Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Saturday, September 21, 2019

Du học sinh về nước, người biết tiếng Nhật làm sao tiết kiệm tiền?

Vì sao bạn không tiết kiệm được tiền? Tuần vừa rồi tôi có đi làm vài ngày và có trao đổi với một số bạn đang đi làm công ăn lương (tức là trung lương). Dạo này cũng có nhiều bạn du học sinh là OB, OG bên S về nước nữa. Trước đây tôi khuyên các bạn đi làm bên Nhật một vài năm, nhưng thực ra thì đấy là nếu bạn muốn thôi, còn không thì về nước luôn cũng được. Nhưng về nước thì sẽ là một núi thách thức chứ không đơn giản như khi bạn ở Nhật. Dù sao thì bạn về nước ngay, hay về nước sau vài năm làm bên Nhật thì cũng vẫn gặp khó khăn như nhau, và đây cũng là khó khăn chung của người về nước chứ không chỉ là du học sinh hay người đi làm ở Nhật.

Vấn đề là thế này: Bạn đi làm công ăn lương nhưng không tiết kiệm được.

Vì sao? Vì xã hội này, hay đúng ra là tư bản, không trả cho bạn mức lương đủ cao để bạn tiết kiệm được.

Ở đây, tôi phân ra 2 mức lương cho người biết tiếng Nhật hay du học sinh về nước:

Mức 1000$ (20 triệu): Đối với bạn chưa có nhà (đi thuê nhà).
Mức 500$ (10 triệu): Với các bạn đã có nhà (hay ở nhà cha mẹ).

Đây cũng không phải mức lương dễ kiếm, đòi hỏi bạn phải là người làm được việc. Nhưng đại khái là như thế.

Bởi vì người không có nhà phải thuê nhà thì sẽ đòi hỏi 1000$ mới làm, còn người có nhà thì chỉ đòi hỏi 500$, cuối cùng mức lương chung là 500 ~ 1000$ và đây là bẫy thu nhập trung bình. Khi rơi vào bẫy này, bạn rất khó tích lũy để thoát ra. Thực tế là bạn ngày càng làm việc vất vả hơn, để kiếm nhiều hơn và thu nhập không tăng nhiều tương xứng với nỗ lực của bạn.

Các công ty Nhật sẽ nhìn nhau và nhìn mặt bằng chung để định ra mức lương này. Nếu bạn đòi hỏi cao hơn thì họ sẽ lấy công ty khác ra để so sánh, và cho thấy là mức lương họ đề nghị không thấp. Tuy thế, đòi hỏi của họ lại cao ... bằng bên Nhật. Như thế, khi bạn làm cho công ty Nhật, bạn phải cống hiến hết mình vì đó là công ty Nhật, nhưng mức lương lại chỉ phù hợp với ... mức sống VN mà đúng ra, là mức sống nghèo ở VN.

Dù bạn nhận lương 1000$ mà bạn phải đi thuê nhà, thì bạn cũng khó mà tích lũy được. Không chỉ tính tiền thuê nhà mà cả tiền ngày lễ, tết bạn phải về thăm nhà, và phải mua quà cáp cho cha mẹ hay mọi người nữa.

Vì sao bạn không tích lũy được và làm sao để tích lũy?

Bạn phải tránh được cạm bẫy mà tư bản (cả Nhật Bản, nước ngoài hay trong nước) bày ra cho bạn.

Bạn không tích lũy được vì:
- Tư bản chỉ trả mức lương trung bình thấp cho bạn, căn cứ theo mặt bằng thị trường không phải theo nhu cầu của bạn
- Bạn kiệt sức cống hiến hết mình cho tư bản (công ty) trong khi không tích lũy được gì (trừ lòng thân ái của tư bản)
- Bạn chỉ có nguồn thu nhập duy nhất là thu nhập từ công ty

Hãy chú ý tới lý do thứ ba mà tôi in đậm. Đây chính là nguyên nhân bạn không tích lũy được. Vì bạn có cố gắng tích lũy cũng không đáng bao nhiêu, mà phải tiết kiệm rất kinh khủng, sinh ra chán nản. Không ai chán nản mà tiết kiệm được. Trước đây tôi có nói muốn tiết kiệm thì phải có khoản "hoang phí" mới được. =>Phương pháp tiết kiệm tiền 2019

Liệu tư bản có trả lương ví dụ 2000$ cho bạn không? Tất nhiên là không! Thay vì trả cho bạn 2000$, có thể thuê 4 người có nhà ở thành phố (con nhà có điều kiện), hay 2 người học giỏi nhưng không có nhà thành phố (con nhà nghèo học giỏi).

Tư bản không bao giờ trả cho bạn 2000$ vì những người khác sẽ căn cứ vào đấy để đòi lương cao, cuối cùng người mất tiền là tư bản.

Như thế, tối đa họ trả là 1000$, còn sau đó là tiền "thâm niên, cống hiến", nhưng cũng chẳng bao giờ tới được mức mà bạn vừa sống thư thái, vừa tích lũy (tiết kiệm) được.

Công ty Nhật còn có sự thân ái, còn công ty gia đình của người Việt thì toàn black company (công ty bóc lột). Nhưng sự thân ái chẳng ý nghĩa gì nếu bạn không tích lũy được tiền bạc, một cách thư thái.

Bạn không tích lũy được thì có thể bạn sẽ tự trách và chán ghét bản thân. Nhưng bạn sai rồi. Bạn học giỏi tiếng Nhật, bạn vất vả đi du học, tất cả đều là trải nghiệm tốt của bạn. Bạn không kiếm được nhiều như bạn mong muốn, hay đủ để tích lũy, không phải là lỗi của bạn, mà đây là hệ thống tư bản nó thế. Họ chỉ trả cho bạn đủ để bạn tồn tại và làm việc mãi mãi. Mỗi khi dư ra được một ít, bạn lại tiêu xài để xóa bỏ phức cảm tự ti của người bị tư bản bóc lột. Bạn mua đồ hiệu, đi du lịch vv để "sang chảnh", để chứng tỏ bạn đang sống tốt, dù không có tích lũy gì. Thật thế á???

Không thể sống như thế. Sai lầm của bạn chính là bạn chỉ có MỘT NGUỒN THU NHẬP DUY NHẤT mà lại cống hiến hết mình vì không dám từ chối công ty.

Bạn phải có ÍT NHẤT HAI NGUỒN THU NHẬP. Như thế mới có thể tích lũy được. Như thế, bạn không thể cống hiến hết mình cho công ty chỉ trả bạn khoảng 1000$ đủ để bạn tồn tại ... như một người không phong lưu.

Trước đây tôi vẫn nói với mọi người đang là trung lương (đang làm công ăn lương) là PHẢI CÓ NGUỒN THU THẬP THỨ HAI. Tôi chỉ đề xuất như thế để mọi người sống thư thái, chứ không có ý là để tiết kiệm. Vì tôi nghĩ, nếu một nguồn thu nhập mà khéo vun vén thì bạn vẫn có thể tiết kiệm.

Nhưng tôi đã nhầm chỗ này!!

Sau khi tôi ghi chép chi tiêu, tôi nhận thấy, với mức lương 1000$ thì chẳng tiết kiệm được là bao. Mà không tiết kiệm được là bao, thì sẽ không tiết kiệm được.

Tức là nếu bạn tiết kiệm được 200 triệu/năm, thì dễ hơn là tiết kiệm 100 triệu/năm, và khó nhất là tiết kiệm 50 triệu/năm. (Ở Nhật thì tiết kiệm 200 vạn/năm dễ hơn 100 vạn và dễ hơn 50 vạn/năm.)

Vì nếu bạn phải kiêng khem, hà tiện, chỉ để tiết kiệm được 50 triệu/năm, thì thà tiêu nó đi cho xong. Ví dụ đi du lịch một vài chuyến, là sẽ hết veo 50 triệu, nhưng không tiết kiệm được đồng nào. Bù lại, cảm thấy có ý nghĩa, hay sang chảnh, và có động lực làm việc. Nhưng về lâu dài điều này chỉ dẫn bạn tới thẳng cuộc sống đầy nỗi bất an và mệt mỏi.

Như vậy, bạn không thể chỉ có một nguồn thu nhập mà sống ổn trong HỆ THỐNG TƯ BẢN này. Bằng mọi giá, phải có nguồn thu nhập thứ hai.

Bạn nỗ lực học giỏi tiếng Nhật? Bạn nỗ lực đi du học? Bạn đã làm đúng.

Vì có ngoại ngữ và trải nghiệm thì bạn sẽ dễ tạo ra nguồn thu nhập thứ hai hơn khá nhiều, hơn nữa, theo cách thư thái hơn nhiều.

Nhưng bạn phải có mindset là không phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất, mà phải luôn tìm cách có nguồn thu nhập thứ hai. Đây là sự "thoát ngục".

Kiếm nguồn thu nhập thứ hai như thế nào, thì hoàn toàn do bạn phát huy thế mạnh, những trải nghiệm vv bạn đã có. Bạn có thể dạy thêm tiếng Nhật, đi dịch vv.

Với các bạn làm công ăn lương mà không có ngoại ngữ, thì bạn vẫn có thể chạy thêm việc bên ngoài, ví dụ chạy xe ôm, delivery vv. Bằng mọi cách phải có thêm nguồn thu nhập thứ hai.

Bạn không được "ngu trung" với công ty hay hệ thống tư bản

Không làm tới 10 giờ đêm, trong khi "đồng đội" và cấp trên đang nỗ lực hết mình vì "con thuyền công ty" và cảm thấy cắn rứt lương tâm?

Đừng có NGU TRUNG như thế. Những kẻ hi sinh hết mình vì công ty chỉ là những kẻ ngu trung. Cấp trên đang nỗ lực hết mình vì lương họ cao hơn bạn nhiều (nhất là người Nhật), và công ty thuê nhà 2000$ cho họ và gia đình họ.

Vậy thì tôi sẽ làm 9 giờ cho công ty, cho phải đạo? Ồ không. Bạn chỉ nên làm 8 giờ/ngày thôi, mà trong 8 giờ đấy, bạn cũng làm việc vừa phải, sao cho vẫn còn 50% sức lực khi bạn "thoát ngục" (rời khỏi công ty), để còn có thể tập trung cho nguồn thu nhập thứ hai.

Trong hệ thống tư bản này, bạn càng "trung thành" (ngu trung), bạn càng nghèo và khốn khổ. Điều này không có nghĩa "trung thành" là đức tính không tốt, nhưng trung thành với kẻ chỉ muốn kiếm giá trị thặng dư từ sức lao động của bạn, quyết không cho bạn mức lương tương xứng để bạn có thể tích lũy, thì không phải trung thành mà chỉ là NGU TRUNG.

Bạn phải đứng lên làm cách mạng, bằng cách nói không với khối lượng công việc khổng lồ, và nói không với làm thêm giờ "miễn phí". Nghĩa là bạn chỉ làm việc đúng kiểu công ty quốc doanh Nhật Bản, tức là làm vừa sức và "làm theo khả năng", hết giờ là về. Sau đó, bạn có thể dạy tiếng Nhật, chạy xe ôm, đi dịch vv.

Nhìn bọn "phi làn" xem! Những người sống được và có tích lũy không ai có ít hơn 2, 3 nguồn thu nhập cả. Thời đại ngày nay "phi làn" (freelancer) không còn đồng nghĩa với nghèo, hèn nữa.

Điều quan trọng không phải là "trung lương", hay "phi làn", hay kinh doanh, mà vấn đề là bạn có mấy nguồn thu nhập. Ngay cả người kinh doanh mà chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất, khi thị trường đi xuống thì ngày phá sản cũng chẳng còn xa.

Về lâu dài, bạn phải học cả đầu tư để tiền bạc tự sinh lời. Sở dĩ đầu tư là vì như thế bạn tạo thêm nguồn thu nhập thụ động nữa, từ đó tạo tiền đề giảm bớt nguồn thu nhập chủ động (và tốn sức) giúp cho bạn đỡ vất vả hơn và có thể sống thư thái.

Dạo này tôi cũng đang học đầu tư và đầu cơ. Nói thẳng ra là ĐÊM DÀI LẮM MỘNG. Tôi còn suýt trầm cảm. Nhưng bắt buộc phải tạo ra những nguồn thu nhập mới kiểu này, để tương lai không khốn khó và trầm cảm.

Tóm lại, bạn vẫn phải làm cách mạng đánh đổ tư bản thôi. Nếu bạn thất bại, bạn chỉ là súc sinh để tư bản chăn dắt. Đến bao giờ??
Mark

No comments:

Post a Comment