Để giao thông an toàn thì đây là hai điều kiện tiên quyết:
(1) Không thay đổi làn đột ngột
(2) Giữ cự ly an toàn với các xe khác
Ở Việt Nam người tham gia giao thông không thực hiện việc này vì sự nôn nóng và chỉ muốn đi được càng nhanh càng tốt và đây là hai thứ mà người ở VN vi phạm nhiều nhất.
Hay thay đổi hướng đi đột ngột, tạt đầu xe khác
Ở Nhật, kể cả đi xe đạp, việc này là bị tuyệt đối cấm (xem Luật đi xe đạp ở Nhật). Nếu làm vậy và gây tai nạn bạn sẽ phải bồi thường, có khi làm cả đời cũng không bồi thường xong.Ở Việt Nam người tham gia giao thông đổi làn và hướng đi thường xuyên sao cho có thể vượt lên trước người khác. Họ không xi nhan hoặc rẽ rồi mới xi nhan, như thế thì không ai kịp tránh họ. Họ cũng không quan tâm tới vật lý học như quán tính của xe cộ, nên thích rẽ thì rẽ, sau đó mới đánh xi nhan để tránh bị phạt.
Tai nạn hay xảy ra do vừa tạt đầu vừa bị xe khác tạt đầu
Thay đổi tốc độ đột ngột
Nhiều người đang đi, chợt thấy cửa hàng mình cần tìm, hay nhớ ra là đi lố, lập tức phanh lại. Họ không quan tâm tới vật lý học hay quán tính của vật thể, cần là dừng thôi. Đây là kiểu người ít suy nghĩ. Rất nhiều phụ nữ đi xe kiểu này, chợt nhớ ra và dừng hẳn xe lại giữa đường. Thế là gây ra các xe tông liên hoàn đằng sau. Đôi khi họ cũng bị tông, thì họ lại than trách người khác sao mà … đi ẩu thế. Vì thế, bạn phải giữ khoảng cách an toàn.Đâm thẳng vào xe người khác
Một phong cách khác là đâm thẳng vào sườn xe người khác để gây áp lực bắt phải tránh. Như vậy thì đi nhanh hơn. Nếu bạn không tránh, có nguy cơ họ đâm vào sườn xe, bạn ngã ra đường và có thể xe hơi đang tới. Nếu bạn tránh, có thể bạn lại va chạm vào xe khác. Vì thế, tránh để lộ sườn xe, vì họ sẽ đâm thẳng vào thôi.Không giữ cự ly an toàn
Vì ai cũng vội, nôn nóng nên chẳng ai giữ cự ly. Vì thế khi có người dừng đột ngột thường tông liên hoàn. Điều đặc biệt là xe hơi, taxi cũng vậy, không giữ cự ly với xe máy mà chạy thật sát (nhiều khi gần va chạm) để gây áp lực cho người đi trước. Khi xảy ra va chạm thì xe hơi và taxi đâu có sao, người Việt tính xuề xòa, dễ dãi, chịu đau thôi chứ cũng chẳng ai trình báo, kiện cáo gì. Va chạm nhẹ ý mà ^^Nhưng xe hơi, taxi khi chạy trên đường quốc lộ, cao tốc thì lại trở thành nạn nhân của xe ben và xe công. Vì họ cũng lại chạy kiểu chợt chạy chợt dừng, đổi hướng tùy hứng, mà xe ben và xe công lại hiếm khi giữ cự ly an toàn, nên thỉnh thoảng cũng gặp tin tức các xe tông nhau liên hoàn.
Bóp còi inh ỏi
Cá biệt có trường hợp vừa đi vừa bóp còi, dù không có ai chắn đường. Thói quen hình thành nhân cách thôi. Đa phần thì bóp còi là để gây áp lực tâm lý, dù đường đang kẹt vẫn bóp còi, để ép người khác phải di chuyển. Hoặc chờ đèn đỏ chịu không nổi sự chờ đợi chưa tới lượt nhưng bóp còi sẵn. Trên đường có nhiều xe hơi, taxi dùng chiến lược này vì ngồi trong xe hơi tiếng còi sẽ nhỏ hơn nên có lợi hơn là người đi xe máy trên đường. Khôn thật.Vừa đi vừa phì phèo thuốc lá
Đàn ông trung tuổi không thành công ở Việt Nam ai cũng phì phèo thuốc lá mọi lúc mọi nơi kể cả đi đường rồi vứt tàn thuốc xuống, mấy phút sau rút điều khác ra hút. Tránh khói thuốc, tàn thuốc có thể khiến bạn nguy hiểm do va chạm với xe thứ ba. Hãy tránh xa các xe này.Vừa đi vừa dùng điện thoại, nhắn tin
Nhiều người ở VN thích nghe điện thoại và thích tám chuyện. Họ thích tranh thủ đi trên đường mà gọi điện, nhắn tin cho tiết kiệm thời gian, và vui nữa. Họ thông minh nên có thể làm nhiều việc cùng lúc nhưng bạn nên tránh xa vì quỹ đạo của họ không ổn định và khả năng quan sát bị hạn chế.Không quan sát đường, hay phân tâm
Vừa đi vừa ngắm cảnh, vung tay chém gió, nhìn điện thoại, hay chỗ nào ca nhạc xập xình là bỏ đường để nhìn. Vì thế nếu có sự cố thì xử lý không kịp. Ở các nước văn minh, thậm chí ở ngay Bangkok cũng không có việc này, mọi người đều tập trung vào lái xe nên dù tốc độ cao nhưng khá an toàn.Lao thẳng từ ngõ ra đường chính
Như vậy sẽ có lợi là ... không phải tránh. Nếu mà quan sát thì sẽ phải chờ và tránh, nên sẽ bị nôn nóng rất khó chịu. Bằng cách lao thẳng từ trong hẻm hay ngõ ra thì sẽ bắt người đi đường chính phải phanh lại đỡ phải chờ đợi sốt ruột. Nhiều người thường áp dụng cách đi cố tình không quan sát này để có lợi thế.Chạy lấn làn, chạy ngược chiều
Cho nhanh, tiết kiệm thời gian.Thích vượt đèn đỏ
Vượt đèn đỏ là sở thích của nhiều người. Đèn đang đỏ mà thấy có thể đi là vượt. Hoặc đang đợi mà đèn chưa xanh cũng chạy sẵn lên tiết kiệm vài giây. Đèn sắp đỏ thì tăng tốc để vượt bằng được do nôn nóng. Thường tông nhau ở ngã tư là do cả hai bên đều cố vượt đèn đỏ, một bên là khi đèn vừa chuyển đỏ, còn bên kia là khi đèn chưa chuyển xanh.Vấn đề chính có lẽ là không ai học luật, cũng chẳng thèm tuân thủ luật. Có đặt luật ra mà không có hệ thống camera giám sát và phạt nguội thì ai cũng sẽ tranh thủ phá luật ngay. Đây là vấn đề giáo dục gia đình. Trong các gia đình dễ dãi, không dạy đúng sai thì con cái thường vô kỷ luật, sự vô kỷ luật này sẽ được mang ra đường để tỉ thí với nhau. Có gia đình nào còn dạy con cái là phải tuyệt đối tuân thủ luật không nhỉ?
Ngoài ra là về pháp luật không xử cho công bằng mà thường xử xe lớn, xử người giàu, mà người giàu bồi thường vài chục triệu/mạng có khi lại xong.
Ở Nhật sở dĩ người ta sợ gây tai nạn vì sẽ phải bồi thường cả đời không xong. Xe đạp đi sai mà gây lỗi cho xe hơi vẫn phải bồi thường cho xe hơi như bình thường. Không có chuyện phạt xe lớn, tha xe nhỏ để trục lợi. Uống rượu lái xe sẽ bị phạt và tước bằng, ngoài ra nếu mà gây tai nạn thì bồi thường lớn nên ý thức người Nhật cao, hầu như không ai uống rượu trước khi lái xe.
Giáo dục gia đình ở Nhật cũng tốt, đó là tuân thủ luật chung, nên ít người vượt đèn đỏ hay xả rác. Không chỉ ở Nhật mà ở các nước văn minh thì pháp luật, thường phạt rõ ràng và giáo dục gia đình tốt, nên rất hiếm khi vượt đèn đỏ và cũng rất ít sự nôn nóng.
Làm sao đi lại an toàn ở Việt Nam?
Hạn chế ra đường là tốt nhất. Nhưng nếu ra đường thì đây là cách đi lại an toàn:1. Không thay đổi hướng đi, tốc độ đột ngột
Khi quẹo thì phải bật xi nhan trước khoảng 10 giây (khoảng 30 mét), khi đổi làn thì trước khoảng 2 giây, quan sát rồi mới quẹo. Dừng hay tăng tốc cũng phải quan sát và thực hiện từ từ.
Khi dừng đèn đỏ cũng hãy dừng từ từ vì ở VN người ta hay tông đít xe bạn do không quan sát, hay không phanh kịp.
2. Giữ khoảng cách an toàn
Vì nhiều người đang đi dừng ngay giữa đường lắm.
3. Quan sát trước khi quẹo hay dừng
Dù bạn đang đi sát lề đường và chỉ định quẹo phải vào nhà, thì luôn có những thanh niên cò hương vượt phải bạn trong bề rộng chỉ 40cm, nên dù quẹo phải, trái, hay đổi làn thì vẫn phải quan sát phía sau trước.
4. Không tạt đầu xe khác, không đâm thẳng vào xe khác
Vì sự lịch sự và an toàn. Vì bạn chẳng biết là có thanh niên nào sẽ đột nhiên xuất hiện hay đâm vào đuôi xe đâu.
5. Không tạt đầu hay đi trước xe taxi
Vì họ không bao giờ nhường bạn. Bạn hãy nhường taxi, vì tính mạng và quyền lợi của bạn thôi.
6. Tuyệt đối nhường xe buýt, xe ben, xe công
Hãy chạy càng xa càng tốt. Không phải vì họ sẽ chạy ẩu mà phải nhớ là họ phải chia sẻ đường với bạn mà quán tính của các xe lớn rất lớn. Họ không thể tránh bạn theo kiểu xe cỡ nhỏ tránh được. Đôi khi, họ còn bị mất phanh nữa. Và ai mà biết xe bồn có rơi gì xuống không. Đây là vấn đề văn minh và đạo đức chứ không hẳn chỉ là an toàn. Không bao giờ tạt đầu các xe cỡ lớn vì thường phía ngược lại sẽ có kẻ vượt lên và bạn bị kẹt không đi được, trong khi xe cỡ lớn đang đi tới, rất dở hơi đúng không.
7. Không đi sau xe chở cồng kềnh, người lái xe không quan sát, hút thuốc lá, thay đổi tốc độ hướng đi liên tục
Không an toàn cho cả bạn lẫn họ.
8. Không lấn làn lấn tuyến chạy ngược chiều
Tránh nôn nóng và chạy cho nhanh. Khi bạn quẹo trái thì hãy đi tới phần đường bên phải của đường giao, rồi đợi cho xe qua hết rồi mới quẹo nhé. (Xem hình vẽ).
Khi quẹo trái phải đi sang tới nửa phải của đường giao cắt, đợi xe qua hết rồi mới đi tiếp.
Ở Nhật người ta gọi là quẹo theo hai giai đoạn. Vì người Nhật đi bên trái nên áp dụng cho quẹo phải, còn Việt Nam đi bên phải nên áp dụng cho quẹo trái. Nếu bạn đi xe đạp hay xe máy thì hãy áp dụng cách đi này, an toàn hơn nhiều. Bạn sẽ không phải quẹo tạt đầu xe lớn mà chỉ cần đi thẳng, rồi đợi ở góc ngã tư đối diện tới đèn xanh rồi đi tiếp. (Xem hình vẽ)
Rẽ trái theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đi thẳng tới góc ngã tư trước mặt khi đèn 1 đang xanh và chờ (giai đoạn 1). Khi đèn 2 chuyển xanh thì đi tiếp (giai đoạn 2).
Việc giao thông là rất quan trọng vì bạn sẽ phải tham gia hàng ngày. Nếu giao thông bạn còn không làm chủ được, thì sao làm chủ số phận? Khi tham gia giao thông là bạn dùng công cụ, trong đa số trường hợp là dùng sức máy móc, nên có nguy cơ gây nguy hiểm cho thân thể, tính mạng của người khác, do đó bạn nên thận trọng. Ô tô, xe máy có thể trở thành vũ khí giết người, đó là lý do mà bạn phải tuân thủ luật pháp cũng như các quy luật vật lý.
-mark-
No comments:
Post a Comment