Chào các bạn!
Trong bài này tôi sẽ nói về tính cần thiết phải đánh thuế sở hữu bất động sản, và sự tất yếu của chiến dịch "đánh trung sản". Trung sản là những người giàu lên nhờ bong bóng bất động sản, và phải lưu ý rằng đây là một chính sách chứ không phải là do người giàu hay người dân đầu cơ như nhiều người hiểu sai.
Nói tóm lại là, nếu in tiền ra liên tục và thổi bong bóng không ngừng thì người giàu sẽ càng giàu, còn đa số sẽ bị bần cùng hóa và cực kỳ khó khăn trong việc mua nhà do giá nhà tăng quá nhanh. Họ sẽ phải hi sinh mọi thứ để sở hữu nhà và làm giàu cho tư bản. Việc bất động sản tăng giá quá nhanh khiến chi phí mặt bằng lên cao và việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Cuối cùng, nhà nhà, người người sẽ đổ đi buôn bất động sản. Nền kinh tế sẽ không tập trung vốn cho sản xuất hay kinh doanh mà cho nhà đất hay bất động sản đầu cơ (đất nền).
Do đó, đất nền sẽ sốt liên tục và người nắm bắt được thiên thời, địa lợi này sẽ giàu lên nhanh chóng và trở thành trung sản.
Nhưng tới một lúc nào đó, việc này sẽ không thể tiếp diễn được nữa. Vì khi giá nhà đất quá cao và người kinh doanh không kiếm được tiền, tiền đâu để thổi bong bóng lên nữa? Việc kinh doanh kém đi khiến nhà nước thất thu thuế và rơi vào trạng thái đói tiền. Người dân thậm chí chấp nhận rằng mình sẽ không thể mua nhà, vì thế, họ cũng không cố gắng đi làm và nộp thuế nữa.
Khi thảm họa xảy ra và nền kinh tế suy thoái, tình trạng đói tiền thuế trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.
Do đó, mặc dù người giàu không muốn bất động sản vỡ bong bóng, nó vẫn sẽ phải vỡ ra. Nhưng chúng ta đều biết rằng, người ôm bất động sản họ thà "bất động" (không mua không bán) rồi "sảng" luôn (cứ nghĩ là đất của mình giá tăng đều theo mỗi năm) chứ không bao giờ bán giảm giá. Đấy đơn giản là NIỀM TIN rằng bất động sản sẽ luôn tăng giá, gần như là một tín điều vậy.
Đánh thuế sở hữu bất động sản
Nhiều chuyên gia vẫn nói là phải giảm giá bất động sản để hỗ trợ môi trường kinh doanh, nhưng họ cũng không tin rằng đánh thuế sở hữu bất động sản sẽ giải quyết được vấn đề. Sự thật là họ không muốn bị đánh thuế sở hữu bất động sản.
Người giàu thì đương nhiên là không muốn rồi. Chính sách từ trước tới nay luôn có lợi cho họ, giúp họ ngày càng thâu tóm được nhiều bất động sản hơn - hầu như không đóng thuế - và ngày càng giàu có hơn.
Nhưng nếu nhà nước thực sự thất thu thuế và đói tiền thì sao? Không thể tăng giá xăng, điện lên để thu thuế mãi được, vì việc đó sẽ khiến đời sống người dân kém đi, số lượng dân nghèo hoặc vô sản tăng lên, và làm tăng CHI PHÍ TRỊ AN.
Do đó, dù họ không muốn, thì họ sẽ phải nhắm tới đối tượng khác, và tôi cho rằng đó là tầng lớp trung sản.
Lý tưởng nhất là thu thuế tầng lớp trung lưu lương cao và đóng thuế nhiều, nhưng như tôi đã chuyết từ đầu, tầng lớp trung lưu đã teo tóp lâu rồi. Họ bị bần cùng hóa do chính sách "bần dân dễ trị" và bong bóng bất động sản. Cơ bản thì tầng lớp trung lưu không tồn tại. Chỉ cần họ vay tiền mua nhà, có lẽ họ sẽ không có thời gian kết hôn hay là chi tiêu sung túc được đâu, và thực tế là họ sẽ thành người nghèo. Tầng lớp trung gian thay cho trung lưu truyền thống chính là trung sản - những người giàu lên nhờ bong bóng bất động sản.
Tôi thấy khá nhiều ý kiến cho rằng nếu đánh thuế bất động sản thì người thuê nhà sẽ phải trả thuế đó thay cho chủ nhà. Vì thế, bong bóng bất động sản sẽ không xì hơi. Điều này không đúng! Đúng là chủ nhà sẽ cố gắng bắt người thuê nhà chịu, nhưng quy luật cung cầu có nghĩa là khi tăng giá thuê nhà thì người ta sẽ kiếm chỗ rẻ hơn. Vì nếu tiền nhà tăng lên thì cuộc sống của người ta khó khăn hơn, vì thế người ta sẽ tìm nhà nhỏ hơn hoặc ở ghép.
Người ta chỉ chấp nhận việc bị tăng giá nhà nếu người ta có thể tăng thu nhập tương ứng nhờ việc ở nhà đó thuận lợi cho việc kiếm tiền, đúng không? Nếu lương không tăng mà tiền nhà tăng, tại sao phải ở lại?
Chủ nhà không phải người có quyền lực tuyệt đối trong việc cho thuê nhà. Khi thảm họa xảy ra, người ta trả nhà nhiều và nhà trống rất nhiều. Tất cả là quy luật cung cầu. Trong mấy năm, giá thuê nhà không tăng lên. Và nếu thu nhập của người lao động không cải thiện, tiền nhà sẽ vẫn tiếp tục đứng yên. Rất nhiều nhà thực tế là phải giảm giá để giữ chân người thuê.
Nếu đánh thuế sở hữu bất động sản 1%/năm thì sao?
Muốn làm giảm giá bất động sản thì thật sự dễ dàng: Đánh thuế sở hữu.
Hiện nay giá thuê nhà thường là 2.5% giá trị căn nhà, nếu đánh thuế 1% và chủ nhà bắt người thuê nhà gánh, họ sẽ phải trả 3.5% giá trị căn nhà mỗi năm, thay vì 2.5%, tức là tăng lên 1% / 2.5% = 40%!
Trước đây nếu tiền thuê nhà là 100 triệu thì nay là 140 triệu. Nếu bạn là người kinh doanh, bạn có lẽ sẽ không muốn trả nhiều tiền thế, nhất là khi tiền nhà đã ăn gần hết lợi nhuận của bạn rồi.
Chủ nhà đương nhiên có thể bắt bạn gánh, nhưng biên lợi nhuận của bạn đủ mỏng nên chỉ cần họ tăng giá nhà 10% là bạn đã phá sản, huống hồ gì là tới tận 40%. Vì thế, bạn trả nhà khi hết hợp đồng.
Và chủ nhà muốn cho người khác thuê, có thể họ chỉ thuê 100 triệu, tức là chủ nhà chỉ còn kiếm được 1.5% trên giá trị căn nhà mỗi năm. Từ đó, giá trị căn nhà sẽ giảm đi (vì dòng tiền căn nhà sinh ra đã giảm đi).
Nếu chỉ đánh thuế nhẹ nhàng 0.25%/năm thì lợi nhuận căn nhà sinh ra giảm đi khoảng 10%, do đó, giá nhà có lẽ sẽ giảm đi 10% vì tỷ lệ sinh lời của bất động sản chấp nhận được hiện nay là 2.5%.
Dù thế nào, chỉ cần đánh thuế sở hữu là giá bất động sản sẽ giảm đi và việc đầu cơ sẽ giảm đi.
Nguồn thu to lớn vô hạn
Đây là nguồn lợi to lớn cho ngân sách nhà nước. Vì đánh thuế bất động sản là đánh thuế người giàu, những người trước nay vẫn trốn thuế nhờ bất động sản. Ngoài ra, bất động sản cũng là ngành mà mọi người đều đổ tiền vào, là ngành kinh tế lớn bậc nhất, nên một thuế suất cực nhỏ cũng tạo ra nguồn thu cực lớn, và dư địa để tăng ngân sách thì còn rất nhiều.
Chỉ có điều, làm thế thì người giàu sẽ không thích. Chắc chắn nó sẽ gây ra làn sóng sụt giảm giá và những người đang dùng đòn bẩy tài chính sẽ phá sản. Đó chính là tầng lớp trung sản.
Nhưng một khi ngân sách thiếu tiền thì sớm muộn gì cũng phải làm thôi. Nếu không có tiền để duy trì trật tự trị an thì có thể sụp đổ hệ thống.
Việc đánh thuế không chỉ làm tăng thu cho ngân sách mà còn làm giảm làn sóng đầu cơ, làm bong bóng bất động sản xì hơi và có lợi cho nền kinh tế và việc kinh doanh nói chung.
Chỉ có điều, người giàu thường là người ra chính sách. Họ sẽ không ra các chính sách bất lợi cho tài sản của họ, đúng không? Chỉ tới khi nguy cơ về sự sụp đổ kinh tế của cả hệ thống xuất hiện do ... thiếu tiền!
Người Tù Vĩnh Cửu
No comments:
Post a Comment