Khi còn trẻ thì nên bắt buộc phải lao tâm khổ tứ
Đi du học sướng hay khổ?
>>Du học luận 1.5Hay là đi du học không sướng cũng chẳng khổ? Theo tôi trong cuộc đời thì có hai lựa chọn thế này:
1. Khổ trước sướng sau
2. Sướng trước khổ sau
Đi du học thì trước hết là cần phải đầu tư tài chính. Ngoài ra khi đi du học rồi bạn phải học cách thích ứng với cuộc sống của nước ngoài, học cách sắp xếp cuộc sống với việc học, đi làm, sinh hoạt. Bạn cũng phải tuân thủ luật lệ (rule), quy tắc ứng xử (manner) khi sống ở một nền văn hóa khác như Nhật Bản. Những việc này không dễ dàng chút nào.
Bạn phải học cách tìm việc làm thêm, cách viết lý lịch xin việc làm thêm, cách gọi điện xin việc, cách tìm trường học lên cao, vv.
Khoan hãy nói du học sướng hay khổ, mà chắc chắn là cực kỳ bận rộn. Vì bên cạnh những việc "hiển nhiên" trên, bạn còn cần phải học tốt tiếng Nhật để có vốn 10 ngàn từ để vào đại học hay cao học nữa. Chắc chắn mỗi ngày bạn đều phải "nhai" từ mới, tức là não phải làm việc liên tục.
Việc thân thể và não hoạt động liên tục như vậy, đối với người không quen sử dụng thân thể và não thì chắc chắn là vô cùng mệt mỏi. Chỉ có những bạn có ý chí cao và mục tiêu du học rõ ràng mới có thể vượt qua được. Tuy vất vả là vậy nhưng đây lại là thời gian có ý nghĩa nhất, có thể là trong cả cuộc đời của bạn.
Nguyên lý "khổ trước sướng sau"
Ngạn ngữ có câu 苦は楽の種 KU WA RAKU NO TANE để chỉ việc khổ trước sướng sau. Câu này là "Khổ là hạt mầm của sướng". Bạn đi du học là để khổ trước sướng sau. Thông qua việc du học, bạn không chỉ học kiến thức, kỹ năng mà còn học trải nghiệm, học nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan. Từ đó hoàn thiện nhân cách để trở thành người có thể sống sung túc và hạnh phúc lâu dài.Ngoài ra, điều này không chỉ áp dụng cho các bạn du học mà cho mọi bạn trẻ nói chung. Người Nhật luôn khuyên các bạn trẻ là thời trẻ thì phải lo lắng, suy nghĩ, lao tâm khổ tứ. Như thế thì về già mới no ấm và mãn nguyện được.
Tóm lược mục đích du học:
Lao tâm khổ tứ để tương lai tốt hơn.
Học kiến thức, kỹ năng.
Trải nghiệm (体験 TAIKEN).
Học nhân sinh quan (人生観 JINSEIKAN).
Học thế giới quan (世界観 SEKAIKAN).
Học giá trị qua (価値観 KACHIKAN).
Học lối sống hạnh phúc (HAPPY LIFESTYLE).
Học để hoàn thiện nhân cách (人格の完成 JINKAKU NO KANSEI).
Bạn muốn đạt được thành tựu trong việc học tập, muốn vào đại học, muốn giỏi tiếng Nhật vv thì cũng phải lao tâm khổ tứ mới đạt được mục tiêu.
Sự lao tâm khổ tứ khi còn trẻ sẽ quyết định chất lượng cả cuộc đời.
Những người "sướng trước khổ sau"
Cũng có những người theo quan điểm sướng trước khổ sau: Thời trẻ không cố gắng học tập, lao động mà chỉ vui chơi, tụ tập bạn bè. Điều này gọi là 楽は苦の種 RAKU WA KU NO TANE (Sướng là hạt mầm của khổ). Về già họ sẽ khổ vì họ không có kiến thức, kỹ năng, lối sống để đảm bảo tài chính, sức khỏe. Có lẽ họ sẽ sống dựa dẫm vào con cháu. Đặc biệt là ở các nước nho giáo khi đạo đức nho giáo cho phép cha mẹ có thể sống dựa dẫm vào con cái, thậm chí luật còn quy định con cái phải phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ. Đa phần các nước nho giáo sống kiểu dựa dẫm đều nghèo và khổ. Hơn nữa, thanh thiếu niên thường không cố gắng vì KHÔNG CHỊU TRÁCH NHIỆM về cuộc đời mình.Họ không chịu trách nhiệm về cuộc đời mình vì về già sẽ sống dựa dẫm con cháu, hoặc là bán vé số, ăn xin, trông chờ lực lượng bố thí.
Đây là kiểu sướng trước khổ sau. Tuy nhiên, thật ra vì không học tập, lao động nên họ không thể tìm được LẼ SỐNG, do đó, họ cũng hiếm khi thất sự hạnh phúc. Cái hạnh phúc của họ chỉ là hạnh phúc kiểu cơ hội, kiểu may mắn và biến mất rất nhanh, và lại rơi vào khổ rất nhanh. Và họ không hiểu vì sao mình khổ, lại càng làm việc khổ trở nên khổ hơn, thường dẫn tới thờ cúng, mê tín dị đoan.
Đặc điểm lớn nhất của những người "sướng trước, khổ sau" là về già BÊ THA, BỆ RẠC.
Vì không có tài chính, vì không học tập, lao động để hoàn thiện nhân cách nên họ luôn bê tha, bệ rạc, không chỉ bề ngoài mà cả tâm hồn bên trong. Đây là kiểu người già không đáng kính trọng. Sự bê tha, bệ rác được họ bê nguyên ra ngoài xã hội với những hành động không văn minh.
Vì thế, sở dĩ thời trẻ bạn cố gắng là để về già không bê tha, bệ rạc, đáng khinh mà thôi. Đây là giữ gìn vệ sinh cho bản thân và cho xã hội.
Những người chủ trương "đời là bể khổ" hay "sướng khổ luân hồi"
Một điều các bạn trẻ nên lưu ý là không phải cứ khổ rồi sẽ sướng. Muốn tương lai hạnh phúc, mãn nguyện thì bạn phải lao tâm khổ tứ vì một mục đích đúng đắn. Du học với mục đích học vấn thật sự là mục đích đúng đắn, và việc lao tâm khổ tứ chắc chắn sẽ giúp bạn sung túc, hạnh phúc về sau.Tuy nhiên, du học không có mục đích, hoặc mục đích mờ nhạt kiểu "mọi chuyện rồi sẽ ổn", "có du học vẫn hơn không" thì thường chỉ khổ mà không sướng về sau. Đặc biệt, du học để kiếm tiền thì thường không đạt mục đích học vấn mà chỉ chú trọng vào tiền bạc, nên khó mà có thể có học vấn tốt. Còn tiền bạc thì sẽ mất đi rất nhanh do gia đình tiêu giùm (để sửa nhà cửa, trang trải sinh hoạt phí, nâng cấp cuộc sống vv) hoặc bản thân sẽ tiêu hết chỉ trong vài năm. Rốt cuộc, không có kiến thức, kỹ năng thì cũng không xin được công việc lương cao để có mức sống cao.
Những người sống khổ mà không có mục đích đúng sẽ không hạnh phúc lâu dài được. Cuối cùng cuộc đời với họ chỉ là "đời là bể khổ". Nhiều người thích "cống hiến" để được nhà cầm quyền vv trao cho họ "danh hiệu", "phiếu bé ngoan", "bằng khen", đây không phải là mục đích đúng đắn. Học tập không phải vì đam mê mà vì danh hiệu học sinh giỏi, vì bằng khen không phải là có mục đích đúng đắn.
Những người không lao tâm khổ tứ vì mục tiêu cao cả thường rơi vào vòng "sướng khổ luân hồi": Lúc kiếm tiền thì rất sướng, lúc không kiếm được thì lại khổ.
Hoặc chen chúc nhau về quê ăn tết cũng vậy: Khổ để về được nhà thì sướng. Họ phàn nàn vậy thôi chứ đây là chiến lược cuộc đời của họ thôi, đó là phải khổ để cảm thấy sướng.
Sở dĩ như vậy vì cả cuộc đời họ quen khổ mất rồi. Nên không khổ thì họ không cảm nhận được. Nếu những người kia mà không chen chúc về quê ăn tết, hay chen chúc đi lễ hội, thì họ không cảm nhận được cái sướng. Nếu đường thông hè thoáng mọi chuyện dễ dàng và KHÔNG KHỔ thì họ không cảm nhận được cái sướng nữa.
Nếu bạn còn trẻ phải tuyệt đối tránh kiểu sống này. Đây là kiểu cạm bẫy của những người sống khổ. Đây là kiểu sống khổ không có mục đích chính đáng. Nhiều người rơi vào cạm bẫy này. Nhưng cả đời họ chỉ là cảm xúc lên xuống bất chợt theo dòng đời, bị xô đẩy bóp méo bởi "hỉ nộ ái ố". Cả thế giới của họ bị sụp đổ bất kỳ lúc nào (cha nghiện mẹ đánh đề vợ/chồng ngoại tình, con cái bỏ học vv).
Rốt cuộc họ cũng sẽ tìm tới hơi men, một số tôn giáo, mê tín dị đoan để "buông bỏ" mà thôi.
Cái nguy hại nhất trong xã hội nho giáo hiện nay chính là chuyện "sướng khổ luân hồi" này. Chẳng phải đến khi chịu hết nổi "hỉ nộ ái ố" trong cuộc đời, người ta khi về già (thường bê tha, bệ rạc) sẽ đồng loạt cắp sách đi học cách "buông bỏ" hay sao? Họ có còn lại gì đâu mà buông bỏ?
Bạn trẻ, hãy tránh cạm bẫy và ngụy biện của họ. Đó là lối sống không hạnh phúc. Hãy tập trung vào học tập và lao động cũng như hoàn thiện nhân cách để có thể sống hạnh phúc lâu dài. Nếu bạn đi du học Nhật với mục đích học tập và thái độ tốt, thì bạn sẽ nhận thấy rất nhiều người già đáng kính, hạnh phúc bên Nhật thôi. Bạn có thể học trực tiếp từ họ.
Mark
No comments:
Post a Comment