Bạn phải tiết kiệm được tiền thì mới có dư dả tài chính và thời gian để bắt đầu đầu tư. Việc tiết kiệm tiền và đầu tư thì lúc nào cũng được, không nhất thiết ngay từ lúc bạn đang còn trẻ như thính - diễn giả rêu rao. Dù bạn đã già, bạn vẫn có thể bắt đầu tiết kiệm và đầu tư, vận dụng kinh nghiệm sống mà bạn đã có.
Nhân tiện, vì sao thính - diễn giả rêu rao phải đầu tư càng sớm càng tốt? Thậm chí từ khi bạn mới 1x tuổi? Chúng ta sống phù hợp với hoàn cảnh. Không phải ai cũng dư dả để đầu tư sớm. Khi bạn còn trẻ thì TÍCH LŨY TRẢI NGHIỆM quan trọng hơn là tích lũy tiền bạc. Nếu bạn đi vào con đường tiết kiệm thì có thể bạn mất đi nhiều trải nghiệm, chắc gì sau này bạn có thể duy trì thành công lâu dài? Thính - diễn giả hoặc là người có hoàn cảnh tốt, không cần cố gắng cũng được nhiều trải nghiệm, nhờ tiền của cha mẹ, đúng kiểu đi du học như đi chợ, hoặc là bị thiên lệch về giá trị quan, coi tiền bạc quan trọng hơn trải nghiệm.
Nhưng khi theo đuổi mục tiêu TIỀN BẠC hơn cả mục tiêu TRẢI NGHIỆM, con người rất dễ thành "robot thành công", sớm muộn cũng sẽ gặp rắc rối trong cuộc đời. Vì thế, TIẾT KIỆM - ĐẦU TƯ thì cũng chỉ là nhu cầu của bạn, lúc nào cần thì làm. Một khi bạn đã tiết kiệm được (tức là có lối sống tạo ra dòng tiền dương), bạn sẽ nghĩ tới việc đầu tư một cách tự nhiên. Một khi trong tiềm thức của bạn muốn đầu tư thì bạn cũng sẽ học nhanh thôi.
Thời trẻ bạn càng trải nghiệm nhiều, về sau bạn càng sáng tạo và khả năng học tập nhanh, từ đó có khi còn dễ dàng vượt qua được các "robot thành công". Vì nói thật, "robot thành công" chỉ học máy móc, học THUẬT chứ không học ĐẠO, nên càng đi càng mệt và không thể đi xa.
Vì sao người Neanderthal "thiên hạ vô địch" tuyệt chủng?
Hãy hỏi thính - diễn giả.
Điểm chung của thính - diễn giả dạng "robot thành công" và người Neanderthal
Thính diễn giả dạng "robot thành công" rất có thể sẽ giống như là người NEANDERTHAL đã tuyệt chủng. Không phải người Neanderthal không thông minh, họ có não to hơn, mắt to hơn, thông minh hơn và "to xác" hơn tức là sức khỏe tuyệt vời hơn người hiện đại (chúng ta) nhiều. Họ giao tiếp kém người hiện đại và không biết dùng lửa? Khồng! Hai giống người có giao thoa với nhau nên không có chuyện người thông minh hơn không biết dùng lửa, hay không biết cách giao tiếp hiệu quả.Họ chỉ giống như thính - diễn giả thành công ngày nay mà thôi.
Đặc điểm là rất thông minh, nhiều năng lượng, luôn hừng hực khí thế. Chính vì thế mà tuyệt chủng. Vì không biết "mệt mỏi" và có chiều sâu tâm hồn để thích ứng với hoàn cảnh khó khăn. Sở dĩ bạn tiết kiệm và đầu tư là vì bạn sớm thấy "mệt mỏi" và bạn cũng hiểu là cứ thế sẽ chỉ càng mệt mỏi hơn. Tôi tiết kiệm và đầu tư vì tôi định về hưu sớm đúng như Phương trình về hưu sớm mà tôi viết ra. Cần phải rất thông minh, não rất to, mắt rất to để làm điều này? Khồng! Cần năng lực hoàn toàn bình thường, nỗ lực hoàn toàn bình thường.
Người Neanderthal bị tuyệt chủng là do THỜI KỲ BĂNG HÀ (mùa đông đã tới) kéo dài. Họ không thích ứng được với thời kỳ này vì họ quá nghiêm túc và khó thay đổi. Tức là vào thời kỳ nóng ấm kéo dài (mùa hè), họ đúng là thiên hạ vô địch. Ai mà đánh lại được họ, vì họ đã cơ bắp lại còn thông minh.
Thính diễn giả "robot thành công" cũng vậy. Vào thời kỳ kinh tế nồng ấm, sao mà thắng hay cản họ được? Vì họ đã nhanh nhạy (thông minh) mà lại còn dồi dào năng lượng. Tôi chưa bao giờ dồi dào năng lượng được bằng một nửa của họ.
Nhưng nếu chuyển sang THỜI KỲ BĂNG HÀ VỀ KINH TẾ thì sao? Họ đơn giản là không thích ứng được. Vì họ sẽ luôn cần nền kinh tế sôi động để kiếm tiền và thi triển tài năng. Nếu nền kinh tế đơn giản là đóng băng, họ sẽ cố gắng ĐÁNH BẠI THỊ TRƯỜNG, vì thế mà họ sẽ thất bại và rất có thể sẽ bị tuyệt chủng như người Neanderthal.
Tôi không khuyến khích bạn học theo thính - diễn giả "robot thành công (bằng mọi giá)" là vì thế. Vì không tốt cho sinh tồn.
Muốn tốt cho sinh tồn thì chỉ có TIẾT KIỆM - ĐẦU TƯ trong phạm vi khả năng và thể chất, lối sống của bạn. Miễn là bạn tiết kiệm được, bạn sẽ đầu tư được, nếu bạn mong muốn như thế.
Tiết kiệm 2020
Tiết kiệm là bước trước của đầu tư. Tiết kiệm mới khó chứ đầu tư thì khó gì. Tất nhiên là khi bạn tiết kiệm được, bạn sẽ xây dựng được thang GIÁ TRỊ QUAN đúng, từ đó sẽ đầu tư đúng. Bạn thấy đầu tư mù mờ vì chẳng qua bạn chưa có ý thức hay chưa tiết kiệm được. Vì muốn tiết kiệm thì phải có giá trị quan đúng về thứ gì cần và không cần.Tôi sẽ tóm tắt Chiến lược tiết kiệm 2020 tại đây.
Ngoài chuyện mua sắm đồ mình không thật sự cần mà chỉ là ham muốn nhất thời thì chúng ta cũng thường lãng phí tài nguyên như tiền điện, tiền nước vv hay thực phẩm.
Trước hết là phải ngăn chặn việc mua sắm chỉ để xả stress hay thỏa mãn niềm vui nhất thời. => Tốt nghiệp chủ nghĩa tư bản
Tránh cạm bẫy hàng sale, hàng giảm giá vv => Mùa giáng sinh của chủ nghĩa tư bản
Sau đó, bạn có thể bắt chước lối sống tối giản của người Nhật để hạn chế đồ đạc không cần thiết, thanh lý bớt những đồ không dùng, và tham giao phong trào đấu tranh của trung lương VN để giảm bớt tiền nhà. Năm sau tôi cũng sẽ thuê chỗ rẻ hơn để giảm tiền nhà xuống.
Về tiền điện, tiền nước thì bạn nên bắt đầu tiết kiệm. Như tôi không dùng máy lạnh và máy nước nóng nữa, nên thể lực được nâng cao, không phụ thuộc vào máy lạnh khi ngủ. Tôi thấy ngủ vẫn ngon bình thường, không nhất thiết phải xài máy lạnh. Nhờ thế mỗi tháng tiết kiệm được khá nhiều tiền điện.
Ngoài ra, tôi cũng tắt đèn, quạt, thậm chí sạc điện thoại lúc không dùng. Việc này tốt cho môi trường nữa.
Để tiết kiệm điện tủ lạnh thì thường xuyên dọn dẹp tủ lạnh. Bỏ bớt thứ không cần thiết ra ngoài. Ví dụ các lon nước uống thì tôi chỉ để 1 ~ 2 lon bên trong, để khi uống lấy ra. Còn lại tôi đều cho vào túi giấy để bên ngoài cho đỡ bụi. Vì lon hay chai đồ uống thì không cần phải trữ lạnh. Thậm chí còn có thể để hết bên ngoài (trừ đồ uống đã khui) vì có thể dùng đá mà. Như thế, bạn sẽ giúp tủ lạnh có tuổi thọ lâu hơn do không phải vận hành quá mức, vì thế mà cũng bớt tỏa nhiệt và gây nóng nhà. Một mũi tên trúng hai đích đúng không?
Bạn làm như thế là vì bạn MUỐN làm như thế và bạn thấy vui khi làm như thế. Tiết kiệm cũng là niềm vui, có khi còn lớn hơn cả tiêu xài nhé.
Bằng cách làm như thế, bạn kiểm tra đồ trong tủ lạnh thường xuyên, nên tỉ lệ vứt bỏ thực phẩm ít đi. Tôi cơ bản là KHÔNG VỨT BỎ thực phẩm. Như thế là lãng phí.
Làm sao tiết kiệm tiền ăn?
Chúng ta thường ăn quá mức cần thiết. Chẳng đói cũng ăn, buồn miệng cũng ăn. Công nhận cũng có những thứ tốt cho sức khỏe như trái cây, nước trái cây vv nhưng nếu uống quá nhiều thì cũng chẳng tác dụng gì, lại tốn công đào thải. Buổi tối nhiều khi chỉ cần tô cháo là đủ, thì chúng ta chơi nguyên nồi lẩu. Việc này làm cho duy trì cân nặng vừa phải trở nên khó khăn, gây mệt mỏi lên hệ tiêu hóa, tốn kém tiền bạc vv.Nếu bạn còn trẻ măng thì ăn thùng uống vại không sao, để body-building (kiến tạo thân thể). Nhưng khi bạn kiến tạo xong rồi mà vẫn ăn thùng uống vại thì sẽ làm giảm tuổi thọ. Bạn vẫn có thể ăn cao lương mỹ vị nhưng nên nhớ đồ càng bổ thì càng cần ăn ít. Ngoài ra thì cũng tốn kém mà. Thứ ngon nhất là ăn vào lúc bạn cần nó nhất.
Do đó, chúng ta nên có KẾ HOẠCH ĂN UỐNG được lên chi tiết cẩn thận.
Ví dụ, nếu mỗi tháng bạn tính ra (bằng cách nào đó) là nên uống 2 lít nước táo là tốt nhất, thì tại sao không mua luôn 2 lít từ đầu tháng. Trong tháng bạn chỉ uống đúng 2 lít thôi. Tháng sau bạn mới uống tiếp. Như thế chẳng phải là bạn sẽ vừa uống ở mức độ khoa học, lại vừa tiết kiệm tiền hay sao?
Vì nếu bạn ăn uống không có kế hoạch, bạn sẽ thấy hết thì mua, và thấy có là uống. Rốt cuộc là bạn uống rất nhiều, nhiều hơn mức cần thiết nhiều lần, mà chẳng đem lại lợi ích cụ thể nào. Thậm chí, bạn còn chẳng thấy ngon nữa. Trong khi, lẽ ra bạn chỉ cần uống nước trắng là được.
Trái cây, rau củ vv cũng vậy. Nếu bạn dành thời gian tính ra lượng cơ thể cần, và mua theo kế hoạch, bạn sẽ đỡ tốn công phải suy nghĩ mua gì rất nhiều.
Nhưng trái cây, rau củ thay đổi theo mùa thì sao? Bạn không cần phải lên số lượng từng loại mà chỉ cần quy hoạch số tiền dành cho trái cây hay rau củ.
Như thế, bạn chỉ chi tiêu trong số tiền đã quy định. Ngay cả thịt cá trứng đạm cũng làm như thế.
Trước hết thì bạn hãy liệt kê các chủng loại thực phẩm (category) mà cơ thể bạn cần như:
- Thịt cá đạm
- Trái cây
- Rau củ
- Nước trái cây, nước ngọt
- Bánh kẹo
- Các loại hạt (nuts) vv
Sau đó ghi chép chi tiêu theo từng mục để biết cần phải chi tầm nào cho từng thứ. Cuối cùng bạn sẽ tìm GIẢI PHÁP RẺ NHẤT hoặc là lượng tiêu thụ tối ưu. Việc này tuy cần thời gian nhưng trước hết là phải hiển thị được số tiền cụ thể theo từng mục rồi RÚT KINH NGHIỆM DẦN DẦN.
Bằng cách này bạn tiết kiệm tiền ăn uống khá nhiều mà sức khỏe lại tốt hơn, do bạn ăn uống khoa học (chỉ ăn thứ cơ thể cần vào lúc cần nó nhất).
Ví dụ, thỉnh thoảng bạn ra ngoài đi ăn uống với bạn bè, lúc đó bạn có thể tranh thủ uống nước trái cây như nước cam, sinh tố vv. Như thế, bạn không cần phải uống nước trái cây ở nhà quá nhiều. Vì nếu gặp bạn thường xuyên và uống nước ngọt thường xuyên thì bạn cũng không còn nhu cầu thiết yếu phải uống ở nhà nữa. Từ đó, bạn có thể tiết kiệm thêm tiền bằng cách chuyển đồ uống (hoặc tiền đồ uống) sang tháng sau.
Từ tháng này tôi cũng bắt đầu phân loại thực phẩm và đồ uống theo cách này. Tháng 8 tôi cũng đã tiết kiệm được tiền ăn uống nhờ việc không uống nước trái cây bừa bãi nữa. Cụ thể là tháng 6 là 5500k, tháng 7 là 5400k, tháng 8 là 4600k. Tiết kiệm được hẳn 800k nhờ việc chăm uống nước trắng. Mà thực ra vẫn khỏe bình thường không có cảm giác thiếu thốn gì. Chẳng qua trước đây tôi hay mua bừa bãi, tuy rằng nước trái cây (chỉ mua loại nguyên chất 100%) cũng chẳng hại gì, nhưng uống nhiều thế thì cũng có lợi gì đâu? Mà để mua nước trái cây thì khá tốn kém, vì một chai nước nguyên chất uống ngon và ngoại nhập cũng 50 ~ 60k. Tuy là ngon nhưng chẳng tác dụng gì với thân thể mấy.
Các bạn biết tiếng Nhật cũng có thể tra 節約術 để học cách tiết kiệm của cả người Nhật nhé.
Mark
No comments:
Post a Comment