Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Saturday, November 4, 2017

15 năm lưu lạc

Bạn mong muốn một cuộc sống êm đềm? Theo kiểu:

"Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai"

Giờ thì người ta gọi là "lối sống tự kỷ". Và đây là lối sống tuyệt vời. Thay vì cảnh kẹt xe, lụt lội ở VN, hay chen chúc trên tàu điện cá mòi ở Nhật thì cuộc sống tự kỷ tốt hơn chán. Từ ngày tôi đi lưu lạc đã 15 năm trôi qua, và đây chắc chắn là một cột mốc "tốt", nếu không nói là "đặc biệt". Vậy thì đi lưu lạc có gì hay?
Chịu thôi, tôi không nhớ gì cả. Hậu quả của việc đi lưu lạc quá lâu là bạn liên tục ghi đè (overwrite) và vì thế không còn đọng lại gì mấy. Bồi hồi xúc động? Khồng! Chả việc gì phải làm thế. Nhưng chắc chắn một điều: Nếu bạn không muốn biến thành người khác, đừng bao giờ bước chân đi lưu lạc. Tốt nhất là chỉ nên ở nhà, cạnh người thân, gia đình và sống "êm đềm trướng rủ màn che", tất nhiên là trong phạm vi nhất định thôi, vì các gia đình đều rất có thể sẽ thối nát. Tôi chỉ không thích lối sống tập thể, bầy đàn, sinh hoạt chung, vì tôi không quen và cũng cực kỳ dị ứng. Tôi chỉ muốn tự kỷ, "cửa đóng then cài", chìm đắm trong thế giới riêng của mình. Cũng có thể gọi là một dạng "tự giam mình trong phòng" (HIKIKOMORI LIFESTYLE).

Vì sao 15 năm lưu lạc? Để bạn biến đổi thành con người khác hoàn toàn. Chỉ đơn giản là thế chẳng có bất kỳ một ý nghĩa gì. Cuộc đời về cơ bản là một mớ bòng bong rối rắm chằng chịt các sự kiện khó mà bóc tách ra từng sự việc riêng lẻ với một nghĩa lý riêng. Bạn sẽ không còn là "cá nhân" mà trở thành một phần của "ma trận", vì thế, toàn bộ mối quan hệ cũ sụp đổ. Nói cách khác là "ma trận phiên bản cũ" đã sụp đổ và bạn đang sống trong một "ma trận phiên bản mới" trong đó bạn là một phần của nó.

"Lưu lạc"

Đơn giản chỉ là phiêu lưu

Tôi chia nhân loại ra hai dạng người:
(1) Thích phiêu lưu trong tiềm thức
(2) Không thích phiêu lưu trong tiềm thức

Vấn đề là nếu bạn thích phiêu lưu trong tiềm thức thì có trói chân bạn vẫn sẽ đi thôi. Có những bạn xuất sắc đi du học ngay từ khi tốt nghiệp phổ thông trung học là như vậy. Chuyện du học chỉ là "lẽ thường" không có gì bàn cãi. Hoặc một lúc nào đó bạn "tay bị tay nải" lên đường thôi, không sớm thì muộn.

Ngược lại, nếu bạn không thích phiêu lưu thì có lẽ sẽ chỉ thích vui thú điền viên. Sống bằng lòng với thực tại, làm đúng như mọi người tức là mua nhà lập gia đình có con cái sớm cho vui cửa vui nhà. Sau đó đi làm hàng ngày không biết mình đi làm vì lẽ gì, rất có thể sẽ như thế nhỉ?

Đi phiêu lưu thì sẽ luôn có rủi ro. Rủi ro lớn nhất là bản thân bạn thay đổi, vì thế, bạn không bao giờ còn thích ứng với hoàn cảnh, môi trường cũ. Nghĩa là các mối quan hệ sẽ sa sút hoặc sụp đổ. Bạn không bao giờ còn là bạn.

Bên cạnh chuyện: Những kẻ can trường sẽ thay đổi thế giới .... hoặc là chết lãng xẹt. Đại đa số đều chết lãng xẹt. Nên dù đi phiêu lưu thì cũng đừng làm chuyện gì ngu ngốc, cho dù bạn muốn thay đổi thế giới, hãy làm một cách từ từ, phát động cả một phong trào rộng lớn để làm. Đừng bao giờ tự mình làm, lời khuyên chân thành là thế, trừ khi bạn định làm con tốt thí trong ván cờ của người khác.

Vì thế, có thể đưa ra lời khuyên là đừng bao giờ đi phiêu lưu. Hãy ở nhà, sống như mọi người khác, dĩ hòa vi quí tối đa có thể để duy trì các mối quan hệ. Sống như thế tới già và khi qua đời sẽ có đám ma với rất nhiều kèn trống. Tạm kết luận: Đó là cuộc đời đáng sống.

Nhưng đó không phải là lý tưởng của tôi. Vấn đề là trong tiềm thức, tôi chỉ mong một cuộc đời sóng gió, vì đó gọi là ... số mệnh. Tôi không thay đổi số mệnh, mà chỉ sống đúng theo số mệnh mà thôi. Số mệnh lại có thể do chu kỳ mặt trời và mặt trăng tạo ra, vì về di truyền mà nói, con người không được thiết kế khác nhau nhiều lắm.

Điều gì thay đổi trong 15 năm?

Chịu thôi. Vì quá khứ đã bị ghi đè (overwrite) chứ không phải là ghi thêm (save as...). Nếu bạn đi lưu lạc thì bạn sẽ không lưu thêm dạng "save as...", mà cứ ghi đè lên. Vì quá khứ không quan trọng và dù nó thế nào, bạn cũng có thể để quá khứ ngủ yên được. Bạn chỉ sống trong hiện tại, đúng ra là kẹt cứng trong hiện tại nhưng bạn không cảm thấy thế, vì bạn biết một điều: Thời gian không hề tồn tại, chỉ có sự thay đổi là tồn tại, và chính là hiện thân của "thời gian".

Thời gian trôi đi vì bạn đã thay đổi, theo cách nào đó, điều mà những người không lưu lạc không có. Đôi khi bạn đi lưu lạc là vì bạn cảm thấy thời gian đã ngừng trôi mà thôi.

Và tôi cảm thấy thế. Tôi chán ghét mái trường, chán ghét bạn bè và chán ghét giáo viên. Đại học chỉ là một trường cấp ba mở rộng, cố dạy bạn những thứ để bạn không biết làm gì với cuộc đời mình, hủy hoại niềm tin của bạn và lòng tốt và con người.

Nên phải xếp va li mà lượn cho sớm, càng sớm càng tốt. Dù sao thì đây cũng là hoàn cảnh và số phận, chẳng có gì phải phàn nàn lắm. Nếu không vì thế thì có khi bạn cũng chẳng lưu lạc.

Tóm tắt lại 15 năm lưu lạc thì tôi có thể nói là: VÂNG, TÔI ỔN!

Hóa ra chẳng có gì to tát xảy ra. Dù biến đổi, bạn vẫn là bạn, những lý tưởng năm 20 tuổi (chủ yếu là về ăn chơi sa đọa) vẫn còn nguyên giá trị, chỉ khác là năm 20 tuổi bạn gần như bất lực vì năng lực yếu kém và IQ quá thấp, còn thời gian trôi đi thì năng lực phá hoại của bạn tăng lên rất cao.

Tôi tổng kết một số điều có thể thay đổi khi bạn lưu lạc 15 năm.

Thành bại chẳng ý nghĩa gì, quan trọng là nhận thức và hoàn thiện nhân cách

Vì bạn đi phiêu lưu nên bạn phải thành công? Vì bạn đi du học nên bạn phải lương cao? Vì sao lại phải tự làm khổ bản thân như thế? Du học kiểu "vì một tương lai tốt đẹp hơn" là kiểu tôi ghét nhất. Vì nghe hơi "xôi thịt" và "yếu đuối". Du học chỉ đơn giản là để bạn khám phá thế giới và hoàn thiện bản thân mà thôi. Bản chất chỉ là đi xa để học tập. Học tập trong trường chỉ là một phần, điều thú vị, và thi vị nhất là những thứ mà bạn được chứng kiến, những thứ đập vào mắt bạn, rót vào tai bạn.

Cả những chén đắng lẫn những mật ngọt, biết bao nhiêu tình yêu cuồng nhiệt có thể xảy ra nhỉ? Điều quan trọng chính là trải nghiệm trong môi trường mới với những con người mới. Chủ yếu là làm quen với kiểu điên loạn mới và những khái niệm điên loạn mới.

Bạn được phép thất bại, được phép bước xuống hố hay lao xuống bùn. Đây là đặc quyền của tuổi trẻ, bạn nên làm thế khi càng trẻ càng tốt. Như vậy bạn mới hiểu rõ bản thân và cuộc đời được.

Đi du học chẳng đồng nghĩa với "tương lai tốt đẹp hơn" hay "thu nhập cao hơn" hay "mức sống sang chảnh". Nhỡ bạn thất bại và nghèo hơn người khác thì sao? Chẳng lẽ lại đau khổ vì điều đó? Bản chất chỉ là học tập mà thôi. Bạn phải trải nghiệm đủ từ năm 20 tuổi thì MAY RA tới năm 30 tuổi mới tìm ra LÝ TƯỞNG để theo đuổi. Chỉ là may ra mà thôi. Và nếu bạn NỖ LỰC suốt 10 năm thì MAY RA tới năm 40 tuổi bạn mới có sự nghiệp vững chắc. Nhưng mọi điều bạn làm chỉ đơn giản là vì bạn thích làm thế, không hẳn vì mục tiêu thành công hay hạnh phúc. Vì thành công hay hạnh phúc thường lảng tránh những người khát khao nó nhất.

Đây là điều bạn học được khi đi lưu lạc: Bạn cần làm việc cần thiết hay đúng đắn chứ không phải vì mục đích cá nhân. Bạn phải là một phần của cuộc đời thay vì chỉ là một kẻ đứng bên lề để trục lợi tối đa. Nói cách khác, bạn đã trở thành một phần của ma trận.

Cuộc đời từ đấy mới bắt đầu. Chính xác là, cuộc đời từ sau 15 năm lưu lạc mới chính thức bắt đầu.

Bạn đã thay đổi về mặt nhận thức. Hơn nữa, bạn đã hoàn thiện nhân cách. Điều đó không có nghĩa bạn phải thành công hay hạnh phúc hơn người khác. Bản chất của việc so sánh với người khác là việc không hoàn thiện nhân cách. Điều bạn muốn làm, và sẽ làm, là làm những việc cần thiết và đúng đắn. Bạn không hứng thú với việc tư lợi cá nhân hay thỏa mãn thông qua vật chất hay tiêu dùng.

Vậy lưu lạc có gì vui và sau khi lưu lạc có gì vui?

Vì mọi chuyện có vẻ vô nghĩa nếu bạn không vui? Vâng, đúng vậy. Quan điểm của tôi là:

"Niềm vui theo năng lực, lưu lạc theo nhu cầu"

Dù bạn lưu lạc, hay không cũng vậy. Vì không lưu lạc nên đời sẽ vui? Có thể lắm. Bằng cách tụ tập sớm tối, sống bầy đàn quây quần bên nhau và tự định nghĩa "gia đình hòa thuận là vui". Ma trận kiểu này sụp đổ một sớm một chiều. Tỉ lệ li hôn, mắng chửi con cái ở VN luôn thuộc dạng rất cao, số người vác mặt cau có ra đường lớn hơn nước ngoài nhiều.

Du học hay lưu lạc vui hay không thì hoàn toàn do bạn thôi, chẳng phải do ai khác. Chắc chắn là đầy lúc vui và cũng sẽ có đầy lúc buồn, chẳng ai vui mãi, chẳng ai buồn mãi mà quan trọng là CÓ Ý NGHĨA (有意義).

Bạn đơn giản là sống một cuộc sống khác theo phong cách không khác. Tức là:

"Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai"

Niềm vui thật sự chính là cuộc sống thường ngày, hoàn toàn bình thường, mà bạn vẫn thấy vui, vì bạn sống phấn khích mỗi ngày. Bạn không cần phải theo đuổi các giá trị vật chất, không cần so sánh với người nghèo hơn để cảm thấy hạnh phúc, không cần bố thí hay làm tự thiện để cảm thấy cuộc đời vẫn có lòng tốt hay đáng sống hay cảm thấy thanh thản, bạn chẳng cần làm gì đặc biệt.

Nghe thì vẫn có vẻ gì chẳng vui nhỉ? ^^ Thì thật ra, người không lưu lạc sẽ không thể hiểu được, vì họ KHÔNG CÓ TRẢI NGHIỆM. Họ sống theo cách của họ trong cuộc đời của họ mà thôi. Đó không phải cuộc đời bạn mong muốn. Tóm lại con người rất dễ rơi vào bẫy "làm công việc mình không thích để mua đồ mình không cần nhằm gây ấn tượng với người mình không ưa (chỉ vì một cuộc đời không đáng sống!)".

Họ thích so sánh với người khác. Họ thích so sánh với người kém hơn để cảm thấy mình may mắn. Họ nhìn người có điều kiện hơn và cảm thấy TỦI THÂN, MẶC CẢM, mà không biết rằng tất cả chỉ là "gây ấn tượng" hoặc đơn giản là do hoàn cảnh.

Và rất có thể, họ không biết làm gì với cuộc đời mình, chạy đua với nhau trên một đường tròn về tài sản, công việc, chức tước, con cái vv. Một ngày lại tự hỏi rằng ai đã cướp toàn bộ thời gian, tư tưởng và cuộc đời của tôi?

Chỉ là họ tự biên tự diễn và độc thoại trong cuộc đời. Vì họ không có TƯ TƯỞNG, chẳng ai thèm nghe họ nói, cho dù có đeo trên người đủ thứ lấp lánh. Sẽ không có công lý và trật tự cho người không có tư tưởng.

Tất cả khác biệt là do NHẬN THỨC. Mà nhận thức lại dựa trên nền tảng TRẢI NGHIỆM.

"Vì màn đêm tăm tối và đầy nỗi kinh hãi"

Không sống trong sợ hãi, kể cả màn đêm hay cái chết

You can't live in fear.
Bạn không thể sống trong sợ hãi.
- Ghost Rider -

Có gì để nói về nỗi tham sống sợ chết tới mất cả lý trí của con người? Vì họ không nhìn được vẻ đẹp của cái chết, mà cái chết là một phần của cuộc đời, và vẻ đẹp đích thực của cuộc đời. Sự tái sinh chỉ có thể bắt nguồn từ cái chết. Vì thế, họ thờ cúng và mê tín dị đoan. Có cả một nền văn hóa thờ ma nơi đây.

Nhưng bạn không thể sống trong sợ hãi, kể cả cái chết. Vì cái chết chỉ  là "cát bụi lại trở về với cát bụi" mà thôi. Không có công lý cho nạn nhân, hay cái chết. Bạn đấu tranh cho công lý, rất có thể bạn sẽ phải chịu chết. Nhưng cừu chỉ hóa sư tử nếu bạn không sợ cái chết. Danh dự và nhân phẩm của con người được sinh ra từ cái chết, khi bạn sẵn sàng hi sinh vì đại nghĩa. Bạn không nhất định phải hi sinh, mà đơn giản là nhận thức về cái chết: Cái bụi lại trở về với cát bụi.

Vì bạn chỉ được sinh ra từ cát bụi vũ trụ. Bạn không nợ ai cả, mà cho dù bạn có nợ đi nữa, thì cái chết sẽ thanh toán tất cả, vì bạn trở về nguyên trạng cát bụi.Trong cuộc đời này, không kẻ nào có thể đứng trên đầu kẻ nào, vì tất cả chỉ là bình đẳng. Những xã hội mà người này có thể đứng trên đầu trên cổ bóc lột và thao túng người khác thì đều chỉ có một kết cục: Không có công lý và trật tự.

Đó sẽ là màn đêm bao phủ lên cuộc đời con người, dù sang hay hèn, dù giàu hay nghèo. Họ sẽ chỉ sống trong một màn đêm, thoải mái ganh đua với nhau. Mà màn đêm tăm tối và đầy nỗi kinh hãi. Nên con người sẽ mê tín dị đoan và thờ cúng ma quỷ.

Đây là định mệnh. Chắc chắn, bạn không muốn sống như thế nếu bạn khao khát tự do. Vì thế mà bạn lưu lạc như một phần tất yếu của định mệnh. Tất cả chỉ là do hoàn cảnh mà thôi.

Bạn lưu lạc để thực sự bước vào đêm trường tăm tối, xem thực sự bản chất của nỗi sợ hãi là gì. Từ đó, bạn có thể sống mà không sợ hãi. Đơn giản là vậy thôi.

"Trở về"
Mark

No comments:

Post a Comment