Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Sunday, June 14, 2020

Nhìn lại quá khứ để vui sống

Vì sao con người không hạnh phúc dù đã trở nên giàu có?

Người nghèo dễ hạnh phúc hơn người giàu, theo ý nghĩa nào đó là như thế. Bởi vì người nghèo có thể hạnh phúc bằng cách kiếm nhiều tiền hơn và tiêu nhiều tiền hơn vào các sản phẩm, dịch vụ xa xỉ, còn người giàu thì không thể hay cảm nhận được hạnh phúc rất ít khi giàu lên. Khi vượt quá mức tài sản an toàn, việc tăng tài sản lên nữa không làm hạnh phúc tăng lên, trừ khi đó là công việc có niềm vui và ý nghĩa (tức là "yarigai").

Vì thế, người giàu có một cảm giác có gì đó thiêu thiếu (tiếng Nhật gọi là 物足りなさ monotarinasa), không hiểu là thứ gì, và cảm giác là mọi người hạnh phúc hơn họ. Hãy tưởng tượng là bạn giàu có, làm công việc tốt, không vất vả, đủ tiền đi ăn nhà hàng, có gia đình tốt, thích mua gì thì mua đấy, đi du lịch nước ngoài như đi chợ, nhưng bạn vẫn cảm thấy có gì đó không đầy đủ, không như những người nghèo đang ngồi nhậu với bia bọt, mồi nhậu rẻ tiền ngoài kia.

Đây là sự khủng hoảng tâm lý của người giàu. Không phải vì họ không đủ giàu, mà đơn giản là không còn mục tiêu cụ thể nào để phấn đấu. Chúng ta hay nghe những người thu nhập cả trăm triệu một tháng mà vẫn thấy bế tắc là như vậy. Và những người nêu ra ý kiến thường là những người nghèo và tò mò làm sao để kiếm được một trăm triệu một tháng như họ.

Phải chăng, VN cũng đang đi lại vào con đường của Nhật Bản, đó là giàu lên nhưng tâm hồn lại nghèo nàn đi, cuối cùng đổ vỡ trong tâm hồn, con cái được giáo dục theo hướng quan trọng hóa đồng tiền, học toàn trường quốc tế ngoại ngữ nói như gió, nhưng cuối cùng, lại không hạnh phúc, luôn cảm thấy cuộc đời của mình bất hạnh hơn người khác.

Khi sống trong một biệt thự và có người phục vụ tận răng, bạn có rất nhiều thời gian để suy nghĩ. Càng nghĩ càng bế tắc và cảm thấy cuộc đời thật là bi kịch, bất hạnh.

Chắc gì bạn sống trong biệt thự sang trọng lại hạnh phúc hơn một người về hưu chỉ sống nhờ tiền lương hưu còm cõi? Phải chăng người nghèo luôn hạnh phúc hơn người giàu?

Ha ha. Người nghèo không nghĩ như thế. Người nghèo thì phải sống trong điều kiện tù túng, môi trường tư lợi, tranh đoạt, và nếu bị bệnh thì sẽ cảm thấy đau khổ. Họ nghĩ, nếu có nhiều tiền hơn thì họ sẽ hạnh phúc hơn. Giá mà họ có nhiều tiền hơn ...

"Tôi thà giàu mà bất hạnh, còn hơn nghèo mà không hạnh phúc".

Đây là câu mà đa số mọi người đều nói và nghĩ, dù là giàu hay nghèo, và điều này đúng. Vì ít ra có tiền, bạn không quá lo về bệnh tật, hay đói kém. Nhưng nếu chọn giữa giàu mà bất hạnh, và nghèo mà hạnh phúc thì sao nhỉ?

Trong tiềm thức, câu trả lời là rõ ràng: Nghèo mà hạnh phúc. Tất nhiên là người nghèo và không hạnh phúc thì chọn "giàu mà bất hạnh", đấy là vì họ chưa biết, chưa giác ngộ, giàu mà bất hạnh thì đau khổ tới mức nào đâu. Vì cái bất hạnh của người nghèo, và của người giàu, lại thường khác nhau về bản chất.

Bất hạnh của người nghèo có thể là tạm thời: Nếu họ hết nghèo, họ hết bất hạnh. Họ có thể đi ăn món ngon, du lịch nơi đẹp, cung phụng gia đình hai bên, trở thành người hùng giải cứu gia tộc. Trong thoáng chốc, họ hạnh phúc. "Thoáng chốc" mà thôi nhé. Khi chúng ta thỏa mãn dục vọng thì hạnh phúc sẽ tới rất nhanh, rất tuyệt vời. Để lại sau đó là cảm giác trống rỗng.

Tôi ví dụ một người đói ăn luôn ao ước có ngày được ăn ngon. Và rồi, thượng đế chiều ý anh ta, cho anh ta được trúng số. Từ đó, ngày nào anh ta cũng dẫn bầu đoàn thê tử đi ăn cao lương mỹ vị. Rồi một ngày anh ta nặng cả trăm ký, và ăn không còn thấy ngon nữa. Dục vọng được thỏa mãn quá dư thừa mang lại cảm giác trống rỗng, và sợ là cảm giác này có thể là vĩnh cửu.

Như vậy, quan trọng là bạn phải nuôi dưỡng tâm hồn để có thể sống hạnh phúc, chứ không phải giàu nghèo gì cả.

Nhìn lại quá khứ để học các bài học cần thiết

Có lẽ kiến thức để hạnh phúc của bạn đã đủ rồi, vì bạn đã đi tới được mức này (tức là đủ hoặc dư dả về tài chính, không còn phải quá lo lắng về việc kiếm tiền, do đã có kỹ năng chuyên môn, hoặc tài sản tích lũy vv). Nhưng vì sao bạn vẫn không cảm thấy hạnh phúc, và thấy thiếu một thứ gì đó? Thứ đó là thứ gì?

Khi tôi phá sản, tôi gần như mất tất cả: Tiền bạc, tình cảm, sự tôn trọng. Từ đó, tôi thay đổi bằng cách tiết kiệm và chỉ chi tiêu những thứ mà tôi thấy hợp lý, tôi ghi chép chi tiêu cẩn thận (kiểu như là sổ ghi chép chi tiêu gia đình 家計簿 kakeibo của người Nhật), chịu khó đi làm để kiếm tiền. Vì thế, tôi đảo ngược được dòng tiền từ âm sang dương, theo thời gian, tôi trở nên giàu hơn. Tôi có viết cách trên này rồi mà!

Nhưng mức độ hạnh phúc lại kém đi. Phải chăng vì tôi không còn đi ăn uống ở nhà hàng nữa nên thế? Không hẳn, vì tôi vẫn đi bình thường.

Vấn đề chính là tôi dành thời gian kiếm tiền hay suy nghĩ về tiền bạc hơi nhiều. Thời gian để tôi tương tác (viết blog là một dạng tương tác) hơi ít. Trong cuộc sống, những việc không liên quan tới tiền bạc lại thường nuôi dưỡng tâm hồn và làm cho chúng ta hạnh phúc hơn.

Những người luôn trong vòng xoáy tiền bạc, dù giàu hay nghèo, tất nhiên là không hạnh phúc mấy. Vì tiền bạc và hạnh phúc không liên quan mấy. Tôi là người chịu khó bán đồ cũ không dùng, một nửa là vì tiền nhưng một nửa là vì hạnh phúc, vì người mua cũng hạnh phúc mà tôi thanh lý được đồ cũng hạnh phúc. Có những việc vừa đem lại hạnh phúc vừa có tiền như thế.

Hoặc ví dụ nếu tôi lên mạng chia sẻ kiến thức và nó giúp ích cho mọi người, tất cả đều hạnh phúc. Hoặc tôi có thể ăn uống, du lịch sang chảnh và lên mạng để "khoe", nhưng như thế có ai hạnh phúc không? Tôi không nghĩ là có ai hạnh phúc cả, vì nó chẳng giúp ai hạnh phúc.

Ngày nay, người ta lên mạng khoe đủ thứ, nhưng đấy là những thứ phải "tốn càng nhiều tiền càng tốt", vì thế, chẳng giúp cho ai cả. Vì nếu người khác có tiền, họ cũng trải nghiệm được như thế, mà chẳng tốn giọt mồ hôi nào. Đây là chủ nghĩa tư bản, chỉ cần trả tiền là có "trải nghiệm", không hề đổ mồ hôi. Nếu có, thì chỉ là đổ mồ hôi trong nông trại súc sinh của tư bản, để lấy tiền mà "trải nghiệm".

Vì thế, rốt cuộc cả người khoe lẫn người được khoe đều không hạnh phúc về lâu dài, và cảm thấy "thiêu thiếu thứ gì đó", mà chẳng ai biết là thứ gì.

Thế nếu cứ im ỉm mà tận hưởng, phải chăng đó là hạnh phúc? Ha ha. Đấy chính là vấn đề của người giàu, họ ăn quá nhiều cao lương mỹ vị (phần lớn do người nghèo đánh bắt và chế tác cho), đi du lịch nước ngoài như đi chợ, nhưng vẫn cảm thấy không hạnh phúc.

Không hạnh phúc vì khoảng cách giàu nghèo quá lớn

Bởi vì, hạnh phúc không phải là như thế. Tôi ví dụ công việc làm hồ sơ và tư vấn du học đi. Bạn nghĩ vì công việc này kiếm được tiền, mà tiền = hạnh phúc à? Bản thân công việc chính là niềm vui, vì giúp mọi người thực hiện được ước mơ đi du học của họ. Tất nhiên, về mặt kinh doanh, bạn phải thu một mức phí hợp lý, để tất cả mọi người vui vẻ. Vì nếu thu phí quá nhiều, lương tâm sẽ cắn rứt, nhưng thu phí quá ít thì không có sự dư dả để làm công việc cho tốt, chất lượng không cao thì lương tâm cũng cắn rứt.

Nhưng quan trọng chính là giúp người khác có thể thực hiện được ước mơ của họ, từ đó, mọi người đều hạnh phúc. Ngoài ra, thông qua việc tư vấn thì bạn có thể truyền lại những kinh nghiệm của bạn cho người khác, giúp họ có khởi đầu thuận lợi hơn. Vì chắc chắn, nếu nộp hồ sơ mà không đậu, thì đó sẽ là một sự thất vọng rất lớn. Mọi thứ bạn làm đều hướng tới sự hoàn hảo, dù lỗi nhỏ cũng phải sửa. Và bạn cố gắng tư vấn để người khác có thể tư duy về du học một cách đúng đắn, để trong tương lai khi du học họ có thể sống dễ dàng hoặc hạnh phúc hơn.

Tức là, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu bạn làm một công việc mà giúp cho người khác hạnh phúc. Họ cảm ơn bạn vì giúp đỡ họ, bạn cảm ơn họ vì họ đã tin tưởng, vv.

Ngày nay cuộc sống không còn như vậy vì khoảng cách giàu nghèo quá lớn. Diễn giả sẽ bảo bạn rằng, nếu bạn muốn giàu thì phải phục vụ người giàu. (Hoặc làm như diễn giả: Lấy tiền từ số đông người nghèo đang muốn đổi đời.)

Nhưng phục vụ người giàu thì người giàu coi đó chỉ là điều đương nhiên, họ không biết ơn bạn, và bạn cũng chỉ biết ơn tiền của họ. Bạn bày vẽ ra nhiều thứ chỉ để họ chi tiền ra, và họ chi tiền ra vì họ cũng đang chán và trống rỗng.

Người nghèo thì sao? Họ cố gắng giảm giá bán để cạnh tranh với nhau, và không ai buôn bán nhiệt tình. Khách hàng vẫn nghĩ là họ bán giá mắc, hoặc đồ ăn không ngon. Không ai cảm ơn nhau cả. Nhưng vẫn phải dựa vào nhau để sống. Quán cơm bình dân không phải là như thế hay sao?

Vấn đề chính là mọi người suy nghĩ về tiền quá nhiều, vì xã hội phân hóa giàu nghèo quá lớn: Người giàu thì quá giàu (nhờ quan hệ, tiền bạc vv), người nghèo thì quá nghèo.

Từ đó, để người giàu xóa bỏ đi sự bất hạnh (cảm giác trống rỗng), người nghèo xóa bỏ đi sự tư lợi (chỉ mang tới bất hạnh), mọi người bắt đầu ban phát, bố thí. Nhưng việc này cũng không xóa bỏ đi bản chất vấn đề.

Đấu tranh chống tam tư (tư bản, tư hữu, tư lợi)

Người nghèo bất hạnh thì chẳng làm ai ngạc nhiên. Nghèo mà hạnh phúc mới khiến mọi người kinh ngạc! Vì quá nghèo nên phải tư lợi, vì tư lợi nên bất hạnh. Để xóa sự bất hạnh thì theo tôn giáo, học bố thí, nhưng bản chất vẫn là tư lợi.

Người giàu bất hạnh thì chỉ còn biết câm nín, nói ra người ta cười cho và thậm chí phỉ báng. Đã giàu mà còn bị bất hạnh thì còn bị ghét gấp đôi người thường. Vì thế, người giàu cũng bố thí.

Nhưng, người giàu bố thí có hạnh phúc như người nghèo bố thí hay không? Đây cũng lại là thế tiến thoái lưỡng nan của người giàu. Càng bố thí nhiều họ càng nghèo đi, vì thế, họ lại kém hạnh phúc hơn. Hoặc đơn giản là họ bố thí tất, trở lại cuộc sống thường thường bậc trung, thoát ra khỏi cảm giác trống rỗng của người giàu.

Như thế, làm từ thiện hay bố thí là con đường tất yếu của mọi người, để giảm bớt đi bi kịch và bất hạnh trong cuộc đời. Chỉ có một vấn đề: Mọi chuyện vẫn chỉ xoay quanh TIỀN BẠC.

Tức là, từ thiện, bố thí hóa ra vẫn chỉ là tiền mà thôi. Phải có TIỀN mới giúp được người khác, và người cần giúp, cũng chỉ cần TIỀN. Nếu một người bị bệnh hiểm nghèo, hay con cái cần chữa trị, miễn là có tiền thì sẽ xong đúng không?

Nếu cứu giúp tất cả đứa trẻ bị bỏ rơi, thì những ông bố bà mẹ trẻ tha hồ vui chơi và bỏ rơi con mình, và số đứa trẻ bị bỏ rơi ngày càng nhiều hơn, vì đã có người khác lo. Từ đó, cần phải có nhiều tiền hơn để làm những việc này.

Đồng nghĩa với phải bóc lột công nhân nhiều hơn, công nhân phải làm việc vất vả hơn, từ đó nghèo hơn nữa.

Bạn có thể giúp mọi người, nhưng không phải bằng tiền

Nếu chúng ta bỏ tiền qua một bên, thì mọi chuyện có vẻ đơn giản hơn nhiều. Người ta làm vì họ thích làm, hoặc vì giúp người khác, từ đó đem lại niềm vui. Cả xã hội quay cuồng quanh tiền bạc, coi tiền bạc là vị thần có thể cứu độ cuộc đời, hay cứu độ chúng sinh (bố thí), ngay cả một đứa trẻ cũng có suy nghĩ, chỉ cần sau này giàu có thì chẳng phải làm gì cả. Chúng không cần học nấu ăn, không cần chăm sóc bản thân, không cần đứng lên khi vấp ngã. Ngay cả khi chúng bị bệnh, bị thương, chúng nghĩ đơn giản, chỉ cần vào bệnh viện và trả tiền là xong.

Bệnh viện và bác sỹ chữa được bệnh cho bạn à? Mọi bệnh tật hoặc là bệnh do lối sống, hoặc là tâm bệnh, không bác sỹ nào chữa được cả. Người thông thái không ai tin tưởng bác sỹ, mà chỉ tin tưởng y tá (nhất là những cô y tá xinh đẹp, duyên dáng, tâm hồn thuần khiết như pha lê).

Chúng ta hãy giúp người khác sống hạnh phúc hơn, mà không phải tiêu tiền, hoặc tiêu rất ít tiền.

Ví dụ, niềm vui của tôi là chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Nhật, hoặc là kinh nghiệm du học, kinh nghiệm cuộc sống ở Nhật.

Mấy năm qua, tôi không vui lắm, vì quá mải làm việc kiếm tiền. Dù sao, đây cũng là một dạng niềm vui và tôi cũng chia sẽ kinh nghiệm khá nhiều về việc này.

Tôi ví dụ, nếu năm tới tôi có thể hướng dẫn mọi người cách du lịch bụi ở Nhật giá rẻ, hay làm món Nhật ngon và đơn giản ở VN, từ đó nâng cao niềm vui và sức khỏe, thì sẽ khá vui đúng không?

Để làm thế, tôi phải nhìn lại được quá khứ, những kinh nghiệm mà mình đã có, và tổng hợp lại thành một kế hoạch mới, thực hành theo kế hoạch này.

Bạn đâu cần tiêu nhiều tiền để hạnh phúc. Ví dụ, thay vì đi nhà hàng, sao không tự học cách làm và làm ở nhà, với chi phí rẻ hơn. Thay vì đi du lịch sang chảnh, sao không tự mình tìm tòi, lên kế hoạch phù hợp với bản thân, chia sẽ nó cho mọi người, giúp mọi người cũng du lịch vui vẻ với chi phí ít hơn nhiều?

Bằng cách làm thế, bạn sẽ hạnh phúc và thấy có ý nghĩa hơn trong cuộc sống, mà mọi người cũng cám ơn bạn.

Quan trọng hơn, chúng ta chống được tư bản, tư hữu và tư lợi: Khi bạn không còn nhu cầu dùng dịch vụ nhà hàng, du lịch vv thì mọi thứ như bất động sản phải giảm giá xuống, và người giàu không còn ngồi mát ăn bát vàng nữa. Họ cũng phải làm gì đó hữu ích cho người khác, hoặc đơn giản là họ nghèo đi. Nếu khoảng cách giàu nghèo thấp xuống, thì tư lợi cũng sẽ ít đất sống hơn (vì tư lợi sống được trên mạnh đất nghèo đói và đấu đá).

Thay vì dành cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả năm, cả thập niên, cả đời để làm giàu cho tư bản, để được ban phát quyền lợi và tiền bạc, sao không tự mình làm gì đó cho bản thân và một ít người xung quanh, giúp mọi người sống hạnh phúc hơn mà không cần chi tiêu nhiều tiền?

Với lại, ngày này niềm vui mua bằng tiền đã trở nên quá đắt đỏ, đằng nào bạn cũng chẳng chi trả nổi đâu. Tôi cho rằng, con đường dễ dàng đi tới hạnh phúc chính là tạo ra niềm vui chỉ bằng số tiền mà bạn kiếm được.

Với các bạn du học sinh hoặc đi làm ở Nhật chẳng hạn, rõ ràng bạn không thể đi ăn nhà hàng sang trọng thường xuyên, nhưng ai cấm bạn tự nấu ở nhà? Nguyên liệu bên Nhật rất đầy đủ, tươi ngon và tuyệt vời, chỉ cần bạn chịu chi là dư sức ăn ngon, chỉ bằng tiền đi làm thêm hoặc đi làm công của bạn là quá đủ.

Bạn có thể chia sẻ với mọi người về chính cuộc sống du học của bạn. Việc đấy cũng sẽ tạo ra niềm vui mà không cần tốn tiền bạc, chỉ cần bạn bỏ thời gian ra.

Nếu bạn đang đi thuê nhà, bạn có thể bán bớt đồ đạc và ở nhà nhỏ hơn. Vì hạnh phúc là do bạn tạo ra, nằm trong tâm hồn của bạn thôi, không phải do tài sản hay tiền bạc.
-mark-

No comments:

Post a Comment