Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Sunday, November 10, 2019

Sức mạnh của từ bỏ

Không thể thành công

Quả thật là có những năm dù làm việc gì cũng không thành công. Có những việc tưởng như thành công 99% rồi, đến phút chót vẫn đổ bể. Cũng có thể gọi là "năm không thành công mấy", nhưng thực ra thì vẫn thành công trong nhiều việc thôi. Có những việc chắc chắn có thể thành công là cải thiện lối sống, hay tiết kiệm tiền bạc.

Nhưng những việc khác bên ngoài thì không thành công, vì nhiều lý do như thể lực không đủ để theo đuổi tới cùng, điều kiện khách quan. Bằng cách nào đó, mọi việc sẽ đổ bể phút chót, có thể là vì bản thân đột nhiên thấy mệt mỏi và mất đi động lực, không còn muốn theo đuổi mục tiêu nữa.

Ngu trung với mục tiêu bất chấp tình hình khách quan hay thể lực của bản thân không phải là việc khôn ngoan. Có những lúc từ bỏ thì tốt hơn là tiếp tục theo đuổi.

Đây gọi là sức mạnh của từ bỏ.

Vì nếu tiếp tục theo đuổi thì vấn đề là sẽ tốn thêm rất nhiều tài nguyên, mà hiệu quả lại cực thấp. Điều đó có thể dẫn tới thất bại nặng nề hơn, mất hết tài nguyên và sau này khôi phục rất khó khăn. Cũng như trong chiến tranh, không phải lúc nào cũng nên đánh, đôi khi chỉ nên phòng thủ, bảo toàn lực lượng thôi. Cho dù đối phương có suy yếu đi nữa, nhưng không đủ thực lực, thì sao mà đánh? Đánh mà không tiêu diệt được đối thủ, lại mất hết tài nguyên, sau này làm sao khôi phục?

"Không có thất bại, chỉ có kinh nghiệm".

Dù người ta nói như thế nhưng theo tôi, thất bại là thất bại và chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận nó. Thất bại chỉ là kinh nghiệm nếu sau đấy bạn thành công. Còn nếu sau đó bạn đại thất bại thì thất bại chỉ là thất bại mà thôi.

Khi bạn thất bại hoàn toàn thì không chỉ mất đi tài nguyên mà mất luôn sự tự tin, và sẽ sa đà vào trách cứ bản thân. Đằng nào cũng thất bại thì thà rằng từ bỏ sớm để bảo toàn lực lượng.

Xây dựng thể chất thành công

Nhân tiện, vì sao thất bại? Vì cũng có lúc tưởng như thành công tới 99% nhưng vẫn thất bại phút chót?

Phải chăng là do "may mắn"? Tôi không mấy tin vào may mắn.

Thất bại là thất bại, vậy thôi. Dù bạn đã cố gắng tới cùng, thì vẫn có thể thất bại phút chót.

Tôi nghĩ, đây chưa chắc đã là do may mắn, mà đơn giản là do thiếu một yếu tố quan trọng để biến nỗ lực thành thành công.

Đó chính là THỂ CHẤT THÀNH CÔNG.

Vấn đề là không có thể chất thành công, nên dù làm mọi chuyện đúng đắn, nỗ lực tuyệt vời, cũng như mindsed (tư duy) hoàn toàn đúng, thì bằng cách nào đó, mọi chuyện vẫn đổ bể phút chót.

Vì thế, hiếm khi có thành công sớm. Mà cho dù có thành công sớm cũng không duy trì được.

Nếu không có thể chất thành công thì việc này sớm muộn cũng sẽ bộc lộ, rò rỉ ra ngoài, làm sụp đổ cả quá trình. Không phải là bản thân làm sai, mà đơn giản là chưa đủ thể chất thành công để đi tới kết quả cuối cùng.

Thay vì tuyệt vọng và chán nản, tốt hơn là nên tập trung lại vào bản thân để xây dựng thể chất thành công từ bên trong.

Bởi vì thành công mà chúng ta đã bỏ lỡ thường là thành công tới từ bên ngoài, không phải là thành công tới từ bên trong. Vì thế, nó không bền vững, có thể thành công tới 99% nhưng vẫn sụp đổ vì 1% còn lại.

Sự thất bại làm lung lạc ý chí của chúng ta, tiêu tán sức mạnh tinh thần của chúng ta. Nhưng đừng vì thế mà thối chí. Như người ta thường nói: Từ từ thì khoai mới nhừ.

Viết nhật ký

Viết nhật ký là cách tốt để nhìn nhận vấn đề rõ ràng. Mọi người nên viết nhật ký nếu đã thất bại. Tôi cũng viết nhật ký nhưng viết online và trên Page. Thực tế thì mọi thứ tôi làm đều online và truy cập được trên mạng ^^

Tuy nhiên, tôi chỉ nặc danh nên không dùng trang cá nhân, không đăng ảnh ót gì cả. Như thế cho an toàn trong thời đại này.

Năm nay thì không hẳn là năm không thành công vì tài chính vẫn tốt, lối sống cải thiện nhiều. Giờ tôi là bậc thầy về tiết kiệm và lối sống tằn tiện, mà vẫn sống điền viên (chứ không phải khổ đến khóc hết nước mắt).

Không thành công là vì có một số thứ muốn làm nhanh, đánh nhanh rút gọn, nhưng gặp phải thành trì kiên cố, nên phải triệt thoái, sau khi đã mất khá nhiều tài nguyên.

Quả thật là không có thể lực thì làm gì cũng khó khăn gấp bội. Vì thế, từ giờ phải rút về phòng thủ. Từ nay tới cuối năm là thế.

Đột nhiên cảm nhận thống thiết được "sức mạnh của từ bỏ" nên viết thành nhật ký để tham khảo.

Nhưng mà bạn đã bao giờ đặt ra bao nhiêu mục tiêu, mà chẳng đạt được mục tiêu nào chưa nhỉ?

Tôi nghĩ là có rồi. Không cần phải hoảng loạn gì đâu. Cứ ghi chú mục tiêu lại, và tạm thời từ bỏ nó.

Khi nào xây dựng được thể chất thành công thì quay lại sau.

Năm nay dù sao tôi cũng thành công trong việc tiết kiệm tiền bạc và dọn nhà/thanh lý đồ đạc. Tuy khá lao lực nhưng đã tiến một bước dài tới CUỘC SỐNG TỐI GIẢN và THỂ CHẤT THÀNH CÔNG trong tương lai.

Thể chất thành công cũng chính là điều tôi đã giác ngộ ra là mình vẫn thiếu, sau biết bao nhiêu thất bại và muốn kiệt sức.

Càng nghĩ tôi càng cảm thấy NỖI TỨC GIẬN sục sôi. Tất nhiên không phải là tức giận với người khác, hay với bản thân, hay với thời thế, mà tức giận chung vậy thôi.

Nỗi tức giận cũng có thể trở thành nguồn sức mạnh được đấy. Quan trọng là khéo léo vận dụng.

Như thế nào nhỉ? Vì sao tức giận cũng có thể giúp ích cho bạn?

Vì tức giận giúp bạn có DŨNG KHÍ ĐỂ TỪ BỎ. Không dễ để từ bỏ mục tiêu mà bạn quyết tâm theo đuổi. Việc từ bỏ cần dũng khí lớn hơn cả việc bắt đầu theo đuổi. Vì một khi bạn đã theo đuổi là bạn đã tốn tài nguyên, vật lực, tâm trí rồi. Vì thế, như một con bạc khát nước, chúng ta có xu hướng "cố chịu đấm để ăn xôi" mong gỡ gạc lại.

Chỉ có nỗi tức giận mới thực sự giúp bạn có dũng khí để từ bỏ.

Nhưng biết đâu, thất bại lại là điều tốt?

Thành công thì tốt hơn, nhưng biết đâu thất bại lại là điều tốt? Đây không phải là chủ nghĩa chủ bại. Mà thất bại giúp chúng ta nhìn nhận lại xem, mục tiêu có thật sự đáng giá không. Và thật ra là mục tiêu không đáng giá như chúng ta tưởng.

Bây giờ hãy tưởng tượng, chúng ta ĐÃ có thể chất thành công đi. Vậy mục tiêu còn đáng giá không?

Không, vì chúng ta có nhiều mục tiêu tốt hơn hẳn. Mà tốt hơn hẳn và còn DỄ HƠN HẲN nữa.

Chính vì tài nguyên bị hạn chế, mà việc đạt được mục tiêu trở nên vô cùng khó khăn, gian nan. Tức là vì chúng ta CHƯA có thể chất thành công.

Như kiểu bạn muốn thi N1, nhưng vốn từ ít quá, chưa có nhiều thời gian nâng cao vốn từ. Nên bạn phải xoay sở làm sao để dùng mẹo làm tăng điểm, nhưng rất khó khăn, vẫn thiếu vài điểm để đậu. Và bạn kết luận mục tiêu N1 là rất khó. Trong khi, nếu bạn có vốn từ nhiều, việc thi đậu lại vô cùng dễ dàng. Nhưng mục tiêu N1 có đáng giá không? Nó chỉ đáng giá nếu vốn từ của bạn có vẻ ít, để chứng tỏ bạn có năng lực, chứ khi bạn có thể chất thành công, tức là vốn từ lớn, thì nó chẳng đáng giá mấy nữa. Vì lúc đấy bạn có thể theo đuổi nhiều mục tiêu tốt hơn nhiều, và dễ đạt được hơn nhiều.

Khi suy nghĩ ra điều này, tôi cảm thấy như "được" tát cho tỉnh cả người.

Thất bại là điều tốt, để tập trung lại vào bản thân, và xây dựng thể chất thành công. Việc này mới cần nhiều thời gian. Chứ học mindset thành công vv thì chẳng tốn nhiều thời gian mấy đâu.

Khác biệt giữa người đọc nhiều sách thành hiền và ngộ chữ (nghĩ là sẽ thành công sớm), và người thực sự "nhẫn nhịn" để xây dựng thành công là ở chỗ đấy.

Nhân tiện, tự cổ chí kim, không phải lúc nào công thành là cũng thành công, cho dù binh hùng tướng mạnh đi chăng nữa. Nhưng có khi không công thành nữa thì lại "bất chiến tự nhiên thành". Đến lúc đấy có khi bạn còn chẳng muốn công thành nữa.

Nhưng đời là thế. Hãy cứ tập trung vào bản thân (lối sống của bản thân) mới là thượng sách.
Mark

No comments:

Post a Comment