Nhưng câu hỏi là: Thành công để làm gì?
Tôi nghĩ là phải trả lời được câu này mới trả lời được câu hỏi "Vì sao tôi luôn trì hoãn". Thành công chẳng là gì cả, thành bại trong cuộc đời đều không quan trọng tới mức đấy, mà quan trọng là bạn sống có cảm xúc thôi.
Thành công (nhất là về tài chính) là để bạn có nhiều thời gian hơn và sống thư thái hơn. Chúng ta học tập là vì thế: Để có năng lực cao, số tiền kiếm được trong một đơn vị thời gian nhiều hơn, từ đó lại mua được nhiều thời gian hơn nên sống thoải mái và thư thái hơn.
>>Hệ số tiền - thời gian
Con người không sống chỉ để làm việc mà còn để theo đuổi ước mơ. Tất nhiên nếu bạn bị tẩy não "Lao động là vinh quang" để kẻ khác hưởng thành quả thì không nói làm gì, trường hợp đó thì phải bạn sống là để làm việc cho kẻ khác thôi.
TRÌ HOÃN xem ra là kẻ thù số một của thành công. Nó có nghĩa là việc bạn lẽ ra phải làm lúc này, hôm nay, nhưng bạn không làm, bạn lại đi làm việc khác, thường là dễ hơn hoặc vui hơn, ví dụ lên Facebook, chat chit, xem hài nhảm trên Youtube ... Ngày ngày trôi qua, bạn không cảm thấy mình tiến bộ, thấy lãng phí thời gian và cảm giác tội lỗi xâm chiếm, nhưng bạn KHÔNG THỂ THAY ĐỔI THÓI QUEN. Vì thế, bạn luôn trì hoãn.
Trì hoãn trở thành thói quen của bạn. Tương lai sẽ là những ngày dài thất vọng về bản thân. Và bạn chẳng biết phải thay đổi từ đâu.
Nguyên nhân của sự trì hoãn
Chưa chắc nguyên nhân đã nằm ở bản thân bạn. Vì ai chẳng trì hoãn (việc phải làm hay nên làm).Con người trì hoãn không phải vì tính cách họ như thế, vì hiếm ai trì hoãn buổi tiệc vui vẻ, hay đi gặp người trong mộng.
Bạn trì hoãn vì công việc bạn phải làm quá khó hoặc quá chán hoặc vượt quá khả năng thực hiện của bạn. Bạn đơn giản là không biết cách làm. Không ai chỉ bạn cách làm.
Nếu có một cách làm hợp lý và vừa sức thì có lẽ bạn đã không trì hoãn.
Thường thì công việc bị bạn trì hoãn vì:
- Nó quá khó, cần nhiều thời gian, công sức, tức cần nhiều tài nguyên, vật lực
- Nó đòi hỏi bạn cần có năng lực mới
- Bạn đơn giản là không biết cách thực hiện nó
Như vậy, đôi khi trì hoãn là việc tốt. Vì bạn có thêm thời gian để chuẩn bị tài nguyên, vật lực, năng lực và tìm tòi cách làm.
Trên đời có rất nhiều việc khó và tôi luôn trì hoãn tới phút cuối. Ví dụ mua nhà hay lập gia đình. Thay vì từ thời trẻ cố gắng mua nhà, lập gia đình sớm, tôi dành thời gian mài giũa bản thân để tỏa sáng. Thời gian trôi đi và năng lực tôi cao hơn, tài nguyên nhiều hơn và mọi chuyện trở nên thật dễ dàng.
TRÌ HOÃN có thể là việc tốt mà bạn đã làm. Tất nhiên, với những việc bạn cần làm ngay thì bạn không thể trì hoãn. Bạn chỉ nên trì hoãn việc cần nhiều thời gian mà bạn cần thời gian để học tập nâng cao năng lực và tìm ra cách làm tốt nhất.
Vượt qua thói quen trì hoãn
Cách tốt nhất để vượt qua sự trì hoãn không phải là cảm thấy tội lỗi, hay hô hào khẩu hiệu thay đổi. Cách tốt nhất là học tập để nâng cao năng lực, tức là mài giũa bản thân để tỏa sáng.Nếu bạn có kiến thức, năng lực và biết cách làm thì bạn sẽ không trì hoãn nữa.
Ví dụ công việc tư vấn du học đi, tất cả phải làm thành quy trình, để có thể tự động hóa được. Như vậy mỗi lần cần làm chỉ cần lấy MANUAL (hướng dẫn) ra đọc lại là được. Bằng cách lên quy trình, làm thành tài liệu, bạn không phải làm lại một công việc hai lần, bạn cũng không cần nhớ cách làm. Vì bạn có thể làm nó một cách đơn giản nên bạn không ngại làm và không cần trì hoãn nữa.
Và tốt nhất là TỰ ĐỘNG HÓA được mọi công việc, để giảm sự lao lực. Nếu bạn làm việc một cách dễ dàng và thư thái, sự trì hoãn sẽ biến mất.
Hay ví dụ công việc cần rất nhiều thời gian, công sức. Bạn không thể làm ngày một ngày hai mà xong. Mà bạn còn rất nhiều công việc khác phải làm hàng ngày (ví dụ tôi thì phải chăm sóc cún). Nếu bạn lập tức toàn tâm toàn ý vào công việc này (làm ngay không trì hoãn) thì bạn sẽ bỏ lơi nhiều công việc khác và vì thế sẽ gặp rắc rối.
Vậy bạn phải làm thế nào?
Trước hết là chia nhỏ công việc ra, ví dụ ngày đầu bạn chỉ làm cho tới 20%. Ngày sau lại tiếp 20%.
Đặc biệt, với các công việc lớn hay dài thì bạn còn không biết cách làm tiết kiệm thời gian công sức nhất hay còn không biết bắt đầu như thế nào.
Hãy nghĩ cách làm trước. Hãy brainstorming (động não) để nghĩ cách xử lý, và đây cũng là một phần công việc. Thường tôi dành 1, 2 ngày chỉ để nghĩ cách xử lý, và tôi viết hết vào sổ tay (để tư duy và để sau này có cần tham khảo lại).
Nếu brainstorming, bạn không chỉ dùng não mà còn dùng sổ tay nữa.
Kết luận:
- Trì hoãn việc phải làm sẽ ngăn cản thành công đến với bạn và làm bạn cảm thấy tội lỗi
- Trì hoãn chưa chắc đã là việc xấu
- Thói quen trì hoãn sẽ biến mất nếu bạn thay đổi cách làm việc (WORKSTYLE) hiệu quả
- Học tập, mài giũa bản thân để có thể chất thành công
No comments:
Post a Comment