Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, August 10, 2021

Đừng bao giờ đầu tư vào những công ty đang xuống dốc

Chào các bạn!

Kể ra thì chúng ta cũng muốn kinh doanh, kiếm bộn tiền và trở thành doanh nhân thành đạt đấy. Giá mà chúng ta có đam mê gì đó, và giá mà đam mê đó ở trong lĩnh vực đang ăn nên làm ra. Và gia đình cũng nên khá khẩm chút chứ nhỉ? Để lỡ ra có thất bại còn có vốn viện trợ không hoàn lại để làm lại từ đầu. Ngoài ra, có lẽ chúng ta cũng nên chăm chỉ nữa. Nếu là thứ đam mê thì chắc sẽ chăm chỉ thôi. Tốt nhất là đam mê tiền. Nhưng cơ bản, không phải ai kinh doanh cũng thành công. Người thành công thì đa số đều mệt mỏi.

Nếu chúng ta không đam mê, không chăm chỉ, chỉ muốn sống vui vẻ qua ngày đoạn tháng thôi thì sao? Nếu bạn chỉ là một cô gái bình thường, làm văn phòng, không quá tham vọng, chỉ muốn có một tình yêu đẹp thôi thì sao?

Đầu tư "ăn chắc mặc bền" là con đường không chỉ giúp bạn có thể sống tương đối lười biếng, mà còn giúp bạn đi tới một tương lai tài chính tươi sáng, và nếu khéo một chút, bạn còn có thể sống trong một ảo mộng ái tình.

Nhưng đấy chỉ là khi bạn không "đầu tư vào những công ty đang xuống dốc".

Đầu tư cổ phiếu có cổ tức cao "có vẻ ngon"

"Có vẻ" nghĩa là không ngon. Đây là sai lầm cay đắng của tôi. Hậu quả là tôi phải cắt lỗ ở khoảng 10% và khoản lỗ này là vĩnh viễn. Tôi cần phải học một bài học sâu sắc từ nỗi đau này.

Lý thuyết rất đơn giản: Mua cổ phiếu của một công ty trả cổ tức cao (10%), đồng thời, EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu) cũng tăng trưởng thêm khoảng 30% trong 1-2 năm, từ đó có thể tạo ra lợi nhuận 40% trong 2 năm.

Nhưng tôi chỉ không ngờ, tình hình kinh doanh đảo chiều và dự đoán của chuyên gia đảo chiều nhanh chóng. Cổ phiếu không chỉ rớt giá, mà cổ tức cũng rớt theo. Đúng là ăn được cổ tức, nhưng kém năm trước, nên không được 10% nữa. Còn giá cổ phiếu thì rớt tới 10~15% ngay.

Vốn đây là công ty "an toàn", không tăng trưởng mà còn giảm doanh thu mỗi năm, tuy nhiên, công ty sắp trả hết khoản nợ vay, nghĩa là dòng tiền trả khoản nợ đấy có thể hạch toán vào lợi nhuận, từ đó sẽ cải thiện được lợi nhuận của công ty, làm giá cổ phiếu đi lên.

Đúng là trả hết khoản vay mỗi năm (cũng tương đương với lợi nhuận sau thuế) thật đấy, nhưng kế hoạch lợi nhuận năm nay giảm chỉ còn ... 2/3.

Rốt cuộc, tiền đi đâu cả rồi? Và tôi đã sai ở đâu?

Mất tiền có nghĩa là sai. Cuối cùng tôi đợi một đợt hồi lên để cắt lỗ ở -10%. Sau đó, cổ phiếu này hiếm khi lên lại được mức đó nữa.

Nói về tiền đã đi đâu thì tôi không thực sự rõ, trong hệ thống chứng khoán T thì lúc đầu họ dự đoán rất tươi sáng, nhưng sau khi công ty công bố kế hoạch mới trong đại hội cổ đông thì họ dự đoán lợi nhuận giảm đi rất nhiều, trở nên rất kém.

Nhưng gói gọn lại thì:

  • Chi phí đầu vào cao
  • Giá hàng hóa bán ra giảm đi
  • Nhu cầu hàng hóa giảm đi do tình hình kinh tế chung
  • Bị đối thủ giá rẻ cạnh tranh

Lợi nhuận suy giảm nghiêm trọng dẫn tới dù trả hết nợ vay mà lợi nhuận vẫn không thể tăng trưởng, nghĩa là tình hình công ty tệ thế nào!

Đầu tư vào một công ty đang xuống dốc trong một ngành nghề đang đi xuống, đấy là sai lầm nghiêm trọng phải trả giá bằng 10% vốn.

Mà một khi công ty đang xuống dốc, thì cổ tức cũng xuống dốc theo, và trả cổ tức làm .... lợi nhuận chưa phân phối giảm đi đáng kể, lại tác động lên giá cổ phiếu, làm tôi thua lỗ.

Cơ cấu cổ đông độc đoán

Về sau, tôi còn phát hiện ra thêm một điều thú vị, đó là tôi đã bị ÚP BÔ. Như bất kỳ con gà nào khác!

Số là, đấy là công ty của Big Brother chiếm quyền quyết định, mua nguyên liệu từ một công ty Big Brother khác và bán sản phẩm cho một công ty Big Brother khác nữa.

Điều đấy nói lên điều gì? Nghĩa là Big Brother hoàn toàn có thể tăng giá nguyên liệu và giảm giá mua hàng hóa, để chuyển phần lớn lợi nhuận (nếu có) sang công ty mẹ (là đối tác mua hàng), mà không phải trả lợi nhuận cho cổ đông.

Đây chính là lý do mà ngay cả khi trả hết nợ, thì công ty cũng không có đột biến về lợi nhuận, ngược lại, còn bị vắt sạch sành sanh.

Đây gọi là "cơ cấu cổ đông độc đoán". Ngay cả công ty tư nhân cũng sẽ như thế, nếu họ bị công ty mẹ chi phối thì có thể lợi nhuận của họ sẽ chỉ chảy về công ty mẹ, thay vì vào túi cổ đông. Cổ tức chỉ giống như là hũ mật để dụ dỗ lũ ruồi bu vào mà thôi.

Dù mất tiền nhưng tôi cũng không chỉ hoàn toàn mất mát. Thực sự là tôi đã nghiên cứu ngành nghề và công ty khá kỹ, tăng được kỹ năng nghiên cứu thị trường. Đấy là nền tảng để thành công.

Điều này cũng có nghĩa là ngay cả khi bạn biết rõ một công ty, một ngành nghề, nhưng nếu bạn đầu tư vào ngành nghề đang xuống dốc, hay bị ban giám đốc úp bô, bạn sẽ vẫn mất tiền như thường.

Bài học này có nghĩa là phải nhìn bức tranh toàn cảnh, chứ đừng ham hố cổ tức cao như lũ ruồi lao vào hũ mật.

Đầu tư vào những công ty tăng trưởng cao

Về tổng thể, tôi vẫn lời lớn. Vì tôi cũng đồng thời đầu tư vào những công ty tăng trưởng cao nhân lúc thị trường bị "margin call" và trắng bên mua. Dù tôi không tính được giá trị cổ phiếu mà chỉ đơn giản là bắt đáy thôi, nhưng đầu tư vào những công ty này đem lại lợi nhuận cao hơn khoản thua lỗ kia khoảng 8-9 lần. Do đó, chỉ cần bán bớt một số cổ phiếu tăng trưởng đi là tôi cân bằng được khoản lỗ kia, nên cũng không mất ngủ lắm đâu (^o^).

Về sau, tôi đã chịu khó học sách và tính toán ra được giá trị cụ thể của từng cổ phiếu, và do đó, tôi chỉ tập trung vào cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất. Có lẽ sẽ tất tay vào một lúc nào đó.

Tôi nhận ra là cứ đầu tư vào những công ty tăng trưởng cao trong một ngành nghề đang lên là sẽ gần như có lời ngay từ đầu. Nhất là khi mua vào đúng đợt thị trường điều chỉnh nữa.

Việc đầu tư này mặc dù đúng là "ăn may" nhưng không hẳn là ngẫu nhiên, vì tôi có tính cả chỉ số PEG nữa, để chọn những công ty tăng trưởng ổn định và có PEG thấp nhất (nghĩa là công ty tốt).

Từ bài học này, tôi đã thay đổi về cách đầu tư của bản thân. Và quan trọng là nên đọc nhiều sách đầu tư thì sẽ tối ưu hóa lợi nhuận tốt hơn.

Tôi thì có phong cách thực hành trước, đọc sách sau. Hậu quả là đôi khi đầu tư sai lầm (đầu tư vào công ty đang xuống dốc) nhưng như thế sẽ học được bài học nhanh hơn và sâu sắc hơn là chỉ ngồi đọc sách. Sau khi có kinh nghiệm thực tiễn rồi, việc đọc sách cũng trở nên dễ hiểu hơn.

Mark

No comments:

Post a Comment