Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, August 18, 2021

Làm các món rau củ siêu ngon với gia vị Nhật Bản

Chào các bạn!

Trong bài này tôi sẽ hướng dẫn làm các món rau củ quả SIÊU ĐƠN GIẢN SIÊU NGON bằng một số gia vị Nhật Bản mà bạn có thể mua dễ dàng ở các siêu thị hay cửa hàng thực phẩm Nhật.

Gia vị cần có: Nước tương shoyu, tương miso, nước chấm ponzu (nước chấm có vị chanh nhật, giống như "nước mắm chanh tỏi ớt" với người VN vậy), hạt nêm dashi (từ cá, rong biển vv), rượu ngọt mirin, cá bào (katsuobushi, cá ngừ vằn bào), rong biển, vv.

Đậu bắp với ponzu

Bạn chỉ cần luộc đậu bắp lên (3-4 phút), chế nước tương ponzu lên rồi rắc cá bào lên, rất đơn giản.

Nhưng nếu cầu kỳ thì bạn có thể bóp đậu bắp với muối để sạch lông và có màu đẹp hơn, xả sạch, luộc trong nước sôi trong 3-4 phút, xả nước lạnh hoặc ngâm nước lạnh, nước đá càng tốt. Rồi chế ponzu lên và rắc cá bào, hoặc là cầu kỳ hơn thì cắt nhỏ ra rồi trộn lên như trong hình.

Món này chỉ dành cho các bạn thích nhớt, và ở Nhật thì nhớt là một tiêu chuẩn về độ ngon đấy. VN có câu "Bánh mỳ phải có pa tê" thì Nhật cũng có câu "Đàn ông phải có hentai, Đồ ăn phải nhớt thì nhai mới ngầu" mà.

Cách làm ponzu từ nước tương shoyu

Ponzu có thể mua khá dễ từ các cửa hàng bán đồ Nhật hay đồ nước ngoài, tuy nhiên, trong thời đại "ngăn sông cấm chợ" thì có thế hơi khó ra ngoài để mua đồ, nên tôi đã tra cách làm trên mạng, cụ thể là ở đây.

Nguyên liệu:

  • Tương shoyu 100cc
  • Dấm 50cc
  • Mirin (rượu ngọt) 30cc
  • Loại cam chanh mà bạn thích: 50~100 cc

Cách làm: Cho tương shoyu, dấm, mirin vào đun vừa sôi lên thì bắc khỏi bếp (không đun sôi lâu), để nguội rồi cho loại cam chanh bạn thích vào và lưu trữ trong bình đựng.

Cách làm mirin từ rượu và đường

Nguyên liệu:

  • Rượu sake (rượu gạo Nhật Bản) 1 thìa lớn (15cc)
  • Đường 1 thìa nhỏ (5cc)

Trộn hai nguyên liệu trên lại là được (nguồn Cookpad). Rượu nào cũng được, không nhất thiết phải là rượu sake, nhưng rượu càng xịn thì càng thơm. Bạn có thể dùng rượu soju của Hàn, vodka Hà Nội hay rượu Bầu Đá, dùng rượu bếp cũng được nhưng rượu bếp thì thường là rượu rẻ tiền, nên sẽ không thơm ngon bằng các loại rượu đắt tiền hơn. Có lẽ chúng ta nên dùng vodka Hà Nội, vừa làm vừa tu nửa chai cho có sĩ khí. Gì chứ rượu này thì tôi có năng khiếu!

Bí ngòi (zucchini)

Tôi là người không biết ăn bí ngòi, vì không rõ chế biến sao. Thường tôi chỉ chuyên luộc rau. Nhưng nếu biết chế biến thì hóa ra bí ngòi là món rất ngon, mà lại đơn giản hơn cả rau luộc nữa. Bí quyết vẫn là dùng nước chấm ponzu.

Công thức tham khảo: kikkoman hoặc thêm cà chua mini

Hãy tưởng tượng người VN vì sao luộc rau ăn ngon? Vì họ luộc rau muống vv rồi chấm nước mắm chanh tỏi ớt đó. Bí quyết là nằm ở nước chấm. Nhưng chắc chắn tôi sẽ không pha nước mắm chanh tỏi ớt đâu, vì hơi cầu kỳ, tôi sẽ dùng ponzu.

Cách làm:

  • Cắt bí ngòi thành khoanh dày khoảng 1cm
  • Trải một lớp dầu olive mỏng lên chảo, đun nóng rồi áp chảo bí ngồi, lấy ra đĩa, đổ ponzu lên
  • Rắc cá bào hoặc tiêu xay thô lên tùy thích (dùng cá mồi trắng shirasu cũng ngon nè => hình tham khảo)

Gợi ý: Nếu dầu olive đắt quá thì bạn có thể dùng dầu mè.

Bạn cũng có thể làm cả với CÀ TÍM theo cách này.

Cà tím với cá ngừ (tuna) ngâm dầu

Món này tôi học từ anh Công Văn Thức trên kurashiru.


Bí quyết: Bạn phải chọn loại cá ngừ (tuna) ngâm dầu nhạt, không có gia vị muối, ví dụ của hãng Ayam. Ở Nhật thì người ta bán tuna hộp để làm món ăn, nên sẽ nhạt, nếu mua tuna ngâm dầu thương hiệu trong nước thì thường có muối rồi, sẽ làm hỏng gia vị món ăn vì quá mặn.

Nguyên liệu:
  • Cà tím: 2 quả
  • Tuna ngâm dầu: 50g
  • (A) Dầu mè 1 thìa nhỏ (5cc)
  • (A) Hạt nêm dashi 1 thìa nhỏ
  • (A) Ponzu 1 thìa nhỏ
  • (A) Đường 1 nhúm
  • (A) Muối 1 nhúm
  • Cá bào: một ít
  • Mè trắng: 1 ít
Cà tím cắt bắng rồi cắt thành khoanh, cho vào tô sứ cùng với cá ngừ ngâm dầu. Cho các nguyên liệu A vào trộn đều lên, bọc màng bọc thực phẩm (có chừa khe hở thoát khí). Cho vào lò vi sóng công suất 600W trong 4 phút 30 giây.

Trộn đều rồi đổ ra đĩa, rắc cá bào và mè trắng lên.

Dưa leo (món kyuri-tataki)

Công thức: ajinomoto

Kyuri là dưa leo còn tataki là đập, ở đây chúng ta dùng chày lăn bột đập dưa leo cho vỡ ra.

Phải dùng tương douban (còn gọi là sốt tương douban Tứ Xuyên, tương đậu bản vv).

Nguyên liệu:
  • Dưa leo: 2 quả
  • (A) Hạt nêm: 2 thìa nhỏ (1 thìa = 5cc)
  • (A) Dầu mè: 2 thìa nhỏ
  • (A) Tương douban: 1/2 thìa nhỏ (2.5g)
Cách làm:
Dưa leo thì dùng chày lăn bột vv đập cho vỡ ra thành miếng vừa ăn. Cho vào tô rồi trộn với các nguyên liệu (A).

Bạn nên mua dưa leo giống Nhật ở Family Mart hay ít ra là dưa leo ở đó, cho tươi và ngon.

Một cách khác đơn giản hơn là ăn dưa leo chấm tương miso trực tiếp là được:


Hoặc bạn có thể làm các loại rau củ trộn với dầu olive, muối, dấm/cam, các loại trái cây thái nhỏ, nho khô, các loại hạt, phô mai vv nếu nhà có điều kiện ví dụ salad cải xoăn chẳng hạn.

Khổ qua (mướp đắng) với tuna và cá bào

Khổ qua là món khó ăn với một số người vì nó đắng quá, nhưng với cách làm này sẽ thành món tuyệt ngon và bạn có thể ăn mỗi ngày. Bạn sẽ không cần phải chịu đắng nữa, hay phải ăn món khổ qua nhồi thịt nát nhừ như tương nữa.

>>Video cách làm (trang tiếng Nhật)

Nguyên liệu (2 người):
  • Khổ qua 100g
  • (A) Muối 1/2 thìa nhỏ (1 thìa nhỏ = 5cc)
  • (A) Đường 2 thìa nhỏ
  • Nước sôi (để luộc) vừa đủ
  • Nước lạnh (để xả làm nguội)
  • Cá ngừ ngâm dầu 50g (mua loại không có muối)
  • (B) Dầu mè 1 thìa lớn (15cc)
  • (B) Ponzu 1 thìa lớn
  • (B) Cá bào 3g
  • (B) Mè trắng 1/2 thìa lớn
Cách làm:
  1. Khổ qua cắt cuống, bổ dọc, lấy thìa nạo hết ruột và cắt mỏng
  2. Cho khổ qua vào tô, bóp với gia vị (A) rồi vắt sạch (bóp muối và đường rồi vắt sạch nước sẽ làm khổ qua hết đắng)
  3. Cho khổ qua ở trên vào nước sôi khoảng 10 giâyphút, vớt ra rồi xối nước lạnh, để ráo
  4. Cho vào tô, cho tuna, gia vị B vào, trộn đều

Khoai lang với nước tương shoyu

>>Cách làm trên kikkoman (tiếng Nhật)

Nguyên liệu:
  • Khoai lang Nhật (1 củ)
  • Mirin 2.5 thìa to (1 thìa to = 15cc)
  • Đường 1 thìa to
  • Tương shoyu 1 thìa nhỏ (5cc)
  • Nước 200cc
Cách làm:
  1. Cắt khoai thành khoanh dày 1.5cm, xả dưới nước cho sạch nhựa
  2. Cho khoai và các gia vị vào nồi, đun lửa vừa cho tới khi cạn. Bạn có thể lấy giấy bạc để đậy lên trên khoai trong khi nấu.

Canh bí đỏ/đu đủ thịt viên


Nguyên liệu:
  • Bí đỏ hoặc đu đủ 300g
  • Thịt xay nhuyễn (giò sống) 150g / hoặc mua túi thịt viên đông lạnh
  • Nấm hương vv
Bí đỏ gọt vỏ cắt miếng vừa ăn. Nấm hương ngâm nước cho mềm thái nhỏ trộn với thịt xay nguyễn và thêm gia vị nước mắm hoặc muối, tiêu tùy thích.

Đun nước sôi, cho thìa nhỏ hạt nêm dashi vào, cho thịt viên vào đun sôi, hớt bọt, nêm nếm gia vị (nước mắm) cho vừa ăn rồi cho bí đỏ vào đun vài phút cho chín.

Canh chín rồi thì tắt lửa thêm ít hành hoa và/hoặc rau mùi vào. Đây là cách ăn bí đỏ dễ nhất rồi.

Chúc nấu ăn thành công!
Mark

No comments:

Post a Comment