Nghỉ ngơi không phải là việc dễ dàng, hơn nữa, đây là việc khó khăn trong cuộc sống, khó hơn đi làm nhiều. Khi đi làm có thể bạn mệt, không vui, quay như chong chóng, bị đì, vv và bạn nghĩ rằng nếu nghỉ ngơi thì bạn sẽ khỏe khoắn và vui tươi. Đời lại không diễn ra như thế và hiếm khi chiều theo ý con người.
Sống qua ngày đoạn tháng là một nghệ thuật, hơn nữa, là nghệ thuật cực kỳ quan trọng trong cuộc sống. Mà tôi lại là bậc thầy của việc “sống qua ngày đoạn tháng”. Giống như bạn đi trên một gờ tường hẹp và bên dưới là vực thẳm vậy, đời vẫn tươi đẹp nếu bạn không mất thăng bằng và ngã.
iRelax
Vì sao nghỉ ngơi lại “vất vả” như thế?
Vì bạn không có mục tiêu, động lực và công việc thường làm hàng ngày, thứ giúp bạn lê được người ra khỏi giường và trườn ra đường vào mỗi sáng. Vì không có mục tiêu nên có thể bạn cảm giác ngày nào cũng “vô vị” hoặc luôn giống nhau và thời gian như ngừng trôi, và bạn bị kẹt ở thì quá khứ, trong khi người khác đang tiến lên. Bạn có thể hơi bị “mất kỷ luật”, thậm chí là không có kỹ năng để tiêu phí thời gian một cách bổ ích.
Áp lực về tài chính, thể lực, tinh thần có thể sẽ tăng dần theo thời gian, đặc biệt áp lực tinh thần. Áp lực này gây căng thẳng (stress) khiến bạn ăn liên tục (về bản năng sinh tồn là dự trữ mỡ cho những ngày khốn khó sắp tới) và bị tăng cân. Bạn bị bỏ lại phía sau và cảm giác mình là kẻ thua cuộc (loser).
Cuộc sống của bạn đơn giản là bị đảo lộn về nhịp điệu thời gian, vật chất tài chính và tinh thần. Điều này tạo ra áp lực khiến bạn cảm thấy căng thẳng và thật sự là vất vả hơn khi đi làm nhiều.
Điều tuyệt vời là thế này: Đó là điều tốt. Tôi gọi đó là TRẢI NGHIỆM TỐT. Cũng như bạn thất tình lần đầu có thể bị trầm cảm nhưng những lần sau sẽ tốt dần lên, và rồi bạn sẽ THU HOẠCH trong cuộc đời thôi ^^
Hãy ghi nhớ điều này trước khi bạn thật sự bắt đầu Cuộc Đấu Tranh Của Tôi (My Campaign): Điều khó khăn nhất trên đời chính là việc nghỉ ngơi và sống qua ngày đoạn tháng.
Khi nào bạn có thể làm chủ khả năng này bạn mới có thể làm chủ cuộc đời của mình. Hãy nhìn những người xung quanh bạn, họ chẳng bao giờ nghỉ ngơi vì họ không thể chịu nổi áp lực tinh thần. Họ cứ miệt mài làm việc mãi mà không nhìn được toàn cảnh về cuộc đời, cũng chẳng có thời gian thở để suy nghĩ xem mình thật sự muốn gì. Cuối đời họ cũng có thể “sở hữu” (nhà, xe, con cái vv) nhưng sẽ sụp đổ về tinh thần.
Để không bị sụp đổ về tinh thần, bạn cần làm việc đó từ khi còn trẻ, bằng cách không làm gì. Mặc dù áp lực từ trong gia đình và từ xung quanh là rất lớn và tìm mọi cách dìm bạn xuống bùn, kéo bạn trở lại “vòng quay nô lệ” nhưng hãy nhớ rằng: Đây là MA TRẬN. Mọi người chỉ muốn bạn giống họ. Họ sẽ đồng hóa bạn bằng mọi giá. Câu trả lời đơn giản là KHÔNG nếu bạn muốn làm chủ số phận.
Mọi người sẽ tìm cách "đồng hóa" bạn để xây dựng THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG:
Không ai biết mình đang làm gì!
Làm thế nào để việc nghỉ ngơi bớt vất vả hơn
Bản chất của nghỉ ngơi không phải là để tụt hậu và chìm đắm trong u sầu, mà là để nạp lại năng lượng, tăng động lực và nghĩ chiến lược tốt hơn trong cuộc đời. Vấn đề là ai cũng phải trải qua thời gian. Nên điều quan trọng là trải qua thời gian CÓ Ý NGHĨA.
Do đó, khi nghỉ ngơi bạn nên học hỏi kỹ năng gì đó một cách vừa phải, có thể là thứ bạn thích, hoặc có năng khiếu, hoặc thấy cần thiết. Việc đi học thì không áp lực như là đi làm nhưng ngược lại sẽ tốn học phí và thời gian, nên quan trọng là lựa chọn khôn ngoan.
Để sống mỗi ngày khỏe mạnh và có ý nghĩa thì điều quan trọng là KỶ LUẬT và KỸ NĂNG. Do đó, mỗi ngày chúng ta phải rèn kỷ luật và nâng cao kỹ năng đều đều mỗi ngày. HỌC TẬP không chỉ giúp việc này mà còn đem lại niềm vui lớn lao trong cuộc đời. Hơn nữa, bạn cũng có giao tiếp xã hội khi đi học nên có thể sẽ có nhiều ý tưởng hơn.
ĐỌC SÁCH học kỹ năng không phải là lựa chọn tồi. Hãy học kỹ năng, hay lối sống bạn muốn. Nhân tiện, sắp tới tôi cũng tổ chức lớp đọc sách và dịch sách tiếng Nhật, vì tôi có khá nhiều sách tiếng Nhật hay đấy. Đọc xong sách thì đảm bảo sẽ giỏi luôn ^^
Tầm quan trọng của “nghỉ hưu ngắn hạn”
Bạn làm xong một công việc, thành công hay không thành công, thì bạn sẽ cần nghỉ ngơi nạp lại năng lượng. Không nên vội vàng đi làm việc khác ngay. Vì cuộc đời gồm nhiều chương, mỗi chương kết thúc thì phải có thời gian nghỉ ngơi và tổng kết lại. Cuộc đời không phải là một chương duy nhất. Do đó, việc “nghỉ hưu ngắn hạn” để lập chiến lược cho chương tiếp theo là cực kỳ quan trọng.
Những người không nghỉ ngơi mà chạy một lèo có đặc điểm là không mấy hạnh phúc và cuộc đời ngày càng rối như mớ bòng bong, bản thân chìm đắm trong nhiều mối tơ vò và thời gian càng trôi càng khó gỡ ra.
Vì họ KHÔNG NHÌN ĐƯỢC QUÁ KHỨ. Tôi nhìn được quá khứ, vì thế ít ra tôi không bị vướng vào mớ rối bòng bong của cuộc đời như nhiều người. Thật ra là tôi chả vướng mắc gì, nếu tôi không thành công thì là do năng lực tôi thấp thôi, chẳng phải do gì khác.
Ngay cả các bạn du học sinh VN cũng vậy thôi. Du học là một chương dài và quan trọng, không phải lúc nào mọi việc cũng theo ý bạn. Bạn muốn học mà không học được, hoặc nộp học phí xong thì thối rữa ý chí, mất hết động lực học tập. Hoặc khó quá và bạn nản. Rốt cuộc thì việc bạn làm tàm tạm nhất lại là … đi làm thêm. Ai bảo “phải” đi làm thêm chỉ có tác hại?
Bạn nên “nghỉ hưu ngắn hạn” chỉ duy trì việc đi làm thêm tối thiểu để duy trì cuộc sống thôi. Bản thân việc du học cũng gồm nhiều chương nhỏ khác nhau.
Tôi nghỉ khá nhiều trong thời gian du học. Thậm chí sau khi tốt nghiệp tôi cũng chỉ đi làm thêm câu giờ. Trong nhiều trường hợp, tôi buộc phải nghỉ ^^ vì chẳng thể làm gì khác. Nhìn lại thì những lúc gian khó như thế lại là lúc học được nhiều nhất về mớ bòng bong gọi là cuộc đời. Và kể cả sau này không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra theo đúng ý bản thân, chẳng còn cách nào khác ngoài “nghỉ ngơi” cả. Nhưng nhờ có KỸ NĂNG và KỶ LUẬT nghỉ ngơi đã học từ hồi du học nên tôi vẫn học tập và làm việc đều, do đó vẫn khỏe mạnh và (tạm thời) vui vẻ thôi.
Ai quy định ngày làm 8 tiếng trong suốt 40 năm?
Chẳng ai cả. Chẳng qua người ta sợ nghỉ ngơi đó thôi. Không ai chịu được áp lực tinh thần, dù họ có nhiều tiền. Chẳng ai dám tiêu tới đồng xu cuối cùng như thể mai là ngày tận thế và tiền giúp họ lên được thiên đường. Chính áp lực tinh thần mà người xung quanh và bản thân gây ra tình trạng “40 năm ròng không nghỉ ngơi”.
Nghỉ ngơi theo tôi ít ra phải 6 tháng mới gọi là nghỉ ngơi. Trong cuộc đời phải luôn có khoảng trống để nhìn nhận, suy nghĩ và GIÁC NGỘ. Nếu không, cuộc đời chỉ là con thuyền trôi dạt vô định. Đa số mọi người là thế, nên đến tuổi nhất định thì đổ vỡ về tinh thần, tâm hồn, bị bệnh tâm thần hoặc mê tín dị đoan.
Rồi họ cũng nghỉ ngơi theo kiểu về hưu một cục nhưng chất lượng sống rất thấp, vì rối cuộc họ cũng đâu có biết cách nghỉ ngơi.
Học cách nghỉ ngơi
Bạn cần HỌC cách nghỉ ngơi ngay từ khi bạn còn trẻ. Hãy “nghỉ hưu ngắn hạn”.
Trong bao lâu? 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm, 3 năm, …? Tôi không biết.
Điều quan trọng là phải không ngừng học tập vì NIỀM VUI và sự TIẾN BỘ. Vì nếu nghỉ ngơi mà dẫn tới lạc nhịp, mất động lực, mất phương hướng thì khá nguy hiểm, cũng chẳng khác gì người đi làm mà chẳng nghỉ và suy nghĩ lúc nào. Kiểu nghỉ mất phương hướng là nghỉ mà không học tập vì niềm vui và sự tiến bộ.
Học tập. Kỷ luật. Kỹ năng.
Mark
No comments:
Post a Comment