Đây không phải là lần toàn cầu hóa đầu tiên, mà ít nhất đã là lần thứ ba:
Phiên bản 1: Con đường tơ lụa của đế quốc Mông Cổ.
Phiên bản 2: Chủ nghĩa thực dân lần thứ nhất với tàu chạy bằng động cơ hơi nước.
Phiên bản 3: Toàn cầu hóa lần này với vốn viện trợ (ODA) và cách mạng công nghệ thông tin.
Phiên bản toàn cầu hóa lần 1 sụp đổ cùng đế quốc Mông Cổ. Phiên bản toàn cầu hóa lần 2 sụp đổ theo hệ thống thực dân kiểu cũ khi các nước thực dân đánh nhau chí tử và kiệt quệ, bên cạnh bị chống đối khắp các thuộc địa.
Trong phiên bản 2, chủ nghĩa thực dân mở cửa tới thuộc địa bằng tàu chiến và đại bác vì các chế độ phong kiến chẳng ai chịu gia nhập toàn cầu hóa. Mục tiêu là khai thác tài nguyên, nhân công ở thuộc địa và làm hàng hóa bán ra thế giới và cho chính dân thuộc địa để sinh lời. Đây chỉ là chủ nghĩa tư bản: Giá trị thặng dư là tất cả. Nếu bạn có tàu chiến chạy bằng động cơ hơi nước, có đại bác thì bạn sẽ có thuộc địa nếu chưa có nước nào chiếm, bắt họ làm gì thì làm. Để làm được thế, tức là biến thuộc địa thành nơi khai thác tài nguyên, đồn điền trồng trọt, xây dựng nhà máy thì bạn phải đầu tư rất nhiều tiền bạc, xây dựng đường xá, cầu cống, hệ thống đường sắt, cảng biển, hệ thống tiền tệ, và đặc biệt là bộ quy tắc ứng xử cho dân thuộc địa (nội dung chính là sùng bái chính quốc và các "vị thần khai hóa"). Nhưng vấn đề chính là các nước tư bản sinh sau đẻ muộn như Đức, Nhật thì bị thặng dư sản xuất (sản xuất quá nhiều mà không có thị trường tiêu thụ), lại còn bị các thực dân cũ như Anh, Pháp chèn ép (vì họ có thị trường, tài nguyên và nhân công giá rẻ từ thuộc địa) nên đứng trước nguy cơ phá sản. Vì thế, chiến tranh xảy ra và làm sụp đổ cả hệ thống.
Vì thế, một loạt các quốc gia, dân tộc giành độc lập khi thế chiến kết thúc. Toàn cầu hóa phiên bản 2 sụp đổ hoàn toàn. Một phần vì mâu thuẫn lợi ích đế quốc, một phần vì sự đấu tranh giành độc lập của thuộc địa, một phần vì kỹ nghệ giao tiếp với các thuộc địa xa xôi không có, nhiều khi chính khách còn chẳng nắm rõ tình hình thuộc địa.
Hậu quả là các đế quốc mất hầu hết thuộc địa. Ở chiều ngược lại, các cựu thuộc địa có một hệ thống ngân hàng, tiền tệ, đường xá cầu cống, đường sắt, sân bay, cảng biển vv do thực dân để lại. Nhưng họ lại bị hội chứng "phức cảm tự ti dân tộc" kéo dài tới tận ngày nay.
Toàn cầu hóa phiên bản 3: Cách mạng công nghệ thông tin
Sự sụp đổ của chế độ thực dân giúp nhân loại nhận ra một số điều quan trọng:- Sinh lời ở thuộc địa rất khó và cần những khoản đầu tư khổng lồ và luôn bị chống đối
- Việc vận chuyển tài nguyên về chính quốc và vận chuyển hàng hóa từ chính quốc ra thị trường không dễ dàng
- Sự bất mãn của người dân ở cả chính quốc lẫn thuộc địa do một bên bị cướp việc làm và một bên bị cưỡng chế lao động
- Sự độc quyền về thuộc địa sẽ gây mâu thuẫn giữa các đế quốc gây ra chiến tranh làm sụp đổ hệ thống
Rủi ro lớn nhất chính là điều cuối: Không ai đi chia sẻ thuộc địa với các đế quốc mới nổi. Các đế quốc này tấn công vào bản thân các đế quốc thực dân và khiến đế quốc thực dân không thể cai trị thuộc địa, dẫn tới phong trào đấu tranh giành độc lập ngày càng phát triển. Trong nhiều trận đánh, quân đội chính quốc bị thuộc địa đánh cho tơi tả, điều chưa từng xảy ra khi họ không phải đối đầu trực tiếp trên chiến trường với các đế quốc mới nổi sinh sau đẻ muộn.
Sự bùng nổ cách mạng công nghệ thông tin
Vì sao các nước đế quốc đánh nhau chí tử tới nỗi tất cả cùng mất sạch thuộc địa? Phải chăng chỉ vì vụ ám sát thái tử Áo-Hung ở Serbia? Không, nhất định không phải thế. Lý do là vì chủ nghĩa tư bản thôi. Cách mạng cơ giới đã đạt tới cực thịnh dẫn tới dư thừa sản xuất và dư thừa cả lao động. Máy móc năng lực sản xuất quá lớn cần nguyên liệu, còn người dân thì dư thừa không biết làm gì với họ, thì tất nhiên là phải đi chiếm thuộc địa thôi. Sự phân hóa giàu nghèo là rất khủng khiếp khi các nhà tư bản thì ngày càng giàu còn người dân thì ngày càng đói, vì nhân loại chưa biết làm gì để tái phân phối tài sản trong xã hội. Điều này dẫn tới cách mạng vô sản ở một loạt nước.
Sau chiến tranh, mọi thứ trở nên cân bằng: Châu Âu thành đống đổ nát và chết hàng chục triệu người. Tất cả làm lại từ đầu, có rất nhiều việc làm và bất công giảm hẳn. Ngay cả Nhật Bản cũng chỉ còn là đống gạch vụn và họ xây lại từ đầu.
Thành tựu là gì? Chính là cách mạng công nghệ thông tin. Vì các nước tìm mọi cách tiêu diệt nhau nên họ phát triển máy bay, tàu ngầm, máy tính vv. Sau chiến tranh, tất cả thành tựu này (chủ yếu của người châu Âu) được Mỹ áp dụng vào lĩnh vực dân sự, dẫn tới sự ra đời của máy tính và Internet. Mọi thứ bùng nổ từ năm 1980 cho tới ngày nay và thế giới bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số.
Vì sao người ta không nghĩ ra từ cách đây cả trăm năm nhỉ? Vì họ không suy nghĩ ra được. Nhân loại chỉ thông minh khi có chiến tranh, khi cần tiêu diệt kẻ thù bằng mọi giá.
Cách mạng công nghệ thông tin cuối cùng dẫn tới một thời đại toàn cầu hóa hoàn toàn mới: Có thể làm việc từ xa qua Internet và trên các máy tính cá nhân như thể đang ngồi ngay cạnh nhau.
Điều này dẫn tới việc các nhà tư bản ở những nước phát triển có thể ủy thác (outsource) công việc cho nhân công ở các nước đang phát triển với chi phí cực rẻ. Một hệ thống lao động mới ra đời: Outsourcing mọi thứ ra bên ngoài và thu lời bằng cách bán ra thị trường trong nước.
Tới hệ thống kinh tế kiểu mới
Outsourcing chưa phải điều tuyệt nhất mà nhân loại nghĩ ra. Vì bạn sản xuất điện thoại ở nước ngoài thì tốt rồi, bán trong nước thu lời rồi, nhưng thị trường trong nước quá nhỏ hẹp. Vì sao không bán điện thoại cho cả người dân chính các nước đang sản xuất? Vì sao không khai thác tài nguyên của họ, thuê nhân công giá rẻ của họ, bán ra thế giới và cho ... chính họ?Chẳng có lý do gì không làm thế cả. Nhớ lại toàn cầu hóa 2.0 thì thực dân muốn sản xuất và bán hàng cho chính thuộc địa, vì dân chính quốc mất việc làm rồi còn ai đủ khả năng mua hàng lâu dài nữa nếu họ không có tiền?
Điều quan trọng là bằng cách nào mở cửa được thị trường các nước thứ ba, và làm sao tránh đi vào vết xe đổ của toàn cầu hóa 2.0 mà thôi.
Đơn giản là thế này: Vốn viện trợ không hoàn lại.
Chẳng ai từ chối tiền và sống giàu có cả. Họ vay một thì sẽ vay mười. Họ nợ thì sẽ vay thêm và bán tài nguyên để trả nợ và lại vay thêm nữa. Muốn siết nhà người nghèo? Hãy cho họ vay vốn làm ăn. Sớm muộn gì bạn cũng sẽ có nhà của họ.
Và vấn đề là bạn không làm đơn lẻ nữa, mà tất cả cùng chia sẻ khoản đầu tư, và chia sẻ lợi nhuận, thông qua các định chế tài chính gọi là Ngân Hàng Sắt hay Ngân Hàng Vũ Trụ chẳng hạn. Giờ bạn thấy dễ hình dung hơn rồi nhỉ?
Các nước giàu sát cánh với nhau trong Ngân Hàng Sắt sẵn sàng cho nước nghèo vay ưu đãi, cùng nhau khai thác tài nguyên, nhân công nước nghèo, làm hàng xuất khẩu bán cho cả dân nước giàu lẫn tầng lớp trung lưu của dân nước nghèo. Như thế họ vẫn có lời từ các khoản cho vay của Ngân Hàng Sắt (vì chỉ cần Iron Bank siết tín dụng là nước nghèo hấp hối) và các nhà tư bản tha hồ kiếm tiền.
Và đây gọi là TOÀN CẦU HÓA: Toàn cầu hóa nguồn nhân lực, toàn cầu hóa thị trường. Chỉ có lợi nhuận là không toàn cầu hóa mà chảy vào túi các định chế tài chính, các tài phiệt, các nhà tư bản và một số hệ thống giúp duy trì toàn cầu hóa.
Tóm lại thì toàn cầu hóa bắt nguồn từ vốn vay không hoàn lại hay ưu đãi, theo kiểu một mũi tên trúng hai đích:
- Các nước nghèo ngập trong tiền "từ trên trời rơi xuống" và bắt đầu thói quen tiêu xài
- Họ buộc mở cửa thị trường để cung cấp tài nguyên, lao động và thị trường tiêu thụ
Tóm lại thì toàn cầu hóa là con ngựa thành Troy của chủ nghĩa tư bản. Xuất hiện như một "món quà" (vốn viện trợ, công ăn việc làm, ngoại tệ) nhưng rốt cuộc sẽ mở toang cách cổng. Xuất phát điểm là cách mạng công nghệ thông tin nhưng giờ bạn thấy là không nhất thiết còn giới hạn trong lĩnh vực này nữa mà trong mọi lĩnh vực từ may mặc, giày dép, thủy sản, điện tử tiêu dùng vv. Tóm lại, toàn cầu hóa biến lần lượt mỗi nước thành "công xưởng của thế giới" mà không gặp bất kỳ sự chống đối đáng kể nào.
Vấn đề là, ai được và ai mất trong toàn cầu hóa mà thôi.
Mark
No comments:
Post a Comment