Nếu bạn làm việc quần quật và ngày càng vất vả hơn, mà vẫn không giàu lên, thì lỗi là do ai?
Phải chăng là do bạn học tập không chăm chỉ, không tập trung, xao lãng mục tiêu, không đủ khát khao thành công, không đủ ý chí để lập thân?
Có lẽ bạn sẽ chìm trong cảm giác tự trách bản thân, vì thế, rất kém hạnh phúc. Bạn luôn so sánh với những người thành công, những người mà bạn thậm chí còn chẳng quen biết họ, rồi cảm thấy tủi thân. Cuối cùng, bạn tìm gặp diễn giả = thầy dạy thành công để có một chút động lực, nhưng một ngày nào đó, bạn vẫn không thành công và còn dằn vặt hơn gấp bội.
Tôi không ngạc nhiên khi các khóa học làm giàu, khóa học thành công nhan nhản. Vì phức cảm tự ti của mọi người đã quá lớn. Tôi gọi đây là PHỨC CẢM TỰ TI BẦN DÂN (Poor People Inferiority Complex).
Nói chung, bạn không đủ tài năng, bạn không đủ chăm chỉ, bạn không đủ may mắn, bạn không đủ tập trung, vv. Bạn chìm đắm trong suy nghĩ một chiều quá nhiều, cuối cùng vẫn chỉ là TỰ TRÁCH BẢN THÂN.
À, không phải chỉ mình bạn vậy đâu! Đầy người thông minh hơn bạn nhiều, vẫn rơi vào vòng xoáy này. Nếu tôi học giỏi, tôi được giáo dục tốt, nhưng tôi vẫn không thành công, thì tôi phải trách ai, ngoài ... bản thân?
Nguyên tắc số 1: Không tự trách bản thân
Người mà chúng ta nên yêu nhất trên đời, không phải là người yêu ta, mà là bản thân ta. Còn lâu chúng ta mới tự trách bản thân.
Vấn đề là bạn không nhìn được toàn cảnh mà thôi. Ngày nay là chủ nghĩa toàn cầu hóa nô dịch và kéo theo đó là chính sách "bần dân dễ trị" (Poor People Policy).
Toàn cầu hóa tức là chuyển sản xuất sang nước nghèo, khai thác lao động giá rẻ và điều kiện môi trường lỏng lẻo, rồi bán hàng vào các nước phát triển để kiếm lời nhiều hơn. Từ đó sinh ra lao động nô lệ ở các nước kém phát triển.
Nhưng làm như thế thì thị trường nội địa ở các nước phát triển teo tóp dần và người dân ngày càng nghèo đi do mất việc làm ra nước ngoài.
Đến một lúc nào đó, người dân chuyển sang chủ nghĩa tối giản (Nhật Bản) hay sống nhờ trợ cấp nhờ chính phủ vay nợ (Mỹ).
Tức là người nghèo tăng lên rất nhanh. Những người nghèo này cuối cùng trở nên ngày càng yếu ớt, và vì thế luôn bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh, nhưng vẫn không đủ sống. Họ là những sinh vật không còn sức mạnh đấu tranh nữa, nên cơ bản là không đòi hỏi gì về quyền lợi chính trị, hay đòi hỏi cải cách nữa.
Cuối cùng, họ tự chuyển hóa thành chỉ biết trông chờ vào sự ban phát của chính phủ. Ví dụ ở Mỹ thì là chính phủ sẽ vay nhiều tiền hơn để miễn phí y tế, ở Nhật thì là nhập khẩu nhiều lao động giá rẻ hơn để duy trì xã hội.
Và họ chỉ còn biết trông chờ vào chính phủ, nên chính phủ là nơi duy nhất họ trông chờ, và họ trở thành người trung thành với chính phủ.
Chính sách bần dân dễ trị
Bần dân dễ trị là con đẻ của toàn cầu hóa nô dịch. Những người bị làm cho suy yếu cực độ chỉ còn trông chờ vào ban phát của chính phủ sẽ trở thành người ủng hộ trung thành, và họ trở thành những cảnh sát không lương, những loa phường không củ tuyên truyền cho chính phủ. Ai phát ngôn không hay về chính phủ sẽ bị gán mác là không yêu nước, là phản động, là "tự nhục".
Những người này chính là súc sinh hạng nhất của chính phủ và lãnh đạo, tức là "đại súc sinh".
Thực sự thì họ chính là nạn nhân lớn nhất của bần cùng hóa do toàn cầu hóa. Cả ngày vì không còn cách nào để thay đổi cuộc đời, cải thiện đời sống mà họ chỉ chăm chăm comment dạo, và ai mà động tới chính phủ của họ là vào tranh cãi này lửa. Vì họ nghèo quá nên trở thành sùng bái chính phủ.
Họ chỉ còn biết trông chờ chính phủ sẽ chống tham nhũng, sẽ có đường lối kinh tế đúng đắn để nâng cao đời sống nhân dân vv. Chứ còn công việc của họ thì rất ngặt nghèo, mức lương thì rất thấp, có cố gắng chuyển việc cũng sang một công ty khác bóc lột bằng hoặc hơn. Nói tóm lại là không hi vọng gì nữa.
Như vậy, một chế độ dân chủ cũng có thể trở nên độc đoán, nhờ việc duy trì một số rất đông bần dân = những người tự động trở thành đại súc sinh trung thành với chính phủ. Và vì thế, việc quản lý thật dễ dàng. Thực ra là để người dân tự quản lý nhau. Vì nghèo quá rồi thì chẳng ai đấu tranh gì nữa.
Ngay cả tầng lớp trí thức cũng bị bần cũng hóa, việc kiếm sống khó khăn nên dù họ không thích chính phủ, họ cũng vì đã kiệt sức mà không còn lên tiếng phê phán nữa. Cuối cùng, trở nên những con người trầm lặng, thời thế sao cũng được.
Bần dân dễ trị ở các nước công xưởng thế giới
Đấy là nói về các nước phát triển, còn ở các nước nghèo tham gia toàn cầu hóa để làm công xưởng thế giới thì sao?
In tiền, in tiền, in tiền. Duy trì lạm phát cao để duy trì lực lượng bần dân đông đảo. Bần dân càng đông thì càng dễ trị, dễ quản lý.
Tức là, về mặt chính sách, làm mọi cách để tầng lớp trung lưu không thể lớn lên được. Đây là lý do mà số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu rất ít, cố hết sức thì cũng chỉ lên được "trung lưu nghèo".
Trung lưu nghèo không phải mục đích của bạn, nhưng lại là giới hạn của bạn. Bạn muốn lên được tầng lớp trung lưu, nhưng không thể lên được, đây cũng là lý do bạn không hạnh phúc, dù bạn có thông minh, tài giỏi đi chăng nữa.
Cách làm để duy trì bần dân?
In tiền. Thông thường, nếu nước bạn là nước xuất siêu (xuất nhiều hơn nhập) thì ngoại tệ về nước bạn nhiều hơn ngoại tệ chảy khỏi nước bạn, do đó, đồng nội tệ tăng giá. Chính phủ sẽ in thêm nội tệ để mua số ngoại tệ dư này, làm mất giá nội tệ, có lợi cho xuất khẩu, để duy trì xuất siêu.
Nhưng mục đích khác sau đó chính là duy trì lạm phát bằng với tốc độ phát triển thật sự của kinh tế. Do đó, mọi người không thật sự giàu lên, dù số tiền có vẻ tăng lên.
Tôi ví dụ, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế là 9%, trong đó FDI (vốn nước ngoài) được hưởng thụ 5%, đất nước hưởng 4%, nhưng bằng cách tạo ra lạm phát 4% thì chỉ có chính phủ hưởng 4%, người dân không giàu lên, không nghèo đi.
Tôi chỉ tính toán đại khái để bạn hiểu thôi, chứ không phải là chính xác hay nói cụ thể nước nào nhé. Thực ra tăng trưởng kinh tế cao chủ yếu là do FDI khai thác tài nguyên, môi trường, lao động giá rẻ, chứ không phải nhờ áp dụng kỹ thuật mới hay đổi mới sáng tạo gì cả.
Như vậy, bản chất là bất kỳ ai cũng có thể rơi vào BẦN CÙNG HÓA, do chính sách, chứ không phải bạn không đủ thông minh hay không đủ cố gắng.
Nhân tiện, vẫn có những người cố gắng hết mình và thành công đúng không? Đúng, nhưng đấy là bán máu kiếm tiền. Chừng nào bạn chưa giàu và dùng tiền đẻ ra tiền ở mức cao hơn lạm phát thì bạn vẫn chỉ là trung lưu, mà trung lưu thì một cú sảy chân là có thể rơi xuống trung lưu nghèo, và lại nai lưng ra làm.
Tầng lớp trung lưu luôn bị đục cho rỗng ruột. Ngay cả ở Nhật hay Mỹ cũng thế, trung lưu ngày càng bị bần cùng hóa và không còn là trung lưu nữa, chỉ có một số ít người ngày càng giàu lên (người giàu) và số đông nghèo khó (người nghèo, tức bần dân).
Phải luôn có ý thức chống bần cùng hóa
Bạn bị bần cùng hóa theo một cách tự nhiên, nên nếu bạn không ý thức được, hoặc đơn giản là không làm gì, bạn sẽ bị bần cùng hóa.
Chủ nghĩa tư bản toàn cầu sẽ bán cho bạn rất nhiều hàng giá rẻ (từ công xưởng), hàng fake, làm bạn chìm đắm trong sự phồn hóa giả tạo.
Khi bạn chìm đắm trong đồ vật, vật chất và sự phồn hóa giả tạo, bạn đánh mất đại cục. Bạn không còn biết mình đang giàu lên hay nghèo đi. Và khi không thể mua được hàng hóa cao cấp hơn, đi du lịch sang chảnh hơn, bạn lại đơn giản là ... lao vào kiếm tiền.
Vòng xoáy này không có hồi kết. Vì mạng xã hội luôn tạo ra hình ảnh sang chảnh vượt quá tầm với của số đông dân chúng. Toàn cho hotgirl review nghỉ dưỡng năm sao, du lịch những thiên đường nào đó, ăn sơn hào hải vị, kích thích PHỨC CẢM TỰ TI BẦN DÂN bên trong bạn, để bạn lại cố gắng hơn nữa làm giàu cho tư bản (toàn cầu hóa).
Đơn giản là bạn đã đánh mất đại cục rồi! Vì thế, bạn luôn thiếu tiền và cảm thấy nghèo, và tự trách bản thân.
Tại sao phải nghỉ dưỡng năm sao, tại sao phải du lịch sang chảnh? Ngày xưa người ta còn cả đời chẳng đi nước ngoài lần nào mà vẫn sống hạnh phúc cơ mà?
Thiên đường chính là nơi chúng ta sống, với mindset đúng đắn. Du lịch thì chỉ đi với chi phí rẻ thôi, cần gì phải "sang chảnh" với các giá trị ảo.
Để chống bần cùng hóa, chúng ta sống TỐI GIẢN HỢP LÝ (Rational Minimalist) đồng thời TIẾT KIỆM ĐỂ ĐẦU TƯ.
Đây là điều tư bản toàn cầu hóa sợ nhất. Mất thị trường là mất tất cả. Họ sợ con người có ý thức tự do, thoát khỏi cái bẫy ham muốn vật chất mà tư bản tạo ra thông qua hàng tấn quảng cáo mỗi ngày.
Họ sợ bạn không còn mua nhà sang chảnh nữa. Họ sợ bạn không mua bảo hiểm với chi phí đắt đỏ và hoa hồng cao ngất. Họ sợ bạn không còn mua thực phẩm chức năng giá đắt hơn vàng hơn bạc. Họ sợ bạn không mua mỹ phẩm làm đẹp bằng mọi giá mà chuyển qua những sản phẩm gần gũi hơn và rẻ hơn rất nhiều.
Họ sợ bạn không còn là súc sinh của vật chất giá rẻ mà trở thành người tự do.
Mark
No comments:
Post a Comment