Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Saturday, April 28, 2018

Xúc cảm

Các cao thủ tình trường thường làm thế nào?

"Xúc cảm" và "cảm xúc" khác gì nhau? Cơ bản là giống nhau nhưng về sắc thái thì hơi khác nhau một chút. Cảm xúc là nói về những cảm xúc thông thường như hỉ nộ ái ố vv. Còn "xúc cảm" thì là cảm xúc mạnh hơn, hoặc là cảm xúc phát sinh khi tiếp xúc mà có.

Tiếp xúc có thể là gặp mặt, gặp gỡ, chung sống, bằng ánh mắt, ngôn từ hay da thịt vv.

Chúng ta phải trả lời được câu hỏi căn bản: Con người là gì? Thế nào là một con người đích thực?

Đương nhiên là con người thì sẽ có cảm xúc, thậm chí là đầy đủ cung bậc cảm xúc. Như trong bài trước ("Cảm xúc") thì tôi có nói là công danh thành bại là hư vô chỉ có cảm xúc của mỗi người trong cuộc đời là khác nhau mà thôi.

Có người chọn con đường an toàn, hay sinh ra trong nhung lụa, cuộc đời tương đối thuận lợi nhưng sống lại không có cảm xúc.

Có người lại chọn cách phiêu lưu, thoát ra khỏi vùng an toàn, thì tuy không an toàn nhưng lại có cảm xúc. (Đi du học là dạng như thế này nhỉ?)

Khi con người ta đầy đủ về vật chất, thì thứ mà người ta than thở và khổ sở chính là: Sao cuộc sống của tôi không có cảm xúc?


"情場中 幾多高手 用愛將心去偷"
"Trong tình trường có rất nhiều cao thủ, dùng ái tình đi đánh cắp con tim"
Nếu bạn lỡ có gặp cao thủ tình trường, thì tôi khuyên thật: Hãy sẵn sàng chịu những
nỗi đau đớn khôn xiết, chờ đợi một ngày mà mọi niềm vui biến thành tro trong miệng!

"Cảm xúc" trong cuộc đời

Đầy đủ về vật chất không đảm bảo bạn cảm thấy thỏa mãn, hạnh phúc trong cuộc đời. Vấn đề là có thể vẫn thiếu cảm xúc, thứ mà vật chất khó tạo ra lâu dài được. Những người sinh ra trong nghèo khó, có chí làm giàu cao, nỗ lực vượt bậc để thoát nghèo và làm giàu, những tưởng khi giàu có rồi sẽ trở nên hạnh phúc nhưng khi đó họ nhận ra là họ không hạnh phúc. Họ hoài nghi và tức giận vì điều đó.

Họ thể hiện ra thái độ ví dụ như khệnh khạng chẳng hạn. Vì họ không thực sự hạnh phúc đó thôi. Tất nhiên là vì họ vốn chỉ nghĩ là tiền là cội nguồn của đau khổ nên chỉ cần nhiều tiền là sẽ hạnh phúc. Đó chỉ là TƯ DUY NGHÈO. Vì bất kỳ ai tư duy giàu cũng hiểu đơn giản là: Tiền không đem lại hạnh phúc miễn là bạn đừng thiếu tiền!

Giá mà tiền tài hay vật chất đem lại hạnh phúc thì tốt biết bao: Bạn có thể hi sinh hạnh phúc để kiếm tiền để ... mua hạnh phúc.

Thế thì việc quái gì phải theo đuổi lý tưởng cho nhọc công. Chỉ có đám ngu ngốc mới theo đuổi lý tưởng. Chứ người khôn thì đi làm giàu cả rồi! Thôi trò viết nhảm trên blog đi nhé, nhấc đít lên mà đi kiếm tiền không tốt hơn hay sao?

Giá mà cuộc đời đơn giản như thế!

Nhưng vấn đề là CẢM XÚC: Tôi có cảm xúc nên tôi viết, và tôi viết nên tôi có cảm xúc. Nó cũng như thế này: Tôi không có đam mê nên tôi không làm gì, tôi không làm gì nên tôi không có đam mê.

Vấn đề chỉ là "con gà và quả trứng": Quan trọng là bạn có vòng lặp tốt hay vòng lặp xấu. Có con gà thì sẽ có quả trứng, có quả trứng thì sẽ có con gà. Còn nếu không có con gà hay quả trứng, có đợi mãi cũng chẳng có gì cả.

Vì thế mà trong cuộc đời có hai phong cách sống:

Phong cách 1: Chọn con đường an toàn (PLAYING SAFE). An phận thủ thường, hạn chế hành động rủi ro, nghe lời và dựa vào cha mẹ.

Phong cách 2: Tự lập, tự mình dấn thân trải nghiệm và tự làm tự chịu. (VENTURE)

PLAYING SAFE thì an toàn, nhưng ít cảm xúc, cả cảm xúc tốt lẫn tiêu cực. VENTURE thì không an toàn nhưng nhiều cảm xúc và có rất nhiều cảm xúc tiêu cực.

Còn tùy bạn coi trọng sự AN TOÀN hay là CẢM XÚC. Tôi coi trọng cảm xúc nên tôi thích phiêu lưu, tự làm tự chịu, tự ngã và tự đứng dậy. Tôi không hề dựa dẫm vào ai cả.

Những người chọn con đường an toàn thì thường THAN CHÁN vì cuộc sống quá thiếu cảm xúc.

Những người chọn con đường mạo hiểm nhưng không tự làm tự chịu, hay ý chí yếu kém thì sẽ đứt gánh và trở về với gia đình tự thề không bao giờ mạo hiểm nữa. Họ tin cha mẹ họ là tốt nhất và sẽ không bước chân ra khỏi nhà lần nữa. Chấp nhận sống cuộc sống không cảm xúc, và thừa hiểu là họ không thể tự lập.

Những người có ý chí tự lập, có dũng khí và khả năng đứng dậy sau thất bại thì sẽ dám dấn thân trải nghiệm nên có rất nhiều CẢM XÚC. Đa phần là tiêu cực! Ha ha.

Như thế tốt mà, vẫn chém gió ào ào.

Điều quan trọng là tự hỏi mình mỗi ngày thế này: Tôi đã sẵn sàng chịu những đau đớn khôn xiết trong cuộc đời hay chưa? Tôi đã sẵn sàng đấu tranh và hi sinh vì đại nghĩa hay chưa?

Bạn chỉ có thể sống cuộc sống có cảm xúc nếu bạn đã sẵn sàng chịu những đau đớn khôn xiết trong cuộc đời, sẵn sàng chịu hi sinh mất mát vì đại nghĩa để có thể sống mà không sợ hãi, bao gồm cả nỗi sợ hãi trước thay đổi hay nỗi sợ hãi cái chết. Bạn phải chấp nhận mất hết mọi thứ, bị đẩy xuống bùn và chấp nhận được thất bạinhững cơn bạo bệnh.

Vì không có những phẩm chất này, con người chỉ có thể chọn con đường an toàn và sống ít cảm xúc. Cảm xúc nhiều nhất mọi người thường có chỉ là kỹ xảo điện ảnh.

Ngược lại, bạn sẽ có rất nhiều cảm xúc trong cuộc đời và đơn giản là bạn sống một cuộc sống khác: Cuộc sống của một con người đích thực.

Liệu rằng bạn có được lựa chọn? Bạn có ở hoàn cảnh được tự do lựa chọn (hay phải có trách nhiệm nuôi dưỡng người khác như gia đình vv)? Bạn có dám lựa chọn? Không ai dám chắc trừ bạn.

Nhân tiện, PLAYING SAFE cũng được mà. Thế là cuộc sống nhất đẳng thiên hạ rồi đấy. Chẳng có gì đáng phàn nàn cả.

XÚC CẢM
FEELING.
Con người khao khát có cảm xúc nên họ vô rạp chiếu phim, xem những chuyện tình cảm động hay cảnh chém giết, bạo lực, máu me. Hoặc cuối tuần thà ngồi nhà xem phim zoombie còn hơn lết xác ra ngoài đi với bạn bè chẳng còn gì vui nữa. Vì tuy là cả hai đều không đem lại cảm xúc, nhưng ngồi nhà xem xác sống giết người, hay người giết xác sống, hay cả hai giết lẫn nhau chẳng vì lý do gì cụ thể thì cũng không có cảm xúc mấy nhưng đỡ mệt là chính! ^^

Vì cảm xúc mới khiến chúng ta cảm thấy hài lòng, mãn nguyện. Đây là lý do chính để người ta theo đuổi đam mê hay lý tưởng. Vì thế, hãy theo đuổi ước mơ và lý tưởng nếu có điều kiện. Nếu có ước mơ du học gì hãy thực hiện ngay hôm nay đi. À mà tôi có tư vấn với làm hồ sơ đấy, giá phải chăng và hữu nghị nhé!

Nhưng cuộc sống có cảm xúc thực chất chỉ là cuộc sống bình thường không có gì biến động vì bạn vẫn là bạn. Vấn đề là, có những lúc bạn không còn là chính bạn nữa.

Đó gọi là XÚC CẢM. Hãy tưởng tượng như thế này: Một ngày đẹp trời bạn bước chân ra khỏi nhà và gặp phải một trang tuyệt sắc giai nhân tâm hồn thuần khiết như pha lê và không cần nói thêm: Bạn trúng tiếng sét ái tình ngay từ cái nhìn đầu tiên (love at first sight).

Đó là xúc cảm: Bạn không còn là chính bạn nữa. Bạn bắt đầu tương tư nàng và cứ thế, căn bệnh tương tư ngày càng nặng thêm vô phương cứu chữa. Bạn bắt đầu tự hủy hoại tinh thần và thể xác của mình, sống trong vô vọng vì một tình yêu đơn phương không được báo đáp. Vì trang tuyệt thế giai nhân thì thiếu gì người theo đuổi, chắc gì bạn đã có cơ hội.

Mà cũng chả cần phải là một phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần, chỉ cần bạn trúng tiếng sét ái tình và trở thành kẻ si tình, thì não bộ  sẽ tự hoàn thành hình ảnh còn lại. Đôi khi chúng ta thắc mắc: Người ấy đẹp chỗ nào?

Kinh nghiệm của tôi cho thấy: Hễ tôi gặp một trang như thế, tôi liền gửi ảnh ngay cho bạn bè để hiểu ra một sự thật: Tôi chỉ đang sống trong một ảo giác!

Nhưng chúng ta cứ giả sử những điều tươi đẹp trong cuộc đời: Bạn gặp một người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần như thế và cũng được nàng đáp lại tình cảm. Vì việc này thật sự cũng xảy ra tương đối nhiều mà.

Bạn cũng lại sống trong XÚC CẢM, phê như thuốc luôn. Bạn quá lâng lâng hạnh phúc tới mức hoạt chất khoái lạc (dopamin) tiết ra quá nhiều trong não bộ làm bạn mất khả năng phán đoán, sống xa rời thực tế (tình trạng "đầu óc trên mây trên gió") và trở thành kẻ vô dụng không làm gì cho ra hồn. Bạn rơi vào trạng thái đánh giá bản thân quá cao, lòng tự tôn bay bổng trên không, khác hẳn những gì người xung quanh đánh giá về bạn. Đây là trạng thái PHÊ (HIGH).

Cho đến một ngày bạn rơi bịch xuống đất: Bạn thất tình. Dù vì lý do gì, vì nàng có người khác, vì nàng chán bạn, hay vì nàng chán đời, hay không rõ là vì gì. Có lẽ bạn đã thao thức hàng đêm và tìm ra được mấy ngàn lý do rồi ^^ Nhưng khuyên thật lòng nhé: Chả có lý do nào còn quan trọng và bản thân việc tìm lý do cũng trở nên phi lý và lố bịch. Có lẽ chỉ có mỗi bạn là không nhận ra điều đó.

Đấy là xúc cảm cao và rơi xuống. Nhưng cũng có trường hợp bị tương tư và thất tình ngay từ đầu. Có quá nhiều trường hợp mà nếu liệt kê đầy đủ thì tới tối mai cũng chẳng xong.

Tôi chỉ muốn ví dụ về cái gọi là XÚC CẢM điển hình, đó là xúc cảm luyến ái. Xúc cảm thì thường liên quan tới luyến ái, nhưng cũng có những trường hợp khác như chứng kiến hoàn cảnh thương tâm mà hành động, hay làm cách mạng vì phẫn nộ với thời loạn thế. Tất cả những thay đổi to lớn đều do xúc cảm mà ra.

Mặt trái của XÚC CẢM

Thật lòng mà nói, tôi chỉ mong cuộc sống có cảm xúc, chứ không mong cuộc sống có xúc cảm. Vì tôi e ngại những hậu quả - mà tôi cho rằng phần lớn là tai hại - của xúc cảm.

Tuy cuộc sống của tôi khá nhàm chán nhưng tôi vẫn là tôi, vẫn làm công việc của tôi, vẫn theo đuổi lý tưởng của tôi. Tôi vẫn chăm chó và chơi với chó hàng ngày. Cảm xúc không lên và xuống quá nhiều.

Thời trẻ tôi trải qua xúc cảm khá nhiều và tôi nghĩ rằng tôi không còn chịu đựng được thay đổi lớn nữa.

Nhưng con người khao khát xúc cảm! Những người chưa trải qua rất mong trải qua cái gọi là xúc cảm mãnh liệt, tức là tình yêu cuồng nhiệt. Thậm chí, nếu chứng kiến tình yêu như thế - dù chỉ là trong phim ảnh - thì họ cũng có xúc cảm theo.

Không, tôi không nói về cảm xúc, mà là xúc cảm.

Lại quay lại câu chuyện cũ bạn phải lòng một phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần tâm hồn thuần khiết như pha lê (đây là hình ảnh ẩn dụ nên các bạn nữ thay bằng "một chàng bạch mã hoàng tử điển trai tuấn tú" nhá) nhưng không được báo đáp. Ban tương tư và thất tình. Vậy thì có gì thay đổi?

Thay đổi lớn nhất là bạn không còn là chính bạn nữa. Bạn bị triệu chứng liên hoàn của bệnh tương tư - thất tình:
Bạn làm những chuyện điên rồ để mong được báo đáp lại tình cảm, bạn tỏ tình khi điều kiện chưa chín muồi. Bạn mất tập trung trong mọi việc, cảm thấy mệt mỏi cả ngày, chỉ muốn tự kỷ trong phòng nghe các bài hát buồn về chuyện tình yêu tan vỡ. Bạn cảm thấy kiệt sức và không thiết tha làm gì. Bạn trở nên cực kỳ chậm chạp và não bạn dường như đã hóa thành bã đậu. Bạn đi lại thơ thẩn như đang tìm ý thơ dù bạn chẳng phải là thi sỹ. Còn bao nhiêu chuyện ngang trái nữa mà tôi phải kể ra đây?

Cơ bản là lòng tự tôn của bạn đã rơi xuống mặt đất và bất kỳ ai cũng có thể dẫm lên nhỉ?

Chưa kể, nếu bạn đã từng được báo đáp và tình yêu tan vỡ, bạn còn có thể TRẦM CẢM. Vẫn là các triệu chứng trên nhưng nhân lên gấp 10 lần cộng thêm ý muốn tự sát nữa!

Nghiêm trọng nhỉ! Nói thẳng ra, xúc cảm toàn đem lại những điều tiêu cực mà thôi.

Vì sao con người lại XÚC CẢM?

Chúng ta quay lại xuất phát điểm: Vì sao bạn lại trúng tiếng sét ái tình và rơi vào xúc cảm với nàng yểu điệu thục nữ kia, trong khi nàng là một ma nữ, hay phù thủy, hay một cao thủ tình trường, mà ai cũng nhận ra ... trừ bạn?

Hay là, bạn trót đem lòng yêu thương một ai đó, nghĩ rằng đó là tình yêu đích thực hay tình yêu vĩnh cửu, trong khi người như thế đầy ngoài kia?

Tất nhiên điều này nằm trong "gien" di truyền của chúng ta từ ngàn đời rồi. Nếu có ai đó thắp lên NGỌN LỬA TÌNH (thuật ngữ chuyên môn gọi là SPARK) trong bạn, não bạn sẽ bắt đầu tạo ra một VIỄN TƯỢNG về người đó, nhìn thấy người đó thật lung linh, làm gì cũng thật duyên dáng. Bạn tạo ra một ảo ảnh vượt quá xa sự thật. Tất cả những gì bạn cảm nhận chỉ là ảo giác.

Thật lòng mà nói, đó chỉ là một người hoàn toàn bình thường, có một cuộc sống thường thường bậc trung, không có gì xuất sắc.

Vậy mà lại thắp lửa tình ngùn ngụt thiêu đốt bạn nhỉ? Trong khi đó không phải là phù thủy, không phải là ma nữ, cũng hoàn toàn không phải cao thủ tình trường (vì nếu có các năng lực này thì cũng đáng mà), chỉ là một phụ nữ hoàn toàn bình thường.

Chẳng qua, bạn xúc cảm vì bạn khao khát tạo ra một viễn tượng như thế. Có thể vì đầu óc bạn mơ mộng và tâm hồn bạn bay bổng.

Vì nếu đầu óc không mơ mộng và tâm hồn không bay bổng, thì chúng ta lại đối diện với một người bạn chung: Một cuộc sống không xúc cảm, thậm chí còn không có cảm xúc.

Nếu đầu óc không mơ mộng và tâm hồn không bay bổng, bạn sẽ không sáng tạo hay phát kiến gì được. Những người cố gắng sống "thực tế" hay lao vào kiếm tiền đều đối diện với cuộc sống không sáng tạo, không cảm xúc.

Trong di truyền của con người phải có yếu tố mơ mộng (DREAMING) thì mới thành con người đích thực được. Ngay cả người đấu tranh vì lý tưởng, thì họ mơ mộng về một xã hội tốt đẹp hơn cho nhân dân.

Vì thế mà đôi khi, bạn bị kích hoạt sang chế độ mơ mộng, và cứ thể ngọn lửa tình bùng cháy trong bạn. Chưa biết là tốt hay xấu. Vì dù tốt hay xấu, nó khiến bạn có DŨNG KHÍ để thay đổi lớn lao, làm những chuyện bạn chưa bao giờ làm.

Ví dụ như tỏ tình mà điều kiện không chín muồi. Hoặc hoàn cảnh không cho phép luyến ái xảy ra. Hay không hợp lý về đạo lý, không môn đăng hộ đối vân vân. Trong trường hợp ngặt nghèo, nó còn là việc không ai nghĩ sẽ xảy ra, hay nên xảy ra. Về lý trí mà nói, nó hoàn toàn không nên xảy ra.

Nhưng xúc cảm lại không phải lý trí. Nên nó ĐÃ xảy ra. Vậy thôi. Nó sẽ thành một biến cố thời gian, có thể thay đổi bạn hay cuộc đời bạn mãi mãi, chưa biết tốt hơn hay xấu đi.

CAO THỦ TÌNH TRƯỜNG

Nhân nói về xúc cảm, ở trên tôi có nói về "cao thủ tình trường" nhỉ? Vậy chính xác thì họ làm thế nào?

Nếu bạn cao, giàu có, đẹp trai thì như vậy là ổn rồi. Nhưng giá mà như thế nhỉ?

Nếu bạn không cao, không giàu có và không đẹp trai? Trông bạn như vừa mặc bộ đồ nhàu nhĩ mà mẹ bạn đã mua cho từ sinh nhật mười năm trước, thứ đã lạc mốt không dưới 15 năm, bước ra đường với bộ mặt rầu rĩ như thể vừa trượt kỳ thi đại học và không biết làm gì với toàn bộ cuộc đời còn lại của mình, trong khi cha mẹ đang định hướng cho bạn nghề lái công nông trở vật liệu xây dựng?

Chả sao cả. Vì nếu xét về lý lịch trích ngang, hay gia cảnh, hay phẩm chất cá nhân thì bạn vẫn xếp hạng bét. Bạn không thể đi theo con đường thông thường được.

Vấn đề chính là xúc cảm: Cách bạn thắp lên ngọn lửa tình bên trong đối phương (gọi là SPARK). Đó chính xác là cách các cao thủ tình trường thường làm.

Bạn nào đã xem bộ phim Hitch (Cao thủ tình trường hay Nghệ thuật cua gái) chưa nhỉ? Quan trọng chỉ là SPARK thôi. Não bộ của đối phương sẽ làm phần còn lại.

Vì thẳng thắn mà nói, bạn không tương thích với bất kỳ ai, thậm chí bạn còn không tương thích với ... chính bạn. Bạn có thể sống chán hơn gián, nhưng vẫn đánh lửa ầm ầm. Trong đa số trường hợp, mọi người đều nhận ra được sự phi lý của đối phương khi cặp kè với bạn, trừ mỗi ... đối phương. Đối phương sống trong một viễn tượng về bạn. Mỗi khi bạn về nhà, bạn lại chỉ muộn đập đầu vào tường vì quá thất vọng về bản thân. Nhưng điều đó chẳng liên quan gì tới tình trường cả.

Có đầy những người đẹp trai, cao và giàu có, nhưng họ vẫn không gây ra được xúc cảm, vì thế họ vẫn ế hay phải chấp nhận sự lựa chọn không mong muốn.

Vậy làm thế nào để trở thành cao thủ tình trường? Không, tôi chẳng biết gì cả. Tôi không có trải nghiệm. Giá mà tôi biết nhỉ? ^^

Nhân tiện, dù bạn là một người khù khờ, hay là một cao thủ tình trường, hay là một anh chàng thường thường bậc trung trong một công ty IT, rất có thể một ngày bạn bị trúng tiếng sét ái tình và không thoát ra được.

Không vì là cao thủ tình trường mà bạn thoát được mớ bòng bong gọi là luyến ái này. Trước khi trở thành cao thủ tình trường, hãy nằm lòng câu này:

恋は盲目
LOVE IS BLIND.
TÌNH YÊU LÀ MÙ QUÁNG.

Từ kinh nghiệm thời trẻ mà nói, bạn không muốn dính vào mớ bòng bong toàn những ảo tưởng lầm lạc và thổi đối phương tới tận mây xanh như thế. Nhưng nếu đã là di truyền và tiến hóa thì đành chịu thôi.

Điều khác biệt duy nhất của cao thủ tình trường là thường được đáp lại, hi vọng là thế. Nhưng dù thế nào, chắc gì tiến triển thành luyến ái đã là tốt? Khi mà bạn đi như người mù sắp bước xuống hố tới nơi. Việc đấy sẽ ảnh hưởng tới công việc, sự nghiệp, cuộc sống thường ngày, các mối quan hệ của bạn. Xúc cảm bao giờ cũng mang theo cả núi rủi ro. Nhưng cũng sẽ mang lại trải nghiệm và vinh quang. Mà cuộc đời về cơ bản chỉ là cảm xúc và những nhận định lầm lạc.

Nhưng mà hãy chuẩn bị thất tình ngay từ ngày đầu. Sẽ chẳng dễ chịu gì đâu. Việc gì trên đời cũng đầy rẫy rủi ro, nên an toàn nhất vẫn là lối sống tự kỷ:

"Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai"

Bạn chỉ nên hoạt động rủi ro khi bạn còn trẻ! Thời trẻ bạn có thể yêu hết lòng (whole-heartedly) còn sau đó chỉ nên yêu nửa lòng (half-heartedly) thôi.

Nguyên tắc: Yêu nhiều đau nhiều, yêu ít đau ít, không yêu không đau. Nhưng không đau thì lại không có cảm xúc, mà như thế lại thành sống nhạt, sống mòn không biết chừng.

Nên có nhiều người đã từng đau và hứa không bao giờ yêu nữa, nhưng mỗi khi có cơ hội họ lại yêu và lại đau như cũ. Vì họ thật sự thiếu cảm xúc trong cuộc đời.

TẤT CẢ ĐỀU LÀ DỐI TRÁ!

"Tình yêu là mù quáng". Nếu bạn không nằm lòng câu này, bạn chưa trưởng thành. Còn lâu mới thành cao thủ tình trường.

Tất cả đều là dối trá:
Khi một anh chàng muốn một cô vợ ngoan hiền hiếu thảo với cha mẹ tốt với người xung quanh vv.
Khi một cô nàng muốn một anh chàng cao to, giàu có và đẹp trai vv.

Có một vô thiên lủng các phẩm chất, thuộc tính mà mọi người đặt ra cho nhau, bao gồm cả nhà cửa và công việc ổn định nữa nhỉ?

Ai mà có thời gian để có đủ phẩm chất như thế nhỉ? Ngay cả khi bạn có nhiều phẩm chất tốt đẹp như thế, thực tế là bạn vẫn ế, vì chẳng có SPARK nào cả. Vì điều quan trọng chính là SPARK và XÚC CẢM, não bộ sẽ tự xây dựng viễn tượng còn lại. Như thế sẽ đơn giản hơn nhiều và bạn có thời gian, rất nhiều thời gian để THAY ĐỔI?! Hi vọng là thế. Không, chẳng cần thật sự nghiêm túc đâu, vì xã hội tràn ngập những điều dối trá. Đừng để rác rưởi làm vẩn đục đầu óc và tâm hồn bạn. Hãy sống chân thật với cảm xúc của bạn thân, làm những việc mà bạn muốn làm, chả có gì to tát đâu. Quan trọng là đầu óc mơ mộng và tâm hồn bay bổng.

Lời kết
Cuộc đời diễn ra đại khái như thế. Bạn hãy cân bằng phương trình AN TOÀN - CẢM XÚC, XÚC CẢM - RỦI RO, trên nguyên tắc tự làm tự chịu. Rồi sẽ một ngày, cát bụi lại trở về với cát bụi, chẳng có gì to tát cả. Chỉ có CHÉM GIÓ là còn lại mãi với thời gian, hi vọng thế.

Điều quan trọng nhất vẫn là: Hãy sẵn sàng chịu những đau đớn khôn xiết trong cuộc đời, sẵn sàng cho một ngày mọi niềm vui biến thành tro trong miệng và hãy sẵn sàng đấu tranh vì đại nghĩa. Đừng quá nghiêm túc, chẳng đi tới đâu cả đâu!
Mark

No comments:

Post a Comment