Miễn 100% phí hồ sơ du học Nhật + Tặng 5~9 triệu/bạn

Wednesday, January 25, 2017

Thời gian tuyệt đối: Rốt cuộc vì sao không thể di chuyển theo chiều thời gian?

Như đã nói lần trước, chúng ta không thể đi về quá khứ hay đi tới tương lai do luật nhân quả. Tuy nghe có vẻ hợp lý nhưng có thể chẳng có ý nghĩa gì trong vũ trụ, chỉ là ước mơ của những kẻ thua thiệt và thất bại thì sao?

Vì sao chúng ta cứ kẹt cứng mãi ở hiện tại mà không thể nhúc nhích theo chiều thời gian? Chúng ta phải đợi từng giây, micro giây, ... trôi qua và "tương lai phải tới lúc đó mới biết được". Những người muốn biết trước tương lai chỉ có cách là xem bói nhưng thật ra họ không biết được tương lai mà đó chỉ là ảo ảnh do não bộ thầy bói tạo ra. Chính thầy bói cũng chẳng biết được tương lai của chính họ trừ "tương lai này": Tiền từ túi người xem bói sẽ vô túi thầy, ngay trong tương lai rất gần, cụ thể là khi buổi xem bói kết thúc (và khuyến mãi thêm câu "cho bao nhiêu là tùy tâm" để đảm bảo kiếm được nhiều hơn 2, 3 lần thông thường!)

Đâu là câu trả lời tốt nhất? Theo tôi là câu này:

"Vì thời gian không hề tồn tại"

Chúng ta có thể di chuyển trong "không gian" vì đó là vật chất, và vật chất có tồn tại. Hãy tưởng tượng bạn ở khoảng trống của vũ trụ, chẳng có gì, chẳng thấy gì, làm sao biết bạn đã di chuyển? Vì không hề có cột mốc nào, bạn sẽ nghĩ bạn đang rơi trong một cái bẫy dù vẫn dùng động cơ phản lực để di chuyển.

Thời gian không phải là vật chất, và cũng chẳng tồn tại. Nếu vậy thì bản chất của thời gian mà chúng ta đo đạc, nói tới là gì đây?

Thời gian vật lý là thời gian đo bằng công cụ đo về mặt vật lý.
Thời gian tâm lý là sự bóp méo của thời gian vật lý do các hoạt động tâm lý.

Vấn đề đo thời gian

Chúng ta đo thời gian cách nào nhỉ? Tôi dẫn bạn vào một căn phòng trắng hoàn toàn và bảo bạn bây giờ là 12 giờ trưa, hoặc là 12 giờ đêm, thì có cách nào bạn phân biệt không? Không, chẳng có cách nào cả.

Chúng ta đo thời gian "ngày" dựa vào mặt trời hay chính xác là tương quan giữa trái đất và mặt trời. Tùy vào mặt trời đang ở hướng đông hay hướng tây mà chúng ta biết là sáng hay chiều, và cả cường độ nữa. Nhưng trong một ngày mưa bão, chúng ta chịu không biết là 3 giờ chiều hay 6 giờ chiều.

Chúng ta đo mùa hay năm theo thời tiết. Mùa xuân hoa nở, vậy thôi. Mà thời tiết lại là sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời.

Chúng ta đo âm lịch theo mặt trăng, đếm bao nhiêu mùa trăng tròn, như câu này:

人间事常难遂人愿,且看明月又有几回圆。
Việc nhân gian thường khó mà chiều theo ý con người,
Thoáng chốc đã thấy trăng sáng lại mấy lần tròn.

Trong bài 相见难别亦难 (Tương kiến nan, biệt diệc nan = Nhìn nhau đã khó, li biệt còn khó hơn)

Trong vật lý hiện đại, một giây (1 second) được định nghĩa như sau:
Khoảng thời gian bằng 9 192 631 770 lần chu kỳ của bức xạ điện từ phát ra bởi nguyên tử Cs133 khi thay đổi trạng thái giữa hai mức năng lượng đáy siêu tinh tế.

Trường hợp không thể đo thời gian

Ngày nay, ai cũng có thể dùng đồng hồ để đo thời gian, hay dùng smartphone. Nhưng thật ra bạn không "đo" mà bạn chỉ "đọc". Bạn chỉ ăn sẵn chứ chẳng thực hiện phép đo nào. Bạn chỉ đo bằng cách quan sát mặt trời, mặt trăng và dựa vào mức độ đói của bụng thôi. Nếu dậy mà đói quá, bạn nghĩ "chắc sắp trưa rồi" và đến lúc phải ăn gì đó.

Ví dụ như Robinson trên đảo hoang, trong đợt ốm liệt giường không còn biết đêm hay ngày nữa. Đây là trường hợp bạn bị ốm, sợ ánh sáng giam mình trong phòng kín, người lả đi không biết ngày hay đêm và bao nhiêu ngày đã qua. Hoặc khi bạn hôn mê cũng vậy, khi tỉnh dậy sau hôn mê lâu bạn không biết là ngày nào tháng nào năm nào.

Nếu nhốt bạn vào một cảnh 3D với ánh sáng không đổi, bạn cũng chịu không biết là thời gian nào. Hoặc có thể tạo ngày nhân tạo và làm bạn tin vào điều đó (fake time).

Vậy đặc điểm chung của các phương pháp đo thời gian là gì?

Đó chỉ là sự biến đổi của vật chất. Bạn đo thời gian bằng SỰ BIẾN ĐỔI (CHANGE):

TIME = CHANGE
Thời gian = Sự biến đổi

Bạn đo ngày là theo sự biến đổi trái đất quay hết một vòng, đo tháng âm lịch là sự biến đổi mặt trăng quay hết một vòng quanh trái đất, đo năm là do trái đất quay hết một vòng quanh mặt trời. Và đo giây trong vật lý học là sự biến đổi của nguyên tử CS133. Nếu tất cả biến đổi này mất đi, bạn không đo được nữa.

Sự biến đổi vật chất là thời gian tuyệt đối. Một khi trôi qua sẽ không bao giờ đảo ngược. Như quá trình giãn nở nhiệt, vụ nổ của ngôi sao, biến mất của một thiên hà, sụp đổ hố đen vv. Một khi đã trải qua sẽ không bao giờ có thể trở về ban đầu theo đúng luật nhân quả.

Hãy nghĩ tới cảnh bạn ở một thành phố ảo (thành phố 3D) không thay đổi gì thì thời gian chẳng tồn tại vì lúc nào cũng như lúc nào.

Trong một thực tại ảo, thời gian chỉ là ảo và ngay cả cô bạn gái xinh đẹp cũng chỉ là ảo ảnh.
(The 13th floor)

Khi bạn vận chuyển với vận tốc ánh sáng (xem Thời gian tương đối), thời gian trở nên vô hạn, tức là ngừng trôi bạn chẳng già đi, cũng chẳng biến đổi, có lẽ, bạn trở thành "sóng ánh sáng". Nguyên tử đơn giản là không chuyển mức năng lượng, nên đồng hồ không chạy nữa - hoặc vẫn chạy nhưng vì chiều dài trở thành 0 nên bạn cũng chẳng biết là mấy giờ.

Như vậy nếu không có sự biến đổi thì chúng ta không cảm thấy được thời gian. Bạn cảm nhận cuối tuần (weekend) là sự thay đổi giao thông, cảm nhận ngày tết là do trời lạnh mưa phùn. Nếu không, bạn chẳng cảm nhận được gì. Có những năm tháng trôi qua như năm cũ, vì bạn chẳng làm gì và thời gian như ngừng trôi. Mỗi đêm bạn thức dậy thành phố vẫn như cũ. Nhưng nếu bạn hôn mê 10 năm và thức dậy, bạn tự hỏi "Ngày này là ngày nào, năm nào" vì mọi thứ thay đổi quá nhiều. Nếu họ nói rằng năm nay là năm 2047, quả thực là năm 2047 vì vì lịch treo tường ghi như vậy, thì bạn tin rằng đã 30 năm trôi qua, và tình cờ bạn tìm về năm 2017 và đọc được bài viết này (^^ 笑). Cụ thể thì trong thời gian hôn mê đã 30 năm trôi qua tương đương 30 x 13 = 390 lần trăng tròn.

Thời gian và ảnh hưởng tới đời người

Tôi nói là thời gian không tồn tại, vậy thì ảnh hưởng gì? Hãy tư duy một chút: Thế giới ngày nay chỉ là sự tiếp nối của thế giới cũ, của vật chất từ buổi khai sinh lập địa. Bạn của ngày mai chỉ là sự biến đổi (change) của bạn ngày hôm nay. Sự thật là vật chất tạo nên bạn đã có tuổi thọ bằng ... tuổi vũ trụ rồi.

Như vậy, mọi người đều có tuổi vật chất bằng nhau. Chủ nghĩa kính trọng người già của nho giáo, hay con cái phải kính trọng cha mẹ là bất hợp lý. Vì con cái chỉ là sự biến đổi tiếp theo của cha mẹ và bình đẳng mà thôi.

Và chúng ta tiếp tục biến hóa. Khi trở thành tro bụi, tôi vẫn tiếp tục biến đổi ở dạng vật chất không ngừng, không hẳn là mất đi. Mà suy cho cùng, mọi thứ tôi có cũng chỉ là do hấp thụ lại thôi, tôi còn CHƯA TỪNG TỒN TẠI. Bạn biết tôi (Mark) tồn tại chủ yếu qua những dòng chữ này, nhưng có thể đó chỉ là một ảo ảnh, một ma trận do bạn tưởng tượng ra khi đang bị giam trong một thực tế ảo và phát triển chứng hoang tưởng (dilusion) mà thôi, ai mà biết được? ^^

Vì thế mà chuyện thành bại trong đời người chỉ là một trò chơi (game) không hơn không kém. Quan trọng chính là nhận thức về thực tại và trả lời câu hỏi "Tôi là ai?" "Mục đích sống của tôi là gì?".

Như trong câu 人间事常难遂人愿 "nhân gian sự thường nan toại nhân nguyện" (人生はめったに思い通りにならない, cuộc đời thường khó mà chiều theo ý muốn) thì dù bạn giàu hay bạn nghèo cũng như nhau cả thôi: Bạn vẫn không thể làm chủ thời gian và vẫn chỉ là sự vận động trong vũ trụ. Bạn có con, hay không có con, vẫn chỉ là vấn đề tâm lý và tình cảm, chẳng ý nghĩa gì trong cuộc đời. Vì ý nghĩa duy nhất chỉ là sự nhận thức (hay còn gọi là lương tâm). Đời chắt bạn sẽ chẳng biết bạn là ai, chẳng biết tên bạn, mặt bạn và đơn giản là không quan tâm. Còn nếu bạn để lại tư tưởng, hay sự nhận thức (thông qua viết sách chẳng hạn) thì nhiều người vẫn sẽ nhớ tới bạn dù chẳng có huyết thống - ngoại trừ "huyết thống vật chất". Đây là lý do con người không thể tồn tại mãi mãi, chỉ có tư tưởng và "câu chuyện (story)" là tồn tại mãi mãi.

Quá khứ và tương lai

Quá khứ chỉ là những ký ức trong não bộ. Vì quá khứ không còn tồn tại mà đã biến đổi thành hiện tại và quá khứ biến thành ký ức đã được lưu giữ thông qua những kết nối thần kinh trong não. Theo thời gian, cường độ các kết nối này giảm đi và ký ức bắt đầu trở nên mờ nhạt. Tôi còn chẳng nhớ người yêu đầu tiên xinh đẹp như thế nào cơ mà!

Sở dĩ có ký ức vì chúng ta đã tạo kết nối thần kinh cho nó. Ví dụ bạn gặp một phụ nữ xinh đẹp bạn nhớ mãi vì từ ấn tượng sẽ tạo ra các kết nối thần kinh lưu giữ hình ảnh đó, hình mặt, mũi, thân hình, dáng vẻ của người đó. Việc mơ tưởng về người đó sẽ tạo ra dopamin trong não, dẫn tới cảm giác dễ chịu hay giảm đi uẩn ức về mối tình đơn phương, tạo động lực để bạn tiến tới gần hơn. Đây là lĩnh vực thần kinh học và tâm lý học.

Ký ức (記憶) chỉ là các kết nối thần kinh

Cần chú ý là quá khứ không hề mất đi mà nằm trong chính con người bạn và bạn chỉ nhớ những biến cố "đáng kể" đã tạo ra con người bạn hôm nay. Bạn không bao giờ nhớ một anh Mark nhạt nhẽo, kể chuyện chán ngắt ở trên Saromalang, vì anh ấy chẳng tạo cho bạn bất kỳ ấn tượng gì, chỉ toàn nói chuyện tẻ nhạt, dông dài mãi.

Vì thế, chuyên tiếc nuối quá khứ, "cho tôi một vé về tuổi thơ" chỉ chứng tỏ hiện tại bạn không hạnh phúc (不幸せ) hay bạn là kẻ thất bại. Nói theo ngôn ngữ vũ trụ thì là sự thất bại trong nhận thức và tìm thấy bản ngã (tức là lương tâm của bản thân). Vì bạn chính là quá khứ mà! Việc cắt đứt quá khứ và hiện tại chứng tỏ bạn không dung hòa được mà đang trốn chạy, vì thế, tương lai trở nên bất định và bị xô đẩy theo dòng đời, hay bị thao túng bởi kẻ khác mà thôi.

Tức là, với các bạn đi du học chẳng hạn, thì quá khứ có tiếng nói quyết định: Bạn có học lực tốt không, có khả năng tự học hay không. Nói thẳng ra, nếu bạn đã học tốt trong nước thì đi du học mới thành công còn không thì bạn phải nỗ lực rất nhiều lần mà chưa chắc đã thành công. Học lực chính là quá khứ của bạn và có tiếng nói quyết định trong việc thành công của việc du học. Nói thẳng ra, nếu học tiếng Nhật trong nước mà chẳng hề đạt được thành tựu gì (đấy là nếu bạn có học - tức là bạn không đi theo chương trình học bổng) thì làm sao sang Nhật bạn có thể thích ứng?

Tương lai cũng chỉ là do não bộ tạo ra. Vì sao? Vì bạn không thể đi tới tương lai mà phải tuân theo sự vận động của vật chất, một giây nối tiếp một giây, một phút nối tiếp một phút. Bạn không thể "tua nhanh" được. Bạn chỉ có thể dùng hiện tại (hay bộ não hiện tại) mà "tưởng tượng" ra tương lai được thôi. Tương lai cũng chỉ là một dạng ảo ảnh do não tạo ra, nên hiếm khi thành hiện thực hay như người ta thường nói:

人生はなかなか思い通りにならない。
Jinsei wa nakakana omoidoori ni naranai.
Cuộc đời khó mà có thể theo đúng ý muốn của bản thân.

Các bạn muốn lấy một người xinh đẹp, muốn sống giàu có? Hãy tưởng tượng trong não vậy thôi. Cuộc đời sau này phải tới lúc đó mới tính. Nhưng chính sự tưởng tượng đó - nếu bạn đủ năng lực - trở thành ý chí, vì thế, phần lớn ước mơ thực sự đều trở thành hiện thực. Suy cho cùng, có gì sai nếu bạn nhất định lấy một người xinh đẹp để con mắt bạn được bảo trì tốt hơn hàng ngày, từ đó phát triển hệ thần kinh tốt hơn và dễ đạt được những khát vọng (fantasy) khác nữa?

Mà để tạo ra tương lai lại cần quá khứ. Bởi vì, tạo ra một ảo ảnh bạn cần rất nhiều thông số (parameter) thì mới có thể gần đúng thực tế, và để có các thông số bạn dựa vào dữ liệu quá khứ. Người có quá khứ tốt hơn sẽ dễ tạo tương lai đúng ý mình hơn. Điều này liên quan tới trải nghiệm. Phải có trải nghiệm thì mới có nhiều dữ liệu. Đây là lý do đi du học, vì du học thì học tập là một phần nhưng trải nghiệm là phần còn lại. Bạn nào đi du học chắc cũng nhận thấy, đôi khi trải nghiệm quan trong hơn cả học tập. Tôi khuyến khích bạn đi du học không phải thành kiểu mọt sách, mà là để trải nghiệm, nên sự nghiệp học tập của bạn chẳng ra sao tôi cũng chẳng suy nghĩ mấy mặc dù tôi mong rằng bạn có thể vô đại học quốc lập, vì trả ít tiền hơn thì bạn thường có thời gian trải nghiệm nhiều hơn mà thôi. Thật sự, học trường nào không quan trọng bằng bạn có trải nghiệm tốt hơn, mà trải nghiệm tốt lại cần có văn hóa tốt, thái độ tốt và cư xử có lễ nghĩa. Không phải vô nghĩa hay ngẫu nhiên mà tôi hay nói tới "lễ nghĩa, đạo lý" ở trên Saromalang. Nền tảng của nhận thức chính là lễ nghĩa, đạo lý. Ngay cả bài viết này, nếu bạn không có đầu óc tự do cũng không thể hấp thụ được và không thể trở thành trải nghiệm.

Những người có trải nghiệm tồi tệ thường khó thành công vì họ thường cố gắng chặt đứt, chối bỏ hay xóa bỏ quá khứ. Những người làm việc ác cũng vậy: Sau khi ăn cắp thì họ cũng thành doanh nhân thành đạt được trọng vọng như ai. Nhưng đời con hay cháu họ sẽ sập tiệm vì thật ra, họ đã chặt đứt quá khứ. Nói đơn giản, quá khứ sẽ theo bạn mãi. Nếu bạn làm sai, bạn cần sám hối và trả món nợ đã vay. Đây cũng là lý do bạn phải đi theo ánh sáng, chứ không đi theo bóng tối, theo "chính (正)" chứ không theo "tà (邪)" ngay từ đầu. Đừng bán linh hồn cho quỷ, vì khi mua lại sẽ rất đắt đỏ.

Thời gian du học

Thời gian du học là thời gian có ý nghĩa vì như tôi đã nói, đó là trải nghiệm và các biến cố. Nếu bạn không đi du học, bạn chỉ gặp người giống bạn, có quá khứ (background) giống bạn, trong môi trường bạn đã quen, chẳng có biến cố nào cả vì thế rất ít trải nghiệm. Đi du học thì giống như là bước sang thế giới mới, bạn phải khám phá và thích ứng từ đầu, có rất nhiều trải nghiệm, do đó mà thời gian trở nên có ý nghĩa. Tôi nghĩ, thời gian trải nghiệm này là bản lề cho việc hình thành nhân cách. Bạn phải gặp rất nhiều người mới với những tư tưởng, sở thích, lối sống khác nhau, tương tác trong đó, mới có thể tiến hóa thành con người mới được.

Mỗi trải nghiệm có được là bạn lại trôi qua thời gian có ý nghĩa. Có ý nghĩa không đơn giản là vui hay buồn, vì du học thì cũng như cuộc đời nói chung sẽ có vui và buồn, có ngày nắng và ngày mưa, có lúc tâm trạng lên cao (high) và lúc tâm trạng xuống thấp (low), không ai có thể vui mãi, hay buồn mãi (theo triết lý "chết là hết buồn" ^^). Đơn giản chỉ là:

有意義
ゆういぎ。 Yuuigi. Có ý nghĩa.

Đừng cố sốt ruột, nôn nóng (xem Thời gian tâm lý) trong cuộc đời, vì sự nôn nóng, sốt ruột thường bóp méo cuộc đời, bóp méo nhân sinh quan, giá trị quan của bạn. Nó có thể bóp méo cả nhân cách của bạn. Ví dụ, nếu bạn vì quá cô đơn - do trải nghiệm thơ ấu kém hay bị cha mẹ la mắng - mà cố lập gia đình sớm, bạn thường bị thao túng, hay nói đơn giản là bị "dắt mũi". Rất nhiều người bị dắt mũi như vậy, dẫn tới hành động không hợp lý, tức là bị bóp méo nhân cách. Theo tôi, con người có nhân cách sẽ sống ngẩng cao đầu và nói "Không" với những trò thao túng, ví dụ như thế này:

"Nói không với những shortcut thời gian"
Vì bạn cũng tự kiếm tiền để mua Calpis được chứ sao!

Người ta muốn thao túng bạn bằng tiền bạc, tình cảm, ... thông qua hình thức như hối lộ. Nhưng vì thời gian trôi đi và bạn có ý chí, nên bạn sẽ không đi đường tắt và sau đó phải trả giá đúng không nhỉ? Tại sao không đi chính đạo, đạt được những điều mình muốn, và vẫn ngẩng cao đầu, đúng như một chính nhân quân tử?

Good luck!
- Mark -

4 comments:

  1. cá là không có quá 10 người đọc hết bài này :))
    keke

    ReplyDelete
    Replies
    1. Phá vỡ ảo mộng của mọi người gây ra sự VỠ MỘNG ^o^

      Delete
  2. đã đọc hai lần và chưa hiểu được hết ý nhgia...
    chắc phải đọc thêm lần nữa

    ReplyDelete