Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, February 2, 2022

Bỗng dưng ... đi làm

Chào mọi người!

Năm nay tôi đột nhiên chuyển hướng ... đi làm công, cụ thể là làm công nhân (coder) kiêm xe ôm. Nó giống như một câu chuyện mà chúng ta phải phân tích tâm lý của nhân vật chính, và ở đây là phân tích tâm lý của bản thân. Tình hình nền kinh tế rất xấu và tôi bị giảm thu nhập, dẫn tới thua lỗ. Do đó, có một áp lực lớn phải thay đổi mà không phải thay đổi nhỏ nữa, mà là thay đổi lớn cho 5 tới 10 năm tới. Cần phải có sự thay đổi hướng đi để có thể thích ứng với bối cảnh mới.

Vì thế, sau hơn 10 năm sống tự do thoải mái, tôi quyết định xin việc làm. Việc này có rủi ro không? Rất rủi ro, vì tôi đã luôn sợ hãi TRẦM CẢM trong hơn mười năm qua. Đấy là nỗi sợ lớn nhất ngăn cản tôi thực sự đi làm. Nhưng mọi thứ tệ đi và tôi nghĩ rằng mình cần thay đổi, vì những cơn trầm uất xuất hiện ngày càng nhiều. Bởi vì lĩnh vực dịch thuật mà tôi làm trở nên cạnh tranh hơn và tôi rơi vào tình trạng THIỂU NGHIỆP (thiếu việc làm), trong khi vật giá lại tăng lên không ngừng. "Thiểu nghiệp" thì không hẳn là thất nghiệp nhưng mà thiếu số lượng việc làm cần thiết, vì thế tình hình tài chính trở thành một cơn đau đầu. Có lẽ đây cũng là cơ hội tốt để thay đổi.

Các giấc mơ xấu thường xuyên xuất hiện, thường bắt đầu bằng cảnh tươi đẹp và kết thúc xám ngoét. Đó là tín hiệu rõ ràng rằng có những uẩn ức (xung đột giằng xé) trong tiềm thức. Điều đó cũng chứng tỏ là những căng thẳng vô hình khiến cho giấc ngủ không ngon.

Tôi chợt hiểu ra rằng có lẽ mình đã đi hết một chu kỳ = một chương trong cuộc đời. Vì thế, áp lực phải thay đổi là rất lớn. Nhưng năng lượng đã bị bào mòn đi khá nhiều do trải qua một giai đoạn dài căng thẳng và tiêu tốn nhiều năng lượng. Nhất là môi trường nền kinh tế hiện tại cũng không phải là thời điểm tốt để kinh doanh (việc kinh doanh sẽ ngốn rất nhiều năng lượng!).

Trong lúc đang bế tắc thì tình cờ có người bạn gợi ý đi làm IT Comter. Nếu đã làm IT Comter thì sao không làm hẳn kỹ sư cầu nối (BrSE) vì BrSE lương sẽ tốt hơn và có thể phát huy được cả tiếng Nhật lẫn năng lực về công nghệ thông tin.

Viết CV và đi xin việc

Ngẫm lại thì đi làm cũng có thể là tốt. Vì dù rằng nhiều người đang rời bỏ thị trường lao động, nhưng đấy là họ đã làm nhiều năm, đi tới hết lộ trình, và đã kiệt sức. Đi xin một công việc mới thì cũng như bắt đầu lại từ đầu từ con số không. Và việc đầu tiên, quan trọng nhất là viết CV.

Chúng ta phải viết CV như thế nào? Nó phải thể hiện được mục tiêu phấn đấu trong 5 tới 10 năm tới. Và nó không thể giống như CV viết lúc mới ra trường khi chỉ có kinh nghiệm ở trong trường đại học được.

Tất nhiên là nếu bạn xin vào công ty Nhật thì nên viết bằng tiếng Nhật, như thế sẽ dễ gây được ấn tượng hơn và người tuyển dụng cũng muốn đọc hơn.

Trong CV phải có ít nhất một lần nói tới "ước mơ" dù có thể bạn cũng không có ước mơ gì.

Tôi nghĩ là tôi viết CV khá hay đấy. Điều quan trọng của CV cũng không chỉ là "để đi xin việc", mà còn thể hiện mục tiêu phấn đấu, con đường mà chúng ta sẽ đi trong 5 ~ 10 năm tới. Do đó, CV là thứ mà chúng ta phải đầu tư công sức, lao tâm khổ tứ để viết cho tốt. Sau đó thì tìm kiếm tuyển dụng và nộp CV rồi đợi gọi đi phỏng vấn thôi.

Tôi thì chỉ tập trung viết CV cho công việc kỹ sư cầu nối và vì đã XÁC ĐỊNH RÕ CÔNG VIỆC MỤC TIÊU nên mọi thứ khá dễ dàng. Ngoài ra, tôi cũng không hẳn là "rải" CV khắp nơi mà chỉ nộp đúng một công việc thông qua công ty môi giới việc làm. Quan trọng là nếu có công ty môi giới hay "head hunter" (nhà môi giới việc làm) giúp đỡ thì chúng ta sẽ giảm bớt gánh nặng đi khá nhiều.

Với lại, tôi cũng xác định là dành cả năm để xin việc nên cũng không quá nhất thiết là phải có việc làm ngay. Càng nhiều thời gian thì xác suất thành công sẽ cao hơn.

Dậy sớm

Xin được việc có lẽ là vấn đề thời gian, vì một khi đã quyết tâm đi làm thì sẽ đi làm thôi. Nhưng làm sao dậy sớm để đi làm? Đấy là một vấn đề thật sự, bởi vì tôi thường xuyên ngủ nhiều và dậy muộn, và về sau ngẫm lại thì đấy thực sự là một điều TUYỆT VỜI, vì không phải ăn sáng no, gây gánh nặng lên hệ tiêu hóa. Ngủ nhiều thực sự giúp giảm chi phí về tài chính, cũng như tránh bào mòn thể lực, chống đau lưng v.v.

Tuy nhiên, nếu đi làm thì phải dậy sớm nên tôi quyết tâm dậy lúc 6 giờ, nghĩa là sớm tới ... 3 tiếng. Để làm thế, tôi dậy sớm từng 30 phút một, thực hiện vài ngày rồi lại dậy sớm hơn.

Để làm thế thì thực sự là phải đi ngủ sớm hơn. Cuối cùng, tôi đi ngủ lúc ... 10 giờ tối. Ngoài ra, để dậy sớm thì không hẳn là cứ đi ngủ sớm là sẽ dậy sớm, vì sẽ khó ngủ sớm lúc chưa buồn ngủ. Cách tốt nhất là đặt chuông và dậy sớm, khi cơ thể thiếu ngủ, tự khắc cơn buồn ngủ sẽ tới sớm hơn.

Vấn đề là tự nhiên lại đi ngủ sớm thì có phải trả giá gì không?

Tôi nhận ra là chẳng trả giá gì cả. Tuy dậy sớm thì tôi cũng không hạnh phúc hơn nhưng nếu số giờ ngủ vẫn đủ thì tôi cũng không kém hạnh phúc đi. Bởi vì bình thường tôi thức khuya vì đam mê chứ cũng không hẳn là sẽ làm được việc gì có ích.

Thường sẽ chỉ là lên máy tính hoặc điện thoại, và làm điều này sau 9 giờ đêm thực sự là thảm họa về giấc ngủ: Chất lượng giấc ngủ rất kém, rất khó ngủ. Tôi bị khó ngủ tới mấy năm vì vấn đề này.

Để dậy sớm thì đương nhiên là tôi sẽ không dùng máy tính hay điện thoại và ngay lập tức giấc ngủ tốt hơn.

Không dùng mạng xã hội và đọc báo lá cải

Việc này không liên quan tới việc đi làm hay dậy sớm. Số là tôi bị rơi vào các cơn trầm uất (tín hiệu sớm của trầm cảm), và tôi thấy sức khỏe bị bào mòn nghiêm trọng, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng mạng xã hội và báo lá cải là thủ phạm làm trầm trọng vấn đề này.

Hãy tưởng tượng thế này: Tôi buồn và mất động lực. Tôi không biết làm gì giết thời gian vì thấy mệt mỏi. Tôi lên mạng xã hội để giết thời gian, đọc những thứ nhảm nhí, xem những clip vô bổ. Tôi cười vì nó hài. Nhưng cuối cùng, tôi luôn mệt mỏi rã rời, ngủ chập chờn và gặp ác mộng.

Những tin tức nhảm nhí, vô bổ thực sự là liều thuốc độc gặm nhấm thể lực và tinh thần mỗi ngày.

Để bảo vệ bản thân, tôi không lên mạng xã hội hay đọc báo lá cải nữa. Thực sự sức khỏe và tinh thần được cải thiện rất nhiều.

Nếu rảnh thì mặc bộ đồ thể thao ra chạy bộ 5, 10 phút chẳng tốt hơn à?

Đúc kết lại

Có thể một lúc nào đó, bạn đang sống tự do, và mọi thứ bế tắc, bạn muốn đi làm. Cũng tốt mà! ^^

Một trong các lý do là để có thể chi trả tình phí, hay lập gia đình, cũng cần một nguồn tiền ổn định. Tuổi tác là yếu tốt khiến chúng ta CHUYỂN HƯỚNG gấp, vì thể lực yếu đi, áp lực gia tăng, những cơn ác mộng bắt đầu ám ảnh chúng ta. Thậm chí, chúng ta có thể bị xô đẩy vào bóng tối của chứng trầm cảm.

Ngoài ra, đi làm công ăn lương không tệ, nếu chúng ta kiên định con đường đầu tư. Nó giúp giảm áp lực về tài chính của việc làm "phi làn" (freelance). Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có kiến thức đầu tư đúng đắn, kiên định với nó, và có một nguồn tiền bổ sung thường xuyên.

Tôi sẽ không nói nhiều về "cái giá phải trả", bởi vì chúng ta phải luôn nhớ rằng:

初心を忘れるべからず Shoshin wo wasureru bekarazu

Đừng bao giờ quên lý do bạn bắt đầu

Thực sự là "phi làn" mà bị "thiểu nghiệp" thì tâm trạng rất tồi tệ. Nó ảnh hưởng tới các mối quan hệ và cả cuộc sống. Bạn có năng lực nhưng không phát huy được. Hoặc bạn ở trong một ngành cạnh tranh ngày càng cao, cuối cùng thu nhập, khối lượng công việc giảm đi và còn chẳng có phúc lợi hay đảm bảo gì.

Đi làm thì cái giá phải trả lớn nhất có lẽ là "thời gian" nhưng thực ra, khi làm "phi làn" thì thời gian cũng trôi qua nhanh và tôi không làm được gì nhiều. Loay hoay nấu ăn rửa chén là đã hết một ngày. Đi làm cũng thế, thời gian trôi nhanh chứ không chậm, nếu chúng ta thực sự ham muốn học hỏi để giỏi lên. Đã thế còn được trả lương nữa.

Tất nhiên là chúng ta sẽ không "thần thánh hóa" việc đi làm. Vì có biết bao nhiêu người lao động đang kiệt sức vì công việc, phải làm việc quá giờ, quá sức. Thực sự, họ đang ở trong hoàn cảnh cũng ... bế tắc không khác gì phi làn.

Ai cũng sẽ phải thay đổi vì không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Nếu chúng ta chỉ đi làm vì tiền, nếu sau 2 năm mà chúng ta không thăng tiến, không giỏi lên, thu nhập không cải thiện, vì sao phải làm tới 3 năm? Sao không kiếm công việc khác phù hợp với thể chất, với mong muốn hơn?

Chúng ta làm tới 3 năm nếu chúng ta giỏi và tiến bộ. Chúng ta làm tới 5 năm nếu công việc mang lại thu nhập tốt. Chúng ta làm tới 10 năm nếu chúng ta có thể lên được chức quản lý.

Còn làm công nhân thôi thì hai năm cũng là hết tình hết nghĩa rồi. Đây đâu phải án tù chung thân.

Tuy nói như vậy, nhưng quan trọng là chúng ta phải cố gắng làm tốt nhất có thể nhé. Quên tiền lương đi, đấy chỉ là thỏa thuận ban đầu. Nếu cảm thấy lương thấp hơn đồng nghiệp và đau khổ, có lẽ sẽ còn phải lên mạng xã hội xem người khác hạnh phúc thế nào để đau khổ hơn nữa.

Thực ra, tiền lương là thỏa thuận ban đầu thôi. Sau đó chúng ta phải quên nó đi. Nó cũng như đầu tư, chúng ta phải tính toán từ đầu cho tốt, sau đó quên nó đi, chứ mua mua bán bán thực ra sẽ là thảm họa đầu tư.

Việc đầu tư giúp chúng ta có động lực to lớn để đi làm công ăn lương. Bởi vì chúng ta sẽ không quá quan trọng việc tăng thêm hay giảm bớt một ít tiền lương nữa, chúng ta sẽ dùng tiền đầu tư và tự trả lương hưu cho mình. Hay để mua nhà, mua xe.

Tôi còn không có tham vọng tăng lương, chỉ có tham vọng làm làm thật giỏi, trở thành công nhân giỏi, xe ôm khá. Bởi vì làm gì mà càng giỏi thì làm càng nhàn, đấy cũng là thành công rồi. Còn tiền bạc thì cứ đầu tư đều đặn là được.

Tôi đã tính ra khoản cần chi cho bản thân, là khoản tiền trung bình của 12 tháng gần nhất cộng thêm 20 - 30% chi phí tăng thêm do đi làm (sẽ phải ăn ngoài, giao tế v.v.), tình phí mỗi tháng, và tiền để đầu tư. Vì thế, tôi cũng NẮM RÕ MỨC LƯƠNG MÌNH CẦN, và cũng không cố gắng để đòi cao hơn.

Dù làm công hay phi làn thì phải luôn nhớ là hãy đầu tư, chỉ có đầu tư mới đảm bảo được tương lai. Chúc mọi người MAY MẮN và KIÊN ĐỊNH trong con đường đầu tư.

Người Tù Vĩnh Cửu

No comments:

Post a Comment