Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Thursday, March 2, 2017

Ý thức và giáo dục gia đình

Trong cuộc sống sẽ luôn có người có ý thức và người ý thức hay vô ý thức. Ví dụ người xả rác ra đường, vượt đèn đỏ, phóng uế, chạy xe ẩu, phì phèo hút thuốc nơi công cộng (làm phiền người khác), không giữ vệ sinh công cộng vv là những người được coi là ý thức thấp hay thậm chí vô ý thức.

Kêu gọi ý thức là không ăn thua. Vì người tư lợi thì vẫn sẽ tư lợi. Không vì người khác kêu gọi mà họ sống có ý thức. Vì sống vô ý thức thoải mái hơn chứ. Vượt đèn đỏ thì thoải mái hơn là chờ, vứt rác thì thoải mái hơn là mang rác về nhà.

Đồng ý vấn đề là ý thức thấp/vô ý thức hay văn hóa thấp/vô văn hóa. Nhưng nói thế thì cũng không giải quyết được gì vì rốt cuộc là chỉ kêu gọi có ý thức và mọi người cũng tán thành là phải sống có ý thức thôi nhưng khi ra đường thấy khó chịu, nôn nóng là lại xả rác vượt đèn đỏ ngay.

Phạt tiền là biện pháp tốt nhưng phạt tiền chỉ hạn chế phần nào. Vì không thể đủ lực lượng theo dõi suốt được trừ khi lắp camera và phạt nguội (thì lại phải biết xe nào của người nào, phải thay đổi cả hệ thống đăng ký xe và vẫn phải nuôi một bộ phận để thực hiện việc phạt). Phạt tiền chỉ làm người ý thức thấp chờn một thời gian chứ không nâng cao ý thức lên nên họ sẽ tái phạm.

Hơn nữa, phạt tiền thì có cái khó là người phạt phải là người công chính, không ăn hối lộ. Nếu phạt mà ăn hối lộ rồi bỏ qua cho đi thì người dân sẽ nhờn luật và luật sẽ có cũng như không. Muốn tuyển dụng người công chính thì lại phải trả lương cao cho công chức, tức là phải thu thuế được, tức là thu nhập của người dân phải cao mới trả lương công chức cao được. Trong trường hợp người dân nghèo và ý thức thấp thì không có tiền trả lương cao, nên không có ai nhiệt huyết "phạt" cho đúng rồi dân lại nhờn luật, rồi lại nghèo, thành một vòng luẩn quẩn.

Theo tôi, nguyên nhân của ý thức thấp là do giáo dục trong gia đình từ thời thơ ấu. Ý thức và giáo dục gia đình giống như một cái cây, ý thức là phần ngọn, giáo dục trong gia đình là phần gốc:


Hành vi của con cái chính là đạo đức của cha mẹ nên gia đình đạo đức cao thì con cái cũng đạo đức cao và ngược lại, cha mẹ xả rác, vượt đèn đỏ thì con cái cũng vậy. Thậm chí, nhiều cha mẹ cấm con cái mang rác về nhà mà phải vứt ngoài đường, trong nhà sạch là được ngoài đường thì thế nào cũng được. Lâu dần họ vứt rác ngay tại chung cư họ sống luôn, miễn là trong nhà sạch. Những gia đình có ý thức thấp sẽ tạo ra những đứa trẻ ý thức thấp hoặc vô ý thức.

Những người tư lợi sẽ giáo dục con cái thành người có ý thức thấp. Họ không làm điều tốt cho xã hội mà chỉ làm điều tốt cho bản thân bất kể điều đó làm hại xã hội. Điển hình là:
- Xả rác ngoài đường
- Vượt đèn đỏ (ăn cắp thời gian và sự an toàn của người khác)
- Hút thuốc lá nơi công cộng (làm phiền và gây hại sức khỏe người khác)
- Gây ồn ào (làm giảm IQ của người khác, khiến người khác nghèo theo)

Không dạy con vì lòng tư lợi hay không dạy được con cái

Có cả một nền văn hóa không dạy con của người tư lợi. Nếu dạy con thành người tử tế (người công chính) thì xã hội sẽ được lợi, nên họ phải dạy con thành người tư lợi để tránh làm lợi cho xã hội. Ngược lại, họ được lợi vì từ nhỏ đã giương cao lá cờ "gia đình là trên hết, không gì bằng máu mủ", "một giọt máu đào hơn ao nước lã". Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình như thế lớn lên sẽ phải hốt rác và giải quyết vấn đề cho người thân - nếu có năng lực, hoặc ăn bám người thân, anh chị em - nếu không có năng lực.

Vì tư lợi thì con cái sẽ chọn học càng kém càng tốt, làm càng dở càng tốt, như thế mới trục lợi được. Nhưng thường thì họ sẽ bị mất hết tài nguyên, cuộc sống cho cha mẹ họ, nên khó có thể nói họ may mắn được. Nhưng dù sao thì họ lại luôn cảm thấy "may mắn" vì được sinh ra trên đời, sự oái oăm lại nằm ở chỗ này, vì vấn đề gọi là nhận thức và ý thức: Đã không nhận thức tốt, ý thức thấp thì luôn cảm thấy ý thức thấp là "thông minh hơn người". Họ coi những người tuân thủ luật lệ rõ ràng là kém thông minh, ngu ngốc hơn họ, vì họ nhận thức không được sự khác nhau giữa thông minh và khôn lỏi.

"Người tư lợi thường không dạy được con, vì sớm muộn con cái họ cũng phát hiện ra họ cần con cái để có ý nghĩa và niềm vui sống như thế nào."
- Mark -

Vấn đề của cha mẹ tư lợi còn là không dạy được con cái. Họ cũng muốn dạy con cái tài giỏi, nhưng không làm được, vì nhiều lý do ví dụ như bản thân họ cũng không giỏi giang hay thành công gì. Tuy nhiên, lý do lớn nhất là họ bị biến thành tù nhân (nô lệ) của con cái.

Vì họ tư lợi nên không tìm được niềm vui và trách nhiệm công việc. Bản chất của công việc là làm lợi cho người khác theo phương trình này:

Công việc = Làm lợi cho người khác

Người tư lợi không có niềm vui này, vì từ nhỏ được dạy là phải trục lợi được thì mới khôn, làm lợi cho bạn bè là dại. Họ không có niềm vui trong công việc, cũng không có lý tưởng phụng sự xã hội, làm việc cũng không bung hết sức vì sợ thiệt nên không phát triển được bản thân. Do đó, niềm vui của họ tập trung vào gia đình và con cái. Tôi gọi đây là "chủ nghĩa gia đình là trên hết" hay "lối sống bầy đàn".

Con cái thì có niềm vui là cha mẹ, cha mẹ có niềm vui là con cái. Với những người trẻ thì niềm vui của họ là thời gian bên con. Rất sớm con của họ nhận ra mình là "trung tâm của vũ trụ" và trở thành ông trời con, bà trời con ở trong nhà, nhõng nhẽo, mè nheo là cha mẹ phải phục vụ ý muốn của mình. Vì thế mà không dạy được con. Chỉ cần con buồn là cha mẹ lại buồn theo, có khi mất ăn mất ngủ.

Cuối cùng, cha mẹ chịu thua sự vô ý thức của con cái, nên xã hội hay tràn ngập những đứa trẻ vô ý thức. Đây là hiện trạng ở các xã hội mà cha mẹ không dạy được con. Hiện trạng này không có, hay ít có ở các nước phát triển và văn minh như Nhật Bản.

Suy cho cùng con cái chỉ là con cái thôi mà?! Chỉ là một phần trong cuộc sống mỗi người. Và nghĩa vụ của cha mẹ là dạy con để không làm hại xã hội là trước hết, sau đó phụng sự xã hội, đó mới là nhân cách làm người.

Hình ảnh những đứa trẻ không được giáo dục gia đình tốt

Gây ồn nơi công cộng, mè nheo, nhõng nhẽo coi mình là trung tâm vũ trụ
Không phân biệt được không gian riêng và không gian chung nên quậy phá, đùa nghịch thái quá ở nơi công cộng như shopping mall, nhà hàng
Không tôn trọng tôn nghiêm thân thể của người khác: Tùy tiện động chạm vào người, ghế của người khác
Không tôn trọng tôn nghiêm nhân cách của người khác: Chỉ trỏ, bình phẩm, đeo bám người lạ
Không tôn trọng tài sản của người khác: Thích đụng chạm đồ đạc người khác
Không kiên nhẫn xếp hàng mà chen lấn lên trước
Đi đứng không quan sát, đâm thẳng vào bắt người khác tránh
Chắn đường người khác ở nơi công cộng

Tất nhiên là cha mẹ nào thì con cái như thế, nhưng con cái thường ở mức độ cao hơn. Bệnh "không biết điều" hay "không biết quan sát" (ví dụ đứng chắn đường nơi công cộng) thường là bệnh di truyền. Việc không phân biệt được không gian riêng và không gian chung thường là do ở nhà không có không gian riêng mà sống chung kiểu bầy đàn. Việc không tôn trọng thân thể, không gian cá nhân của người khác thường là do lòng tự trọng thấp do ở nhà không được tôn trọng sự tôn nghiêm thân thể, người lớn ai thích động chạm, vào lúc nào cũng được.

Trẻ em muốn thông minh thì phải được giáo dục tốt và được tôn trọng

Nhà nghèo cũng phải có không gian riêng, không ai xâm phạm.
Tôn trọng sự tôn nghiêm thân thể và sự tôn nghiêm nhân cách.

Đây là cách giáo dục của những gia đình thông minh hay những dân tộc thông minh. Không phải vì nghèo mà không tôn trọng con cái. Nghèo hay giàu không quan trọng, mà quan trọng vẫn là ý thức (consciousness).

"Ý thức chính là lương tâm của nhân loại"
- Mark -

No comments:

Post a Comment