Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Sunday, May 9, 2021

Bong bóng tự thổi

Một bong bóng có thể tự thổi chính nó không? Và liệu rằng các chiến sỹ đầu tư có nên tham gia vào bong bóng để kiếm lợi nhuận không?

Họa bóng trắng xảy ra và các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất đều sụt giảm lợi nhuận nhưng ngân hàng tăng trưởng rất mạnh. Trên thị trường chứng khoán, cà pháo ngân hàng trở thành cà thơm và vụt sáng thành ngôi sao chổi. Liệu có nên nhảy vào làn sóng này, vì số liệu kinh doanh của các ngân hàng rất đẹp?

Có gì đó không đúng! Nếu doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận và môi trường kinh doanh không thuận lợi, họ sẽ không vay tiền. Những người định vay tiền mua nhà, mua xe cũng sẽ lo sợ về thu nhập, dòng tiền mà hoãn lại. Mà ngân hàng lại kiếm lời từ chênh lệch lãi vay, và kênh mua nhà, mua xe là những kênh quan trọng. Vậy họ đã kiếm lời từ đâu, để lợi nhuận tăng trưởng rất đẹp, và từ đó, cà pháo trở thành ngôi sao sáng trên thị trường chứng khoán?

Liệu sự tăng trưởng này có lâu dài, ví dụ 5 năm, để chúng ta chơi tất tay (all in) hay không?

Ngân hàng lãi cao là vì họ cho vay được nhiều mà phải trả lãi suất thấp cho người gửi tiền do chính sách hạ lãi suất, bơm tín dụng (để cứu bất động sản ngay trước họa bóng trắng). Vậy ai đã vay, và vay làm gì?

Lợi nhuận ngân hàng được tạo ra như thế nào?

Tôi cho rằng, khi sản xuất kinh doanh đình trệ thì một số người sẽ dư tiền ra và họ đầu cơ đất nền. Lãi suất thấp khiến người ta sẵn sàng vay và đổ vào đất nền, thổi bong bóng đất nền lên cao, từ đó tạo nên tâm lý hồ hởi để mọi người tham gia đầu cơ đất nền. Ai cũng sẵn sàng vay tiền ngân hàng để đổ vào đất nền, khiến cho bong bóng đất nền tự thổi chính nó lên.

Tiếp theo, nếu sẵn có thể vay tiền giá rẻ, mà lại sản xuất kinh doanh không được, tại sao không đầu tư vào chứng khoán, nhất là đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng? Vay tiền ngân hàng rồi lại đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, và vì thế, làm kết quả kinh doanh của ngân hàng nhìn rất đẹp mắt, tăng trưởng cao, việc này lại giúp thổi giá cổ phiếu ngân hàng lên, hay ít nhất là hợp lý hóa việc giá cà pháo ngân hàng tăng lên. Đây cũng là một dạng bong bóng tự thổi.

Khi nền kinh tế đình trệ mà sẵn nguồn tiền giá rẻ thì bong bóng đầu cơ sẽ tự thổi nó lên, và ai cũng có lời cả. Nhưng các chiến sỹ có nên nhảy vào bong bóng này không?

Đợi một chút! Nếu sốt đất nền hạ nhiệt, hoặc lợi nhuận ngân hàng không còn tăng trưởng cao nữa thì sao nhỉ?

Nếu đất nền hết sốt, tức là hết tiền đổ thêm vào, nghĩa là người vay tiền ngân hàng đầu cơ sẽ kẹt dòng tiền không thể trả lãi ngân hàng (vì họ dự tính đầu cơ ngắn hạn một vài tháng rồi bán trao tay để chốt lời), họ sẽ phải bán tháo bằng cách hạ giá. Khi đất hạ giá, cơn sốt sẽ chấm dứt vì người ta sẽ chỉ đổ tiền khi đất đang sốt chứ không phải đang hạ, tạo ra làn sóng bán tháo. Nhưng khi đã bán tháo thì sẽ không có ai mua cả, thành ra, có một số người muốn bán không bán được và bị mắc kẹt, tạo ra NỢ XẤU cho ngân hàng.

Khi nợ xấu ngân hàng tăng cao thì sao? Ngân hàng có nguy cơ mất vốn và họ phải dành tiền ra để dự phòng cho nợ xấu, do đó, lợi nhuận sẽ sụt giảm, lần này là trên toàn hệ thống ngân hàng. Như thế, kết quả kinh doanh của ngân hàng đảo chiều từ đẹp sang xấu, thậm chí có thể khủng hoảng tín dụng toàn hệ thống.

Trong trường hợp số liệu lợi nhuận không đẹp nữa, thì cà pháo ngân hàng có thể thành cà thối, và sẽ bị bán ra, thậm chí là bán tháo không thương tiếc. Sự tăng trưởng của ngân hàng là có thật nhưng là bằng chính tiền của ... ngân hàng nên một khi mất đà tăng trưởng thì nó sẽ tụt giảm rất sâu.

Cà thơm có thể thành cà thối trong một thời gian ngắn, vì lợi nhuận kiểu này rõ ràng không bền vững.

Vấn đề là khi các chiến sỹ nhìn thấy ngân hàng tăng trưởng cao thì lúc đấy cũng là đỉnh của giá cà pháo ngân hàng rồi, lúc đấy là thơm nhất, và khi nhảy vào thị trường thì thị trường có thể đổ sập uỳnh một cái. Thế là vốn liếng đi tong vì còn vay tiền để chơi margin nữa!

Theo cách này, không chỉ ngành ngân hàng, mà cả thị trường cũng có thể sụp đổ. Lúc đấy thì như người ta hay nói: Cash is King (Tiền mặt là vua).

Miễn là bạn nghiên cứu sẵn các doanh nghiệp tốt tính ra giá trị thực và biên độ an toàn (Margin of Safety) của chúng sẵn từ trước.

Tôi không biết khi nào thị trường có thể đổ cái uỳnh nhưng tôi biết chắc rằng ngân hàng không thể tăng trưởng cao lâu dài trong tình hình kinh tế như thế này. Ai sẽ vay tiền để kinh doanh? Ai sẽ vay tiền để mua nhà? Chúng ta còn chẳng biết ngày mai thu nhập ra sao, tương lai hoàn toàn mù mịt.

Nếu ngân hàng phát hiện ra các khoản cho vay của mình trở thành nợ xấu thì sao?

Họ phải trích lập nợ xấu để phòng ngừa rủi ro. Nhưng vì tiền đã cho vay hết rồi, nên để có thêm tiền, họ sẽ phải ... tăng lãi suất huy động. Vì thế, một số chiến sỹ bám chứng trường đã lâu mà không thấy sinh lời sẽ chán nản bỏ chứng trường quay lại gửi tiết kiệm. Dòng tiền bị rút khỏi chứng khoán, đổ trở lại vào ngân hàng, và làm giá cà pháo giảm hơn nữa. Tuần trăng mật của cà pháo ngành ngân hàng có thể kết thúc như thế.

Hoặc cũng có thể, nếu lạm phát cao trở lại khiến các nhà hoạch định chính sách lo sợ, hay tình hình kinh tế vĩ mô trở nên sáng sủa do tìm được loại thuốc mới có màu xanh được gọi là "Rise of the Planet of the Apes", loại thuốc mà chỉ cần hít vào là chữa được mọi loại cảm cúm ý, và mọi người bắt đầu bán cà pháo, bán đất nền (đã trở nên lình xình trước đó) đi để làm ăn thì sao?

Ngân hàng sẽ thiếu tiến và sẽ tăng lãi suất để huy động vốn. Và bong bóng cũng có thể bị xì hơi, nghĩa là cà thơm sẽ dần chuyển thành cà héo, tuy không hẳn là cà thối nhưng héo rồi mà không thanh lý thoát hàng sớm thì sẽ thối thôi.

Như vậy, thứ mà chúng ta cần theo dõi chính là lãi suất huy động của ngân hàng. Khi lãi suất huy động tăng nghĩa là bong bóng có thể bắt đầu xì hơi. Điều chúng ta cần làm là chuẩn bị tiền để "all in" khi giá về mức kỳ vọng (Margin of Safety).

Good luck!

Mark

No comments:

Post a Comment