Nhưng tôi không tiết kiệm cũng chẳng tối giản đọc về nó phỏng có ích gì? Bạn hạnh phúc hơn. Vì bạn có nhiều LỰA CHỌN hơn. Một người đọc thiên kinh vạn quyển và một người thất học khác nhau ở chỗ, khi cần thay đổi người đọc thiên kinh vạn quyển thay đổi nhanh và ít đau đớn hơn.
Hơn nữa, đọc và học cũng là niềm vui, thế nào chả có ích trong tương lai.
Bạn nào đang du học hay không du học mà muốn luyện thêm về tiếng Nhật thì lên Yêu Tuýp và tra 節約術 sẽ có nhiều chuyện hay cười ra nước mắt.
Vận dụng "Mùa nào thức nấy"
Tiếng Nhật gọi rau quả, cá vv đúng mùa là 旬 SHUN [tuần]. Người Nhật ít khi ăn rau củ quả hay hải sản trái mùa vì giá cao, không kinh tế. Dù họ có xa xỉ thì vẫn "đúng mùa". Vì sao ăn sản vật đúng mùa?Trước hết vì lúc đó nó ngon nhất, thứ nữa vì lúc đó sản lượng cao và giá rẻ nhất.
Bạn có thể vận dụng điều này để tiết kiệm. Chúng ta phải mở rộng thêm nó thành "xứ nào thức nấy".
Tôi giờ đang ở VN nên bỏ không ăn trái cây nước ngoài như táo, lê tây, hồng, đào, kiwi, nho vv. Vì những thứ này thực sự đắt đỏ. Thực ra thì ăn cũng được nhưng không thấy nhu cầu mấy.
Ngược lại, tại sao ở VN không ăn trái cây nhiệt đới giá cực kỳ phải chẳng nhỉ? Ví dụ chuối, đu đủ vv. Nếu vào mùa thì vải hay nhãn cũng rẻ bèo.
Như vậy, trong thời gian ở VN tôi chỉ ăn trái cây nhiệt đới trồng được trong nước.
Còn các bạn ở Nhật rõ ràng chỉ nên ăn trái cây ôn đới trồng được trong Nhật, ví dụ sắp tới mùa thu thì hồng rất rẻ.
Đừng cố tìm mua và ăn sầu riêng khi bạn ở Nhật, vì đây là sản phẩm phải nhập khẩu và bảo quản nên giá rất cao. Trong khi, ăn chưa chắc đã ngon khi nó sang được tới Nhật vì không phải "hàng nóng".
Không săn hàng hiếm
Ăn cao lương mỹ vị không giúp bạn sống lâu hơn.
Bí quyết trường thọ của người Nhật: Lối sống đạm bạc giúp bạn sống lâu
Lối sống đạm bạc mới giúp bạn sống lâu và khỏe mạnh. Trong cuốn Bí quyết trường thọ của người Nhật, tác giả là một bác sỹ huyền thoại ở Nhật đã chỉ ra rằng người Nhật sống khổ cực trong thế chiến mới là những người sống lâu nhất. Ở VN cũng thế, những người sống qua chiến tranh loạn lạc và giữ lối sống đạm bạc sống lâu hơn người hiện nay, dù hiện nay y tế tốt hơn (tức là khả năng lấy tiền của bệnh nhân tốt hơn).
Bạn chỉ nên ăn đồ bình dân dễ kiếm nhưng ở chất lượng cao. Ví dụ ở VN thì nên ăn các loại rau lá xứ nhiệt đới, nhưng mua hàng "baby" (rau non) hay hữu cơ chẳng hạn. Dù gì thì mua rau nên vào siêu thị để mua, mua từ cơ sở sản xuất có tên tuổi hay thương hiệu, chứ không nên mua bừa mua đại vì sao biết được người ta phun gì lên rau?
SĂN HÀNG HIẾM sẽ tốn rất nhiều công sức mà hiệu quả chẳng có là bao. Tôi liệt kê ra vi cá, tổ yến, đông trùng hạ thảo, cá sủ vàng, cá anh vũ vv thậm chí cả nấm mối hay ốc dừa.
Nấm mối, cần gì đi săn! Nhắc tới lại thèm để lát mua online về xào bơ!
Ốc dừa, mò làm quái gì! Chảy hết nước miếng.
Nấm mối hay ốc dừa có thể ngon nhưng đâu cần phải săn lùng đến vậy?
Bạn nào đang sống ở Nhật thì sẽ thấy Nhật Bản có văn hóa rất hay, đó là họ sẽ làm sao phát huy tối đa những nguyên liệu sẵn có. Hiếm khi họ đi săn hàng hiếm. Cùng là cánh gà, dưa leo, hay rau cải, những thứ rẻ bèo cả ở Nhật hay VN nhưng họ lại tạo ra những món ăn rất ngon lành. Thậm chí cả ruột mực là thứ bỏ đi họ cũng làm ra món "mắm mực" (イカの塩辛 ika no shiokara) ăn rất kinh và đáng nhớ.
Nếu bạn còn chưa hề biết cách luộc một con cua cho ngon, thì ăn cua huỳnh đế phỏng có ích gì?
Tôi sẽ áp dụng "Mùa nào thức nấy" trong 10 năm tới.
Mark
No comments:
Post a Comment