Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Sunday, November 19, 2017

Toàn cầu hóa 4: Những uẩn ức giằng xé tầng lớp trung lưu

Đã bạn nào đọc "Rừng Na Uy" chưa? Đây là tác phẩm nói về những uẩn ức (giằng xé) và bệnh trầm cảm, bệnh tâm thần tại Nhật sau khi cuộc sống thay đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hóa sau chiến tranh, với những bậc cha mẹ bị cuốn theo vòng xoáy tiền bạc và những đứa trẻ lớn lên như cỏ dại tự bơi giữa dòng đời. Tất cả đổ vỡ tan tành!

Rất có thể tầng lớp trung lưu - được phát sinh từ công nghiệp hóa và toàn cầu hóa - sẽ rơi vào những uẩn ức như thế.
葛藤 KATTOU (hoạt đằng) = uẩn ức, giằng xé trong lòng

Vì sao và như thế nào?

Trước hết chúng ta phải định nghĩa được họ là ai trước toàn cầu hóa, điều gì là quan trọng trong cuộc đời họ. Nói ngắn gọn, họ là những người theo CHỦ NGHĨA GIA ĐÌNH: Gia đình là quan trọng nhất, là niềm vui, là tất cả.

Dù họ có đi học, lao động ở nước ngoài thì vẫn đau đáu hướng về gia đình, mong một ngày đoàn tụ. Đặc biệt, đàn ông con giai cũng có xu thế này và có khi còn mạnh hơn.

Quả thực là ngay từ nhỏ họ đã sống kiểu sống gia đình, ít tự lập, nên rời gia đình ra là KHÔNG THỂ CẢM NHẬN NIỀM VUI. Điều này khác biệt so với CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN ở phương Tây và Nhật Bản: Sống cùng với phụ huynh thì đời còn gì vui nữa.

Tôi là người theo chủ nghĩa cá nhân. Tôi chỉ muốn đóng kín cửa phòng sống "êm đềm trướng rủ màn che". Tôi không thích sống bầy đàn mà chỉ thích chìm đắm trong suy nghĩ của bản thân. Nói chung đừng cố gắng cảm thấy "tội nghiệp" tôi, vì kỹ năng giao tiếp của tôi còn tốt hơn bạn nhiều, chỉ là tôi không có nhu cầu giao tiếp.

Tóm lại thì đối với người theo chủ nghĩa gia đình thì gia đình là quan trọng nhất, là vui nhất vv thứ khác không quan trọng. Mặc dù thế, họ cũng là người sống vì tiền nhiều nhất vì họ không tìm được niềm vui trong công việc hay lý tưởng trong cuộc sống. Vì thế, họ sẽ không hiểu được niềm vui của những người có đam mê và lý tưởng.

Tổng kết lại về giá trị quan và lối sống của họ:
- Thời trẻ sống vì cha mẹ khi có con thì sống vì con cái
- Coi trọng thời gian với gia đình và bữa cơm gia đình
- Thích sinh hoạt tập thể, thích tụ tập hay nhậu nhẹt vì việc đó vui
- Coi trọng sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ, ngày lễ tết về thăm nhà
- Coi gia đình là quan trọng nhất, tốt đẹp nhất và là nơi ấm áp nhất và không đánh giá tư cách đạo đức của gia đình

Nền tảng tinh thần chính là GIA ĐÌNH. Lễ tết phải tụ họp với nhau, cuối tuần phải cùng nhau đi mua sắm, ăn uống, sinh hoạt. Điều đó cũng có nghĩa là họ rất cô đơn và luôn cảm thấy cô đơn. Nếu bất khả kháng phải đi xa làm việc thì một lòng một dạ nhớ cha nhớ mẹ, nếu lập gia đình thì cúc cung tận tụy đi làm kiếm tiền để chăm lo cho gia đình, dẫu cho có gan óc lầy đất cũng cam lòng.

Họ muốn lập gia đình và có con sớm, cũng là vì mong muốn cháy bỏng HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH. Nên từ thời trẻ, ý thức sở hữu nhà rất cao và quả thực, họ dành hết tâm huyết để có thể mua nhà.

Chủ nghĩa tư bản hiểu rất rõ về họ. Vì muốn khai thác được con người thì phải hiểu về tâm lý con người. Bản thân người trong cuộc không hiểu rõ mình là ai, mình muốn gì, nhưng chủ nghĩa tư bản thì có, vì thế, chủ nghĩa tư bản sắp đặt ma trận đề mọi người bước vào đó, trở thành tầng lớp trung lưu.

Bạn không thể trở thành nhà tư bản nếu không hiểu rõ tâm lý con người.

Bạn phải biết họ cần gì, muốn gì, điều gì làm họ vui, khi nào họ bất mãn (để tăng lương, tạo chế độ giúp họ tiếp tục làm việc cho bạn) vv. Chủ nghĩa tư bản có cả cẩm nang về tâm lý người lao động và họ có cả đội ngũ tư vấn tâm lý công nghiệp (industrial consultant).

Ai chẳng biết chủ nghĩa tư bản rất dễ dẫn tới, và là nguyên nhân chính của bệnh trầm cảm. Phải chấp nhận như là một phần của cuộc chơi và chuẩn bị sẵn đội ngũ tư vấn.

Những uẩn ức giằng xé tầng lớp trung lưu

Bạn không còn con đường nào ngoài trở thành trung lưu nhỉ? Nếu bạn có bằng đại học, biết ngoại ngữ thì bạn sẽ đi làm cho công ty Nhật, Hàn, còn tốt hơn là đi làm cho công ty trong nước vừa thiếu chuyên nghiệp vừa bóc lột vừa đối xử không ra gì. Làm cho người Nhật, người Hàn thì mọi thứ chuyên nghiệp hơn và thực sự là bớt uất ức hơn, họ cũng trả công xứng đánh và đánh giá cao thành quả của bạn. Đó thực sự là một thế giới thân ái mà bạn mới được khai sáng.

So sánh thế này nhé.

Công ty gia đình trong nước:
- Thiếu chuyên nghiệp, bóc lột
- Nhét nhiều con em và không đánh giá đóng góp của bạn
- Cấp trên không làm mà chỉ thích chỉ đạo, thích đặt ra thành tích, thích SAI VẶT
- Bạn không yên tâm hay tập trung làm việc
- Thích la mắng nhân viên mỗi khi có chuyện bực mình, người nhà của họ cũng như vậy

Công ty Nhật, Hàn:
- Chuyên nghiệp, đãi ngộ tốt
- Không có con ông cháu cha, từ giám đốc là người làm công ăn lương
- Cấp trên gương mẫu, làm việc còn vất vả hơn bạn, chịu trách nhiệm chỉ dạy và nhận lỗi cho bạn
- Miễn là bạn TRUNG THÀNH, công ty không bao giờ đuổi việc bạn và sẽ tăng lương để đảm bảo bạn sống ngày một tốt hơn
- Bạn yên tâm tập trung làm việc
- Bạn được đánh giá tương đối đúng công lao, chỉ bị la mắng khi thật sự có lỗi

Nếu là tôi thì tôi sẽ đi làm cho công ty Nhật hoặc Hàn, sẽ thoải mái hơn. Vì họ có vốn và kỹ nghệ nên làm hàng tốt, bán giá cao thì họ cũng trả cho bạn tương xứng, đơn giản là vậy thôi.

Như vậy, miễn là bạn tốt nghiệp đại học/có bằng cấp ngoại ngữ, bạn sẽ thành tầng lớp trung lưu nhỉ? Vậy vấn đề là gì?

Bạn rơi vào "bẫy thu nhập trung bình"

Tôi có viết về mức lương mà các bạn có N1 có thể kỳ vọngtiền lương không phải phép cộng. Nếu có N1 thì đại khái lương bạn là 500 USD trong đó đã gồm 50 USD phụ cấp cho N1 rồi.

Tiền lương và đãi ngộ sẽ tăng theo năm tháng làm việc và mức độ trung thành với công ty. Nói chung thì bạn đủ sống, khi lập gia đình thì lo được cho con cái tương đối tươm tất và học trường đàng hoàng.

Ví dụ, hai vợ chồng đi làm công ty Nhật, ngoài 30 tổng thu nhập là 40 triệu thì lo được cho 01 đứa con đi học tổng chi phí mỗi tháng là 10 triệu chẳng hạn.

Uẩn ức giằng xé tầng lớp trung lưu

Chính là việc bạn không thể nghỉ việc. Bạn buộc phải "trung thành" với công ty. Nếu nghỉ việc bạn sẽ không thể chi trả hóa đơn và học phí cho con, và không thể duy trì cuộc sống tương đối thoải mái so với mặt bằng chung xã hội, thậm chí còn tốt hơn nhiều công chức (được nhà nước bao cấp).

Bạn có tiền và có thể hưởng thụ: Có thể đi du lịch trong nước khá thoải mái, có thể biếu tiền, quà cáp cho cha mẹ. Thỉnh thoảng công ty cho đi du lịch, công tác nước ngoài hay tự mình đi du lịch nước ngoài. So với đại đa số dân chúng thì cuộc sống của bạn dễ chịu hơn nhiều.

Chính vì thế bạn mới bị uẩn ức (giằng xé). Vì bạn cảm thấy cuộc đời trôi qua nhàm chán và ngày càng cảm thấy trống rỗng hơn.

Vì làm cho tư bản nghĩa là hầu như ngày nào cũng làm thêm giờ, trách nhiệm và cường độ công việc cao, ưu tiên công việc, công ty là trên hết. Thậm chí, người Nhật còn coi công ty mới là gia đình.

Trong khi bạn là người theo chủ nghĩa gia đình và cảm thấy xa lạ với văn hóa công việc của chủ nghĩa tư bản. Thậm chí về thể lực, tinh thần bạn cũng không thích ứng được. Vì từ nhỏ bạn chỉ quen ăn uống đạm bạc, làm ít, chơi nhiều, cuộc sống ít gò bó, kỷ luật. Ngay cả việc ăn uống cũng có thể là chạy lông nhông vừa chơi vừa ăn.

Thế thì làm sao thích ứng kỷ luật công nghiệp của chủ nghĩa tư bản? Bạn cũng không thể kêu ca vì sếp Nhật còn làm nhiều hơn bạn, và luôn QUAN SÁT bạn.
The big brother is watching you!

Bạn sẽ phải báo cáo trình bày liên tục theo nguyên tắc HOURENSOU (Báo cáo - Liên lạc - Xin ý kiến chỉ đạo).
報連相 HOURENSOU (báo - liên - tương) = 報告 HOUKOKU báo cáo - 連絡 RENRAKU liên lạc - 相談 SOUDAN (tương đàm) xin ý kiến chỉ đạo/xin tư vấn. Đồng âm với ホウレンソウ / ほうれん草 HOURENSOU tức là rau spinach, rau chân vịt, cải bó xôi vv.

Theo thời gian, cảm giác không thoải mái, gò bó sẽ tăng dần. Bạn cảm thấy chán việc, chán sếp, chán công ty tới tận cổ, nhưng vẫn phải đi làm. Vì bạn biết rằng, chỉ cần nghỉ việc, bạn sẽ bị đánh giá "không trung thành", "hay nghỉ việc" và khó xin việc tốt như cũ. Còn nếu làm tương đối lâu thì đãi ngộ đã tương đối cao, bỏ việc là cả một vấn đề, nhất là khi bạn có cả núi hóa đơn cần chi trả, gồm cả học phí cho con cái.

Không có thời gian cho gia đình

Trả hóa đơn chỉ là một phần, và chẳng ai chấp nhận đi bán hàng rong và hạ mức sống cả, vì đơn giản là không có tương lai, không lo được cho con cái học tập.

Vấn đề lớn nhất là bạn không có thời gian cho gia đình. Thường thì cả hai vợ chồng đều đi làm, nên phó mặc con cái cho người khác (ông bà, người giúp việc vv) và bỏ lỡ hết thời gian bên con. Tức là, đối với người theo chủ nghĩa gia đình thì buộc phải chọn TIỀN hay THỜI GIAN BÊN CON.

Đằng nào cũng có mặt trái của nó. Có thời gian bên con mà không có tiền thì không lo được cho con cái đầy đủ, lại khổ tâm, mà cũng chưa chắc dạy được con nên người. Vì thường thì những người coi trọng gia đình còn sùng bái con cái, và con cái trở nên mè nheo hoặc bất trị, khó mà dạy được.

Còn có tiền mà không có thời gian bên con thì sống vì điều gì, nếu không phải vì gia đình, vì con cái?

Đây là nỗi khổ tâm, day dứt sẽ lớn dần theo thời gian, trở thành UẨN ỨC. Vì ai, vì đâu? Vì gia cảnh bản thân? Vì người Nhật? Vì công ty? Vì chủ nghĩa tư bản?

Vì chủ nghĩa tư bản "cho vay nặng lãi" thôi. Nước bạn đã vay thì bạn phải đi làm trả nợ. Bạn phải sinh con đẻ cái để tiếp tục đi làm trả nợ. Vì các bạn không suy nghĩ nghiêm túc và chín chắn trong cuộc đời nên đã rơi vào mê lộ mà chủ nghĩa tư bản giăng sẵn, một cách đơn giản và ngờ nghệch. Đại loại ví dụ thế.

Điều đó có nghĩa là nền tảng gia đình của các bạn bị phá vỡ. Không ai kiểm soát được ai nữa. Phụ nữ cô đơn quá nên ngoại tình, nam giới cô đơn và căng thẳng nên tranh thủ ngoại tình giờ nghỉ trưa. Sợi dây gia đình bị suy yếu khiến con người chao đảo. Nỗi cô đơn bủa vậy và làm người ta suy sụp, khắc khoải không biết mình NÊN sống vì điều gì. Rất có thể sẽ như thế nhỉ?

Thậm chí, bạn còn không có thời gian dành cho cha mẹ. Một ngày cha mẹ mất đi lại hối tiếc vì không kịp trả lễ, báo hiếu khi họ còn sống.

Đây là mớ bòng bong của văn hóa truyền  thống và toàn cầu hóa.

Vì văn hóa truyền thống và toàn cầu hóa khác xa nhau, để dung hòa giữa hai mặt này thì bạn sẽ phải chịu đấu tranh, giằng xé tâm can. Tức là, bạn bị uẩn ức. Thậm chí bạn còn không biết uẩn ức này là gì, trừ khi bạn đọc được bài này.

Nói cách khác, con người "truyền thống" không thích ứng được với toàn cầu hóa, và sẽ đổ vỡ trong tâm hồn. Đúng là "đêm dài lắm mộng" của toàn cầu hóa nhỉ? Ha ha.

Đến một lúc quẫn trí, bạn quyết định "buông bỏ" để rau cháo qua ngày. Nhưng, chẳng ai cho bạn bỏ cả. Cha mẹ, gia đình của bạn. Con cái bạn. Tất cả đều trông vào bạn và toàn cầu hóa. Bạn là nô lệ cho tất cả. Có thể cảm giác cay đắng nữa. Vì toàn cầu hóa và chủ nghĩa tư bản trả lương tương đối tốt, hơn hẳn nhiều công chức. Bạn không thể nghỉ vì bạn là trụ cột kinh tế của gia đình. Bạn phải tiếp tục đi tới hết mê lộ trước khi nghỉ hưu. Bạn cần phải hi sinh cho gia đình, cho đất nước. Vì bạn là đối tượng đóng thuế chính để giúp duy trì ngân sách gia đình và quốc gia mà. ^^

Nhưng bạn - tầng lớp trung lưu - đã bị lãng quên. Người ta còn bận tôn vinh doanh nhân, người thành công, người nghèo và người già. Không ai nhớ tôn vinh bạn cả, có lẽ chỉ còn mình tôi là "tôn vinh" bạn theo cách bạn cũng chẳng muốn nhỉ?

Thế nào? Bạn tỉnh mộng chưa? Vì sao tầng lớp trung lưu Mỹ sục sôi dưới lá cờ lãnh đạo của ông Đỗ Nam Trung? Vì họ đã bị lãng quên và ông Trung sẽ xóa bỏ toàn cầu hóa, giúp đem lại sự cô lập và việc làm cho họ.

Nhưng đấy là nước Mỹ, nơi có ông Đỗ Nam Trung, nơi họ chỉ vay nợ bằng tiền của họ, không phải nước bạn vay nợ bằng ngoại tệ. Mỹ hay Nhật thì chỉ cần in tiền là trả hết nợ thôi nhưng họ không làm, vì "nợ là một tài sản" (phải thật sự uyên thâm về tài chính mới hiểu được ý nghĩa câu này - và chỉ đúng với nợ mà bạn in tiền ra trả được).

Bạn đấu tranh để cố gắng lên được tầng lớp "tinh hoa". Bạn tin tưởng. Bạn hi vọng. Bạn ảo mộng. Bạn thất vọng. Bạn giằng xé. Bạn uẩn ức.

Thôi thì đủ cả hỉ nộ ái ố cho tầng lớp trung lưu. Đó đích thực là nồi lẩu thập cẩm của cảm xúc.

Nhưng cơ bản là bạn không thành tầng lớp tinh hoa được. Vì lý do đơn giản: Tầng lớp tinh hoa được quy hoạch cả rồi. Hậu duệ - Tiền bạc - Quan hệ.

Vì thế, good luck và hẹn lại trong chương sau nhé!
Mark

No comments:

Post a Comment