Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, May 8, 2018

Cảnh giới Nhật Bản

Bạn không đơn giản là đi du học Nhật Bản, mà là sang tới "cảnh giới Nhật Bản". Bạn có thể lập kế hoạch du học thật chi tiết - và bạn nên làm thế - chuẩn bị rất nhiều thứ, ngày nào cũng lo lắng tới việc du học, nhưng khi sang tới Nhật Bản, có thể mọi thứ bạn làm là dư thừa: Những thứ đáng lo thì bạn không lo, những thứ không đáng lo thì bạn lại lo.

Nhưng dù sao, lo lắng là việc tốt. Sẽ giúp bạn tập trung trí não để ra quyết định đúng đắn. Việc bạn chuẩn bị kế hoạch du học chi tiết - việc rất quan trọng - cũng là rèn luyện THÓI QUEN THÀNH CÔNG để có thể du học thành công mà thôi.

Có rất nhiều bạn có tiếng Nhật N3, N2 hẳn hoi nhưng cứ luôn lo lắng sang đó có giao tiếp được không, có xin việc được không. Tôi luôn nói là đã học được đến thế thì sang Nhật sẽ ổn thôi. Việc nguy hiểm lại không phải là không giao tiếp được, hay không xin việc làm thêm được, mà là vì đi làm thêm quá nhiều mà quên mất mục đích chính của việc du học: Học tập.

Thực sự là mọi người sang Nhật vài tháng là giao tiếp được, và ai cũng xin việc được. Có những công việc như trong nhà máy, hay kho hàng, vv còn không cần tiếng Nhật mấy.

Không, bạn không thể lo lắng vì việc du học. Bạn chỉ có thể chuẩn bị cho việc du học. Mà đôi khi, sự chuẩn bị tốt nhất lại là ... không làm gì. Tôi nói thật lòng là thế, dựa trên kinh nghiệm của bản thân.

Nỗi lo sợ điển hình khi sắp du học Nhật Bản

Bạn sợ buồn không có việc gì để làm. Nên bạn mang khá nhiều sách học, truyện, vv để mang sang giết thời gian. Sự thật là, bạn sẽ không dành thời gian để làm mấy thứ này. Vì cảnh giới Nhật Bản rất khác.

Bạn sợ đói. Nên tha rất nhiều mì ăn liền và ruốc (chà bông) vv sang Nhật. Sự thật là bên Nhật có rất nhiều mì và bạn sẽ không ăn mấy thứ này mấy, vì đồ ăn bên Nhật cũng ngon và rẻ mà ^^

Bạn sợ bệnh tật. Nên mua rất nhiều thuốc cảm cúm, đau bụng, ... phần lớn các bệnh bạn còn chưa bao giờ mắc phải và bạn cũng còn trẻ. Không, tôi không bị bệnh lần nào mà phải uống thuốc ở Nhật cả. Nhưng tôi mua cả núi thuốc mang theo.

Cứ làm như bên Nhật không có thuốc ý nhỉ? Vì ai cũng sợ phải có đơn bác sỹ mới mua được thuốc. Sự thật không phải thế, với các bệnh thông thường bạn chỉ cần ra drug store nói triệu chứng là mua được thuốc không kê đơn (thuốc OTC) chữa bệnh rất hay và ít tác dụng phụ của Nhật. Thuốc của Nhật nổi tiếng mà. Ví dụ đau bụng thì có "người hùng Seirogan", hoàn toàn là thảo dược.

Tôi đã hướng dẫn sẵn cả cách mua thuốc ở Nhật trên Yurica. Khuyên thật nhé: Đi Nhật đừng mua thuốc chỉ phí tiền. Trừ khi bạn bị bệnh mãn tính nào đó mà chưa biết mua thuốc ở đâu tại Nhật.

Ngay cả cùng loại thuốc thì thuốc Nhật vẫn ngon hơn. Ngoài ra, sang Nhật thể lực, vóc dáng, làn da, sức khỏe sẽ được cải thiện nên không bị bệnh mấy đâu.

"Cảnh giới Nhật Bản" - có thể rất khác so với hình dung

Vì sao lại là "cảnh giới" Nhật Bản?

Khi bạn sang Nhật Bản du học thì không đơn giản là bạn sang đó, mà bạn sang một cảnh giới khác. Vì những suy nghĩ trước đó của bạn bị thay đổi, bạn trở thành con người khác, trở thành một phần của cảnh giới.

"Bạn trở thành một phần của ma trận"
- Mark -

Bạn không còn là bạn và bạn bắt đầu "biến đổi", hay "bị biến đổi", một phần là để thích ứng với một môi trường mới.

Vì thế, những suy nghĩ trong cảnh giới (Việt Nam) cũ sẽ không còn phù hợp, thường trở nên vô ích. Trong tư vấn du học thì tôi chỉ chém gió cho bạn hiểu cảnh giới bên đấy là chính, chứ không hề khuyên bạn nên lo lắng, hay ca ngợi viễn cảnh bên Nhật, hay hù dọa bạn. Vì mọi chuyện sẽ không như vậy.

Là một người tư vấn có trách nhiệm và đúng đắn, tôi chỉ khuyên bạn học tiếng Nhật, mà chủ yếu là từ vựng. Tôi không yêu cầu bạn viết được kanji, hay thậm chí hiragana, hay hội thoại tốt, hay phát triển đều bốn kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết. Tôi chỉ yêu cầu mỗi một thứ: Nâng cao vốn từ vựng lên nhiều nhất có thể.

Vì cảnh giới bên kia rất khác. Bạn sang đó vài tháng là sẽ giao tiếp được, không cần cố gắng mấy. Bạn có vốn từ và ở Nhật Bản thì sẽ nghe, nói, đọc, viết được một cách dễ dàng theo kiểu "bất chiến tự nhiên thành".

Bạn cố gắng luyện nghe nói, hội thoại ở VN thì cũng tốt thôi, nhưng ở cảnh giới Nhật Bản bạn còn tiến bộ một cách tự nhiên không cần lao tâm khổ tứ hay luyện tập nhiều.

Tôi cũng không bao giờ có ý nghĩ về một "văn phòng hỗ trợ" ở Nhật Bản, vì bạn sẽ không cần ai hỗ trợ, và thật ra cũng chẳng ai hỗ trợ được bạn. Khi ở Nhật, cần gì thì bạn hỏi trực tiếp trường bạn đang học là được. Còn chờ một người từ xa hỗ trợ, ví dụ văn phòng ở Tokyo, thì sẽ không hiệu quả, thậm chí là vô ích.

Quảng cáo du học kiểu "chúng tôi có văn phòng hỗ trợ tại Nhật" thật ra chỉ giúp yên tâm cho học sinh và phụ huynh đang ở "cảnh giới Việt Nam" mà thôi.

Sở dĩ là "cảnh giới" Nhật Bản là vì không đơn giản bạn chỉ là một robot, hay một "động vật biến nhiệt" để thích nghi với môi trường Nhật Bản, mà bạn - với đầy đủ cá tính và kinh nghiệm đã có - sẽ hòa mình vào cảnh giới đó và cảm nhận Nhật Bản theo cách riêng của bạn.

Không, không bao giờ có hai người cảm nhận Nhật Bản theo cùng một cách với nhau.

Với một bạn Việt Nam đã tự lập từ cấp ba, sang Nhật có cảm giác như "trở về nhà" vậy. Tôi cũng là một người như vậy. Cuộc sống chẳng có gì bất tiện và rất phấn khích. Và tôi cũng không hề "choáng ngợp" gì với cuộc sống bên Nhật, hay "khâm phục" lòng tốt của người Nhật. Tất cả đều như một lẽ tự nhiên mà thôi. Vấn đề không bao giờ là giữa bạn và "người Nhật" (một khái niệm vô cùng chung chung) mà chỉ là giữa "bạn" và "cảnh giới Nhật Bản" mà thôi.

Tất nhiên, bạn cần lịch sự nhã nhặn với người Nhật như với tất cả mọi người khác. Không phải vì bạn đang ở Nhật nên "phải tôn trọng người Nhật" (đây chỉ là suy nghĩ của người có lòng tự tôn thấp). Về cơ bản, bạn chẳng liên quan thì tới người Nhật trong quá trình du học, bạn chỉ tương tác với cảnh giới Nhật Bản mà thôi. Nếu bạn quá quan tâm việc người Nhật nào đó nghĩ gì, hay về việc lấy lòng người Nhật, bạn sẽ mất đi sự cảm nhận cảnh giới Nhật Bản.

Bạn vẫn là bạn, nhưng vừa không phải là bạn

Vì bạn sẽ thay đổi từng ngày. Ví dụ sang Nhật mọi người sẽ thon gọn hơn, giảm mỡ, thể chất dẻo dai hơn, do đi bộ và đạp xe nhiều. Nếu bạn bị hen suyễn, sang Nhật thường giảm và hết hẳn vì không khí tại đây trong lành và khí hậu lạnh thực tế là tốt hơn trong việc giúp bên thuyên giảm (vì sẽ giúp đề kháng trở nên tốt hơn).

Bạn sẽ thấy một chiều không - thời gian khác: Mọi người hoạt động rất nhanh, dường như là không thư thái. Nhưng tin thế này nhé: Người Nhật thư thái hơn người Việt nhiều. Họ nhanh vì họ thật sự là hoạt động một cách khoa học và thể chất khỏe hơn, tinh thần nhanh nhạy hơn. Và bạn cũng trở nên giống họ: Bạn bắt đầu dẻo dai hơn và hoạt động nhanh hơn, và cảm thấy CÓ Ý NGHĨA hơn.

Sau này, khi về lại cảnh giới Việt Nam, bạn sẽ cảm thấy bất mãn vì mọi việc quá chậm: Một ngày bên Nhật bạn có thể làm 3 - 4 việc, tại Việt Nam có thể chỉ 1 - 2 việc, thậm chí còn không xong việc.

Vì hai cảnh giới khác nhau!

Khi sống trong cảnh giới Nhật Bản một thời gian, bạn mới thấm thía câu nói:

"Chỉ có kinh nghiệm mới trở thành tri thức"

Bạn không thể chỉ ở nhà đọc sách và nghĩ là mình đã có kiến thức. Chỉ có trải nghiệm mới là quan trọng. Đọc về Nhật Bản, hay cảm nhận qua truyện tranh chỉ rất phiến diện, còn thực sự sống và học tập tại Nhật mới đem lại cảm giác đầy đủ và sự thấu hiểu. Từ đó, trải nghiệm mới trở thành tri thức của bạn.

Ví dụ, bạn học về "cách làm việc" (workstyle) của người Nhật thì tốt thôi. Nhưng bạn sẽ không áp dụng được. Vì không phù hợp con người, thể chất, tinh thần của bạn: Nó không thành tri thức của bạn. Nhưng nếu bạn sống ở Nhật một thời gian, cảm nhận đầy đủ về ý nghĩa của việc đó (thông qua thầy cô trên trường của bạn, sự nhiệt tình của nhân viên trong trường vv) thì bạn sẽ có thể áp dụng cách làm việc đó một cách tự nhiên. Vì thế, trải nghiệm ở cảnh giới Nhật Bản trở thành kiến thức thật sự của bạn.

Đây là lý do người đọc sách thánh hiền, sách kinh kệ vv mà không dấn thân, chọn lối sống an toàn, thì thật ra lại không đạt tới trạng thái "giải thoát" hay "giác ngộ". Nhân tiện, bạn cũng không cần phải "giải thoát" hay "giác ngộ" mà quan trọng là dấn thân trải nghiệm và tích lũy trí tuệ để sống cuộc sống bạn mong muốn thôi.

Thứ đầu tiên và vũ khí lớn nhất của tuổi trẻ mà bạn cần là DŨNG KHÍ (lòng dũng cảm) để bước chân lên đường đi phiêu lưu. Tôi luôn mong bạn có nhiều trải nghiệm tốt ở "cảnh giới Nhật Bản". Nhớ chia sẻ câu chuyện của bạn theo cách nào đó nhé.
Mark

No comments:

Post a Comment