Vì sao con người không hạnh phúc dù đã trở nên giàu có?
Người nghèo dễ hạnh phúc hơn người giàu, theo ý nghĩa nào đó là như thế. Bởi vì người nghèo có thể hạnh phúc bằng cách kiếm nhiều tiền hơn và tiêu nhiều tiền hơn vào các sản phẩm, dịch vụ xa xỉ, còn người giàu thì không thể hay cảm nhận được hạnh phúc rất ít khi giàu lên. Khi vượt quá mức tài sản an toàn, việc tăng tài sản lên nữa không làm hạnh phúc tăng lên, trừ khi đó là công việc có niềm vui và ý nghĩa (tức là "yarigai").
Vì thế, người giàu có một cảm giác có gì đó thiêu thiếu (tiếng Nhật gọi là 物足りなさ monotarinasa), không hiểu là thứ gì, và cảm giác là mọi người hạnh phúc hơn họ. Hãy tưởng tượng là bạn giàu có, làm công việc tốt, không vất vả, đủ tiền đi ăn nhà hàng, có gia đình tốt, thích mua gì thì mua đấy, đi du lịch nước ngoài như đi chợ, nhưng bạn vẫn cảm thấy có gì đó không đầy đủ, không như những người nghèo đang ngồi nhậu với bia bọt, mồi nhậu rẻ tiền ngoài kia.
Đây là sự khủng hoảng tâm lý của người giàu. Không phải vì họ không đủ giàu, mà đơn giản là không còn mục tiêu cụ thể nào để phấn đấu. Chúng ta hay nghe những người thu nhập cả trăm triệu một tháng mà vẫn thấy bế tắc là như vậy. Và những người nêu ra ý kiến thường là những người nghèo và tò mò làm sao để kiếm được một trăm triệu một tháng như họ.
Phải chăng, VN cũng đang đi lại vào con đường của Nhật Bản, đó là giàu lên nhưng tâm hồn lại nghèo nàn đi, cuối cùng đổ vỡ trong tâm hồn, con cái được giáo dục theo hướng quan trọng hóa đồng tiền, học toàn trường quốc tế ngoại ngữ nói như gió, nhưng cuối cùng, lại không hạnh phúc, luôn cảm thấy cuộc đời của mình bất hạnh hơn người khác.
Khi sống trong một biệt thự và có người phục vụ tận răng, bạn có rất nhiều thời gian để suy nghĩ. Càng nghĩ càng bế tắc và cảm thấy cuộc đời thật là bi kịch, bất hạnh.
Chắc gì bạn sống trong biệt thự sang trọng lại hạnh phúc hơn một người về hưu chỉ sống nhờ tiền lương hưu còm cõi? Phải chăng người nghèo luôn hạnh phúc hơn người giàu?
Ha ha. Người nghèo không nghĩ như thế. Người nghèo thì phải sống trong điều kiện tù túng, môi trường tư lợi, tranh đoạt, và nếu bị bệnh thì sẽ cảm thấy đau khổ. Họ nghĩ, nếu có nhiều tiền hơn thì họ sẽ hạnh phúc hơn. Giá mà họ có nhiều tiền hơn ...
"Tôi thà giàu mà bất hạnh, còn hơn nghèo mà không hạnh phúc".
Đây là câu mà đa số mọi người đều nói và nghĩ, dù là giàu hay nghèo, và điều này đúng. Vì ít ra có tiền, bạn không quá lo về bệnh tật, hay đói kém. Nhưng nếu chọn giữa giàu mà bất hạnh, và nghèo mà hạnh phúc thì sao nhỉ?
Trong tiềm thức, câu trả lời là rõ ràng: Nghèo mà hạnh phúc. Tất nhiên là người nghèo và không hạnh phúc thì chọn "giàu mà bất hạnh", đấy là vì họ chưa biết, chưa giác ngộ, giàu mà bất hạnh thì đau khổ tới mức nào đâu. Vì cái bất hạnh của người nghèo, và của người giàu, lại thường khác nhau về bản chất.
Bất hạnh của người nghèo có thể là tạm thời: Nếu họ hết nghèo, họ hết bất hạnh. Họ có thể đi ăn món ngon, du lịch nơi đẹp, cung phụng gia đình hai bên, trở thành người hùng giải cứu gia tộc. Trong thoáng chốc, họ hạnh phúc. "Thoáng chốc" mà thôi nhé. Khi chúng ta thỏa mãn dục vọng thì hạnh phúc sẽ tới rất nhanh, rất tuyệt vời. Để lại sau đó là cảm giác trống rỗng.
Tôi ví dụ một người đói ăn luôn ao ước có ngày được ăn ngon. Và rồi, thượng đế chiều ý anh ta, cho anh ta được trúng số. Từ đó, ngày nào anh ta cũng dẫn bầu đoàn thê tử đi ăn cao lương mỹ vị. Rồi một ngày anh ta nặng cả trăm ký, và ăn không còn thấy ngon nữa. Dục vọng được thỏa mãn quá dư thừa mang lại cảm giác trống rỗng, và sợ là cảm giác này có thể là vĩnh cửu.
Như vậy,
quan trọng là bạn phải nuôi dưỡng tâm hồn để có thể sống hạnh phúc, chứ không phải giàu nghèo gì cả.
Nhìn lại quá khứ để học các bài học cần thiết