Theo tôi thì học lực và hạnh kiểm chỉ là một, nhiệm vụ của học sinh là học tốt. Học tốt nghĩa là hạnh kiểm tốt. Hiếm khi học sinh học tốt mà lại có hạnh kiểm xấu. Ngược lại, học sinh học kém nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, chỉ cần xếp hạng học lực là đủ, không cần hạnh kiểm.
Nguồn gốc của xếp hạng hạnh kiểm
Để đảm bảo học sinh được đúc khuôn như nhau và trao quyền lực tuyệt đối (quyền sinh sát) cho giáo viên chủ nhiệm. Có nhiều lý do.
Trước hết là đảm bảo các em được đúc đúng một khuôn ai cũng như nhau. Em nào khác biệt sẽ có thể bị trừng phạt.
Thứ hai, một giáo viên chủ nhiệm phải quản lớp 40 - 50 em nên có quyền lực các em mới sợ mà không quậy.
Tuy nhiên, việc xếp hạng hạnh kiểm không làm trường học tốt hơn mà nạn bạo lực học đường, nạn quay cóp, vv vẫn bùng phát đất đấy thôi.
Việc xếp hạng hạnh kiểm cũng làm phát sinh nhiều tệ nạn. Ví dụ giáo viên chủ nhiệm ngoài dạy lại còn phải lo xếp hạnh kiểm cho 40 - 50 em, nhiều em họ còn chẳng biết rõ. Tức là giáo viên "tốt" chỉ xếp chung chung được thôi không có ý nghĩa tham khảo, mà rất tốn sức.
Nếu giáo viên không tốt mà trù dập học sinh nào đó thì coi như học sinh đó tiêu. Ngoài ra, vì giáo viên chủ nhiệm có quyền sinh sát qua xếp hạng hạnh kiểm mà sinh ra tệ nạn phong bì quà cáp thầy cô.
Nếu giáo viên xếp hạng hạnh kiểm của học sinh thì làm sao đảm bảo giáo viên đó công bằng, công chính? Nếu giáo viên hạnh kiểm không tốt, hay trù dập thì sao? Vì sao nghề giáo, ngoài dạy kiến thức, lại còn (có thể) dạy cả đạo đức?
Đây là điều không hợp lý, giáo viên chỉ dạy kiến thức chứ không thể dạy làm người. Dạy làm người là trách nhiệm của gia đình, không phải của giáo viên (vì giáo viên dạy con cái họ đã đủ mệt rồi sao phải lo thêm việc "dạy" cho cả 40 - 50 em toàn là con người khác nữa?). Chẳng ai trả lương cho giáo viên để làm thay việc của cha mẹ cả. Theo tôi, đa số giáo viên chủ nhiệm là "tốt" nhưng cứ phải kiêm nhiệm việc xếp hạng hạnh kiểm, đánh giá đạo đức học sinh theo một thang hoàn toàn mù mờ. Và họ không được trả lương dù mất nhiều thời gian cho việc này.
Một mẫu phiếu đánh giá giờ học dành cho học sinh ở Nhật.
Học sinh đánh giá chứ không phải thầy cô đánh giá lẫn nhau.
Chỉ cần nội quy nhà trường là đủ
Ở Nhật Bản không có xếp hạng hạnh kiểm, thậm chí, không có xếp hạng học lực. Chỉ có đậu hay trượt, lên lớp hay lưu ban. Họ chỉ có nội quy nhà trường được viết rõ ràng và mọi người tuân thủ. Nếu không tuân thủ thì theo nội quy mà kỷ luật, nhưng thường chỉ nhắc nhở lần đầu vì Nhật Bản là xã hội nhân văn.
Nội quy nghĩa là không chỉ học sinh mà giáo viên, hiệu trưởng cũng phải tuân thủ. Đây gọi là dân chủ trong trường học. Nếu đã dạy các em trung thực thì thầy cô phải làm gương trước.
Tóm lại, nếu bạn có con cái và cho đi học thì hãy chọn trường tốt, là những trường chỉ quan tâm học lực chứ không xếp hạng hạnh kiểm. Hơn nữa, những trường (thường là trường quốc tế) cho phép học sinh đánh giá sự giảng dạy của thầy cô thì càng tốt hơn nữa. Học đại học ở Nhật thì cuối mỗi kỳ trường sẽ phát phiếu đánh giá tổng hợp mỗi thầy cô mỗi môn cho học sinh. Đây không phải là sự trừng phạt nếu thầy cô không được điểm cao hay không làm hài lòng học sinh, mà đơn giản là để thầy cô biết được đánh giá của học sinh một cách nặc danh, từ đó tạo ra giờ giảng thú vị và hữu ích hơn mà thôi.
- Mark -
No comments:
Post a Comment