Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, May 15, 2018

Tâm lý học người dân đi bắt cướp

Người dân đi bắt cướp không phải hành động cao đẹp, nếu không nói là phản cảm và ích kỷ. Có nhiều yếu tố ngang trái:

Vì sao cảnh sát không bắt cướp mà người dân đi bắt cướp? Cảnh sát để làm gì nếu không bắt cướp? Người dân đóng thuế nuôi cảnh sát để làm gì? Vì sao người dân không (dám) kiến nghị cảnh sát bắt cướp?

Vì sao người dân KHÔNG VŨ TRANG lại đi bắt cướp có vũ trang?

Nếu người dân bị cướp đánh bị thương thì có TỰ LÀM TỰ CHỊU không?

Nếu thật sự không thể yêu cầu cảnh sát làm đúng bổn phận thì khó có thể nói là hệ thống xã hội tốt được. Trong trường hợp ở Nhật, bạn bỏ phiếu cho đảng đối lập và khi chính phủ thay đổi những quan chức yếu kém sẽ được ra đi.

Có rất nhiều vấn đề ngang trái khi người dân đi bắt cướp. Rồi có rất nhiều người ca ngợi việc đó nữa (theo một cách cảm tính).

Đúng quả là dân tộc cảm tính. Và tất nhiên, thường kèm theo cả "bất mãn xã hội" nhưng hoàn toàn bất lực. Chất lượng sống thấp. Vì không làm việc dễ nhất: Yêu cầu cảnh sát làm đúng bổn phận.

Nhưng nếu cảnh sát ra đường quét rác thì lại ca ngợi là "cảnh sát tốt" ngay. Như vậy, không ai làm đúng hay làm tốt bổn phận cả. Dường như phải có thể tư lợi thì mới làm. Điều này là do "văn hóa tư lợi" rất khó sửa.

Bắt cướp mang lại khoái cảm

Bắt cướp thì mang lại khá nhiều phiền toái như:
- Không được trả công
- Nếu bị thương thì không ai lo
- Có thể gặp nguy hiểm

Vì sao người ta làm? Phải chăng vì họ là "công dân tốt"? Tôi không hề nghĩ vậy. Nếu là công dân tốt, họ nên yêu cầu bằng được cảnh sát làm việc vì như thế hiệu quả hơn (cảnh sát có nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, lại đông đảo nên an toàn hơn nhiều).

Theo tôi, cũng như người đau khổ đi làm từ thiện để mang lại sự thanh thản trong tâm hồn, hay xóa đi sự nhàm chán trong cuộc sống: Để đem lại cảm xúc.

Vì mọi người trong xã hội nghĩ rằng "bắt cướp = việc tốt" (cũng như phương trình "người nghèo = người tốt" và do đó "giúp người nghèo = việc tốt") nên khi bắt được cướp thì người ta sẽ được TƯỞNG THƯỞNG nhiều thứ:

- Cảm giác mình là người tốt, là người làm việc lớn lao, xóa bỏ hay làm dịu đi MẶC CẢM TỰ TI và CẢM GIÁC THUA KÉM trong đời thường
- Được xã hội tôn vinh làm người hùng nên hoạt chất khoái lạc (dopamin) tiết ra trong não đem lại cảm giác hạnh phúc

Như vậy, bắt cướp dù nguy hiểm nhưng đem lại khoái cảm. Cũng như việc làm từ thiện sẽ đem lại khoái cảm. Một khi đã có khoái cảm này (tức là bắt cướp thành công) thì cũng như cơn nghiện (chú ý là có thể là tốt ví dụ nghiện học tập, theo đuổi lý tưởng), người ta có nhu cầu lặp lại.

Cảm giác bắt được cướp giải về đồn rất tuyệt đấy. Cảm giác mãn nguyện khi vừa làm xong một việc tốt, hơn nữa còn là việc khó không ai dám làm. Cảm giác bản thân lớn lao, giúp "lòng tự tôn" lên cao xóa đi mặc cảm thua kém, bị o ép hàng ngày, giúp cuộc sống thời gian tới tốt hơn.

Cảm giác này lớn hơn là đơn giản đi làm từ thiện vì làm từ thiện thì nhiều người làm được còn bắt cướp thì chỉ một số ít người làm được.

Cảm giác này giúp vượt qua nỗi đau thể xác (không được trả công, mất tiền, bị thương vv).

Hơn nữa, đi bắt cướp giúp bạn thoát được cuộc sống nhàm chán, phải làm việc mình không thích mỗi ngày chỉ để kiếm sống (và để chu cấp cho gia đình), đem lại sự phấn khích trong cuộc sống.

Nguyên tắc: Càng nguy hiểm, rủi ro = Càng phấn khích.

Hơn nữa, hành động này lại không bị trừng phạt bởi pháp luật hay người cầm quyền.

Vì nếu dám ý kiến, kiến nghị "bậc bề trên" phải làm đúng bổn phận thì sẽ bị gắn nhãn "chống đối" và sẽ cho lên thớt liền. Dám nói lên sự thật, đấu tranh cho công lý, .... cũng rất dễ được lên thớt, bên cạnh việc bị một đám cổ động viên đánh hội đồng (văn hóa sùng bái quyền lực và đánh hội đồng).

Do đó, săn bắt cướp thực chất là việc khá an toàn. Vì bạn chỉ phải đối mặt với đám trộm cướp thiếu chuyên nghiệp và không được đào tạo bài bản thôi. Và cũng không cần đầu óc gì mấy để làm việc này.

Còn đấu tranh cho xã hội tốt đẹp lên thì lại phải học rất nhiều, rất mệt, mà nguy hiểm hơn nhiều. Nhưng quan trọng nhất là không được xã hội tôn vinh. Ngược lại, sẽ bị người cầm quyền và truyền thông khoác cho cái áo "phần tử xấu", không những không được xã hội tôn vinh mà còn bị đấu tố và xa lánh, ghẻ lạnh nữa.

Vì sao những người đi bắt cướp thường là người nghèo

Những người giàu, hay người có chất lượng sống cao, người có nhiều niềm vui, vv thì chắc không ai đi bắt cướp. Vì họ không cần cảm giác phấn khích khi bắt được cướp. Người đi bắt cướp thường là người có hoàn cảnh tệ, chất lượng sống tốt, công việc bấp bênh, ít niềm vui trong cuộc sống.

Họ thường ở hoàn cảnh "đáy" của xã hội, mà nếu không làm gì khác đặc biệt thì sẽ bị chính xã hội tôn vinh người giàu chà đạp thê thảm.

Vì thế, họ mặc dù tìm được khoái cảm trong việc đi bắt cướp và được xã hội tôn vinh, nhưng họ sẽ luôn băn khoăn và không tìm được câu trả lời: Làm thế có thật sự tốt không. Đấu tranh cho một xã hội luôn chà đạp mình thì có phải việc tốt không.

Tới một lúc, họ sẽ tự nghi ngờ bản thân và lý tưởng bắt cướp. Và có thể là họ từ bỏ lý tưởng bắt cướp.

Có lẽ tới một lúc nào đó họ sẽ thông cảm với những người "có bổn phận bắt cướp nhưng không làm". Vì lý do đơn giản: Làm thế để làm gì? Ai sẽ tôn vinh họ? Họ được lợi ích gì khi làm thế?

Xã hội này chắc gì đã đem lại điều gì tốt cho họ, với một mức lương quá thấp, hay môi trường làm việc chưa chắc tốt vv. Nếu không được tưởng thưởng xứng đáng, làm việc tốt cũng chẳng ai tôn vinh, thì làm làm gì. Đây là công việc kiếm sống, không phải là lý tưởng mà bạn thề phụng sự.

Tôi hi vọng các bạn hiểu rõ tâm lý học và tránh rơi vào cạm bẫy. Tôi không ủng hộ bạn đi bắt cướp, nhưng cũng không phản đối nếu có ai thích làm thế.

Có thể một ngày tôi cũng đi bắt cướp. Cảm giác sẽ thật tuyệt đấy. Hãy luôn mở một cơ hội cho bản thân nhé.
Mark

No comments:

Post a Comment