- Tình yêu liên quan tới cảm xúc
- Hôn nhân liên quan tới tính hợp lý và tính toán khoa học
"Bạn có thể yêu ĐỂ hạnh phúc nhưng không thể kết hôn ĐỂ hạnh phúc.
Bạn phải hạnh phúc rồi mới nên kết hôn."
- Mark -
Tất nhiên là bạn không kết hôn với người bạn hoàn toàn không yêu hay hoàn toàn không cảm xúc, làm thế cũng lại là tự sát. Nhưng tình yêu phi lý trí cũng không phải là đối tượng mà bạn nên kết hôn, vì khó mà lâu bền và sẽ gây rắc rối trong tương lai.
Hôn nhân cũng là một chủ đề cần nghị luận, vì tới lúc nào đó bạn sẽ cần phải kết hôn. Vì nhiều lý do như:
- Cho bằng bạn bằng bè
- Vì bạn đang bế tắc
- Vì bạn gặp được một người phù hợp
- Cho vui
- Để sống có trách nhiệm hơn
- Vân vân (cả tỉ lý do)
Kết hôn không nhất định làm bạn kém hạnh phúc đi nhưng bạn chỉ nên kết hôn khi đã (tương đối) hạnh phúc rồi. Vì nếu bạn không hạnh phúc và kết hôn với hi vọng sẽ hạnh phúc hơn, thì thường bạn còn đau khổ hơn cả ban đầu nữa, với một mớ bòng bong cần giải quyết. Nếu bạn đã hạnh phúc sẵn rồi thì hôn nhân chỉ là chuyện nhỏ: Vì bạn là người sống lý trí rồi nên thường sẽ kết hôn với một người hợp lý và phù hợp.
Hơn nữa, từ lúc bạn định kết hôn cho tới bạn thật sự kết hôn sẽ chẳng cần quá 1 năm. Trong vòng 1 năm nếu bạn nỗ lực đúng đắn thì sẽ kết hôn được thôi. Kết hôn giống như xin việc và tuyển dụng, bạn cần tuyển dụng theo đúng trình tự.
Kết hôn và tuyển dụng về cơ bản giống nhau về trình tự, chỉ khác nhau về mục đích.
Nhưng mục đích sau cùng vẫn giống nhau: Để bạn hạnh phúc và/hoặc an toàn hơn, chứ không phải kém đi.
Làm sao để tìm được người phù hợp để kết hôn?
Bạn tạo ra Bảng Kết Hôn (Marriage Table) để đánh giá các đối tượng, tất nhiên là bạn phải có nhiều ứng cử viên để đánh giá, tránh trường hợp chỉ có một đối tượng duy nhất ^^ Bảng MT này phải gồm tất cả mọi tiêu chí để đánh giá, càng chi tiết càng tốt, và bạn sẽ chấm điểm theo từng hạng mục một, với trọng số mà bạn gán trước. Trọng số thể hiện mức độ quan trọng của hạng mục đó.Ví dụ nếu bạn giàu thì hạng mục thu nhập của đối tượng không quan trọng lắm, nên bạn đặt trọng số thấp tùy theo mức độ giàu có của bạn. Nhưng nếu bạn nghèo rớt mùng tơi (như tôi) thì phải đặt trọng số lớn vào, nếu không mọi hạng mục đều tốt nhưng hôn nhân lại đổ vỡ chỉ vì vấn đề tài chính. Vấn đề tài chính bao giờ cũng là nền tảng cơ bản của hôn nhân, nên tốt nhất là ít nhất một trong hai người phải có thu nhập tốt.
Nếu bạn là người có khiếu hài hước (humor sense) thì bạn không cần coi trọng khiếu hài hước ở đối tượng lắm, nên đặt trọng số thấp. Nhưng nếu bạn không có khiếu hài hước thì cần phải tìm người có khiếu hài hước, bằng cách đặt trọng số cao lên, vì nếu cả hai người không hài hước thì cũng rất dễ trầm cảm.
Tóm lại thì đây chỉ hoàn toàn là về mặt lý trí và thực hiện một cách khoa học. Tất nhiên là không nên làm một cách hoàn toàn "vô cảm" mà "cảm xúc", "mức độ vui vẻ khi ở bên đối tượng", "mức độ vui vẻ của đối tượng khi ở bên bạn" cũng là những hạng mục cần đánh giá trong Bảng Kết Hôn này.
Làm thế nào để biết đối tượng có hài hước, hay có vui khi ở bên bạn không? Đơn giản là bạn chỉ cần hỏi:
"Em có hài hước không?"
"Em vui tới cỡ nào khi ở cạnh anh, theo thang điểm từ 0 tới 10?"
Sau đó bạn nghe câu trả lời và đánh giá, không nên mù quáng tin rằng mọi thứ đều chính xác 100% mà bạn phải đánh giá theo trực giác của chính bạn.
Bước đầu là tìm đối tượng phù hợp như thế đã. Mà điểm quan trọng như đã nói là "trong số". Quyết định trọng số chính xác sẽ quyết định bạn có tìm được người thực sự phù hợp để kết hôn hay không. Làm thế nào để quyết định trọng số chính xác?
Phân tích bản thân (自己分析 jiko bunseki, tự kỷ phân tích)
Bạn phải hiểu bạn trước khi phân tích, đánh giá đối tượng kết hôn. Việc phân tích bản thân không chỉ giúp bạn đưa ra trọng số đúng, mà còn giúp bạn chấm điểm được chính bản thân bạn, từ đó mà có thể appeal (アピール, thể hiện điểm mạnh, quảng bá bản thân) với đối tượng.Việc phân tích sai bản thân, hay không phân tích thường sẽ khiến bạn đặt trọng số sai, do đó, thay vì tìm được đối tượng phù hợp thì lại tìm được đối tượng sai hoặc không phù hợp, tức là hôn nhân sai lầm, khiến bạn phải trả giá trong tương lai.
Ví dụ bạn không hề hài hước nhưng lại nghĩ mình hài hước chẳng hạn, hoặc bạn không có tài chính tốt như bạn tưởng nhưng vẫn lấy người nghèo quá mức cần thiết chỉ dựa trên cảm xúc vui vẻ khi ở cạnh.
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment