiếp thật dễ dàng.
Tôi hầu như chẳng bao giờ gặp vấn đề về khách hàng. Tôi cũng không theo chủ nghĩa gia đình và không sống dưới khả năng. Cứ đúng khả năng mà sống thôi. Như thế sẽ không hối tiếc về sau.
Thực sự là nếu bạn không tư lợi thì bạn lắng nghe và quan sát tốt, một cách tự nhiên. Vì thế, bạn học được rất nhiều, simulation được rất nhiều cuộc đời, từ đó, tìm ra một cuộc đời mà bạn mong muốn. Đấy mới là mục tiêu của việc DU HỌC CHÂN CHÍNH: Lắng nghe, quan sát và học hỏi.
Mark
No comments:
Post a Comment