Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, September 3, 2019

Con ruồi, tô bún chả và làm từ thiện

Nếu đang ăn một tô bún chả và có một con ruồi đói cứ vo ve nhất định lao vào tô bún của bạn? Làm thế nào để thoát khỏi nó. Bạn có thể vừa ăn vừa canh, não căng như dây đàn, hoặc vội vội vàng vàng nuốt cho nhanh không bị con ruồi nó làm ô uế tô bún. Như thế thì cũng chẳng có trải nghiệm vui vẻ gì mấy.

Tôi có cách hay hơn đây: Sao không lấy một ít bún, một ít thịt và dọn cho con ruồi một bữa thịnh soạn cho nó ở ngay bên cạnh bữa ăn của bạn? Nó sẽ không còn vì đói làm liều nữa. Như thế, bạn thành người bố thí và người làm từ thiện cho con ruồi (gọi là FLY PHILANTHROPIST). Bằng cách trở thành nhà từ thiện làm việc thiện nguyện ("phi làn tô biếc"), bạn làm việc thoát khỏi lề thói tư lợi thường ngày ("phi làn"), tô một màu xanh tươi đẹp cho xã hội ("tô biếc").

Vì thế, làm việc thiện và trở thành "phi làn tô biếc" sẽ giúp cuộc sống của bạn dễ thở hơn, cũng như giúp xã hội tốt đẹp hơn.

Khi cuộc đời xô đẩy bạn tới đau khổ cùng cực vì thói tư lợi, sao không thử bố thí và làm từ thiện, trở thành đại bồ tát "phi làn tô biếc" và sống hạnh phúc hơn hẳn nhỉ?

Luân lý học về "phi làn tô biếc"

Suy nghĩ như thế cũng hơi siêu hình. Đừng nghĩ làm "phi làn tô biếc" thì xã hội nhất định sẽ tốt hơn và cuộc đời bạn nhất định sẽ hạnh phúc hơn. Vì thế, ở đây tôi sẽ bàn về luân lý học của "phi làn tô biếc", những người muốn thoát khỏi lề thói tư lợi để làm đẹp xã hội, làm đẹp cuộc đời, cho đúng với nghĩa của danh hiệu "phi làn tô biếc".

Khi bạn bố thí và làm từ thiện, bạn giúp cho người đói có cái ăn mà không liều mạng gia nhập băng đảng trộm cướp. Vì thế xã hội tốt đẹp hơn. Bạn cũng thoát khỏi khuôn mẫu "tư lợi" đã được giáo dục từ nhỏ tới lớn, trở thành người biết suy nghĩ cho người khác, từ đó không còn chăm chăm lợi lộc nữa mà nhìn ra bên ngoài quan sát cuộc sống, sẽ thấy cuộc sống vui tươi hơn. Ít ra bạn còn lắng nghe nỗi khổ của người khác chứ không còn chăm chăm việc khuếch đại nỗi khổ bản thân lên 100, 1000 lần nữa.

Nhưng làm từ thiện quá đà sẽ tạo điều kiện cho những người không thật sự đói, không thật sự khó khăn nhưng vẫn muốn nhận quà từ thiện. Sau đó họ lại sinh đẻ ra như ruồi và giáo dục con cái không lao động chỉ cần nhận quà từ thiện. Các "phi làn tô biếc" sẽ phải đối mặt với những người muốn nhận từ thiện đông đảo, nhưng không có khả năng và ý chí lao động, mà khi đói quá họ vẫn gia nhập băng đảng trộm cướp.

Như thế, việc làm từ thiện sai đối tượng hay quá mức cần thiết lại làm xã hội kém đi. Vì xã hội kém an ninh đi nên các "phi làn tô biếc" lại cảm thấy đau khổ, lại cố làm từ thiện nhiều hơn. Càng cho đi thì càng mất mát tài nguyên, cuộc sống khó khăn và trở nên đau khổ hơn.

Cuối cùng, xã hội sẽ cân bằng giữa số người làm từ thiện và dân số người muốn nhận từ thiện.

Cũng như bạn dọn cỗ cho ruồi. Nếu dọn cỗ cho ruồi đói, ở mức vừa phải, bạn mua được sự thanh bình. Nhưng nếu bạn dọn cỗ quá mức, ruồi ăn no rửng mỡ rồi vui chơi sa đọa và sinh sản chóng mặt như ... ruồi thì sao? Thì lần sau bạn gặp rắc rối to.

Nhưng bản thân động cơ của "phi làn tô biếc" nói cho cùng cũng là tư lợi: Anh ta chỉ muốn hối lộ mua ít sự thanh bình.

Như con người sống trong xã hội, khi được giáo dục tư lợi anh ta nghĩ là chỉ cần nhà anh ta sạch thì anh ta có thể xả rác ra đường, chỉ cần anh ta nhiều tiền và nhà anh ta tiện nghi, anh ta sẽ hạnh phúc, nhưng thực tế không như thế. Sống trong xã hội nghèo đói và không biết luân lý thì không ai an toàn. Vì thế dù có đầy đủ vật chất anh ta cũng không hạnh phúc. Vì cảnh sát không bắt xã hội đen hay băng đảng nữa, lãnh đạo tư lợi chỉ quan tâm làm kinh tế tư nhân.

Từ đó, anh ta cố gắng mua sự thanh bình bằng việc phát chẩn, cứu đói, làm từ thiện. Nếu có rất nhiều người cùng làm như anh, xã hội không còn người đói nữa, thì sẽ thanh bình và anh sẽ hạnh phúc hơn.

Trong lịch sử, nhiều người làm thế. Khi cách mạng xảy ra, những người được phát chẩn cứu đói chẳng giúp gì cho họ. Họ vẫn trở thành đối tượng đấu tố và bạo lực.

Nên làm từ thiện chỉ là giải pháp tình thế, không phải cây đũa thần. Muốn thay đổi phải thay đổi xã hội, loại bỏ những kẻ tư lợi khỏi hàng ngũ lãnh đạo, xây dựng một thể chế mà người dân có thể nói lên tiếng nói mà không bị trừng phạt.

Còn không, người giàu cũng chỉ như cá nằm trên thớt, và sẽ chẳng ai an toàn. Nhưng nếu bạn hiểu luân lý này, bạn sẽ sống an toàn thôi. Rồi sẽ có ngày những người có chí hướng (有志 hữu chí) cùng nhau làm cách mạng đánh đổ thói tư lợi, đưa dân tộc tiến lên CNXH, hoàn thành đại nghiệp dân tộc. Hay thôi nhỉ? Có khi làm cá nằm trên thớt hưởng vinh hoa phú quý rồi chờ ngày bị làm thịt, lại hay hơn?
Mark

No comments:

Post a Comment