Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Sunday, May 20, 2018

Lễ nghĩa trong cuộc đời

Điều quan trọng trong cuộc đời không phải là năng lực, hơn thua nhau (về tài năng, tài sản vv) mà quan trọng là lễ nghĩa. Hơn thua nhau về tiền tài chỉ là cái hơn nhau của kẻ thất phu. Xã hội coi trọng tiền tài sớm muốn cũng sẽ đại loạn. Trên không làm gương, dưới không tuân luật, cai trị và sinh sống kiểu chủ nghĩa huynh đệ, cá mè một lứa.

Vì điều quan trọng là LỄ NGHĨA. Mà phải là lễ nghĩa thật sự, không phải lễ nghĩa kiểu chủ nghĩa ức hiếp, kẻ này đứng trên đầu kẻ khác, sùng bái cha mẹ hay sùng bái quyền lực. Vì con người đều là bình đẳng. Trong một xã hội con người không bình đẳng thì "lễ nghĩa" thực chất chỉ là "lễ nghĩa giả", tức là "vô lễ".

Lễ nghĩa thật sự là bạn không thất lễ và không để người khác thất lễ với bạn. Do đó, phải có tôn nghiêm về nhân cách và tôn nghiêm về thân thể.

Vậy làm sao để biết một người có lễ nghĩa trong cuộc đời? Làm sao biết một xã hội là "lễ nghĩa giả" hay "lễ nghĩa thật"?

Trước hết là xem người đó có không xả rác bậy ngoài đường không. Tức là xả rác bậy ngoài đường hay là mang rác về nhà. Một xã hội có lễ nghĩa thì sẽ không xả rác ngoài đường. Một xã hội không có lễ nghĩa sẽ xả rác ngoài đường.

Nếu chỉ nói về "hiện tượng" thì khác gì thất phu, trí thức nửa mùa chỉ biết nhìn vấn đề mà không tìm được căn nguyên, chỉ thấy cây mà không thấy rừng?

Không phải ý thức thấp mà là "văn hóa thấp"

Mọi người đều ý thức được là không nên xả rác ra đường. Vì không ai muốn ra đường mà gặp toàn rác. Những người xả rác ngoài đường thì nhà họ sạch như li như lau cả. Họ chỉ xả rác ngoài đường cứ không xả rác ở nhà. Đây không phải về ý thức mà là về văn hóa.

Văn hóa thấp bắt nguồn từ đâu?

Bắt nguồn từ giáo dục tư lợi trong gia đình. Cha mẹ chỉ dạy con làm điều lợi cho bản thân mà không làm điều đúng đắn hay điều tốt. Nếu mang rác về nhà thì sẽ bị chì chiết và chê cười, cho tới khi tư tưởng tư lợi nhiễm vào trong đầu: Chỉ được làm điều tốt cho bản thân, không cần làm điều tốt cho xã hội.

Khi giáo dục kiểu này phổ biến trong xã hội thì con người trở nên tư lợi và xả rác ngoài đường sẽ thành "việc tốt": Chỉ nên mang tiền về nhà, không được mang rác về nhà.

Trong khi điều đúng đắn là mang rác về nhà chứ không xả bậy ngoài đường. Đấy gọi là LỄ.

Vì sao dạy con cái thành người văn hóa thấp?

Vì điều đó có lợi cho cha mẹ. Dạy con cái làm điều đúng đắn thì con cái không tư lợi, và cha mẹ không tư lợi được từ con cái. Với cha mẹ tư lợi thì con cái chính là nguồn sống về tinh thần và vật chất khi về già. Ngay từ nhỏ phải dạy con cái sùng bái cha mẹ, coi gia đình là nhất, làm điều có lợi cho gia đình chứ không phải làm điều lễ nghĩa.

Khi gặp một người "văn hóa" thấp nghĩa là họ là người tư lợi và nhiều khả năng cha mẹ họ là người như vậy.

Hậu quả của không có lễ nghĩa

Không có lễ nghĩa hậu quả rất khôn lường. Vì không ai thông minh lại thích người văn hóa thấp. Người văn hóa thấp chỉ chơi được với người văn hóa thấp. Thường thì không sao, nhưng khi có vấn đề thì sẽ không có người đưa ra lời khuyên đúng.

Có những người ngay từ lần gặp đầu tiên chúng ta đã không ưa: Họ không có lễ nghĩa và hành xử khó coi.

Những người như thế sẽ chỉ chơi với nhau và sẽ kéo nhau xuống bùn:

Chơi với người tư duy nghèo sẽ nghèo.
Chơi với người đau khổ về bản chất sẽ đau khổ.

Phải nhớ hai điều này, khắc cốt ghi tâm hai điều này trong cuộc đời.

Ngoài ra, không có lễ nghĩa thì sẽ chỉ đi làm được ở nơi không có lễ nghĩa, làm công việc theo cách không có lễ nghĩa, chơi với người không có lễ nghĩa nên sớm muộn cũng bị chơi xấu và cay đắng.

Kiểu người "vứt rác để công nhân vệ sinh có việc để làm" sẽ gặp ông bà chủ tồi tệ luôn sai làm đủ thứ tệ hại để "cho có việc mà làm".

Những người không có lễ nghĩa trong cuộc đời cũng sẽ không nhận được lễ nghĩa trong cuộc đời.

Vì thế, tôi nghĩ điều đầu tiên là thực hành sống lễ nghĩa trước, mà trước tiên là không xả rác bậy.

Nhân tiện, tôi không đánh giá con người theo thang họ mang lợi gì cho tôi, tôi chỉ đánh giá bằng lễ nghĩa. Làm lợi cho tôi thì tôi không quý. Sống có lễ nghĩa thì tôi sẽ quý.

Trong xã hội không có lễ nghĩa thì có thể là ngược lại. Họ quý bạn không vì bạn có lễ nghĩa hay không, mà vì bạn mang lại lợi ích cho họ hay không. Đúng lắm!

Nhưng vì thế mà con người thay lòng đổi dạ bạn ạ. Nếu bạn không làm lợi cho họ nữa, hay họ kiếm được người có lợi hơn cho họ thì cứ xác định là tình cảm sẽ thay đổi.

Dùng lễ để đối xử với mọi người thì những người có lễ sẽ dùng lễ đối xử lại với bạn. Đây là bắt đầu của cuộc sống thư thái.
Mark

1 comment:

  1. Đi làm mà ko mang lại lợi ích cho cty thì cũng sẽ bị đuổi việc, dù cho sống có lễ nghĩa đi nữa.

    ReplyDelete