Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, June 20, 2017

Sức mạnh của "Xin chỉ cho tôi với"

- "Anh làm thế nào để chấp nhận thất bại?"
- "Có cách nào để KHÔNG chấp nhận thất bại à? Xin hãy chỉ cho tôi với"

"Xin chỉ cho tôi với" (教えてください Oshiete kudasai) cũng là một KỸ NĂNG cần học trong cuộc đời. Trong nhiều trường hợp, đây là cách trả lời tốt nhất với những câu hỏi ... không biết trả lời ra sao. Vì nó quá hiển nhiên, hay vì bạn thật sự KHÔNG BIẾT.

Ví dụ: Bạn đi du lịch với một người có khi còn chẳng phải vợ/chồng bạn. Có người hỏi:
- "Bí quyết để có hôn nhân hạnh phúc của anh chị là gì?"
- "Hôn nhân mà hạnh phúc được á? Nếu có xin hãy chỉ cho tôi với."

Bạn có thể học mọi thứ với câu "Xin chỉ cho tôi với" (Oshiete kudasai)


Vì sao "Xin chỉ cho tôi với" (Oshiete kudasai) lại quan trọng như thế?

Trừ trong trường học, trong cuộc đời nếu muốn học kỹ năng gì đó thì bạn phải tự mày mò học hoặc phải có người dạy cho. Nếu bạn có tiền và thời gian thì bạn vô trường học, ở đó người ta dạy bạn những kỹ năng mà bạn muốn. Còn nếu bạn không có tiền, hoặc không có thời gian thì cách tốt nhất là ĐI LÀM trong lĩnh vực bạn muốn. Tốt nhất là làm với NGHỆ NHÂN (職人 shokunin) trong ngành. Nhưng khi đi làm thì khác xa trường học đó là bạn chỉ làm việc được giao, chẳng ai chỉ cho bạn kỹ năng, bí quyết gì cả.

Vì sao không ai sẵn sàng "dạy dỗ" bạn?
- Vì họ bận và không có thời gian.
- Vì họ không chắc bạn có đam mê và muốn học hỏi không.
- Vì họ không muốn mất thời gian của cả họ lẫn bạn.

Do đó, nếu thật sự muốn học gì thì bạn vẫn phải "Xin chỉ cho tôi với" (Oshiete kudasai) mà các chuyên gia, nghệ nhân sẽ chỉ chỉ dạy cho bạn vào thời gian rảnh thôi. Thực ra thì mọi người đều muốn truyền dạy cho người khác, chỉ là không có thời gian hay không chắc là người kia có muốn học không.

Nguyên tắc số 1 là: Không dạy kỹ năng cho người không muốn học, hay không sử dụng kỹ năng đó. Vì có dạy thì họ cũng sẽ không hạnh phúc. Như thế thì tốn thời gian, công sức và mọi người đều không hạnh phúc.

Đây là lý do mà chuyên gia, nghệ nhân ít khi dạy đại trà. Vì nhiều người chỉ học với mục đích kiếm bí quyết để kiếm tiền, hay tệ hơn là tư lợi là chính. Dạy cho những người này chỉ tốn công vì họ không có ý phục vụ xã hội và sớm muộn cũng sẽ bỏ nghề.

Đây là lý do mà vì sao một đứa trẻ xin nhà tư bản dạy cách làm giàu thì nhà tư bản thường cho vô làm việc mà không trả công, hoặc trả công rẻ mạt (bằng nửa người khác chẳng hạn). Cách xử sự của đứa trẻ với việc này sẽ quyết định là nó có được nhà tư bản dạy dỗ hay không. Do đó, thái độ ban đầu là rất quan trọng.

Nếu bạn muốn học bất kỳ thứ gì trong cuộc đời, hãy tìm gặp chuyên gia về thứ đó và hỏi "Xin hãy chỉ cho tôi với".

Những người KHÔNG THỂ "Xin hãy chỉ cho tôi với"

Đúng ra thì bạn có thể học mọi thứ, kể cả học lối sống hạnh phúc trong cuộc đời. Tuy nhiên, nhiều người không thể làm thế. Đó là những người sống chủ nghĩa gia đình, hay chủ nghĩa bầy đàn, ví dụ trong xã hội nho giáo.

Vì sao? Vì sống chủ nghĩa bầy đàn thì rất coi trọng sỹ diện. Nếu lộ ra bạn không hạnh phúc thì thay vì mọi người chỉ cho bạn cách sống hạnh phúc, họ sẽ LÊN ÁN NẠN NHÂN. Vì sao có gia đình mà không hạnh phúc? Vì sao sống trong xã hội (nho giáo) mà lại không hạnh phúc?

Những nơi hằn học như xã hội nho giáo sẽ luôn LÊN ÁN NẠN NHÂN. Họ có hẳn một hệ thống giáo dục không hợp lý, khủng bố bằng hạnh kiểm, nhưng nếu học sinh không nên người thì học sinh đó sẽ bị lên án kiểu "không nghe lời hay lẽ phải của cha mẹ, thầy cô, lại đua đòi đám bạn xấu".

Đúng ra, chính hệ thống giáo dục và xã hội tạo ra những học sinh như thế. Nhưng trách nhiệm bao giờ cũng đổ cho nạn nhân. Đây là văn hóa lên án nạn nhân.

Sống trong xã hội "bầy đàn" thì mọi người đều phải lên đồng như thể tất cả đều đang được giáo dục tốt và sống tốt vậy thôi. Bạn không thể "Xin chỉ cho tôi với" vì xã hội "mất đầu" thì làm sao có điều gì hay mà chỉ cho bạn được.

Ngược lại, bạn sẽ bị đánh hội đồng (kiểu "đấu tố tập thể") vì dám nói lên sự thật rằng bạn không hạnh phúc. Mọi người đều sợ sự thật vì họ chỉ muốn sống trong ảo tượng lừa dối là mọi chuyện đang tốt.

Điển hình trong một gia đình nho giáo là không ai hạnh phúc nhưng không ai dám nói là "Tôi không hạnh phúc". Do đó, chẳng ai dám đi học làm sao để hạnh phúc cả. Trường hợp này thì không thể "Xin chỉ cho tôi với" được. Tốt nhất là cứ coi như mọi chuyện vẫn tốt nhé, nếu có gì xấu xảy ra thì đổ lỗi cho ông trời.

Điều quan trọng khi "Xin chỉ cho tôi với"

Bạn cần phải TRUNG THỰC VỚI BẢN THÂN. Bạn cần học tập để nhìn rõ xem tiềm thức của mình muốn gì. Và quan trọng là đừng "Xin chỉ cho tôi với" với những người không có kiến thức về lĩnh vực đó. Vì sai lầm lớn nhất của nhiều người là học lối sống hạnh phúc từ ... người không hạnh phúc.

Nếu họ đã không hạnh phúc thì học bất kỳ thứ gì từ họ có ý nghĩa gì? Họ chỉ là kẻ bất lực trong cuộc đời (nếu không nói là thất bại).

Không thể học hạnh phúc từ người đau khổ. Nhưng nếu nhất định học từ người đau khổ thì hãy làm ngược lại. Đấy có khi là bí quyết đấy!
Mark

No comments:

Post a Comment