Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Monday, October 26, 2020

Tâm bệnh

"Tâm bệnh càng chữa càng nặng"

- Ngạn ngữ cổ nhân loại -

Vì sao tâm bệnh?

Sau mỗi chương trong cuộc đời (7 - 10 năm), con người thường bị tâm bệnh. Đó là khi đã đi tới cùng một con đường và ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cho dù là bạn bước chân vào đời đi làm, hay đi du học/sinh sống/định cư ở nước ngoài, hay ở trong một mối quan hệ quá lâu, thì cuối mỗi chương sự bế tắc sẽ lớn dần lên và cuối cùng tâm bệnh sẽ tìm tới. Tệ hơn là còn có thể bị trầm cảm.

Đó là khi chúng ta không còn đủ sức để đi tiếp về tương lai, thực hiện các lý tưởng đã đề ra, và quá khứ bắt đầu trở nên một nỗi ám ảnh như bóng đen phủ xuống cuộc đời.

Phải làm thế nào để thoát khỏi tâm bệnh? Đây là câu ngạn ngữ của cổ nhân loại (trước thời đại robot): "Tâm bệnh càng chữa càng nặng", uống rượu giải sầu, lòng lại càng sầu thêm.

Cách tốt nhất để chữa tâm bệnh là không làm gì cả. Chỉ làm công việc chuyên môn và hoàn thiện nó lên. Tôi bị tâm bệnh từ đầu năm và sức khỏe lao dốc như thị trường chứng khoán, số lượng ác mộng mơ thấy bằng cả mười năm trước cộng lại. Và tôi biết, quá khứ đã bằng cách nào đó đào mồ sống dậy, phủ bóng lên cuộc sống hiện tại. Thế là tôi như một người đã lạc lối không còn biết mình nên đi về đâu.

Nhưng dù sao tôi cũng đã tranh thủ lập trình được một hệ thống để biến những ý tưởng thành hình thành dáng. Đây là những việc vừa sức có thể làm trong lúc sống điền viên qua ngày đoạn tháng.

Nếu là bạn thì sao? Nếu bạn đã đi làm 10 năm, chẳng lẽ không khủng hoảng hay sao? Mọi người đều khủng hoảng khi đã cháy hết năng lượng. Thậm chí nếu bạn đã sống ở Nhật 10 năm, bạn cũng bị cơn khủng hoảng lớn và mất niềm tin để bước tiếp. Và sau một thời gian dài tìm cách thích ứng, bạn đã kiệt quệ về thể lực và tinh thần.

Tất cả đều chỉ như bọn zoombie lê bước trong cuộc đời không mục đích mà thôi!

Đây có thể gọi là khủng hoảng giữa đời (mid-life crisis). Bao nhiêu thứ phải chi, bao nhiêu hóa đơn phải trả, bao nhiêu lý tưởng phải thực hiện mà lực bất tòng tâm, bao nhiêu sức lực tan biến cả. Như một chiếc xe hết xăng chết máy giữa sa mạc.

Trên thì có mẹ già, dưới thì có em (con) nhỏ! Cuộc sống như một con tàu đắm, cứ bịt lỗ này thì lại thủng lỗ khác. Mà trong thế đã cưỡi lên lưng cọp rồi, khó mà xuống được.

Điều chỉnh lối sống và cách làm việc

Năm nay sức khỏe và tinh thần tôi suy sụp một cách có hệ thống, nhưng bù lại tự nhiên lại thông minh xuất chúng! Phải thay đổi cách làm việc dựa vào sức, sang dựa vào TRÍ.

Trí tuệ, đó là thứ làm con người ta khác nhau khi đã đi được nửa đường đời.

Một người có trí tuệ biết rằng mình phải dừng lại, phải điều chỉnh lối sống và cách làm việc.

Một người không có trí tuệ sẽ hoảng loạn mà làm liều, gây ra hậu quả không thể khắc phục.

Do đó, khi các bạn còn trẻ, trong độ tuổi đôi mươi, quan trọng nhất chính là BƯỚC CHÂN RA THẾ GIỚI BÊN NGOÀI, tích lũy kiến thức và trí tuệ, mà trải nghiệm khi còn trẻ chính là tri thức.

Nếu thời trẻ bạn rèn giũa nhân cách, tài năng, thì bạn sẽ thành người có trí tuệ và có thể thay đổi lối sống, cách làm việc sang một cách thông minh hơn.

Thời trẻ thì tôi làm việc trâu bò, nhưng lúc này thì không thể. Tôi phải phát minh ra thêm các công cụ để làm việc tự động. Đây chính là lúc làm được như thế.

Ví dụ, tôi có một vài dự án quan trọng, không thể làm từ thứ từ thứ một được. Phải làm ĐỒNG THỜI MỌI THỨ QUAN TRỌNG. Cách làm việc vô cùng quan trọng. Đầu tiên phải làm cho hệ thống chạy được, một cách nhanh nhất có thể. Sau đó mới sửa dần các lỗi. Vì nếu không làm thế, khối lượng công việc là khổng lồ và không thể nào mà làm hoàn hảo được. Sẽ kiệt sức mà từ bỏ giữa chừng.

Vì làm theo cách này và hoàn thiện dần, mà trong năm nay hầu hết mọi thứ tôi định làm đều thành hình thành dáng.

Hơn nữa, nếu bây giờ không làm việc một cách thông minh, mười năm nữa sẽ lâm vào cảnh chưa giàu đã già vô cùng tai hại về sau.

Sức mạnh của sự trì hoãn

Sức mạnh của sự trì hoãn, chứ không phải sự không trì hoãn. Nghe thì có vẻ ngược đời, vì tôi vừa nói phải làm đồng thời nhiều việc ở trên. Đấy là các việc quan trọng thôi.

Các việc không quan trọng thì phải tối giản và trì hoãn. Ví dụ mặc hết quần áo tôi mới giặt một lần, giảm tối đa số lần chạy máy giặt, từ đó tiết kiệm thời gian và cả máy giặt nữa.

Các việc khác thì cứ trì hoãn nếu nó không thực sự gấp. Trước đây tôi có thói quen tốt là mỗi ngày list 5-6 việc vào sổ tay và cố gắng làm xong trong ngày. Số việc làm được rất nhiều, nhưng có những việc không thể hoàn thành trong ngày. Như thế tôi luôn bị quay cuồng trong những việc không gấp.

Tại sao không list 5-6 việc nhưng cho cả một tuần luôn? Có phải không làm thì ngày mai thế giới sẽ sụp đổ đâu. Có những việc trì hoãn sẽ tốt hơn.

Kể cả kiếm tiền làm giàu cũng thế. Khi có đủ kiến thức thì làm một thể. Còn nếu khi còn trẻ mà nai lưng ra cày rồi sống tằn tiện để mua nhà, thì đến khi có nhà (thường là sau 10 năm), mọi niềm vui hóa thành tro trong miệng, miếng ngon bỗng trở nên nhạt thếch.

Đấy là sự thật. Đấy cũng là lý do mà mọi người bị khủng hoảng sau 10 năm cày cuốc hay đèn sách. Nhưng việc đấy, bạn không trì hoãn được sao? Mua nhà không trì hoãn được sao? Kết hôn không trì hoãn được sao? Có con cái không trì hoãn được sao?

Bởi vì chúng ta còn chưa đủ trí tuệ cơ mà. Nếu đủ trí tuệ thì bạn chỉ cần một cái búng tay mà thôi. Đấy gọi là KỲ TÍCH.

Kỳ tích sau mười năm

Nhìn lại, tôi thấy rằng, cứ sau 7-10 năm (một chương), cuộc đời lại xảy ra kỳ tích một lần.

Đó là QUYẾT ĐỊNH ĐI DU HỌC, khi đã chán cuộc sống, trường học, con người ở VN đến tận cổ.

Đó là QUYẾT ĐỊNH VỀ NƯỚC, khi đã chán nước Nhật đến tận cổ và sắp thối rữa ở Đông Kinh.

Đó đều là những quyết định vô cùng đúng đắn.

Nhưng khoan đã, làm sao chúng ta biết một quyết định đúng hay sai? Nếu chúng ta không lựa chọn như thế, biết đâu cuộc sống vẫn bằng và tốt hơn?

Về cơ bản không có quyết định sai. Mọi quyết định đều phù hợp thể chất, cuộc đời của bạn. Nhưng sự đúng đắn là nằm ở TRỰC GIÁC và sự CẢM NHẬN. Có những quyết định vội vàng chúng ta biết ngay là sai lầm, đó là vì trực giác mách bảo thế. Sau đó chúng ta tự an ủi, không làm thì sao biết. Chỉ là để làm giảm nỗi đau mà thôi.

Khi tới cuối chương và bế tắc, thì con người phải thay đổi. Phải ra quyết định lớn, thay đổi toàn bộ cuộc đời từ đấy về sau. Nhưng không vì bạn cố gắng mà cuộc đời sẽ chiều theo ý bạn. Không phải như thế! Đấy là điều bạn sẽ thấm thía sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu.

Mà là do KỲ TÍCH (奇跡 KISEKI) nữa. Kỳ tích chỉ xảy ra khi chúng ta có một MINDSET đúng đắn. Do đó, thường ngày dù chỉ sống qua ngày đoạn tháng, bạn vẫn rèn luyện để có mindset đúng.

Đừng hỏi tại sao lại có nhiều bạn du học sau 7-10 năm đi làm. Vì đã đến lúc thay đổi và có lẽ, một kỳ tích nào đó đã xảy ra để họ quyết định đi du học, hay ra nước ngoài sinh sống.

Tâm bệnh và trầm cảm

Tâm bệnh không phải là trầm cảm, nhưng trầm cảm thì chắc chắn là tâm bệnh. Nếu bị trầm cảm thì làm sao thoát ra khỏi mớ bòng bong này? Phải chăng bạn bị nguyền rủa bởi bóng tối?

Mà trầm cảm ngày càng trẻ hóa và làm giảm sức lao động của toàn xã hội? Không, quan tâm đến sức lao động của xã hội làm gì nữa.

Quan trọng là bạn không làm gì quá sức, không cố gắng. Không được cố gắng làm gì cả. Tất nhiên là vẫn phải ăn uống. Trầm cảm cũng là một dạng tâm bệnh khi có quá nhiều thứ phải thay đổi mà bạn không còn đủ sức để làm bất kỳ điều gì nữa. Tâm bệnh thực chất cũng là khi đi hết một chương (7-10 năm) bạn đã kiệt sức và không biết mình cần phải làm gì để thay đổi hiện trạng.

Bởi lẽ, trầm cảm nghĩa là mọi thứ đều "có vẻ tốt, thế giới có vẻ hòa bình" mà bạn lại không cảm nhận được niềm vui, từ những việc mà lẽ ra bình thường bạn thấy vui, và thấy nặng nề những việc mà bình thường bạn thấy nhẹ nhàng.

Tâm bệnh có nghĩa là bạn "hạnh phúc về mặt lý thuyết", nhưng không cảm nhận được sự hạnh phúc. Vì sao lại chỉ hạnh phúc trên lý thuyết?

Bởi vì bạn đã kiệt quệ (thể lực/tinh thần), bạn không còn cảm nhận được gì nữa cả. Tất cả chỉ còn là một màu xám tro.

Những người bị mid-life crisis thường là có nhà cửa xe cố gia đình đề huề, bố mẹ hai bên vẫn khỏe, anh chị em hòa thuận và thậm chí còn sống "tốt đời đẹp đạo" nữa. Về lý thuyết thì họ hạnh phúc.

Còn về thực tế? Chỉ là một sự mệt mỏi kéo dài đằng đẵng năm này qua năm khác.

Hỏng rồi! Hỏng cả rồi!

Nhưng vì đã trót khoác lên chiếc mặt nạ thành công, hạnh phúc, lẽ nào lại gỡ xuống để chúng sinh cười chê? Để rồi những lời "thông thái" mà bản thân phát ra trở thành rác rưởi đáng kinh tởm?

Đó cũng là một tâm lý phức tạp, nói cách khác là một dạng UẨN ỨC mà những người "thành công" thường mắc phải.

Tôi nói thẳng, trong năm vừa rồi tôi chỉ "hạnh phúc về mặt lý thuyết" mà thôi. Nhưng tôi cũng không giấu diếm gì điều này. Tức là không hạnh phúc. Nói đúng hơn là không hạnh phúc, không đau khổ.

Từ đó, rốt cuộc hạnh phúc là gì? Liệu có nên mưu cầu hạnh phúc khi chúng ta đang không hạnh phúc hay không?

Hay ví dụ, người bị trầm cảm, có nên phấn đấu để được như người "bình thường" hay không?

Ha ha. Sống như người "bình thường" thì không hiểu sẽ bất hạnh và bi kịch lúc nào nhé. Sớm muộn rồi cũng sẽ bất an trong tâm hồn và đi theo tôn giảo (một dạng khác của tôn giáo), hay mê tín dị đoan.

Nếu đã phấn đấu, thì phấn đấu có trí tuệ và sống vui vẻ, ai lại đi phấn đấu để được như chúng sinh!

Hạnh phúc là do đâu?

Tôi có chuyết khá nhiều về chủ đề "hạnh phúc chuyết luận" trong đó có nói rằng theo đuổi hạnh phúc (trong lúc bạn không hạnh phúc) thì khác nào đuổi theo một em cún trên cánh đồng. Bạn sẽ không bao giờ đuổi kịp và càng đuổi em càng chạy. Bạn đã không ngờ "hạnh phúc có chân và chạy nhanh như thế".

Mười năm trước tôi hạnh phúc khi về nước (và nhanh chóng chìm đắm trong một ảo mộng ái tình).

Mười năm trước đó tôi hạnh phúc khi đi du học (và cũng nhanh chóng chìm đắm trong một ảo mộng ái tình).

Ảo một ái tình chỉ là phụ thôi, là hệ quả (tác dụng phụ), chứ không phải là điều chính. Quan trọng chính là hít thở một bầu không khí mới. Từ trong nước sang Nhật Bản, bầu không khí trong lành hơn rất nhiều, cuộc sống như sang một trang mới, chưa biết tốt hay xấu, nhưng tinh thần, thể lực thay đổi hoàn toàn.

Và lúc thần thể, tinh thần đã thối rữa ở Nhật, việc về nước cũng vậy. Tưởng như bản thân đã già và mất hết niềm vui, thì lại được ngẩng mặt mà đón nắng ấm phương nam.

Bởi vì, tất cả là do KỲ TÍCH xảy ra mà thôi.

Hạnh phúc, theo ý nghĩa nào đó, là NGẪU NHIÊN. Không phải thứ mà bạn nỗ lực để có được. Không vì bạn khao khát cuồng dại mà bạn sẽ hạnh phúc.

Tôi ví dụ thế này cho dễ hiểu. Lúc này, điều gì làm bạn hạnh phúc? Có lẽ là bạn sẽ khởi nghiệp, mở dịch vụ bật nhạc và giao đồ ăn tận giường cho bọn lười nhác, từ đó có rất nhiều unique user và bạn thành công, rồi các công ty tài chính rót vốn để bạn xây dựng thương hiệu toàn cầu. Bạn có tiền và danh tiếng, và bạn sẽ hạnh phúc? Rất có thể! Trong thời đại tư bản chủ nghĩa, bạn kinh doanh thành công thì bọn súc sinh sẽ nghe và nuốt từng lời của bạn, và xung quanh bạn toàn các trang "tuyệt thế giai nhân" (hạng hai).

Nhưng đấy lại không phải là hạnh phúc trước thời đại kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trước đây hạnh phúc chỉ là đủ ăn và không chết sớm vì bệnh!

Như thế, những thứ làm nên "hạnh phúc" chỉ là ngẫu nhiên. Có lẽ thời này mà bạn không làm được những điều mà tư bản kỳ vọng, bạn không hạnh phúc nữa. Nếu bạn không làm 16 tiếng/ngày, kiếm mức lương n con số, thì bạn chỉ là cặn bã không đáng sống.

Đấy chắc gì đã là hạnh phúc! Vì thế bọn CEO ngân hàng ai cũng đau khổ cùng cực mỗi ngày.

Hạnh phúc là khi chúng ta sống thật hài hòa, thật thoải mái, không đau khổ và không cố gắng có nó, và nó xảy ra như một kỳ tích.

Một ý tưởng nào đó, một biến cố nào đó. Chẳng liên quan gì tới những trải nghiệm trước đây.

Trầm cảm cũng vậy nhé, một ngày "bóng ma" này tan biến, biết đâu đó không phải là bóng ma? Chỉ là một người bạn, một bài học trong cuộc sống, dạy bạn rằng: Bạn không thể nỗ lực như thế. Đôi khi nghỉ ngơi sống điền viên dưỡng sinh cũng tốt mà. Sao phải nhọc nhắn cố gắng thay đổi thế giới hay bận tâm tới người khác theo khẩu hiệu: Những kẻ can trường sẽ thay đổi thế giới (hoặc là chết thảm).

Chúng ta cố gắng để có thể không cố gắng, và cố gắng để không phải cố gắng, và không cố gắng để làm các việc mà chúng ta phải cố quá (để rồi xác suất cao trở thành quá cố).

Biết đâu năm nay bạn bế tắc, nhưng từ nay tới cuối năm, hoặc năm sau, lại có kỳ tích xảy ra nhỉ?

À nhân tiện, cho tôi khoe một tí. Năm nay lập trình được khá nhiều công cụ để có thể tự động hóa công việc, để DATA MINING và có thể xử lý BIG DATA. Từ từ phải xây dựng trí tuệ nhân tạo thì tương lai mới tiến lên CNXH khoa học cà pháo được. Tôi cũng chẳng quan tâm đến họa bóng trắng hay các loại thảm họa khác. Đấy chỉ là nhân quả mà thôi. Sức đề kháng của tôi vẫn cực tốt nhờ không uống thuốc gì trong thời gian dài (vì thế không tốn tiền thuốc hay viện phí). Như thế, năm nay về mặt công việc cá nhân thì lại quá thành công. Vì đến một lúc nào đó, phải khôn ra thôi. Khi khôn ra, cách làm việc thay đổi, thì hiệu quả cao hơn nhiều. Như thế, quan trọng là luôn có ý tưởng mới, không khốn khó về tiền bạc, và phải có đủ trải nghiệm. Cái tuổi nó đuổi cái xuân, nhưng trí tuệ có thể bù lại được, nên già đi cuộc sống thường tốt lên. Các bạn còn trẻ và đang vi vu ở Nhật thì cứ mạnh dạn trải nghiệm nhé!

Mark

No comments:

Post a Comment