Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Tuesday, December 21, 2021

Đầu cơ

Chào các bạn!

Lâu lắm không gặp. Tôi bận chuyển nhà nên bị mất động lực viết bài. Càng nhiều tuổi thì thời gian phục hồi sau chuyển nhà sẽ ngày càng dài hơn. Lý do có lẽ là do thể lực sẽ yếu đi và có nhiều việc cần suy nghĩ hơn. Đặc biệt là sẽ làm gì vào năm sau, trong tình hình kinh tế suy thoái nghiêm trọng này?

Đã có khá nhiều biến động xảy ra trong mấy tháng qua, trong cả cuộc sống lẫn thị trường. Dự đoán nền kinh tế vĩ mô năm sau sẽ như thế nào? Chúng ta có thể dựa vào đó để kiếm lời, hay ít nhất là chống được siêu lạm phát hiện đã và đang diễn ra không?

Siêu lạm phát và suy thoái kinh tế

Tôi cho rằng chúng ta có thể đã bước vào một thời kỳ đình trệ kinh tế, lại kết hợp với lạm phát cao nên gọi là đình lạm. Nhiều người bị giảm thu nhập và thắt chặt chi tiêu, mà tiêu dùng của người này là thu nhập của người khác. Khi ai cũng thắt chặt chi tiêu thì thu nhập của mọi người giảm đi, tức là GDP sẽ giảm đi.

GDP = Tổng thu nhập = Tổng chi tiêu

Tổng chi tiêu hiện đang giảm đi do ai cũng thắt lưng buộc bụng, nên nếu không làm gì, GDP sẽ giảm đi, thậm chí có thể âm. Trong khi, mục tiêu tăng trưởng kinh tế là GDP phải tăng tầm 6-7%/năm. Đây là mục tiêu không thể thay đổi.

GDP thấp hay bị âm là vô cùng tai hại. Trước hết là sẽ không có tiền trả nợ nước ngoài, nền kinh tế đình trệ nghĩa là sẽ vỡ nợ trong tương lai, tụt hạng tín dụng, không vay được nợ mới để phát triển kinh tế, kéo theo sự nghèo đói lâu dài. GDP cao không có nghĩa là đời sống nhân dân được cải thiện. Không hẳn như thế! Mà chỉ có nghĩa là đang in thêm tiền để bần cùng hóa dân chúng và tiếp tục khai thác tài nguyên giá rẻ là sức lao động của con người. Điều này chỉ khả thi khi có một đội ngũ kỹ trị tư vấn (bơm tiền bao nhiêu, khi nào, làm sao tránh bị gắn mác thao túng tiền tệ, chính sách bơm tiền thế nào vv) cũng như phải mở cửa nền kinh tế và bám chặt vào con thuyền toàn cầu hóa.

GDP có thể cao nhiều năm, nhưng đời sống lại kém dần đi. Cứ nhìn đời sống của đại đa số dân Trung Địa là biết.

Kinh tế suy thoái và rơi vào trì trệ thì ảo mộng gọi là "ổn định chính trị" cũng tiêu tan. Vốn bản chất của "ổn định chính trị" là bần cùng hóa toàn dân lấy tiền nuôi bộ máy và an ninh. Do đó, không thể để nền kinh tế rơi vào trì trệ được.

Vậy làm thế nào để cứu nền kinh tế?

Cây đũa thần ĐẦU TƯ CÔNG

GDP = Tổng thu nhập = Tổng chi tiêu

Nếu tiêu dùng cá nhân không đủ, GDP sẽ giảm tăng trưởng, do đó, cách hay nhất là chính phủ tiêu hộ tiền người dân, gọi là ĐẦU TƯ CÔNG. Bằng cách đầu tư công hợp lý và bơm tiền vào nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ được duy trì.

Tất nhiên là trong lúc ấy thì năng suất lao động không tăng, nên tiền sẽ mất giá, và lạm phát sẽ cao, mọi người sẽ nghèo đi trong quá trình bần cùng hóa này.

Tôi không muốn bị bần cùng hóa! Bạn cũng vậy.

Vì thế, chúng ta phải đầu tư một cách hợp lý vào các tài sản sẽ tăng giá. Tôi chọn cổ phiếu đầu tư công và chờ đợi sự bơm tiền kích thích kinh tế trong năm tới. Nhiều người khác chọn vàng, nhà đất, v.v.

Những người sợ hãi trước sự biến động của thị trường và giá tài sản thì chọn gửi tiết kiệm, dù lãi suất không còn cao nữa và thực tế có thể thấp hơn "mức lạm phát cá nhân" (là mức lạm phát mà cá nhân người đó phải chịu khi mua những sản phẩm họ hay mua). Ví dụ lãi suất 6-7% nhưng thực phẩm mà một người hay mua tăng tới 10-20% thì chưa chắc là lãi suất ngân hàng có thể bù đắp được mức lạm phát này.

Tiền nhà có thể chưa tăng nhưng nó sẽ hứa hẹn sẽ tăng mạnh trong tương lai, lúc đó thì tiền tiết kiệm còn bốc hơi nhanh hơn nữa. Vì bơm tiền càng nhiều thì giá tài sản càng tăng.

Bài toán chính là chúng ta phải trú ẩn vào tài sản sẽ tăng giá do việc bơm tiền, và mỗi người chắc chắn sẽ có chủ ý khác nhau dựa trên kiến thức, kinh nghiệm của bản thân. Tôi cho rằng phải tới đầu 2023 mới có thể biết kết quả được.

Vì sao phải đợi "lâu" như vậy? Bởi vì nền kinh tế có một mục tiêu không thay đổi, là tăng trưởng x% vào năm 2022, đây là thứ mà phải đạt được bằng mọi giá.

Nếu không, nó là thảm họa cho tất cả, quốc gia có thể bị đánh tụt hạng tín dụng, về lâu dài có thể vỡ nợ. Tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa là còn dư địa để bơm tiền, tức là còn dư địa bần cùng hóa để khai thác lao động giá rẻ cộng với sự "ổn định chính trị". Tất cả trò chơi chỉ có thể.

Đây giống như là trò chơi nuôi gà (Chicken Game) trong một nông trại tập thể. Chúng ta phải nhìn được toàn cảnh nền kinh tế, để ra những quyết định đúng đắn.

Đầu cơ cổ phiếu đầu tư công cũng nguy hiểm!

Có một thời mọi người say mê đầu tư "cổ phiếu quốc dân", nghĩ rằng nó sẽ lên mãi. Đây là cổ phiếu tăng trưởng cao và còn được lợi từ kinh tế vĩ mô trong tương lai. Kết quả? Nó bị tắm trong bể máu. Vậy việc đầu tư bị sai là do sai cổ phiếu, vì cổ phiếu quốc dân đã hết thời, hay sai thời điểm, hay đơn giản thị trường chỉ "chuyển động ngẫu nhiên"?

Theo tôi, lý do lớn nhất là có quá nhiều nhà đầu tư đu bám vào con tàu này. Việc điều chỉnh giảm 20%, thậm chí 30-40% là cần thiết, để rũ bỏ hết những kẻ đu bám. Con tàu sẽ không thể chạy, đừng nói là tăng tốc, nếu có quá nhiều người đang bám lấy nó. Nó sẽ đứng im bất động trong một thời gian dài, thử thách sự kiến nhẫn của tất cả mọi người, trong khi cổ phiếu các ngành khác đang chạy ầm ầm.

Cổ phiếu "kinh doanh tốt" chưa chắc đã tăng giá, trong khi cổ phiếu "kinh doanh xấu" vẫn tăng giá ầm ầm, đây là cách vận hành của thị trường rồi. Về lâu dài, cổ phiếu "kinh doanh tốt" (lợi nhuận cao) sẽ tăng giá vào lúc nào đó, và sẽ tăng trưởng bền vững hơn đa số các cổ phiếu khác.

Vấn đề chính là chúng ta phải CHỜ ĐỢI ĐẦU TƯ CÔNG, đúng không? Đầu tư công cho năm sau còn chưa thực sự diễn ra vì còn chưa chuyển sang năm mới. Nếu bạn quá sợ hãi trước đà sụt giảm mà bán ra, vào tầm cuối năm 2022, đầu năm 2023, chắc gì bạn đã không khóc long tròng mắt?

Trong thị trường như một sòng bạc như thế này, chúng ta không thể đánh bạc bừa bãi. Nghĩa là không bắt dao rơi mà chia tiền ra mua nhiều đợt. Tốt nhất là đừng dùng MARGIN (vay ký quỹ), còn nếu bạn trót dùng, hãy trả hết nợ và luôn ở trong trạng thái KHÔNG VAY NỢ.

Điều này không chỉ đúng trong thị trường chứng khoán, mà đúng cả trong cuộc sống.

Khi thời điểm chưa tới, chúng ta không thể tua nhanh hay đốt cháy giai đoạn được. Đầu tư vào cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công có đúng đắn hay không thì phải cuối năm sau mới biết kết quả được.

Liệu bất động sản và cổ đất có tăng giá mạnh nhờ bơm tiền không?

Bất động sản chính là cái rốn trũng nhất của nền kinh tế kiểu này. Về cơ bản, tiền sẽ chảy vào chỗ trũng nhất về lâu dài. Vì thế, rất nhiều người đang hô hào đầu cơ cổ đất để tạo ra tâm lý FOMO, mặc dù các doanh nghiệp bất động sản hiện nay hầu như đều kinh doanh kém và không tạo ra dòng tiền lớn. Nên FOMO hay không nên FOMO? Tôi sẽ chém gió vào một dịp khác.

Người Tù Vĩnh Cửu

No comments:

Post a Comment